Quy định pháp luật mới mọi 'oshin' cần biết
Thứ tư, 16/04/2014 21:50

Nghị định 27/2014/NĐ-CP có hiệu lực kể từ ngày 25/5/2014 tới đây được xem như cuốn sổ tay pháp lý dành cho người giúp việc.

Người giúp việc cần nắm rõ quy định của pháp luât. (Ảnh minh họa)

Người giúp việc cần nắm rõ quy định của pháp luât. (Ảnh minh họa)

Năm 1994, bộ phim “Oshin” kể về chuyện đời cơ cực của một người giúp việc nhà được chiếu tại Việt Nam đã tạo nên một “từ vay mượn” mới. Câu chuyện người giúp việc cùng những rắc rối pháp lý nảy sinh trên thực tế do không có luật điều chỉnh cụ thể đã tròn 20 năm. Lần đầu tiên quyền lợi của người giúp việc về tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, an toàn lao động, vệ sinh lao động đã được hiện thực hóa bằng Nghị định 27/2014/NĐ-CP mới được ban hành ngày 7/4.

Văn bản có hiệu lực kể từ ngày 25/5/2014 tới đây được xem như cuốn sổ tay pháp lý dành cho người giúp việc. Thạc sỹ luật Nguyễn Thế Anh (Trung tâm Truyền thông Pháp luật Việt Nam) sẽ giúp bạn đọc cùng tìm hiểu.

Thưa ông, khái niệm người giúp việc gia đình?

- Bộ luật Lao động (BLLĐ) quy định: “Lao động là người giúp việc gia đình là người lao động làm thường xuyên các công việc trong gia đình của một hoặc nhiều hộ gia đình. Các công việc trong gia đình bao gồm công việc nội trợ, quản gia, chăm sóc trẻ, chăm sóc người bệnh, chăm sóc người già, lái xe, làm vườn và các công việc khác cho hộ gia đình nhưng không liên quan đến hoạt động thương mại”.

Thế nào được coi là “làm thường xuyên các công việc trong gia đình”?

- “Làm thường xuyên các công việc gia đình là các công việc trong hợp đồng lao động được lặp đi lặp lại theo một khoảng thời gian nhất định (hằng giờ, hằng ngày, hằng tuần hoặc hằng tháng”.

Các công việc khác nhưng không liên quan đến hoạt động thương mại được coi là công việc trong gia đình?

- Công việc khác trong gia đình nhưng không liên quan đến hoạt động thương mại, gồm các công việc: Nấu ăn cho các thành viên trong hộ gia đình mà không phải bán hàng ăn; trồng rau, hoa quả, cây cảnh, chăn nuôi gia súc, gia cầm phục vụ sinh hoạt của các thành viên trong hộ gia đình mà không phải để bán, trao đổi hàng hóa; lau dọn nhà ở, sân vườn, bảo vệ nhà cửa, tài sản của hộ gia đình mà không phải là nhà xưởng, cửa hàng, văn phòng, cơ sở sản xuất, kinh doanh; lái xe đưa đón các thành viên trong hộ gia đình hoặc vận chuyển các đồ đạc, tài sản của hộ gia đình mà không phải đưa đón thành viên trong hộ gia đình tham gia sản xuất, kinh doanh, vận chuyển hàng hóa, vật tư, nguyên liệu cho sản xuất, kinh doanh; kèm cặp thành viên trong hộ gia đình học văn hóa; giặt quần áo, chăn màn của các thành viên trong hộ gia đình mà không phải kinh doanh giặt là hoặc không phải giặt quần áo bảo hộ lao động của những người được thuê mướn sản xuất, kinh doanh của hộ gia đình; công việc khác phục vụ đời sống, sinh hoạt của hộ gia đình, các thành viên trong hộ gia đình và không trực tiếp hoặc góp phần tạo ra thu nhập cho hộ hoặc cá nhân trong hộ gia đình.

Luật có cho phép hợp đồng miệng với người giúp việc gia đình?

 - Người sử dụng lao động phải ký kết hợp đồng lao động bằng văn bản với người giúp việc gia đình.

Khi thỏa thuận về giúp việc, các bên có quyền quy định thời gian thử việc?

- Hai bên có thể thỏa thuận về việc làm thử, quyền, nghĩa vụ trong thời gian thử việc; Tiền lương trong thời gian thử việc do hai bên thoả thuận nhưng ít nhất phải bằng 85% mức lương của công việc đó; Khi việc làm thử đạt yêu cầu thì người sử dụng lao động phải giao kết hợp đồng lao động với người lao động;

- Trong thời gian thử việc, mỗi bên có quyền huỷ bỏ thoả thuận thử việc mà không cần báo trước và không phải bồi thường nếu việc làm thử không đạt yêu cầu mà hai bên đã thoả thuận.

- Thời gian thử việc không quá 6 ngày làm việc.

Những hành vi bị nghiêm cấm đối với bên thuê giúp việc?

1. Ngược đãi, quấy rối tình dục, cưỡng bức lao động, dùng vũ lực đối với lao động là người giúp việc gia đình.

2. Giao việc cho người giúp việc gia đình không theo hợp đồng lao động.

3. Giữ giấy tờ tùy thân của người lao động

Nội dung chủ yếu của hợp đồng giúp việc?

1. Tên và địa chỉ người sử dụng lao động hoặc của người đại diện hợp pháp; Họ tên, ngày tháng năm sinh, giới tính, địa chỉ nơi cư trú, số chứng minh nhân dân hoặc giấy tờ hợp pháp khác của người lao động; Công việc và địa điểm làm việc; Thời hạn của hợp đồng lao động; Mức lương, hình thức trả lương, thời hạn trả lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác; Chế độ nâng lương; Thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi; Trang bị bảo hộ lao động; Bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế; Đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề.

2. Điều kiện ăn, ở của người lao động (nếu có);

3. Tiền tàu xe về nơi cư trú khi chấm dứt hợp đồng lao động đúng thời hạn;

4. Thời gian và mức chi phí hỗ trợ để người lao động học văn hóa, học nghề (nếu có);

5. Trách nhiệm bồi thường do làm hư hỏng dụng cụ, thiết bị hoặc có hành vi khác gây thiệt hại về tài sản của người sử dụng lao động;

6. Những hành vi bị nghiêm cấm đối với mỗi bên”.

Quy định về tiền lương của người giúp việc?

1. Mức tiền lương do hai bên thỏa thuận và ghi trong hợp đồng lao động. Mức tiền lương (bao gồm cả chi phí ăn, ở của người lao động sống tại gia đình người sử dụng lao động nếu có) không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định. Người sử dụng lao động và người lao động thỏa thuận mức chi phí ăn, ở hằng tháng của người lao động (nếu có), nhưng không vượt quá 50% mức tiền lương trong hợp đồng lao động.

2. Hình thức trả lương, thời hạn trả lương do hai bên thỏa thuận. Trường hợp trả lương qua tài khoản ngân hàng thì người sử dụng lao động có trách nhiệm tạo điều kiện để người lao động mở tài khoản ngân hàng. Các loại phí liên quan đến mở, duy trì tài khoản do hai bên thỏa thuận. Người sử dụng lao động không được thu phí chuyển khoản tiền lương vào tài khoản của người lao động.

3. Trường hợp người sử dụng lao động yêu cầu người lao động làm việc ngoài thời gian ghi trong hợp đồng lao động, làm việc vào ngày nghỉ lễ, tết, ngày nghỉ có hưởng lương thì người sử dụng lao động phải trả tiền lương làm thêm giờ.

Trách nhiệm chi trả bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế của bên thuê giúp việc?

- Người sử dụng lao động có trách nhiệm chi trả thêm cùng lúc với kỳ trả lương của người lao động một khoản tiền tương đương với mức đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế thuộc trách nhiệm của người sử dụng lao động theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế để người lao động tự lo bảo hiểm.

. Bên thuê có phải chi trả chi phí khám, chữa bệnh khi người giúp việc bị ốm đau?

1. Trường hợp người lao động sống cùng gia đình người sử dụng lao động bị ốm, bị bệnh, người sử dụng lao động tạo điều kiện để người lao động nghỉ ngơi, khám, chữa bệnh. Chi phí khám, chữa bệnh do người lao động chi trả, trừ trường hợp hai bên có thỏa thuận khác.

2. Người sử dụng lao động không phải trả lương cho những ngày người lao động phải nghỉ việc do bị ốm, bị bệnh.

Trường hợp nào bên thuê được khấu trừ tiền lương của người giúp việc?

1. Người sử dụng lao động chỉ được khấu trừ tiền lương của người lao động để bồi thường thiệt hại do làm hỏng dụng cụ, thiết bị hoặc làm mất tài sản của người sử dụng lao động theo nội dung của hợp đồng lao động.

2. Mức khấu trừ tiền lương hằng tháng do hai bên thỏa thuận nhưng không quá 30% mức tiền lương hằng tháng đối với người lao động không sống tại gia đình người sử dụng lao động; không quá 60% mức tiền lương còn lại sau khi trừ chi phí tiền ăn, ở hằng tháng của người lao động (nếu có) đối với người lao động sống tại gia đình người sử dụng lao động.

3. Khi khấu trừ tiền lương người sử dụng lao động phải thông báo cho người lao động biết.

. Thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi đối với người lao động sống cùng gia đình chủ?

1. Thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi do hai bên thỏa thuận nhưng người lao động phải được nghỉ ít nhất 8 giờ, trong đó có 6 giờ nghỉ liên tục trong 24 giờ liên tục.

2. Thời giờ làm việc đối với lao động chưa thành niên từ đủ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi theo quy định tại Khoản 2 Điều 163 của BLLĐ.

Người giúp việc gia đình có được hưởng chế độ nghỉ hằng tuần, nghỉ hằng năm, nghỉ lễ, tết?

- Mỗi tuần, người lao động được nghỉ ít nhất 24 giờ liên tục.

- Người lao động có đủ 12 tháng làm việc cho một người sử dụng lao động thì được nghỉ hằng năm là 12 ngày làm việc và được hưởng nguyên lương.

- Người lao động được nghỉ làm việc, hưởng nguyên lương trong những ngày nghỉ lễ, tết.

- Khi nghỉ hằng năm, người lao động được ứng trước một khoản tiền ít nhất bằng tiền lương cho những ngày nghỉ.

. Thủ tục cần chú ý khi ký kết hợp đồng lao động đối với người giúp việc?

- Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày ký hợp đồng lao động, người sử dụng lao động có trách nhiệm thông báo với UBND cấp xã nơi người lao động làm việc về việc sử dụng lao động là người giúp việc gia đình.

Trường hợp thuê người giúp việc từ đủ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi phải có văn bản đồng ý của người đại diện theo pháp luật của người lao động.

Thời hạn báo trước khi người giúp việc muốn chấm dứt hợp đồng giúp việc?

1. Báo trước 15 ngày khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, trừ trường hợp quy định tại Khoản 2 và Khoản 3 Điều này.

2. Báo trước ít nhất 03 ngày khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trong các trường hợp sau đây:

a) Không được bố trí theo đúng công việc, địa điểm làm việc theo hợp đồng lao động;

b) Không được trả lương đầy đủ hoặc trả lương không đúng kỳ hạn theo hợp đồng lao động, trừ trường hợp hai bên có thỏa thuận khác;

c) Không được bố trí chỗ ăn, ở sạch sẽ, hợp vệ sinh theo hợp đồng lao động;

d) Bị ốm đau, tai nạn không thể tiếp tục làm việc.

3. Không phải báo trước khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trong trường hợp sau đây:

a) Bị người sử dụng lao động hoặc thành viên trong hộ gia đình ngược đãi, xúc phạm danh dự, nhân phẩm, quấy rối tình dục, dùng vũ lực hoặc cưỡng bức lao động;

b) Khi phát hiện thấy điều kiện làm việc có khả năng, nguy cơ gây tai nạn, đe dọa an toàn, sức khỏe của bản thân, đã báo cho người sử dụng lao động biết mà chưa được khắc phục;

c) Do thiên tai, hỏa hoạn hoặc lý do bất khả kháng khác mà người lao động đã tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng không thể tiếp tục thực hiện hợp đồng lao động”.

Thời hạn báo trước của bên thuê khi chấm dứt hợp đồng giúp việc?

- “1. Báo trước 15 ngày khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, trừ trường hợp quy định tại Khoản 2 và Khoản 3 Điều này.

2. Báo trước ít nhất 03 ngày khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trong các trường hợp sau đây:

a) Người lao động vi phạm những hành vi bị nghiêm cấm trong hợp đồng lao động, trừ trường hợp quy định tại Điểm a Khoản 3 Điều này;

b) Người lao động bị ốm đau, tai nạn đã điều trị 30 ngày liên tục.

3. Không phải báo trước khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trong các trường hợp sau đây:

a) Người lao động có hành vi trộm cắp, đánh bạc, cố ý gây thương tích cho thành viên trong hộ gia đình hoặc người lao động khác làm cùng, sử dụng các chất gây nghiện, mại dâm;
b) Người lao động có hành vi ngược đãi, xúc phạm danh dự, nhân phẩm, quấy rối tình dục, cưỡng bức, dùng vũ lực đối với người sử dụng lao động hoặc thành viên trong hộ gia đình;
c) Do thiên tai, hỏa hoạn hoặc lý do bất khả kháng khác mà người sử dụng lao động đã tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng không thể tiếp tục thực hiện hợp đồng lao động”.

Bên thuê phải chi trả trợ cấp thôi việc cho người giúp việc trong trường hợp nào?

1. Hết hạn hợp đồng lao động.

2. Đã hoàn thành công việc theo hợp đồng lao động.

3. Hai bên thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động.

4. Người lao động chết.

5. Người sử dụng lao động là cá nhân chết.

6. Người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng

7. Người sử dụng lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trong các trường hợp: Chấm dứt hợp đồng đã báo trước 15 ngày; Người lao động bị ốm đau, tai nạn đã điều trị 30 ngày liên tục; Do thiên tai, hỏa hoạn hoặc lý do bất khả kháng khác mà người sử dụng lao động đã tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng không thể tiếp tục thực hiện hợp đồng lao động.

Điều kiện và mức chi trả trả trợ cấp thôi việc?

- Người giúp việc đã làm việc thường xuyên từ đủ 12 tháng trở lên, mỗi năm làm việc được trợ cấp một nửa tháng tiền lương.

Tiền lương để tính trợ cấp thôi việc là tiền lương bình quân theo hợp đồng lao động của 06 tháng liền kề trước khi người lao động thôi việc.

Tuy nhiên, nên lưu ý người giúp việc gia đình theo hình thức khoán việc hoặc giúp việc gia đình ở nước ngoài có thuộc đối tượng áp dụng của Nghị định này.

Cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!

Hưng Hà (Xa lộ pháp luật) Minh Phương

Clip đang được xem nhiều nhất: Thủ tướng đồng ý phương án thi tốt nghiệp THPT 2020

Tag: Người giúp việc , osin , quy định cho người giúp việc , thue nguoi giup viec , nhung quy dinh nguoi giup viec nen nho , hop dong giup viec , tin , bap