TP.HCM: Một trường hợp tử vong do sởi?
Chủ nhật, 20/04/2014 08:16

“Thực tế bệnh nhi này bị viên phổi mãn tính, nhưng sau đó mắc thêm sởi, chứ không phải do sởi gây ra viêm phổi".

Bệnh nhi mắc sởi đang được điều trị  tích cực tại  Bệnh viện Nhi đồng 2, TP.HCM

Bệnh nhi mắc sởi đang được điều trị tích cực tại Bệnh viện Nhi đồng 2, TP.HCM

“Khi đồng chí Bộ trưởng y tế xuống Bệnh viện nhi Trung ương thăm, thấy tình trạng bệnh nhi tập trung quá nhiều, tạo thành một ổ dịch dày đặc, đồng chí Bộ trưởng đã thốt lên: “Nếu là con cháu tôi, tôi không cho nằm ở đây”. Ngay lập tức ngày hôm sau có đến hơn 300 bệnh nhi đi luôn không ở đây nữa”, thứ trưởng Bộ Y tế Lê Quang Cường đã gợi ý như thế cho ngành y tế TP.HCM trong cách chọn nội dung truyền thông về sởi để đạt hiệu quả hơn trong buổi làm việc với lãnh đạo Sở y tế TP.HCM về tình hình dịch sởi  vào chiều 19/4.

Theo thứ trưởng Lê Quang Cường, dù công tác truyền thông về phòng chống dịch sởi ở TP.HCM là đa dạng, nhưng hiệu quả vẫn chưa cao, chưa được các bậc phụ huynh quan tâm. Điều này là do nội dung truyền thông vẫn còn chung chung, chưa tạo được hiệu ứng trong người dân. Do đó, cần phải quan tâm, thay đổi nội dung truyền thông về dịch sởi để đạt hiệu quả hơn. 

Trước đó, cùng ngày đoàn công tác của Bộ Y tế do thứ trưởng Lê Quang Cường dẫn đầu đã đi thị sát, kiểm tra tình hình dịch sởi và công tác điều trị  tại 3 bệnh viện ở TP.HCM gồm: Bệnh viện Nhi đồng 1, Bệnh viện Nhi đồng 2 và Bệnh viện bệnh Nhiệt đới. 

Theo số liệu của các bệnh viện này, số lượng bệnh nhân mắc sởi từ đầu năm đến nay lên đến gần 3.000 bệnh nhân. Bệnh viện Nhi đồng 1 có số lượng bệnh nhi mắc sởi cao nhất với hơn 1.200 bệnh nhi, trong đó có gần 10% bệnh nhi biến chứng nặng;  còn Bệnh viện Nhi đồng 2 có trên 900 bệnh nhi mắc sởi, trong đó có đến 30% bệnh nhi dưới 9 tháng tuổi bị biến chứng nặng. 

Đoàn công tác của Bộ Y tế đã đánh giá cao việc sàng lọc, điều trị sởi ở các bệnh viện này, đặc biệt là công tác sàng lọc. Điển hình là việc thành lập phòng lọc bệnh ở Bệnh viện Nhi đồng 1; hay như ở Bệnh viên Nhi đồng 2, cắt cử những điều dưỡng có kinh nghiệm lâu năm ra tận phòng khám để sàng lọc những bệnh nhi có nguy cơ mắc sởi,  đưa trực tiếp vào khoa nhiễm của bệnh viện này để điều trị sởi.

“Cách làm này sẽ giúp bệnh nhi không phải đi lòng vòng nhiều, mất thời gian do ban đầu chưa chẩn đoán chính xác bệnh, đến khi phát hiện bệnh nhi mắc sởi thì bệnh đã nặng. Đây là cách làm có thể nhân rộng ở một số bệnh viện nhi,  và các bệnh viện khác đang điều trị sởi ở các tỉnh  phía Bắc”, thứ trưởng Cường cho biết.

Tuy nhiên, theo thứ trưởng Bộ Y tế Lê Quang Cường, tình hình dịch sởi ở TP.HCM vẫn còn ở mức cao, chưa có dấu hiệu chựng  lại. Từ đầu tháng 4 đến nay, số ca mắc sởi cao hơn nhiều so với tháng 3, mỗi tuần có đến 120 trường hợp phải nhập viện do sởi.  Đến thời điểm này cũng chưa có dấu hiệu dừng lại.

Dó đó ông Cường đề nghị, ngành y tế TP.HCM phải luôn trong tình trạng sẵn sàng ứng phó với tình huống sởi có khả năng tăng lên.

Đồng thời, khi phát hiện bệnh nhân mắc sởi, ngành y tế thành phố phải cử cán bộ y tế đến thật nhanh, đến tận nơi để hướng dẫn người dân cách xử lý tốt nhất, ngăn ngừa không mắc sởi.

Theo Trung tâm y tế Dự phòng TP.HCM, sau gần 2 tháng thực hiện tiêm vét vắc xin sởi dành cho số trẻ từ 18 đến 36 tháng tuổi đã có 45.000 trẻ đi tiêm.  Cũng  trong thời gian đó có khoảng 18.000 trẻ tiêm vắc xin sởi theo dạng tiêm dịch vụ 3 trong 1 (sởi, quai bị, rubella). 

Như vậy, tính luôn cả trẻ tiêm vét theo chương trình, và tiêm dịch vụ chỉ mới 62.000 trẻ. Tuy nhiên, theo chỉ tiêu mà trung tâm y tế dự phòng thành phố đưa ra cho đợt tiêm vét này là khoảng 100.000 trẻ, thì còn đến gần 40.000 trẻ nữa chưa được tiêm vét. Trong khi đó, thời gian chỉ còn 1 tuần nữa là hết đợt tiêm vét.

Bác sĩ Nguyễn Trí Dũng, giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng TP.HCM cho biết, trong những ngày tới, ở các quận, huyện đông dân cư, có nguy có trẻ mắc sởi nhiều như quận 8, quận Bình Tân, quận Tân Phú, huyện Bình Chánh… cán bộ y tế sẽ phát thư mời đến tất cả các gia đình có trẻ mời các bậc phu huynh đưa trẻ ra tiêm ngừa.

“Khi đó, tất cả các bậc phụ huynh có trẻ đều đưa con đến. Lúc này, cán bộ y tế sẽ sàng lọc, những trường hợp nào đã tiêm  thì cho về; những trường hợp nào chưa tiêm thì sẽ tiêm. Để làm điều này, mỗi trạm y tế phải cần nhiều điểm tiêm, để đảm bảo đón hết tất cả các bậc phụ huynh trong phường đưa con đến. Nếu với cách làm này, đến hết tháng 4 vẫn chưa tiêm vét hết số trẻ trên thì ngành y tế thành phố sẽ xin Bộ Y tế cho kéo dài thêm thời gian tiêm vét”, ông Dũng cho biết.  

Liên quan đến trường hợp một bệnh nhi bị sởi tử vong tại Bệnh viện Nhi đồng 2, TP.HCM, chiều 19/4. TS.BS Hà Mạnh Tuấn, giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 2 cho biết, trước khi mắc sởi bệnh nhi này bị viêm phổi bẩm sinh, sau đó mới mắc sởi và điều trị tại bệnh viện này một thời gian thì tử vong . 

“Thực tế bệnh nhi này bị viên phổi mãn tính, nhưng sau đó mắc thêm sởi, chứ không phải do sởi gây ra viêm phổi. Nếu bệnh nhi này không bị sởi thì cũng có thể tử vong do viêm phổi mạn tính; nhưng để có kết luận cụ thể phải chờ kết quả giám định.”, ông Tuấn nói.

Motthegioi.vn

Clip đang được xem nhiều nhất: Những hình ảnh đầu tiên bên trong nơi diễn ra tang lễ của cố nghệ sĩ Chí Tài

Tag: benh soi , dich soi , con bị benh soi , cham soc con benh soi , chua benh soi , benh nhi , tin , bao , may tho , tre chet vi soi , phong soi , thuc pham phong soi , TP.HCM