Bài viết dưới đây sẽ đưa ra một cái nhìn khái quát nhất về dinh dưỡng trong thai kỳ để giúp bạn ghi nhớ dễ dàng hơn.
1. Cung cấp cho cơ thể đủ lương Acid Folic
Trước khi có thai, cơ thể bạn cần khoảng 400mg acid folic mỗi ngày. Trong 3 tháng đầu tiên của thai kỳ, việc cung cấp đủ lượng acid folic cần thiết sẽ giúp làm giảm các khuyết tật ống thần kinh của thai nhi từ 50% - 70%; bởi vậy bạn nên tăng lượng acid folic cho cơ thể trong khoảng thời gian này lên đến 600mg/ngày bằng cách uống viên thực phẩm chức năng hoặc ít nhất cần tăng cường các loại thức ăn giàu acid folic như các loại đậu hạt, các loại rau có lá xanh thẫm, gan và trái cây họ cam, chanh.
Ảnh minh họa
2. Nên ăn nhiều cá
Cung cấp đủ lượng DHA cần thiết có lẽ là một trong những điều quan trọng nhất bạn cần làm để tăng cường sức khỏe của chính mình và đảm bảo em bé trong bụng được khỏe mạnh. DHA có tác dụng lớn đối với sự phát triển não bộ của bé, giúp bé sinh ra có thị lực tốt hơn, bộ nhớ và khả năng ngôn ngữ phát triển hơn. Bạn cần ăn ít nhất khoảng 300g cá mỗi tuần hoặc nếu không thích cá bạn có thể uống bổ sung viên dầu cá thay thế.
3. Tránh các chất có cồn
Các vấn đề về rối loạn hành vi, rối loạn khả năng tập trung, hiếu động thái quá ở trẻ em có thể là kết quả của việc khi mang thai người mẹ đã sử dụng các chất có cồn như rượu, bia, cocktail… Bạn cần nhớ tuyệt đối tránh các chất này nếu muốn sinh ra một em bé hoàn toàn khỏe mạnh về cả thể chất lẫn tinh thần nhé!
4. Không để cơ thể thiếu sắt
Khi mang thai, cơ thể bạn cần gấp đôi lượng sắt so với người bình thường để hỗ trợ tăng 50% về lưu lượng máu và thúc đẩy lưu trữ sắt ở thai nhi. Ngoài ra, sắt cũng giúp vận chuyển oxy trong cơ thể, và em bé dĩ nhiên được hưởng lợi từ việc người mẹ được cung cấp đủ sắt. Để giúp việc chuyển hóa sắt trong cơ thể tốt hơn, hãy kết hợp các thực phẩm giàu chất sắt (thịt bò, lòng đỏ trứng, gan…) với các loại thực phẩm giàu Vitamin C như trái cây họ cam chanh chẳng hạn.
5. Ngăn chặn vi khuẩn
Để bảo vệ em bé của bạn khỏi các vi khuẩn có hại như Salmonella, Listeria và E.Coli (các loại vi khuẩn này nếu bị nhiễm nặng có thể gây sẩy thai hoặc sinh non), bạn cần tuyệt đối tránh không sử dụng các loại sữa chưa được tiệt trùng cũng như thịt, cá, trứng sống hoặc tái. Luôn giữ tủ lạnh ở mức dưới 5 độ C và không dùng đồ ăn thừa đã để ngoài không khí quá 3 tiếng.
6. Hạn chế lượng caffeine
Đã từ lâu người ta cho rằng lượng caffeine ở mức độ khoảng 300mg mỗi ngày (tương đương 2 tách café) là an toàn đối với các bà bầu, tuy nhiên bạn nên giảm tối đa lượng caffeine đưa vào cơ thể, nhất là trong thời kỳ đầu mới mang thai bởi chất này làm tăng nguy cơ sẩy thai.
7. Bổ sung Canxi
Từ tháng thứ 4 của thai kỳ trở đi, bạn cần tối thiểu 1,000mg canxi mỗi ngày để giúp em bé phát triển răng và xương. Nếu không có đủ lượng canxi cần thiết, thai nhi sẽ phải dùng đến lượng canxi lấy từ chính xương của bạn – làm tăng nguy cơ bạn bị loãng xương sau này.
8. Ăn thật nhiều rau
Nhiều bà bầu phàn nàn rằng họ bị táo bón và thậm chí bị trĩ khi mang thai, chính vì vậy một chế độ ăn nhiều trái cây, rau và ngũ cốc nguyên hạt sẽ giúp bạn tiêu hóa tốt hơn; không chỉ vậy chúng còn cung cấp nhiều vitamin và khoáng chất thiết yếu cho sự phát triển của bé và làm bạn cảm thấy no đủ; nhờ thế giảm việc ăn các đồ ăn vặt khác như snack, khoai tây chiên… - những thứ bị cho là ít dinh dưỡng và dễ gây béo phì.