6 cơ quan giám sát ông Trần Văn Truyền nhưng vẫn lọt
Thứ hai, 24/11/2014 09:56

Qua vụ ông Truyền thấy rằng có trách nhiệm của Ban thường vụ tỉnh ủy Bến Tre, TP HCM, mà cụ thể là bệnh “có đi có lại”, tạo đất tham nhũng cho những người có quyền lực.

6 cơ quan giám sát ông Trần Văn Truyền nhưng vẫn lọt

6 cơ quan giám sát ông Trần Văn Truyền nhưng vẫn lọt

Ông Trần Văn Truyền từng giữ các chức vụ đầy quyền lực: Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre, Phó Chủ nhiệm Uỷ Ban kiểm tra T.Ư, Tổng Thanh tra Chính phủ. Lợi dụng quyền lực của mình, ông Truyền đã mưu lợi cho cá nhân. Trong suốt thời gian đó, ông Truyền nằm dưới sự giám sát của 6 cơ quan thuộc Đảng, Chính phủ và Quốc hội, song sai phạm của ông Truyền chỉ được phát hiện từ người dân và báo chí. Từ vụ ông Truyền cho thấy lỗ hổng trong việc giám sát cán bộ cao cấp có quyền lực.

Cần một cuộc rà soát tài sản của cán bộ có quyền lực

Đó là ý kiến của ông Vũ Quốc Hùng - nguyên Ủy viên T.Ư Đảng, nguyên Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Kiểm tra T.Ư - người từng làm việc với ông Trần Văn Truyền khi đó ông Truyền giữ chức Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kiểm tra T.Ư. Ông Vũ Quốc Hùng nói: Đây là việc tôi thấy đau xót đối với một cán bộ cao cấp có quyền lực. Tôi cho rằng, bây giờ mình không nên đưa ra bàn luận nhiều về con người này nữa, mà cần phải rút ra bài học cho Đảng. Từ việc này tôi đề nghị Đảng phải rút ra bài học và cần phải thực hiện theo Nghị quyết T.Ư 4, rà soát lại hết các đồng chí đảng viên, làm thế nào để không còn có những đồng chí đảng viên đương chức sai phạm và cả những đảng viên đã về hưu.

Phải xem xét kiểm tra, giám sát đảng viên, đặc biệt các đảng viên cao cấp, mọi lúc mọi nơi, tránh để xảy ra tình trạng sai phạm lâu rồi sau này mới phát hiện. Tiếp đó, thường xuyên kiểm tra giám sát các đảng viên đã về hưu chứ không phải về hưu là không giám sát nữa.

Còn bao nhiêu người như ông Truyền?

Qua vụ ông Trần Văn Truyền thấy rằng có trách nhiệm của Ban thường vụ tỉnh ủy Bến Tre và TP HCM, mà cụ thể là bệnh nể nang “có đi có lại”, tạo đất tham nhũng cho những người có quyền lực. Có thể thấy nhiều bài học từ đây, như bài học về giám sát cán bộ, bài học về việc cấp dưới nể nang cấp trên, bài học việc kê khai tài sản vẫn quá hình thức, không tác dụng. Cần phải làm thế nào để việc giám sát phải phát hiện ngay từ khi họ mới vi phạm, không để đến mức nghiêm trọng mới phát hiện ra, làm mất uy tín của đảng, dân mất niềm tin vào đảng. 

Mất niềm tin là mất hết - ông Vũ Quốc Hùng chia sẻ. “Có người vỗ vai tôi nói ông Truyền chưa là cái gì, nhiều đại biểu Quốc hội cũng nói họ lo ngại liệu còn bao nhiêu người như ông Truyền. Theo tôi cần rà soát tài sản của các cán bộ cao cấp có quyền lực”- ông Hùng thẳng thắn nói.

Còn ông Lê Văn Cuông - nguyên Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa khóa 12 - cho rằng, tại sao nhiều cơ quan có liên quan lại vi phạm như thế. Ví như Ban Thường vụ tỉnh Bến Tre, UBND tỉnh Bến Tre, và UBND TP HCM, qua thông báo thấy đều vi phạm cả. Qua đó, tạo cho dư luận những vấn đề lớn về cách thức làm việc của những cơ quan nhà nước và là những cơ quan quan trọng như UBND tỉnh, UBND TPHCM lại vi phạm và xử lý như thế. Đối với cán bộ cao cấp còn bị lộ như thế, thì biết bao nhiêu người chưa bị lộ?

”Nếu ăn cắp nhiều sẽ bị xử lý hình sự”

Trung tướng Nguyễn Quốc Thước, nguyên Ủy viên T.Ư đảng, nguyên Tư lệnh quân khu 4 cho rằng, nếu ăn cắp quá nhiều tài sản của nhà nước thì phải xem xét xử lý hình sự. Ông Thước nói, thời kỳ kháng chiến chống Pháp, Bác Hồ đã phải thức trắng 2 đêm để xử tử đại tá Trần Dụ Châu vì đã “ăn cắp” 2 tấn gạo. 

Chính việc xử lý nghiêm của Bác Hồ đã đem lại sự thành công cho cuộc kháng chiến. Quan điểm của tôi là phải xử lý nghiêm, đặc biệt ông Truyền là lãnh đạo đứng đầu cơ quan Thanh tra Chính phủ, duy trì kỷ cương của đất nước mà còn vi phạm là không thể chấp nhận được. Theo tinh thần Nghị quyết T.Ư 4, những cán bộ cấp càng cao mà vi phạm thì phải xử lý nặng hơn để làm gương.

Qua vụ ông Trần Văn Truyền, đề nghị xử lý trách nhiệm của Ban thường vụ tỉnh Bến Tre và Ban thường vụ TP.HCM. Nhưng cơ quan liên quan đến vấn đề này đều phải chịu trách nhiệm, những cơ quan quản lý cấp trên về Đảng, Chính quyền cũng phải kiểm điểm rành mạch để cho cơ quan trong sạch hơn, bớt những người “ăn cắp” của nhà nước.

Về việc này, ông Vũ Quốc Hùng nói: Đây mới là kết luận của Ủy ban kiểm tra T.Ư, còn xử lý như thế nào thì theo trình tự, quy trình của đảng và nhà nước, việc xử lý cần nghiêm khắc, đúng người, đúng sai phạm và phải làm đến cùng, để tạo niềm tin cho nhân dân, qua đó cũng nhắc nhở ai nếu có sai phạm thì sớm có điều chỉnh sửa chữa.

Để công cụ kê khai tài sản phát huy tác dụng

Ông Vũ Quốc Hùng cho rằng, ông Truyền là Tổng thanh tra Chính phủ, là thành viên Chính phủ nên việc giám sát ông Truyền là Chính phủ. Về mặt đảng, ông Truyền thuộc diện Ban bí thư quản lý nên do Ủy ban kiểm tra T.Ư quản lý. Nên khi Ủy ban có kết luận thì yêu cầu ban cán sự đảng của Chính phủ có ý kiến. Hiện giờ, ông Truyền đã về hưu thì giao cho địa phương làm, Thường vụ Tỉnh ủy Bến Tre làm. Chưa nói, ông Truyền được bổ nhiệm của Quốc hội nên Quốc hội phải giám sát. Từ vụ việc ông Truyền đã nảy sinh ra vấn đề giám sát cán bộ cao cấp có quyền lực chưa hiệu quả.

Cá nhân ông Truyền có rất nhiều cơ quan giám sát, cụ thể gồm: Ủy ban kiểm tra T.Ư; Ban Tổ chức T.Ư; Quốc hội; Chính phủ; chi bộ - đảng ủy của Thanh tra Chính phủ; Ban cán sự đảng của Thanh tra Chính phủ. Mặc dù, 6 cơ quan giám sát ông Truyền những vẫn không phát hiện ra sai phạm của ông Truyền, vụ việc bị phanh phui là do báo chí và người dân. Đây là lỗ hổng lớn trong vấn đề giám sát cán bộ cao cấp có quyền lực. Bên cạnh đó, vấn đề ở đây là vai trò của chi bộ đảng trong việc giám sát đảng viên còn quá mờ nhạt

Ông Phạm Trường Dân - ĐBQH Quảng Nam - nói: Theo tôi việc kê khai tài sản phải thực hiện khi cán bộ đang đương chức. Còn sau khi về hưu vẫn tiếp tục theo dõi. Khi về hưu phải có trách nhiệm kê khai tài sản với cơ sở Đảng ở địa phương nơi sinh hoạt. Đảng viên phải kê khai tài sản. Đảng viên sinh hoạt ở dưới chi bộ cơ sở, thì kê khai tài sản cũng là bình thường. Khi thấy có dư luận không tốt về khối tài sản của cán bộ quá lớn, cấp trên có quyền kiểm tra.

Ông Vũ Quốc Hùng: “Tôi nhận thiếu sót khi giới thiệu anh Truyền”

Khi tôi đang làm Phó chủ nhiệm thường trực Ủy ban kiểm tra T.Ư (UBKTTƯ), tôi có trách nhiệm là cùng với UBKTTƯ đề xuất, giới thiệu chuẩn bị lực lượng nhân sự cho ban lãnh đạo UBKTTƯ, thời điểm này diễn ra sau Đại hội Đảng toàn Quốc lần thứ IX.

Sau đó, tôi được anh em giới thiệu ông Trần Văn Truyền khi đó là Ủy viên Trung ương Đảng khóa IX, vừa được bầu làm Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre, lại trẻ tuổi và thấy đồng chí có khả năng làm cán bộ của UBKTTƯ. Đáng nhẽ ra, để ông Truyền vào đội ngũ “Bao Công” này tôi phải xem xét, kiểm tra ông Truyền, tuy nhiên do cả tin vào 2 vòng kiểm tra trước đó. Vòng thứ nhất - vòng tuyển chọn ở tỉnh làm Bí thư Tỉnh ủy, vòng thứ hai - vòng kiểm tra của T.Ư để vào Ủy viên T.Ư đảng. Và ông Truyền cũng có thành tích trong chiến đấu, thời kỳ kháng chiến chống Mỹ. Đó là những yếu tố để tôi có thể giới thiệu ông Truyền cho Ban Bí thư bầu làm Phó Chủ nhiệm UBKTTƯ.

12 căn nhà công vụ thu hồi, có 1 căn của ông Truyền

Ngày 23.11, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cho biết, bất chấp việc Bộ Xây dựng ráo riết có công văn yêu cầu thu hồi 20 căn nhà công vụ Hoàng Cầu (Đống Đa, Hà Nội) do sử dụng sai mục đích, trên tổng số 80 căn được giao trách nhiệm quản lý (trong đó, vẫn có những căn người ở còn tiêu chuẩn sử dụng), thì đến nay mới thu hồi được 12 căn (của những người không còn đủ tiêu chuẩn, buộc phải trả lại nhà và trong đó có 1 căn của ông Trần Văn Truyền trả lại vào tháng 5.2014). Theo ông Nam, cái yếu của nhà công vụ thời gian qua là quản lý, thực thi chứ không phải yếu về mặt pháp luật, cơ chế... SONG MINH

Ông Kim Quốc Hoa - TBT Báo Người Cao Tuổi: Những sai phạm khác của ông Truyền cần được làm rõ

Dư luận cho rằng còn những sai phạm khác của ông Truyền mà báo chí, người dân phát hiện thời gian qua về công tác bổ nhiệm cán bộ cần được các cơ quan chức trách tiếp tục làm rõ. Theo đó, ông Truyền đã ký bổ nhiệm 69 chức danh cán bộ, nhiều cán bộ bổ nhiệm không có trong quy hoạch; không đủ tiêu chuẩn… Theo Điều 15, NĐ 178/2007, số lượng cấp phó của các tổ chức thuộc bộ không quá 3 người. Tuy nhiên, ông Truyền bổ nhiệm hàng loạt hàm vụ trưởng, vụ phó và tương đương, nhiều cục, vụ của Thanh tra Chính phủ có số lãnh đạo ở vị trí này nhiều hơn quy định.

Laodong.com.vn

Clip đang được xem nhiều nhất: Võ Hoàng Yến vỡ òa xúc động khi biết tin được làm mẹ, tiết lộ từng tránh mặt 'nửa kia' vì lý do tuổi tác

Tag: ong tran van truyen , thanh tra chinh phu , tong thanh tra chinh phu , tham o , lay dat , tin , bao