Xây nhà ở xã hội: “Phải bắt buộc thay vì tự nguyện”
Thứ ba, 31/01/2012 11:21

Hiện nay, cả nước có hơn 2.500 dự án nhà ở, khu đô thị mới và dự án kinh doanh bất động sản khác, với diện tích đất trên 104.000 ha đã và đang được triển khai đầu tư xây dựng.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng cho rằng cần phải pháp lệnh hoá các chỉ tiêu về xây dựng nhà ở xã hội.

Tuy nhiên, đại đa số người dân đô thị vẫn khó tiếp cận được nhà ở.

Để khắc phục tình trạng này, theo Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng, trong thời gian tới, Nhà nước sẽ triển khai nhiều giải pháp đồng bộ để thị trường bất động sản phát triển ổn định, đặc biệt là sẽ quyết liệt để người nghèo có nhà ở.

Thưa Bộ trưởng, Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến 2020, tầm nhìn đến 2030. Chiến lược này có điểm gì mới so với các chương trình phát triển nhà ở đã và đang thực hiện?

Đây là lần đầu tiên chúng ta có một chiến lược quốc gia về nhà ở với tầm nhìn dài hạn và có nhiều nội dung định hướng cụ thể cho các nhóm đối tượng khác nhau trong xã hội. Trong chiến lược mà Thủ tướng vừa phê duyệt đã khẳng định những điểm rất quan trọng. Đó là, “nhà ở là điều kiện để phát triển con người toàn diện, là một trong những nhân tố quyết định để phát triển nguồn nhân lực trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá”. Và “giải quyết vấn đề nhà ở là trách nhiệm của Nhà nước, của xã hội và của người dân”.

Theo đó, việc phát triển nhà ở không chỉ theo cơ chế thị  trường mà Nhà nước có trách nhiệm can thiệp hoặc hỗ trợ để người dân có nhà ở, đặc biệt là những đối tượng thu nhập thấp, không có điều kiện thanh toán mua nhà ở theo cơ chế thị trường.

Để thực hiện các quan điểm nêu trên, chiến lược đã yêu cầu: một mặt phải tiếp tục xây dựng, hoàn thiện các chính sách, pháp luật về đầu tư xây dựng liên quan đến phát triển nhà ở để thúc đẩy phát triển nhà ở theo cơ chế thị trường, đáp ứng nhu cầu về nhà ở cho người dân có khả năng thanh toán theo cơ chế thị trường. Mặt khác, phải xây dựng chính sách để hỗ trợ những người khó khăn về nhà ở, là những người không có đủ khả năng mua nhà hoặc thuê nhà theo cơ chế thị trường.

Như vậy, lần này, chiến lược đã phân rõ hai loại nhà ở, một loại nhà ở thị trường hàng hoá và một loại nhà ở thị trường phi hàng hoá, có thể hiểu đây là loại nhà ở  xã hội. Chiến lược cũng đã phân định rõ nhà ở cho 8 nhóm đối tượng khó khăn về nhà ở cần phải có chính sách cụ thể để hỗ trợ.

Đó là: nhà ở cho người có công với cách mạng; nhà ở cho người nghèo khu vực nông thôn; nhà ở cho người nghèo khu vực đô thị; nhà ở cho lực lượng vũ trang; nhà ở cho cán bộ, công chức, viên chức, văn nghệ sỹ, tri thức; nhà ở cho sinh viên; nhà ở cho công nhân lao động và nhà ở cho những đối tượng xã hội đặc biệt khó khăn (người tàn tật, người già không nơi nương tựa...).

Thời gian tới, Bộ Xây dựng có giải pháp đột phá gì để đẩy mạnh hơn nữa việc phát triển nhà ở xã hội?

Các giải pháp đã nêu rõ trong chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến 2020, tầm nhìn đến 2030. Ở đây cần lưu ý các điểm mới: trong giải pháp về quy hoạch, cần phải xác định rõ khu vực đất dành cho nhà ở xã hội ngay trong quy hoạch phân khu và quy hoạch chi tiết để quản lý và xây dựng nhà ở xã hội; trong giải pháp về kế hoạch, cần phải pháp lệnh hoá các chỉ tiêu về xây dựng nhà ở xã hội trong dài hạn, trung hạn và hàng năm đối với từng địa phương để thực hiện bắt buộc thay vì thực hiện tự nguyện như hiện nay.

Và một giải pháp quan trọng về tài chính là ngoài các chính sách hỗ trợ của Nhà nước thì cần phải xây dựng quỹ tiết kiệm nhà ở để hỗ trợ về vốn cho người dân có nhu cầu phát triển nhà ở xã hội.

Chúng ta cần phải xây dựng các chính sách riêng cho các nhóm đối tượng nhà ở xã hội. Trong đó, một mặt Nhà nước phải có chính sách hỗ trợ phát triển nhà ở xã hội, mặt khác Nhà nước sẽ  trực tiếp đầu tư để có quỹ nhà  tái định cư, nhà cho thuê giá rẻ  hoặc nhà cho thuê mua giá rẻ...

Các doanh nghiệp tham gia xây dựng nhà ở xã hội sẽ được hưởng những chính sách ưu đãi của Nhà nước và người dân cũng được tham gia xây dựng nhà ở xã hội như: nhà ở cho công nhân khu công nghiệp, cho học sinh, sinh viên... thuê, nhưng phải tuân theo quy chuẩn, tiêu chuẩn do các cơ quan quản lý nhà nước ban hành.

Thị trường bất động sản đang trầm lắng nhưng giá  nhà ở tại các đô thị vẫn quá cao khiến đại đa số người dân đô thị khó tiếp cận nhà ở. Bộ trưởng thấy thế nào về thực trạng này?

Không phải tại tất cả các đô thị giá nhà ở đều cao, mà giá nhà cao chủ yếu tại Hà Nội và Tp.HCM. Điều rất cần được quan tâm là thị trường bất động sản đang bị trầm lắng, nếu không nói là thị trường này đang đóng băng.

Về nguyên nhân: ngoài những nguyên nhân khách quan do tác động tiêu cực của suy thoái kinh tế thế giới tác động đến kinh tế Việt Nam cũng như những hạn chế nội tại của nền kinh tế trong nước thì rất phải chú ý đến các nguyên nhân chủ quan.

Đó là công tác quản lý nhà nước về phát triển đô thị và nhà ở còn hạn chế. Một nguyên nhân thuộc về nhà đầu tư, đó là tình trạng đầu tư theo phong trào, doanh nghiệp không có năng lực, thiếu kinh nghiệm cũng đầu tư kinh doanh bất động sản.

Từ đó có rất nhiều doanh nghiệp đầu tư kinh doanh bất động sản và hậu quả là doanh nghiệp yếu đã làm ảnh hưởng đến những doanh nghiệp có năng lực và ảnh hưởng chung đến thị trường. Điều này dẫn đến các nhà đầu tư đều khó khăn.

Mặt khác, cơ cấu nhà ở rất bất hợp lý. Chủ đầu tư quá quan tâm đến phân khúc nhà ở, căn hộ cao cấp giá cao (phân khúc thị trường này đang thiếu người mua). Trong khi đó, nhà ở, căn hộ giá trung bình, nhà nhỏ giá rẻ phù hợp với số đông người dân có nhu cầu lại rất thiếu. Đồng thời, thị trường cũng còn thiếu các loại nhà ở cho thuê, thuê mua.

Một nguyên nhân khác nữa là hệ thống tài chính bất động sản chưa hoàn thiện. Vốn cho đầu tư kinh doanh bất động sản chủ yếu là vốn vay ngân hàng và vốn ứng trước của người dân cho nên khi bị tác động bởi chính sách thắt chặt tiền tệ, lãi suất ngân hàng tăng cao, các doanh nghiệp đầu tư kinh doanh bất động sản khó ứng phó được, dẫn đến rất khó khăn.

Vậy, ông đánh giá thế nào về triển vọng của thị trường bất động sản trong thời gian tới?

Thị trường bất động sản khó khăn sẽ ảnh hưởng lớn đến tăng trưởng kinh tế cũng như việc giải quyết việc làm, đời sống của người lao động, việc đáp ứng nhu cầu nhà ở của người dân.

Theo tôi, trước mắt trong năm 2012, thị trường bất động sản còn khó khăn song ánh sáng đã có ở phía trước. Về trung và dài hạn, thị trường bất động sản sẽ tốt lên, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, đáp ứng tốt hơn nhu cầu nhà ở của người dân.

VnEconomy
Tag: Bất động sản , Nhà đất , Nhà ở xã hội , Xây dựng nhà ở xã hội , Bộ Xây dựng