Trao đổi với PV, PGS.TS Văn Như Cương cho rằng, việc không cấm thí sinh mang máy ghi âm, ghi hình vào phòng thi là việc làm hết sức thiếu hợp lý của Bộ GD&ĐT.
![]() |
Theo điều, khoản sửa đổi bổ sung của Bộ GD&ĐT, thí sinh có thể mang máy ghi hình, ghi âm vào phòng thi |
Hôm 29/6 Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đä ban hành thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng hệ chính quy năm 2012. Theo đó, Bộ bổ sung quy định về việc tổ chức tiếp nhận và xử lý thông tin phản ánh tiêu cực trong kỳ thi theo điều 36a. Đồng thời bỏ quy định cấm thí sinh mang phương tiện kỹ thuật thu, phát, ghi âm, ghi hình vào phòng thi.
Khuyến khích thí sinh chống tiêu cực
Cụ thể điểm d, khoản 3, điều 25 được sửa đổi, bổ sung như sau: “Không được mang vào phòng thi vũ khí, chất gây nổ, gây cháy, bia, rượu, giấy than, bút xóa, tài liệu, thiết bị truyền tin hoặc chứa thông tin có thể lợi dụng để gian lận trong quá trình làm bài thi và quá trình chấm thi. Không được hút thuốc trong phòng thi”. Bộ cũng bổ sung hẳn một chương quy định về việc xử lý thông tin phản ánh tiêu cực trong kỳ thi và chế độ báo cáo lưu trữ. Cụ thể bổ sung Điều 36a như sau: Nơi tiếp nhận thông tin, bằng chứng về vi phạm quy chế tuyển sinh bao gồm: Ban chỉ đạo tuyển sinh Bộ GD&ĐT; Hội đồng tuyển sinh các trường đại học, cao đẳng. Thanh tra tuyển sinh và Thanh tra giáo dục các cấp. Các bằng chứng vi phạm quy chế sau khi đã được xác minh về tính xác thực là cơ sở để xử lý đối tượng vi phạm.
Theo đó, Bộ có quy định việc cung cấp thông tin và bằng chứng về vi phạm quy chế tuyển sinh. Cụ thể: Khuyến khích thí sinh, những người tham gia công tác tuyển sinh, quần chúng nhân dân phát hiện và tố giác những hành vi vi phạm quy chế tuyển sinh; Người phát hiện những hành vi vi phạm quy chế tuyển sinh cần kịp thời báo cho nơi tiếp nhận quy định tại khoản 1 của điều này để có biện pháp xử lý; người có bằng chứng về vi phạm quy chế tuyển sinh có trách nhiệm gửi bằng chứng cho nơi tiếp nhận quy định tại khoản 1 của điều này trong vòng 7 ngày từ khi kết thúc ngày thi để xử lý.
Người cung cấp thông tin và bằng chứng về vi phạm quy chế tuyển sinh phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính xác thực của thông tin và bằng chứng đã cung cấp, không được lợi dụng việc làm đó để gây ảnh hưởng tiêu cực đến kỳ thi....
Không khả thi
Trao đổi với PV, PGS.TS Văn Như Cương rất bất ngờ sau khi nhận được thông tin điều khoản sửa đổi bổ sung của Bộ GD&ĐT, mà cụ thể là không cấm thí sinh mang máy ghi âm, ghi hình vào phòng thi. PGS.TS Văn Như Cương cho rằng, đây là việc làm hết sức thiếu hợp lý của Bộ GD&ĐT.
“Điều này không khả thi và dễ dẫn đến cực đoan. Bởi lẽ, nếu thí sinh được đem máy ghi hình, máy ghi âm vào phòng thi thì một phòng có 24 thí sinh thì cả 24 em dùng máy ghi hình cũng được à? Vậy với thời gian ấy để ghi những hình ảnh tiêu cực thì làm sao tập trung vào bài thi. Đó là chưa nói đến kẽ hở tạo gian lận trong thi cử và khó kiểm soát các thiết bị điện tử này. Đọc qua điểm d, Khoản 3, Điều 25 được sửa đổi, bổ sung tôi thấy Bộ GD&ĐT chưa quy định chi tiết là được và không được mang những loại máy ghi hình, ghi âm nào, kích cỡ ra sao. Liệu thí sinh đem máy ghi hình to đùng vào phòng thi có được không?”.
PGS.TS Văn Như Cương cũng thể hiện rõ quan điểm: Cách tốt nhất chống tiêu cực trong thì cử là nên chống tiêu cực từ Bộ GD&ĐT đến từng đơn vị, từng trường rồi tiếp đến giáo viên, học sinh. Tại sao kỳ thi ĐH thực hiện rất nghiêm ngặt nhưng kỳ thi tốt nghiệp THPT thì quản lý lỏng lẽo?. Lý do bởi đơn vị, trường nào cũng muốn đạt thành tích cao với những tỉ lệ ngất ngưỡng, thử hỏi làm sao không tiêu cực, gian lận. Vậy nên thay vì sửa đổi, bổ sung những điều luật không thực tế thì hãy xiết chặt ngành giáo dục trong việc thi cử và chống tiêu cực thì hợp lý hơn.
Trái với ý kiến của PGS.TS Văn Như Cương, thầy Đỗ Việt Khoa, người nổi tiếng trong việc chống tiêu cực ngành giáo dục lại cho rằng: “Bộ GD&ĐT có văn bản cấm mang điện thoại di động và thiết bị thu phát vào phòng thi, còn bút quay, máy ghi âm chỉ có chức năng quay video vào, thu âm thanh vào nên nếu cho thí sinh sử dụng để chống tiêu cực thì cũng rất hay. Đây là thiết bị thu, chứ không thể phát do vậy cũng là biện pháp để tố giác, chống gian lận trong phòng thi”.
Ngay trong ngày 29/6, sau khi Bộ GD&ĐT ban hành thông tư sửa đổi bổ sung nói trên, rất nhiều phụ huynh, giáo viên các trường THPT trong Hà Nội và ở các tỉnh, thành khác cũng bày tỏ những ý kiến trái chiều nhau. Sự việc này càng đặc biệt được quan tâm khi vừa qua clip gian lận trong thi cử ở trường THPT Đồi Ngô (Bắc Giang) được một thí sinh quay lại và tố giác.
Trao đổi về vấn đề này, thầy Thiều Cao Cường, Bí thư Đoàn Trường THPT Dương Đình Nghệ (Thiệu Hóa - Thanh Hóa) chia sẻ: “Tôi thấy điều khoản bổ sung của Bộ GD&ĐT hơi lạ. Cấm các thiết bị truyền tin hoặc chứa thông tin có thể lợi dụng để gian lận trong quá trình làm bài thi và quá trình chấm thi là quy định rất hợp lý. Nay nếu cho thí sinh mang máy ghi hình, ghi âm vào phòng thi thì sẽ quá giám sát, quản lý hơn. Tất nhiên, những thiếu bị đó không có màn hình, không kết nối được với internet thì không thể hỗ trợ gian lận trong thi cử được, nhưng nó rất có thể làm ảnh hưởng đến các thí sinh khác trong quá trình làm bài thi”.
Theo thầy Cường, việc sửa đổi, bổ sung điều khoản của Bộ GD&ĐT để mỗi giáo viên, thí sinh có hành động chống tiêu cực và tố cáo gian lận trong thi cử là rất hay, nhưng cũng cần xem xét sao thực hiện và hợp lý.


-
Những cách nạp tiền điện thoại nhanh nhất hiện nay
-
Hướng dẫn tuyển sinh Công an nhân dân năm 2025 do Bộ Công an ban hành
-
Tỷ phú Bill Gates tiên đoán tương lai: 3 ngành học này sẽ 'hot' kiếm về tiền tỷ, ra trường nhận lương 8 con số
-
5 nhóm đối tượng nào được tuyển thẳng vào lớp 10 công lập tại Hà Nội năm 2025?




-
Khánh Ly nói về căn nhà mua chung với Trịnh Công Sơn: 'Thực ra, tôi không bao giờ muốn trở lại nơi đó nữa'
-
Bảng xếp hạng tỷ phú 2025: Elon Musk chiếm ngôi vị người giàu nhất thế giới, Việt Nam có 5 đại diện
-
Tỉnh được coi là 'thủ phủ công nghiệp miền Bắc' có GRDP tăng trưởng cao nhất Việt Nam quý 1/2025
-
Nếu không muốn mất sạch tiền trong tài khoản thì đừng bao giờ tìm kiếm cụm từ này trên Google
-
Không thể tảo mộ và cúng Thanh Minh đúng ngày Tết Thanh Minh, có thể lựa chọn ngày khác được không?
-
Xã, phường sau sáp nhập phải đạt mức diện tích, dân số nào?
-
Cát-xê của Hòa Minzy tăng gấp đôi sau cơn sốt 'Bắc Bling': Hiện tại là bao nhiêu?
-
Dự kiến có 34 tỉnh thành sau sáp nhập mới nhất theo Tờ trình 624