Myanmar tập trung tăng sản lượng
Lượng gạo xuất đi từ Myanmar có thể tăng lên gấp đôi, từ 700 nghìn tấn năm 2011 lên 1,4 triệu tấn trong năm nay – đó là thông tin giới “buôn gạo” rỉ tai nhau trước thềm năm mới. Chính sách hướng ngoại của Tổng thống Thein Sein được dự báo sẽ là tiền đề đẩy mạnh tiềm năng xuẩt khẩu, từ đó cải thiện nền kinh tế vốn đã quá tụt hậu. Nông nghiệp, với mũi nhọn là lúa gạo lĩnh trọng trách tiên phong.
Nói là làm, mới đây Hiệp hội Công nghiệp lúa gạo Myanmar (MRIA) vừa đưa vào áp dụng hàng loạt biện pháp nhằm khuyến khích người dân gia tăng diện tích, luân canh gối vụ. Thông tin từ Bộ Công Thương, Myanmar hiện có tới 8,26 triệu ha đất trồng lúa – một diện tích hết sức ấn tượng nếu so với dân số 55 triệu người. Quốc gia này vừa khởi động chương trình mua lúa gạo tận kho với giá cao hơn thị trường 10%, đồng thời hỗ trợ giống, phân bón, khuyến nông canh tác thêm vụ thứ 2, thay vì 1 vụ đông xuân duy nhất như hiện tại.
Năng suất canh tác được cải thiện, Myanmar gần như lập tức đặt mục tiêu sản xuất mỗi năm 40 triệu tấn lúa từ năm 2013. Và khi ấy, sau khi trừ đi nhu cầu tiêu thụ trong nước (khoảng 17 triệu tấn gạo) nước này sẽ có tới vài triệu tấn gạo dành cho xuất khẩu. Điều đáng nói là gạo cấp thấp của nước này thường rẻ nhất thế giới, nên thu hút được sự quan tâm từ các nước nghèo, nhất là những nước châu Phi, vốn quan tâm tới giá cả hơn chất lượng.
Hiện tại, tuy lượng gạo xuất khẩu chưa nhiều, nhưng động tác đẩy mạnh các hoạt động tìm kiếm thị trường ở khu vực Trung Đông, châu Phi và châu Âu cho thấy quyết tâm của Myanmar là không vừa chút nào. Nên nhớ rằng, trong thập niên 60 thế kỷ trước, Myanmar từng là cường quốc xuất khẩu gạo số 1 thế giới. Vì thế, khi nước này quan tâm và nỗ lực nhiều hơn trong việc sản xuất lúa và đẩy mạnh xuất khẩu gạo thì những quốc gia còn lại phải chịu thêm sức ép cạnh tranh không nhỏ.
Ông Vichai Sriprasert, Chủ tịch danh dự của Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan nhận xét, Myanmar bước vào thị trường sẽ “nẫng” một số khách hàng của Thái Lan và Việt Nam. Về lâu dài, thậm chí Myanmar có tiềm năng trở thành nhà xuất khẩu hàng đầu vì đất đai màu mỡ và chưa được khai thác hết.
Với lợi thế có biên giới với nhiều quốc gia, Myanmar hoàn toàn có thể tận dụng các nguồn tài nguyên thiên nhiên, lực lượng lao động trẻ, gần gũi với Trung Quốc và Ấn Độ để tăng cường nền kinh tế đường biên. Thậm chí lãnh đạo các quốc gia này còn vẽ ra viễn cảnh cùng bắt tay nhau để lũng đoạn thị trường gạo thấp cấp trong tương lai gần.
MRIA cho biết, tiêu thụ gạo nội địa của Myanmar hiện khoảng 11,5-12 triệu tấn mỗi năm. Sản lượng gạo của nước này dự kiến sẽ tăng 11% lên 13,5 triệu tấn trong niên vụ bắt đầu từ tháng 10/2011 và sẽ lên 15,5 triệu tấn trong vòng 3 năm tới. Các thị trường mà nước này hướng tới để xuất khẩu nguồn dư thừa sẽ là châu Phi, Bắc Triều Tiên, Indonesia và Philippines.
Ấn Độ thống trị thị trường châu Phi
Bloomberg nhận định, gạo xuất khẩu từ Việt Nam cũng đang đau đầu vì giá cả không thể cạnh tranh lại gạo cùng chủng loại của Ấn Độ và Pakistan, đặt biệt tại khu vực châu Phi.
Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), ông Trương Thanh Phong cho biết, xuất khẩu trong quý I đã giảm 39% so với cùng kỳ năm ngoái khoảng 1,1 triệu tấn vì cạnh tranh từ Ấn Độ và các nước châu Á khác. Ở chiều ngược lại, giới truyền thông Ấn Độ tỏ ra hân hoan khi xuất khẩu gạo của họ đã đánh chiếm gần hết thị trường châu Phi.
Trong khi đơn hàng giảm chưa khắc phục được thì các cường quốc xuất khẩu gạo lại phải đối diện với những đối thủ cạnh tranh mới nổi. Ấn Độ dự kiến đạt sản lượng kỷ lục 103 triệu tấn gạo trong năm nay, tiêu thụ nội địa chỉ là 96 triệu tấn và lượng hàng dành cho xuất khẩu lên tới 7 triệu tấn. Điều đáng nói là, các thương nhân Ấn Độ lại chào bán ra thị trường giá rất thấp, kém từ vài chục tới hàng trăm USD so với gạo Việt Nam và Thái Lan. Hiện thị trường quan trọng của Việt Nam là châu Á và châu Phi đã gặp bế tắc bởi Ấn Độ và Myanmar cũng chú trọng tới khu vực này.
“Mặc dù giá gạo Việt Nam thấp hơn giá của Thái Lan, họ vẫn còn kém cạnh tranh so với gạo Ấn Độ,” một thương lái có trụ sở tại Mumbai cho biết. Giá cung cấp với gạo tấm 5% của Việt Nam đứng ở mức 440USD đến 450USD/tấn FOB, so với 455USD cuối tuần trước. Gạo 25% tấm dao động từ 410USD đến 425USD/tấn, so với 420USD cách đây hai tuần. Giá cùng loại của Ấn Độ ổn định trước sau ở mức 370USD/tấn.
Tình hình trên thị trường từ qua tết tới giờ tiếp tục diễn biến xấu. Các quan chức VFA đều hạn chế thông tin ra ngoài trong tư thế giằng co, các nhà nhập khẩu thì chực chờ ép giá, mà họ hầu như có quyền ép giá các nước như Việt Nam, Thái Lan vì giá vẫn chênh lệch gần 100USD/tấn so với Ấn Độ.
Ấn Độ bán gạo quá rẻ. Hầu như các hợp đồng ký số lượng tương đối lớn thì đều có giá dưới 500USD/tấn. Các doanh nghiệp lương thực nhà nước dù có sản lượng xuất khẩu vài trăm ngàn tấn/năm, thì từ đầu năm cũng chỉ bán được lắt nhắt vài lô vài ba trăm tấn, đó phần “san sẻ” từ VFA. Thị trường tốt thì nâng lên, xấu như hiện nay thì hạ xuống để cạnh tranh với gạo Ấn Độ giá rẻ như cho. Mới đây, Ấn Độ đã đạt được thỏa thuận để bao thầu toàn bộ gạo ăn cho Iran, với sản lượng cho riêng bản hợp đồng này có thể lên tới 1,5 triệu tấn.
Sự thăng tiến của một số nhà xuất khẩu gạo mới nổi sẽ giúp tăng dự trữ toàn cầu, trong khi đó cũng thúc đẩy cạnh tranh cho chính Thái Lan và Việt Nam – hai ông Kẹ bấy lâu nay.