Trung Quốc một lần nữa đối mặt với vụ bê bối thuốc nhiễm chất chrom có hàm lượng cực cao từ vỏ thuốc được sản xuất từ chất gelatin công nghiệp, được đánh giá có thể chấn động hơn vụ sữa nhiễm melamine năm 2008.
|
Người tiêu dùng Trung Quốc và thế giới ắt hẳn chưa quên được sự kiện sữa nhiễm melamine gây chấn động thế giới năm 2008. Cùng năm, người tiêu dùng Mỹ đã bàng hoàng khi có đến 80 người ở Mỹ thiệt mạng do dùng thuốc chống đông máu Heparin của Tập đoàn Baxter sản xuất nhưng nguyên liệu lại xuất xứ từ Trung Quốc. Nay người tiêu dùng lại chứng kiến vụ bê bối mới...
Gelatin làm từ phế liệu giày da
Chưa bao giờ cơ quan chức năng và giới truyền thông Trung Quốc lại vào cuộc điều tra nhanh về bê bối an toàn dược phẩm như lần này, bởi lẽ họ thừa biết người dân không còn kiên nhẫn trước hàng loạt mối đe dọa đến tính mạng đang ẩn chứa trong miếng ăn và sức khỏe hằng ngày của họ.
Đài truyền hình CCTV công khai nêu tên các công ty đã dùng các loại sản phẩm phế thải từ da thuộc để chiết xuất chất gelatin và sử dụng trong sản xuất vỏ thuốc. Theo CCTV, hiện có hàng loạt doanh nghiệp dược phẩm trong nước dính tới bê bối này.
Cục Giám sát, kiểm định và kiểm dịch chất lượng Trung Quốc (SFDA) đã ra lệnh cho chín công ty dược phẩm có tiếng của Trung Quốc phải công bố trên truyền hình 13 danh mục thuốc đã nhiễm độc chrom. SFDA cũng yêu cầu các nhà sản xuất ngừng phân phối và sử dụng các loại thuốc này cho đến khi có kết quả phân tích từ phòng thí nghiệm.
Theo quy định của Trung Quốc, hàm lượng chrom cho phép không quá 2mg trong mỗi kilôgam dược phẩm. Tất cả các nhà sản xuất thuốc của Trung Quốc cũng phải ngưng sử dụng chất gelatin công nghiệp cho mục đích y khoa. Nếu doanh nghiệp nào không hợp tác điều tra và cố tình bưng bít sai phạm sẽ bị trừng phạt nặng.
Các cơ quan giám sát chất lượng Trung Quốc đã bắt đầu điều tra các quan chức tắc trách để xảy ra bê bối nghiêm trọng này. SFDA cam kết công bố thông tin sớm cho công chúng về tiến triển của cuộc điều tra.
Bộ An ninh công của Trung Quốc cũng đã vào cuộc ngay sau khi cảnh sát bắt giữ 53 nghi can, đóng cửa 10 nhà máy sản xuất vỏ thuốc và tịch thu 230 tấn vỏ thuốc nhựa trong tuần qua. Qua kiểm tra 33 sản phẩm viên thuốc dạng nang, SFDA nhận thấy 23 trong 42 mẫu được lấy từ các sản phẩm này đã bị nhiễm chromium, một kim loại nặng rất độc, có thể gây ung thư. Hàng loạt tập đoàn sản xuất dược phẩm ở Cát Lâm, Liêu Ninh đã phải thu hồi thuốc sản xuất dùng vỏ nhiễm độc trong những ngày qua.
Da phế thải trong kho của Công ty Học Dương được dùng để chế tạo chất gelatin cung cấp cho các nhà sản xuất vỏ thuốc ở Trung Quốc. (Ảnh: China Daily)
Nhật Báo Trung Quốc cho biết SFDA trước đó đã rút giấy phép kinh doanh của hai nhà máy sản xuất vỏ thuốc ở Chiết Giang. Song, vụ bê bối dược phẩm này vẫn chưa dừng lại. SFDA đã phải đưa thêm những đội điều tra về các tỉnh Chiết Giang, Hà Bắc và Giang Tây để giám sát các nhà máy sản xuất sử dụng chất dẻo công nghiệp gelatin trong sản xuất dược phẩm.
Theo báo Tin Tức Kinh Doanh Trung Quốc, trung tâm của vụ bê bối mới này là huyện Tân Xương ở Chiết Giang, nơi sản xuất đến 40% vỏ thuốc cung cấp cho thị trường Trung Quốc với giá rẻ hơn phân nửa giá thị trường. Giám đốc một công ty sản xuất vỏ thuốc ở Tây An Dư Quốc Khánh cho biết các doanh nghiệp sản xuất vỏ thuốc đúng chuẩn không thể cạnh tranh với các công ty cùng loại ở Chiết Giang vì họ dùng gelatin lấy từ da phế thải.
Nguy cơ của những kẽ hở!
Nhật Báo Trung Quốc dẫn lời chuyên gia Bộ Y tế Tôn Trung Thực cho biết trong vụ bê bối dược phẩm mới này, những kẽ hở trong luật pháp đã bị những kẻ đầu cơ lợi dụng. Các quy định hiện tại chỉ yêu cầu kiểm tra chất lượng các hoạt chất chế tạo dược trước khi đưa vào thị trường chứ không kiểm tra các sản phẩm phi hoạt chất như vỏ thuốc. Bộ trưởng y tế Trần Trúc thừa nhận có nhiều cơ sở sản xuất vỏ thuốc kém chất lượng đang hoạt động “lậu” ở Trung Quốc mà cơ quan chức năng quản lý không xuể.
Thời Báo Hoàn Cầu số ra ngày 20/4 nhận định sự phát triển nhanh của Trung Quốc đang cho thấy có nhiều kẽ hở trong giám sát. Dù Chính phủ Trung Quốc sẵn sàng ngăn chặn những kẽ hở đó, song chúng vẫn tạo ra những vấn đề bức xúc lớn cho công chúng đến mức, như báo này viết, khả năng cầm quyền của nhà nước đang phụ thuộc tốc độ giải quyết các vấn đề này của chính phủ.
Về tính chất nghiêm trọng của vụ bê bối mới này, tờ báo viết: “Mỗi vụ bê bối về an toàn thực phẩm và dược phẩm luôn có thể trở thành một vấn đề gây nên khủng hoảng công cộng. Mối lo ngại về những gì con người ăn và uống vào miệng của mình đều có thể leo thang thành nỗi hoảng loạn. Nếu điều này xảy ra, công chúng có thể bộc lộ và đổ hết sự giận dữ của họ lên chính quyền do đã thất bại trong việc giám sát.
Trong nhiều trường hợp gần đây, sự giận dữ này đã lan rộng và trở thành một vấn đề chính trị. Việc duy nhất chính phủ có thể làm hiện nay là có những biện pháp trừng phạt nghiêm khắc với những đối tượng vi phạm an toàn thực phẩm, trong đó có cá nhân và cả quan chức đã chống lưng và tiếp tay cho các đối tượng này”.
- Thời điểm không khí lạnh mạnh nhất của mùa đông năm nay diễn ra khi nào?
- Soi profile của Hoa hậu Thanh Thủy - Miss International 2024: Học thức đỉnh cao, tài sắc vẹn toàn
- Lương hưu cao nhất Việt Nam hiện nay là bao nhiêu?
- Trùm giang hồ 'Bình Kiểm' lên kế hoạch bắt cóc ca sĩ, người mẫu
- 5 cái tên bị luật cấm đặt khai sinh ở Việt Nam, đó là tên nào?
- Tại sao vàng giảm giá khi ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ?
- Tỉnh nào có tuổi thọ thấp nhất Việt Nam?
- Vụ rơi máy bay quân sự tại Bình Định: 2 phi công thoát nạn thế nào?