24 giờ cuối cùng của tử tù: Người muốn ra đi trong xinh đẹp, kẻ ao ước được ăn bát canh cá
Thứ hai, 27/06/2022 21:48

Không thể phủ nhận, tử tù mang tội ác tày trời, không thể dung tha. Nhưng tiếng nói của họ vẫn có giá trị và cần được lắng nghe.

Không lâu trước đây, đoạn clip mang tên “100 giây cùng bạn tìm hiểu một ngày của tội phạm trong tù” thu hút sự chú ý của đông đảo cư dân mạng Trung Quốc.

Người viết di thư cho tử tù:

Trong đoạn clip, các tù nhân thức dậy rời giường lúc sáng sớm, gấp gọn chăn đệm, xếp hàng rửa mặt, ăn sáng, đến phòng giáo dục cải tạo, tập huấn… Mỗi một việc đều được quy định thời gian nghiêm ngặt, sắp xếp trật tự rõ ràng.

Cùng một kiểu đồ tù, đầu trọc giống nhau, tác phong chỉnh tề. Chăn mền được gấp thành khối vuông như miếng đậu hũ mới ra khuôn. Làm việc gì cũng phải xếp hàng ngay ngắn. Tù nhân còn phải học kiến thức về pháp luật…

Người viết di thư cho tử tù:

Người viết di thư cho tử tù:

“Tử hình”, tội danh này đi đến đâu cũng bị người đời phỉ nhổ. Kể từ khoảnh khắc gây án, họ đã trở thành ác ma bị xã hội ruồng bỏ và căm thù.

Nhưng trước lúc hành hình, đa số những tội nhân này đều trở về với thân phận ban đầu của họ. Đó chính là phần người - một người biết hỷ nộ ái ố, che đậy biết bao tâm sự cùng nguyện vọng chưa hoàn thành.

Bạn có thể không biết, tội phạm tử hình trước lúc chết đều không thể tự viết di thư cho chính mình. Vì nếu được cầm bút, họ có thể sử dụng ngòi nhọn để tự sát hoặc làm ra những chuyện bạn không thể ngờ được. Do đó, cần phải có người phụ trách viết hộ di thư cho họ.

Hoan Cảnh Thính chính là một người viết di thư cho tử tù.

Trong bát canh cá chua cay có mùi vị của "sự sống"

Người viết di thư cho tử tù:

Hoan Cảnh Thính.

Người viết di thư cho tử tù:

“Trời đã hừng đông, cũng có nghĩa đã đến lúc họ bị giải đi tử hình”.

“Người đàn ông cao to, lực lưỡng như vậy, thế mà mấy tiếng sau đã không còn sống trên cõi đời. Chỉ để lại trên thế giới này bóng lưng cuối cùng”, Hoan Cảnh Thính ngậm ngùi.

Hoan Cảnh Thính là người Trùng Khánh, phải ngồi tù 2 năm vì chiếm đoạt tài sản công ty vào năm 1996 (thời điểm này ông 31 tuổi). Vốn có trình độ văn hóa cao, ông được ban quản lý tù giao cho một nhiệm vụ đặc biệt. Đó là viết di thư hộ tử tù.

Nhờ vậy, Hoan Cảnh Thính đã chiêm nghiệm câu chuyện của 138 người tử tù. Đến tận bây giờ, ông vẫn nhớ như in cảnh tượng lần đầu tiên đối diện với kẻ đã từng xuống tay giết người.

Trong phòng giam tối tăm, lạnh lẽo, mặc dù tử tù đã bị xích chân, còng tay, nhưng Hoan Cảnh Thính vẫn sợ hãi đến mức mồ hôi ra như tắm. Ông cầm tờ giấy đặt lên tấm chăn gấp vuông, hai tay không ngừng run run, đầu bút nhọn đâm thủng mấy trang giấy liền.

Tiếng tích tắc đồng hồ vang lên như âm thanh thần chết đến lấy mạng người.

Tên tử tù đột nhiên lên tiếng: “Ông anh, anh sợ cái gì? Người ngày mai phải chết là tôi, không phải anh”.

Người viết di thư cho tử tù:

Tù nhân này là chàng thanh niên tên Ngải Cường, 21 tuổi. Trong tiềm thức của Hoan Cảnh Thính, ông cho rằng tử tù là những kẻ hung thần ác sát, mặt mày dữ tợn. Nhưng cậu thanh niên trước mặt ông lại trắng trẻo, sáng láng, đẹp trai, cao tận 1m89. Chàng trai luôn biết phụ giúp gia đình, thường xin mẹ vài đồng bạc lẻ để mua bánh kẹo, vậy mà đã phạm tội giết người vào năm 19 tuổi.

Tối hôm đó, Ngải Cường ra ngoài mua táo giúp mẹ thì bị một cô gái “làng chơi” cản đường vì nghĩ cậu là đại gia giàu có. Cô ta đã ngang ngược buông lời sỉ nhục Ngải Cường và mẹ của cậu, rồi quay người đi mất.

Hậm hực trong lòng, Ngải Cường vô tình nhìn thấy một người đàn ông trung niên trông có vẻ rất thành đạt. Nghĩ lại những lời cô gái làng chơi, cậu đã rút con dao trong túi, đâm 4 nhát khiến người đàn ông chết tại chỗ.

Phút bốc đồng tuổi trẻ đã khiến Ngải Cường phải chịu hậu quả xứng đáng. Trong di thư để lại cho mẹ, cậu đã nói:

“Mẹ à! Đứa con trai thật thà, ngoan ngoãn của mẹ đã làm chuyện tày trời. Không chỉ hại chết người vô tội, mà còn khiến một gia đình phải chịu nhiều đau đớn và mất mát. Còn mười mấy tiếng nữa, con phải từ giã cõi đời rồi. Hy vọng ở kiếp sau, con vẫn là con trai của mẹ. Vĩnh biệt!”.

Viết di thư trong, Ngải Cường đưa ra một yêu cầu: Muốn ăn canh cá chua cay!

Người viết di thư cho tử tù:

Theo quy định, tử tù sẽ được hoàn thành tâm nguyện cuối cùng (ngoài các hành vi vi phạm quy định như uống rượu bia…).

Hoan Cảnh Thính chứng kiến giọt nước mắt của Ngải Cường rơi xuống bát canh cá, âm thầm và lặng lẽ.

Để lại di thư, Ngải Cường không khóc. Nhắc đến mẹ, chàng trai càng không rơi nước mắt. Duy chỉ khi ăn bát canh cá chua cay cuối cùng, nước mắt của cậu thanh niên đã lăn dài trên má.

Đó là mùi vị của sự sống, nhưng cậu không có cơ hội được nếm thêm một lần nào nữa.

Trong ký ức của Hoan Cảnh Thính, Ngải Cường luôn tìm cách nói chuyện, rất sợ cuộc hội thoại kết thúc.

“Cậu ta nói với tôi, cậu chưa kịp cưới vợ, cũng chưa nếm được mùi vị của tình yêu. Cậu nghĩ rằng loại người như mình dù xuống địa ngục cũng bị hành hạ đau đớn. Cậu ta còn rất nhiều điều nuối tiếc. Cậu chưa muốn chết!”, Hoan Cảnh Thính nhớ lại.

"Cô ấy muốn ra đi trong xinh đẹp"

Người viết di thư cho tử tù:

Tù nhân trong lao cũng có muôn hình vạn trạng. Có người bị mất ngủ, có người trở thành kẻ nói nhiều… nhưng đều có chung một thói quen. Đó là nhìn ra ngoài chiếc cửa sổ với hàng song sắt thẳng đứng. Vì khi bầu trời ngoài kia sáng lên, cũng là lúc họ bị giải đi tử hình.

Sương sớm dần tan, sự tuyệt vọng trong lòng của những người tử tù dâng lên mãnh liệt.

6h30, sau khi ăn sáng và thay đồ xong, có người sợ đến mức tiểu tiện và đại tiện ra cả quần, có người nằm mềm oặt trên sàn, người thì giả vờ sợ chết…

Còn có không ít người động viên lẫn nhau, thể hiện hào khí ngất trời, cho rằng cái chết chính là về với đất mẹ.

Duy chỉ có một nữ tử tù khác hoàn toàn với số còn lại. Cô ấy tên Dịch Tiểu Mai, miệng lúc nào cũng ngân nga một bài hát thịnh hành ở quê hương Vân Nam.

Người viết di thư cho tử tù:

“Khi tôi viết di thư, cô ấy chỉ hát mỗi một bài. Di thư của cô chính là lời bài hát đó”, Hoan Cảnh Thính cho rằng cô gái nhớ nhung đến mối tình khó quên trước kia.

“Trái tim thiếu nữ, mây trời thu,

Có mấy buổi đêm buồn đau triền miên,

Có mấy buổi hừng đông đong đầy vui vẻ…”.

Hoan Cảnh Thính đưa di thư cho Tiểu Mai xem, hỏi cô còn bổ sung điều gì nữa không? Tiểu Mai không trả lời. Cô tiếp tục ngân nga bài hát như cũ.

Hát, rồi lại hát. Nước mắt chợt lăn dài trên má. Từng giọt rơi xuống trang giấy làm nhòe đi dòng chữ viết tay.

Hoan Cảnh Thính chuẩn bị viết lại cho cô tờ khác. Nhưng Tiểu Mai lại xé đôi bức di thư. Cô dường như không còn gì luyến tiếc với cuộc đời này.

Trời đã sáng. Sau bữa cơm nhẹ, Tiểu Mai đột nhiên muốn trang điểm. Cô nói mình muốn ra đi trong xinh đẹp.

Kẻ đôi chân mày, tô vài đường son môi. Tiểu Mai vẫn hát bản nhạc đó. Cho đến khi cảnh sát giải cô lên xe, tiếng ngân nga dần nhạt nhòa, mất hút nơi xa.

"Kiếp sau nguyện làm con kiến"

Người viết di thư cho tử tù:

Khi Hoan Cảnh Thính viết di thư cho Trương Khải, anh ta nhìn chằm chằm những con kiến dưới dép và nói: “Anh xem thú vị chưa này! Tôi đợi nguyên cả buổi sáng mà chúng nó còn chưa bò ra khỏi dép của tôi nữa”.

Hoan Cảnh Thính không hiểu: “Anh chưa thấy kiến bao giờ sao?”.

Trương Khải cúi đầu nhìn những con kiến: “Tôi chưa bao giờ phát hiện những thứ nhỏ bé lại dễ thương đến vậy! Chúng không biết rằng chỉ cần tôi xỏ chân vào thì chúng đều chết hết… Tôi đợi chúng bò ra rồi mới cho chân vào”.

Hoan Cảnh Thính không dám tin rằng kẻ sát nhân giết người không gớm tay này lại biết trân quý sinh mạng của con kiến nhỏ bé trong những giây phút cuối đời như vậy.

Hoan Cảnh Thính ngồi chờ anh ta hơn 1 tiếng đồng hồ. Cho đến khi kiến bò ra khỏi dép hết, Trương Khải mới hài lòng xỏ chân vào: “Chúng trở về nhà hết rồi”.

Trương Khải rất biết ơn khi Hoan Cảnh Thính chịu ngồi đợi mình lâu đến như vậy. Trương Khải nói: “Ít nhất trong mấy tiếng cuối cùng, tôi đã làm một người tốt”.

Trương Khải để lại một câu trong di thư cho bố mẹ: “Con trai bất hiếu. Kiếp sau nguyện làm con kiến để không làm tổn thương bất kỳ ai. Con trai Trương Khải tuyệt bút”.

Người viết di thư cho tử tù:

Trong lòng Hoan Cảnh Thính dâng lên cảm giác ngậm ngùi, chua chát. Buổi tối cuối cùng của tử tù là khoảng thời gian ngắn ngủi để họ gửi gắm toàn bộ những gì còn sót lại của mình trong cuộc đời.

“Tôi tin rằng vào lúc này, những gì họ nói đều là sự thật”. Đây là lần đầu tiên Hoan Cảnh Thính cảm nhận sâu sắc nhất thế nào là ranh giới giữa sống và chết. Mỗi lần viết di thư trở về, trong đầu Hoan Cảnh Thính lúc nào cũng hiện lên gương mặt và văng vẳng câu từ của những người tử tù.

Không thể phủ nhận, tử tù mang tội ác tày trời, không thể dung tha. Nhưng tiếng nói của họ vẫn có giá trị và cần được lắng nghe.

"Không dám vượt quá giới hạn một lần nào nữa"

Người viết di thư cho tử tù:

Trong thời gian ngồi tù, Hoan Cảnh Thính đã viết 138 bức di thư. Sau khi ra tù, Hoan Cảnh Thính đã viết lại chiêm nghiệm của mình vào cuốn sách “Hồ sơ tử tù” (tạm dịch).

Ông đã kể lại đêm cuối cùng của cuộc đời những người tử tù, cùng với phần yếu đuối nhất của họ một cách chân thật nhất. 24 giờ cuối cùng, họ đã nói ra chân tướng khiến bạn không thể nào tin được!

Trước khi phạm tội, những kẻ tử tù này đều giống bạn, chỉ là con người bình thường. Nhưng sau khoảnh khắc mất kiểm soát, họ phải trả giá đắt cho tội lỗi của mình.

Trải nghiệm viết di thư hộ trong tù đã khiến Hoan Cảnh Thính thay đổi hoàn toàn. Hoan Cảnh Thính không còn dám vượt quá giới hạn một lần nào nữa, không muốn bản thân phải đợi đến lúc cận kề cái chết rồi mới hối hận.

Ttvn.toquoc.vn

Nguồn: http://ttvn.toquoc.vn/24-gio-cuoi-cung-cua-tu-tu-nguoi-muon-ra-di-trong-xinh-dep-ke-ao-uoc-duoc-an-b.. Nguồn: http://ttvn.toquoc.vn/24-gio-cuoi-cung-cua-tu-tu-nguoi-muon-ra-di-trong-xinh-dep-ke-ao-uoc-duoc-an-bat-canh-ca-22202223523211620.htm

Clip đang được xem nhiều nhất: Thêm clip bạo hành trẻ em gây phẫn nộ: Cha đẻ đánh đập dã man, tung chân đạp con gái nhỏ bay xa 2 mét!

Tag: 24 giờ cuối cùng của tử tù , Trung Quốc