Đã hết quý 1-2012, thị trường bất động sản (BĐS) vẫn chưa xuất hiện yếu tố tích cực, trong khi nhiều doanh nghiệp không chịu nổi lãi suất ngân hàng, đành chấp nhận bán cả dự án cắt lỗ...
|
Bán lỗ còn hơn phá sản
Nằm ở vị trí đẹp trên trục đường Lê Văn Lương (Hà Nội) nhưng hiện chủ đầu tư dự án tổ hợp văn phòng, trung tâm thương mại trên diện tích 4.000m2 tại đây đang phải loay hoay tìm cách bán lại dự án cho chủ đầu tư mới.
Chủ đầu tư cho biết: “Chúng tôi đã bỏ ra hơn 400 tỷ, nhưng mới chỉ giải phóng xong mặt bằng. Thời điểm này ngân hàng không cho vay, thị trường BĐS ảm đạm nên khởi công cũng chết mà không khởi công cũng chết, chỉ còn cách bán lại dự án”.
Vị này cũng cho biết thêm, ngoài áp lực tài chính đầu vào và đầu ra, điều quan trọng nhất là thời điểm này cùng một lúc nắm trong tay nhiều dự án.
“Không thể vay thêm ngân hàng, những dự án đang thi công sàn đã thu hết tiền của khách hàng. Bây giờ nếu không chấp nhận bán dự án chưa khởi công để lấy tiền làm dự án đã thi công thì doanh nghiệp chỉ còn nước phá sản. Vì thế, chúng tôi chấp nhận lỗ 30% chi phí bỏ ra cho dự án Lê Văn Lương, để rút vốn ra dồn cho dự án đang thi công gần xong phần thô. Chỉ như vậy mới tránh được phá sản”, vị này nói.
Thương vụ mua bán Khách sạn Deawoo được coi là đình đám nhất gần đây.
Ông Phan Xuân Cần - Chủ tịch HĐQT Công ty Soho Việt Nam, một doanh nghiệp môi giới bán các dự án, cho biết: “Chưa bao giờ công ty lại nhận được nhiều đơn đăng ký chuyển nhượng dự án như thời điểm hiện nay. Hiện, có 80 dự án BĐS nhờ Soho chào bán. Trong số những doanh nghiệp đang chào bán dự án, nhiều doanh nghiệp phải vay tiền ngân hàng lên đến vài trăm tỷ đồng, huy động vốn khách hàng để mua đất làm dự án, rồi ứng vốn của nhà thầu hoặc bằng phát hành trái phiếu chuyển đổi để xây dựng. Nay do đầu ra sản phẩm không có nên không có tiền trả lãi ngân hàng và nhà thầu, buộc phải bán dự án”.
Hiện công ty Soho đang chào bán chuyển nhượng nhiều dự án quy mô lớn ở hai thành phố Hà Nội, TP. HCM. Trong đó, phải kể đến một số dự án đáng chú ý như: Khu tổ hợp căn hộ, thương mại, văn phòng nằm sát đường Phạm Hùng (Từ Liêm, Hà Nội) với quy mô diện tích 3.000m2, cao 19 tầng.
Giá trị chuyển nhượng khoảng 85 tỷ đồng (chưa bao gồm tiền sử dụng đất) dưới hình thức chuyển nhượng công ty.
Ông Cần phân tích: “Chủ đầu tư này ngoài khó khăn về vốn, còn lo lắng không biết thị trường diễn biến ra sao. Nếu cứ ôm mà thị trường không lên được thì chỉ cần nửa năm nữa, các khoản lỗ lớn hơn nhiều so với bán dự án vào thời điểm này”.
Ông Cần cho rằng, một dự án BĐS muốn chuyển nhượng trước hết phải có mặt bằng sạch và thủ tục pháp lý rõ ràng. Với các dự án chưa thi công thì doanh nghiệp chịu lỗ từ 20 – 30% chi phí bỏ ra, còn những dự án đã thi công lỗ trên 30% bởi áp lực với cả khách hàng và ngân hàng.
Công ty địa ốc Hòa Bình, cũng vừa bán lỗ 30 tỷ đồng dự án tòa nhà trung tâm thương mại và văn phòng Hòa Bình Tower (Q7. TP. HCM), với giá gần 12 triệu USD, cho đối tác là Công ty địa ốc Đông Dương.
Thương vụ đình đám
Thông tin mới nhất và nổi nhất trên thị trường mua bán, sáp nhập dự án BĐS thuộc về thương vụ mua 70% cổ phần khách sạn 5 sao Deawoo (Kim Mã, Hà Nội) của Công ty Hanel, để trở thành chủ sở hữu 100% vốn của khách sạn này.
Số tiền mà phía Công ty Hanel bỏ ra mua chưa được công bố chính thức, nhưng theo tin đồn đoán khoảng 100 triệu USD. Không ai biết phía Deawoo lãi hay lỗ vào thời điểm bán dự án, nhưng lý do Deawoo bán không phải là rút khỏi thị trường Việt Nam mà cơ cấu lại doanh nghiệp đầu tư, muốn tập trung vào dự án Tây Hồ Tây với quy mô 200 ha.
Deawoo đã mua lại cổ phần của 5 cổ đông lớn phía Hàn Quốc tại dự án Tây Hồ Tây, nên thời điểm này phải tập trung tiền để giải phóng mặt bằng, làm hạ tầng dự án...
Cũng có thông tin, đứng đằng sau Hanel trong thương vụ mua bán khách sạn này là đại gia BĐS giấu mặt, việc mượn danh Hanel đứng ra mua để có được lợi thế ưu tiên, vì Hanel là một trong hai cổ đông sáng lập của khách sạn này, nắm giữ 30% cổ phần.
Một chủ đầu tư có tiếng trên thị trường BĐS cho rằng: “Khách sạn Deawoo là một dự án có sản phẩm định hình, tạo ra dòng tiền mặt đều đặn. Hiện có những đại gia có lượng tiền mặt đủ lớn để mua lại toàn bộ khách sạn và họ tính toán sẵn sàng bỏ từ 9-10 năm để thu hồi được vốn. Có thể giá thương vụ này không rẻ nhưng vào thời điểm này mua để đầu tư vẫn là lựa chọn khôn ngoan cho những đại gia có tầm nhìn dài hạn”.
Tuy nhiên, trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Tứ, Phó giám đốc Sở KH&ĐT Hà Nội, cho biết chưa nhận được hồ sơ xin thay đổi giấy đăng ký kinh doanh, thể hiện việc sang tên đổi chủ của khách sạn này.
Thị trường BĐS đóng băng, khiến doanh nghiệp lớn, nhỏ đều phải gồng mình chống đỡ. Trong hoàn cảnh đó, theo các chuyên gia kinh tế, việc mua bán dự án, là lựa chọn tốt cho cả bên bán, bên mua.
- Thời điểm không khí lạnh mạnh nhất của mùa đông năm nay diễn ra khi nào?
- Soi profile của Hoa hậu Thanh Thủy - Miss International 2024: Học thức đỉnh cao, tài sắc vẹn toàn
- Lương hưu cao nhất Việt Nam hiện nay là bao nhiêu?
- Trùm giang hồ 'Bình Kiểm' lên kế hoạch bắt cóc ca sĩ, người mẫu
- 5 cái tên bị luật cấm đặt khai sinh ở Việt Nam, đó là tên nào?
- Tại sao vàng giảm giá khi ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ?
- Tỉnh nào có tuổi thọ thấp nhất Việt Nam?
- Vụ rơi máy bay quân sự tại Bình Định: 2 phi công thoát nạn thế nào?