Không đúng liều, loại thuốc mọi nhà đều dùng thành... độc dược
Thứ năm, 14/09/2017 11:33

Được coi là loại thuốc an toàn, paracetamol đạt hiệu quả cao trong giảm đau, hạ sốt. Tuy nhiên, nếu dùng không đúng liều, đối tượng, nó có thể biến thành “độc dược”.

Thuốc an toàn, thành… thuốc độc

Như Báo Gia đình & Xã hội đã đưa tin, đầu tháng 9, Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) tiếp nhận một nam bệnh nhân chuyển đến từ Sơn La do ngộ độc paracetamol.

Trước đó, chỉ trong 2 ngày, nam thanh niên 22 tuổi đã uống tới 19 viên thuốc paracatamol loại 500mg (tương đương khoảng 9g) để hạ sốt. Do tiền sử bị viêm gan, việc sử dụng quá liều tối đa đã khiến bệnh nhân trẻ tuổi bị ngộ độc, hôn mê, viêm gan nặng, có dấu hiệu suy gan. Ngày 11/9, bệnh nhân đã không qua khỏi.

Đây là một trong số rất nhiều ca ngộ độc paracetamol – một loại thuốc giảm đau, hạ sốt thông thường – được đưa tới Trung tâm Chống độc. Tại đây, các bác sĩ cho biết, một trong những nguyên nhân top đầu của các ca ngộ độc nhập viện do tân dược là paracetamol. Ngộ độc do chất này ngày càng tăng vì paracetamol là thành phần chính trong nhiều thuốc điều trị cảm cúm, giảm đau, chống viêm, hạ nhiệt, sổ mũi. Vì các thuốc chứa paracetamol có nhiều công dụng nên nhiều người cứ bị đau (đau đầu, đau răng, đau nhức cơ, khớp...) là mua thuốc giảm đau chứa paracetamol để uống. “Đây là các thuốc không phải kê đơn, số lượng mua không bị giới hạn. Việc mua và sử dụng rất dễ dàng cũng là nguyên nhân dễ bị lạm dụng”, TS Phạm Duệ - nguyên Giám đốc Trung tâm Chống độc nhận định.

Trong mùa nắng nóng, dịch bệnh, các khoa hồi sức cấp cứu, chống độc, truyền nhiễm thường tiếp nhận nhiều bệnh nhân có tình trạng tăng men gan do dùng thuốc hạ sốt paracetamol. Không ít gia đình vẫn còn sai lầm trong cách dùng loại thuốc tưởng chừng đơn giản, an toàn này. Như trường hợp ông Nguyễn Văn C (61 tuổi, ở Bắc Giang). Ông C bị sốt mấy ngày, liền ra hiệu thuốc gần nhà mua thuốc paracetamol để uống. Được 2 ngày, cơn sốt thoái lui, nhưng ông C thấy người mệt mỏi, khó ăn uống, da vàng vọt, bủng beo. Tưởng chỉ là tình trạng do ốm, nhưng vài ngày sau, da ông C như phủ nghệ vàng. Ông được đưa đi viện cấp cứu, với chẩn đoán men gan tăng cao, suy gan. Điều đặc biệt là ông đã có tiền sử tăng men gan nhưng không hay biết, cứ thấy sốt là liên tục uống paracetamol.

Cách đây không lâu, Khoa Hồi sức và chống độc (Bệnh viện Nhi Đồng 2, TP HCM) tiếp nhận bé B.N (tại quận 4, TP HCM) trong tình trạng suy tế bào gan nặng, rối loạn đông máu, xuất huyết tiêu hóa, suy hô hấp, phải thở máy. Trước đó, cháu bị sốt và được mẹ mua thuốc paracetamol cho uống. Dù được dặn là uống cách nhau 6 giờ nhưng vì sốt ruột khi 3 giờ sau uống con vẫn sốt cao, mẹ bé cho uống tiếp.

Tại Bệnh viện Mắt Trung ương vẫn thường tiếp nhận trường hợp bị tổn thương thị giác, thị lực giảm sau khi ngộ độc paracetamol. Nhiều trường hợp không rõ vì sao thị lực giảm. Trước đó, họ bị ốm, cảm, dùng thuốc cảm cúm, hạ sốt… và bị dị ứng, mẩn ngứa, sốc phản vệ… là biểu hiện ngộ độc paracetamol mà không hay biết. Trong khi đó, nếu bị ngộ độc paracetamol, bệnh nhân có thể hỏng niêm mạc, bong rộp các niêm mạc môi, miệng và cả mắt. Đến lúc bị nặng, đưa đi cấp cứu thì mắt đã hỏng.

Ai không nên uống paracetamol?

TS Phạm Duệ cho biết, paracetamol là thuốc không phải kê đơn, được các nhà bào chế phối hợp với nhiều dược chất khác tạo ra hàng trăm biệt dược. Có loại chỉ chứa paracetamol như efferalgan nhưng cũng có loại phối hợp với từ 2 – 7 dược chất khác. Vì vậy, việc sử dụng quá liều paracetamol do dùng chồng chéo nhiều thuốc có tên biệt dược khác nhau, dạng bào chế khác nhau cho một người bệnh có đau nhức dữ dội, đau nhức triền miên hoặc sốt cao là điều dễ xảy ra, nhất là với những bệnh nhi.

Trung tâm Chống độc từng cấp cứu, giải độc gan cho nhiều bệnh nhân bị ngộ độc paracetamol có tiền sử nghiện rượu. Các chuyên gia khẳng định, những người nghiện rượu khi dùng quá liều paracetamol có nguy cơ ngộ độc và tỷ lệ tử vong cao hơn người bình thường.

Cũng liên quan đến việc uống rượu, sau uống nhiều người có thể bị đau đầu. Các bác sĩ khuyến cáo những đối tượng này không nên uống paracetamol bởi sẽ làm tăng gấp đôi tác hại lên gan. Gan là bộ máy lọc chất độc khỏi cơ thể nên khi uống rượu, hệ thống men (enzym) trong tế bào gan sẽ chuyển hóa cồn, biến đổi cồn qua một chuỗi phản ứng hóa học để cuối cùng cho ra CO2 và nước. Tuy nhiên, khả năng của gan chỉ có hạn, nếu uống quá mức, gan phải làm việc quá nhiều dẫn đến bệnh lý gan như viêm gan, xơ gan. Trong khi đó, khi vào cơ thể, paracetamol được chuyển hóa tại gan, nếu lạm dụng sẽ có thể gây nguy cơ hoại tử gan cấp hoặc mạn tính. Đối với người hay uống rượu, bia thì chỉ cần dùng với liều thông thường cũng có thể gây hại cho gan.

Với người có sẵn bệnh lý ở gan (viêm gan virus hay xơ gan do rượu), nguy cơ bị viêm gan nhiễm độc cấp do paracetamol càng cao, nhiều khi chỉ uống ở liều điều trị cũng có thể khởi phát viêm gan nhiễm độc thuốc. Với mức độ nhẹ, tổn thương viêm gan nhiễm độc có thể phục hồi, nhưng nếu ngộ độc nặng gây suy gan tối cấp có thể gây tử vong.

Một tai nạn phổ biến là việc tự dùng các biệt dược chứa paracetamol để chữa cảm, cúm, ho. Với người bệnh chỉ có hắt hơi sổ mũi, chỉ cần dùng thuốc kháng dị ứng là giảm nhẹ, hết các triệu chứng. Nếu uống các loại thuốc chứa từ 500mg paracetamol với liều 1 – 2 viên/ lần x 3 hoặc 4 lần/ngày, thì người dùng thuốc phải chịu tác hại một cách không cần thiết của 1.500 – 4.000mg paracetamol/ngày.

Do đó, theo ThS Nguyễn Trung Nguyên, phụ trách Trung tâm Chống độc, nếu bệnh nhân không đau nhức, không sốt trên 38oC, không nên dùng thuốc có paracetamol. Trước khi dùng thuốc hạ sốt, giảm đau, cần kiểm tra công thức thuốc, tránh trùng lặp thuốc có paracetamol. Trong thời gian dùng thuốc chứa paracetamol, bệnh nhân không uống nước có cồn (bia, rượu…) hoặc các thuốc làm tăng độc tính của paracetamol như barbiturat, isoniazid, carbamazepin…

Các bác sĩ lưu ý, liều sử dụng được khuyến cáo cho người lớn là 4-6 viên/ngày (với thuốc có hàm lượng paracetamol 500 mg), chỉ nên uống ở liều 4 viên/24 giờ.Với trẻ em dưới 12 tuổi, liều uống paracetamol được khuyến cáo là 10-15 mg/kg hoặc đặt hậu môn mỗi 4-6 giờ, tối đa không vượt quá 5 lần/ngày. Trẻ em dưới 2 tuổi hoặc cân nặng dưới 11kg dùng paracetamol theo chỉ định của thầy thuốc.

Trong trường hợp bị sốt, nếu dùng paracetamol theo liều hướng dẫn không hạ được nhiệt độ, tuyệt đối không tăng liều thuốc mà cần hỗ trợ bằng các biện pháp khác. Đặc biệt cần chườm mát, uống nhiều nước, bù nước bằng dung dịch oresol đúng liều.

Với các trường hợp mẫn cảm với paracetamol, người thiếu hụt men G6PD; người say rượu; người có bệnh tim mạch, phổi, thận, gan hoặc thiếu máu thì không được sử dụng paracetamol. “Có người đang bị viêm gan virus mạn tính, chỉ uống 4 gr paracetamol (khoảng 8 viên 500mg) trong vòng 40 giờ đã xảy ra viêm gan nhiễm độc”, TS Phạm Duệ cho biết.

Các triệu chứng sớm của ngộ độc cấp paracetamol có biểu hiện như: Buồn nôn, nôn mửa, mệt mỏi trong vòng 12-24 giờ sau uống quá liều paracetamol. Khoảng ngày thứ hai sau uống, có thể không còn triệu chứng, tưởng như đã khỏi. Các triệu chứng toàn phát như chán ăn, sợ cơm, vàng da... tăng lên vào ngày thứ ba, thứ tư sau uống.

 

Giadinh.net.vn

Clip đang được xem nhiều nhất: Những hình ảnh đầu tiên bên trong nơi diễn ra tang lễ của cố nghệ sĩ Chí Tài

Tag: paracetamol , dùng đúng liều paracetamol , dùng paracetamol đúng cách