Gian nan học nghề
Ở giữa làng hoa Tây Tựu nhưng gia đình Nguyễn Tự Quyết, Bí thư Chi đoàn thôn 3, xã Tây Tựu (H.Từ Liêm, Hà Nội) lại sống bằng nghề trồng rau xanh. Chỉ đến khi lấy vợ ra ở riêng, Quyết mới bước chân vào nghề trồng hoa. Người dân Tây Tựu trồng hoa rất giỏi. Mỗi người đều chọn cho mình loại hoa thế mạnh và thường giữ bí quyết riêng trong kỹ thuật chăm sóc, thế nên không dễ học nghề của họ. Chọn loài hoa hồng, Quyết chấp nhận làm nhân công thời vụ cho các hộ gia đình trồng hoa này với mục đích học việc. Thời gian đi làm thuê, Quyết “bí mật” quan sát, ghi nhớ từng động tác tách, ghép mắt cho hoa... Chăm chỉ rèn luyện tay nghề, từ vị trí phụ việc, Quyết dần được chủ vườn tin tưởng “đôn” lên làm thợ chính. Đầu năm 2009, khi đã “cứng tay”, Quyết dành 4 sào ruộng, dồn tiền tiết kiệm của hai vợ chồng, cộng thêm vay mượn người thân gần 20 triệu đồng mua giống trồng vụ đầu tiên.
Nguyễn Tự Quyết đang chăm sóc ruộng hoa của mình - Ảnh: P.Hậu
“Có trực tiếp làm nghề này mới hiểu được nỗi cơ cực của người trồng hoa”, Quyết trải lòng. Một mình hì hụi ghép mắt hoa cho 4 sào ruộng, công việc tưởng chừng như êm xuôi, không may gặp đúng thời điểm nắng gắt, mắt hoa cứ héo dần gây thiệt hại đáng kể. Đến khi cây phát triển, Quyết liên tiếp đối mặt với khó khăn như sâu bệnh cắn phá. Chưa có nhiều kinh nghiệm, Quyết tìm đến những ruộng hoa lâu năm cũng có bệnh tương tự rồi lặng lẽ bám theo họ đến cửa hàng mua thuốc bảo vệ thực vật. “Mình dặn trước chủ cửa hàng, họ mua thuốc gì thì mình cũng mua đúng loại thuốc ấy. Học “lỏm” theo cách này vừa nhanh lại cho hiệu quả tức thì”, Quyết chia sẻ.
Thế nhưng một lần nữa lòng kiên nhẫn của Nguyễn Tự Quyết tiếp tục bị thiên nhiên thử thách. Trận mưa lớn hồi tháng 10.2009 khiến quá nửa diện tích hoa chuẩn bị trổ nụ bị ngâm trong nước. Năm ấy, Tây Tựu thiệt hại quá lớn, nhiều người chán nản chẳng còn muốn ngó ngàng tới hoa. Còn Quyết vẫn hằng ngày thăm đồng cần mẫn tát nước cứu từng luống hoa. Gặp đúng kỳ giáp tết, hoa khan hiếm, giá tăng cao. Nhờ số hoa vớt vát sau trận lụt, Quyết trúng đậm, không chỉ thu hồi vốn đầu tư mà còn dư tiền thuê đất mua giống mở rộng 6 sào hoa ở các xã bạn.
Giữ thương hiệu làng hoa
“Bài học của Ngọc Hà vẫn còn đó, từ làng hoa trứ danh, nức tiếng Hà Thành giờ đã phai tàn. Mà số làng hoa ở Hà Nội giờ không nhiều, chỉ đếm trên đầu ngón tay, nếu không gìn giữ thì sớm muộn Tây Tựu cũng theo gót Ngọc Hà mà thôi”, Quyết trăn trở. Ở Tây Tựu từng có thời gian thanh niên chán nản không còn muốn làm nghề cơ cực này. Thế nên mới có nghịch lý lao động khắp nơi đến Tây Tựu tìm việc làm nhiều đến mức có cả phiên chợ lao động, còn thanh niên trong xã có xu hướng đi tìm việc làm nơi khác. Đó cũng chính là lý do khiến chàng trai một thời ham chơi này dành toàn bộ tâm sức kiên nhẫn bước chân vào nghề trồng hoa với hy vọng sẽ gìn giữ, phát triển thương hiệu hoa Tây Tựu.
Một mình không làm xuể, từ cương vị Bí thư Chi đoàn thôn 3, Quyết nghĩ đủ cách thu hút thanh niên tham gia hoạt động. Khi thì thi đấu trò chơi dân gian, giao lưu kết bạn cho nam nữ đến tuổi dựng vợ gả chồng, lúc lại cùng nhau thu dọn đường làng ngõ xóm… Chọn nòng cốt là thanh niên xuất ngũ về lại địa phương, Quyết vận động họ đầu tư trồng hoa, làm kinh tế. Từng trải qua những khó khăn khi bước chân vào giới trồng hoa ở Tây Tựu, Quyết tận tình đeo bám, hỗ trợ miễn phí mắt hoa, hướng dẫn cấy ghép. Cứ thế, số thanh niên hứng thú với nghề trồng hoa mỗi năm lại tăng dần. Trong các sinh hoạt tập thể của đoàn, các ý kiến trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trồng hoa ngày càng rôm rả và hữu ích. Bằng sự lao động cần cù, ham học hỏi, không chỉ Quyết mà nhiều thanh niên đang giàu lên từ chính nghề truyền thống này khi mỗi năm họ lãi hàng trăm triệu đồng từ bán hoa. Thế nên, việc ti vi đời mới, máy giặt và tủ lạnh hạng sang có giá hàng chục triệu đồng xuất hiện trong tổ ấm của những cặp vợ chồng thanh niên ở Tây Tựu giờ đã là chuyện quá bình thường.