Phần lớn những "thầy lang" tự xưng này đều không được cấp phép hành nghề vì chưa có cơ quan chức năng nào thẩm định hiệu quả khám chữa bệnh (KCB), cũng như kiểm chứng khả năng chữa bệnh của họ.
|
Lang băm "đưa" bệnh nhân gặp thần "chết"
Ngày 2/6/2008, CA phường Xương Huân, TP. Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa đã lập biên bản, giao hai đối tượng Đồng Thị Ngọc, SN 1965, trú tại xã Phước Đồng, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận và Quảng Thị Dưng, SN 1970, trú tại xã Hoài Trung, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận cho Đội CSĐT tội phạm về TTXH, CA TP. Nha Trang làm rõ để xử lý về hành vi hành nghề trái phép gây hậu quả chết người. Qua xác minh, CA phường Xương Huân xác định: Từ 16/5/2008, cháu Ngô Thị Ngọc Trang, SN 1993, trú tại phường Xương Huân có biểu hiện bệnh tâm thần. Ngày 24/5 và 2/6, chị Ngô Thị Mỹ Hòa (mẹ đẻ cháu Trang) đưa hai người mặc quần áo dân tộc là Ngọc và Dưng về nhà chữa bệnh cho con. Tại nhà bệnh nhân, Ngọc và Dưng chữa bệnh bằng hình thức cúng bái, dùng dao khía vào chân, tay cháu Trang và yêu cầu gia đình không cho cháu Trang ăn mà chỉ cho uống nước. Đến 13h20 ngày 2/6, cháu Trang bị kiệt sức nên gia đình đã đưa cháu vào bệnh viện tỉnh cấp cứu. Tuy nhiên, đến 13h30 cùng ngày, cháu Trang tử vong.
Một trường hợp khác, ngày 21/7/2008, CA huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh đã tống đạt quyết định khởi tố vụ án, khám nhà riêng, bắt tạm giam Nguyễn Đình Lợi, SN 1957, trú tại xóm Đàm Sơn, xã Sơn Phú, huyện Hương Sơn về tội "làm trái quy định khám chữa bệnh và cấp thuốc, gây chết người". Dù chưa học qua một lớp đào tạo nào về ngành y nhưng ông Lợi đã tự phong mình là "thầy thuốc", "bác sĩ", nhận chữa bệnh cho nhiều người và xem bói, giải hạn... tại nhà riêng. Lúc 8h30 ngày 16/7/2008, bà Phan Thị Bình, SN 1963, trú tại thị trấn Phố Châu, huyện Hương Sơn, đến nhà ông Lợi chữa bệnh và được tiêm một lọ Solumedrol. Sau đó, bà Bình tử vong.
Trước đó, tháng 5/2005, CA huyện An Minh, tỉnh Kiên Giang đã bắt giam khẩn cấp lang băm Lương Minh Dư, SN 1988, trú tại ấp 15, xã Đông Hưng B, huyện An Minh về tội "giết người". Nạn nhân của Dư là bệnh nhân Trần Thị Kiều, SN 1978, ngụ cùng ấp đã chết ngay trên giường vì chị Kiều không làm theo cách trị bệnh của "thầy" Dư, nên bị "lang băm" này dùng khăn trói lại, vết trói ở cổ quá chặt đã khiến chị tắt thở.
Chữa bệnh bằng cách "đạp" lên người bệnh nhân của"thần y" Phạm Thị Phú, ở Phố Cò, thị xã Sông Công, tỉnh Thái Nguyên.
Lang băm khó dẹp?
Hiện nay chưa có con số thống kê đầy đủ về số lượng lang vườn đang hoạt động, nhưng một điều phải thừa nhận rằng, hầu hết các tỉnh, thành trong cả nước đều xuất hiện những người tự xưng là "thầy lang", thậm chí có người còn xưng mình là… "thần lang" rồi hành nghề khám chữa bệnh (KCB) trái phép tại nhà.
Phần lớn những "thầy lang" tự xưng này đều không được cấp phép hành nghề vì chưa có cơ quan chức năng nào thẩm định hiệu quả KCB, cũng như kiểm chứng khả năng chữa bệnh của họ. Sự tồn tại của những cơ sở KCB này chủ yếu là do sự quảng bá "truyền miệng" của người dân. Khi bị mắc bệnh, đi KCB ở các cơ sở y tế nhưng chậm chuyển biến thường là nguyên nhân đưa người bệnh tìm đến các ông (bà) "lang vườn". Mặt khác, một số căn bệnh như vô sinh, ung thư, lựa chọn giới tính... dễ khiến người dân tìm đến các cơ sở KCB của lang băm. Vì những căn bệnh này thường là đến bệnh viện cũng ít mang lại hiệu quả thiết thực, y học hiện đại chưa tìm ra được liều thuốc hữu hiệu để "cam kết" với bệnh nhân. Do đó, không ít người đã phó thác niềm tin vào những lang băm, với hy vọng có phép màu nào đó mang lại niềm vui cho mình.
Một điểm chung của các "thầy lang" là khi tiếp xúc với bệnh nhân, ai cũng thao thao bất tuyệt rằng: "Tôi hành nghề là để làm phúc cứu người chứ có bịp bợm gì đâu". Bên cạnh đó là những ví dụ về hàng trăm người bệnh được chữa khỏi, trong đó có nhiều trường hợp bệnh viện đã trả về.
Với "sức mạnh" của sự đồn thổi, tiếng tăm của nhiều "thầy lang" đã trở nên nổi như cồn và vang xa đến cả một số tỉnh, thành lân cận. Trong quá trình tác nghiệp của PV với cơ quan chức năng và chính quyền địa phương, hầu hết đều nhận được câu trả lời: "Biết là ông (bà) lang này hành nghề trái phép, KCB không có cơ sở khoa học, UBND xã đã gọi lên để nhắc nhở và yêu cầu dừng hoạt động KCB nhưng dường như "khó dẹp". Bởi chính quyền địa phương đình chỉ nhưng người dân cứ tin vào lời đồn đại rồi kéo nhau đến chữa bệnh thì chúng tôi không thể lúc nào cũng túc trực để ngăn cản họ được"(?). Có vị cán bộ địa phương còn thản nhiên trả lời: "UBND xã có biết việc này. Nhưng họ chưa làm chết người thì cứ kệ họ thôi (?)".
Thực tế có những trường hợp đã nhiều lần bị lập biên bản hành chính nhưng vẫn lén lút hành nghề. Không lẽ các Trung tâm Y tế, Sở Y tế và chính quyền địa phương đành "bất lực" với các cơ sở KCB hành nghề kiểu lang băm này? Hay phải đến khi "thầy lang" gây hậu quả cho bệnh nhân thì các cơ quan chức năng mới "chạy đua" vào cuộc để điều tra làm rõ? Thiết nghĩ, không còn sớm để Nhà nước có "quy chế" riêng cho hoạt động của những ông lang, bà lang hành nghề KCB tại nhà.
- Thời điểm không khí lạnh mạnh nhất của mùa đông năm nay diễn ra khi nào?
- Soi profile của Hoa hậu Thanh Thủy - Miss International 2024: Học thức đỉnh cao, tài sắc vẹn toàn
- Lương hưu cao nhất Việt Nam hiện nay là bao nhiêu?
- Trùm giang hồ 'Bình Kiểm' lên kế hoạch bắt cóc ca sĩ, người mẫu
- 5 cái tên bị luật cấm đặt khai sinh ở Việt Nam, đó là tên nào?
- Tại sao vàng giảm giá khi ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ?
- Tỉnh nào có tuổi thọ thấp nhất Việt Nam?
- Vụ rơi máy bay quân sự tại Bình Định: 2 phi công thoát nạn thế nào?