Đầu tiên phải kể tới cặp đấu giữa CH Séc và Bồ Đào Nha, hai đội bóng này vẫn luôn được nhắc tới với lối chơi cống hiến đầy tốc độ và kỹ thuật. Trong suốt chiến dịch vòng bảng, cả Séc và Bồ Đào Nha cũng vẫn giữ được bản sắc vốn có của mình. Với CH Séc, dù không còn nhiều những ngôi sao sáng trong đội hình như cách đây vài năm nhưng dưới sự dẫn dắt của HLV Bilic cùng tài tổ chức của Rosicky, đội bóng xứ pha lê vẫn theo đuổi thứ bóng đá tấn công đẹp mắt. Sau trận ra quân đầy thất vọng trước Nga, Rosicky và các đồng đội đã kịp lấy lại hình ảnh bẳng 2 chiến thắng trước Hy Lạp và Ba Lan đẻ góp mặt tại tứ kết.
Ronaldo - Niềm hi vọng số 1 của Bồ Đào Nha
Khác với CH Séc, thế hệ hiện tại của Bồ Đào Nha không thiếu những tài năng xuất chúng. Điển hình là Ronaldo, cầu thủ đắt giá nhất hành tinh. Bên cạnh đó cũng phải kể đến những cái tên như Nani, Moutinho, Mereiles… Với đội ngũ như vậy, cũng chẳng khó hiểu khi Bồ Đào Nha vẫn chọn cho mình lối chơi tấn công đầy tốc độ làm kim chỉ nan. Ở vòng bảng, ít nhiều Seleccao cũng đã thể hiện được đẳng cấp của mình bằng chính lối chơi tấn công như vũ bão, tiêu biểu nhất là trận thắng Hà Lan 2-1 trong loạt trận cuối để giành vé đi tiếp. Như vậy, sẽ không có gì là ngạc nhiên nếu như trận tứ kết giữa CH Séc và Bồ Đào Nha được định đoạt bằng những màn đôi công hấp dẫn.
Cặp đấu Tây Ban Nha – Pháp được đánh giá là cặp đấu hấp dẫn nhất tại tứ kết Euro 2012. Tây Ban Nha là nhà ĐKVĐ còn Pháp là nhà cựu vô địch Euro 2000. Một quá khứ, một hiện tại nhưng điểm chung giữa hai “ông lớn” này là sự phóng khoáng trong lối chơi. Nói đến nước Pháp người ta thường nghĩ về sự lãng mạn và bóng đá Pháp cũng mang hơi thở của sự lãng mạn. Lối chơi của ĐT Pháp dù trong bất cứ thời điểm nào cũng luôn cho thấy nét hào hoa, lịch lãm như một quý ông khiến bao trái tim say đắm.
Tây Ban Nha vẫn rất mạnh
ĐT Pháp hiện tại cũng quy tụ nhiều ngôi sao tấn công sáng giá như Ribery, Benzema, Cabaye, Menez, Nasri, Ban Arfa và vì vậy không có lý do gì để “Gà trống Gôloa” không tiếp tục “thêu hoa dệt gấm” trên sân cỏ. Còn về Tây Ban Nha, không nói ai cũng biết thứ bóng đá chinh phục cả thế giới của “Bò tót”. Với cốt lỗi là lối chơi tiqui-taca của Barca nhưng đã được Aragones hay Del Bosque chuyển hóa khéo léo cho phù hợp với con người mà Tây Ban Nha có trong tay. Tuy nhiên, cái hồn của tiqui-taca thì vẫn còn nguyên vẹn và nó đưa người xem như lạc vào một thế giới của những kiệt tác.
Đội ngũ của nhà ĐKVĐ cũng khiến nhiều người phải ngưỡng mộ. Những Xavi, Iniesta, Silva, Fabregas, Mata… đều là những “quái kiệt” chuyền bóng hàng đầu thế giới và khi nào họ vẫn còn giữ được niềm cảm hứng, Tây Ban Nha vẫn sẽ thống trị những trận cầu đỉnh cao.
Cặp đấu giữa Anh và Ý cũng hứa hẹn sẽ mang tới nhiều điều thú vị cho người hâm mộ. Nếu như trước đây, nhắc đến Ý là người ta nhắc tới lối đã phòng ngự Catenaccio trứ danh thì giờ đây, dưới bàn tay của Prandelli, Azzuri đã lột xác hoàn toàn. Một lối chơi tấn công cống hiến cùng những cầu thủ trẻ giàu khát khao, Ý đã thổi vào chính hình ảnh của mình một luồng gió mới. Sau những trận vòng bảng, phần nào người hâm mộ đã hình dung ra hướng đi của đội bóng áo thiên thanh. Trong khi đó, ĐT Anh vốn luôn tự hào bởi phong cách chơi bóng đầy tốc độ với những pha bám biên thần tốc. Chính bởi vậy, cuộc đọ sức này cũng rất đáng để chờ đợi.
Đức là một trong những ƯCV sáng giá cho một suất vào bán kết
Trong số 4 cặp đấu ở tứ kết, Đức – Hy Lạp chính là cặp đấu cho thấy sự chênh lệch nhất và cũng có khả năng ít cống hiến nhất. Lý do thì quá đơn giản, Hy Lạp chưa bao giờ được biết đến với lối chơi tấn công và đội bóng này cũng chẳng thể tấn công nổi bởi lực lượng luôn chỉ ở mức trung bình. Thế nhưng, chính bằng lối chơi phòng ngự phản công, Hy Lạp đã lên ngôi tại Euro 2004 và chắc chắn HLV Santos sẽ tiếp tục cho các học trò của mình đi lại “con đường cũ”.
Trái ngược với Hy Lạp là Đức, đội bóng trong khoảng 5 năm trở lại đây luôn chơi thứ bóng đá hào sảng. Sức mạnh của Đức là điều không phải bàn cãi, nhưng nhiều khả năng đoàn quân của HLV J.Low sẽ vấp phải lối đá tiêu cực mà Hy Lạp giăng ra. Thế nhưng, cho dù là như vậy, những người yêu bóng đá đẹp vẫn hi vọng rằng với những mũi khoan sắc nhọn của mình, Đức sẽ phá vỡ được hệ thống phòng ngự vốn không còn quá vững chắc của Hy Lạp.
Lịch thi đấu tứ kết Euro 2012