Trong phiên xét xử sáng nay, HĐXX tập trung thẩm vấn bị cáo Nguyễn Đức Kiên để làm rõ vai trò bị cáo trong các Công ty.
Vụ 'bầu' Kiên: Làm rõ hành vi trốn thuế của Nguyễn Đức Kiên |
16h30 Cuối giờ làm việc chiều nay, HĐXX nhắc nhở các cơ quan đã “hứa” trả lời văn bản gồm Ủy ban chứng khoán và Tổng cục Thống kê. Đại diện Ủy ban chứng khoán Nhà nước cho biết đã có văn bản nhưng chưa ký được nên chưa gửi HĐXX. Phía Tổng cục Thống kê đã có câu trả lời về việc xếp mã hàng hóa.
16h15 Đại diện VKS hỏi bị án Hải Yến- nguyên Kế toán trưởng ACBS: Biên bản họp HĐQT 15/5/2012 về việc các thành viên trong HĐQT đồng ý chuyển nhượng 20.000.000 cổ phiếu của Hòa Phát, cuộc họp này có thật không?
Bị án Nguyễn Thị Hải Yến: Tôi không được chứng kiến mà soạn biên bản theo chỉ đạo của ông Kiên. Anh Kiên chỉ đạo viết nội dung. Văn bản này theo form sẵn của Công ty, chỉ thay đổi nội dung số lượng cổ phiếu, giá cả.
15h52 HĐXX: Số tiền 264 tỷ này do ai chuyển lại cho Hòa Phát?
Ông Trần Đình Long-Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát: Do cơ quan Cảnh sát điều tra chuyển ngày 12/6/2013. Nhận từ tài khoản phong tỏa của cơ quan cảnh sát điều tra.
HĐXX cho rằng: Hậu quả của vụ án đến thời điểm này đã được khắc phục với Hòa Phát nhưng không có nghĩa bị cáo Nguyễn Đức Kiên không có tội.
15h40 Trả lời câu hỏi của chủ tọa, ông Kiều Chí Công – Giám đốc Cty TNHH một thành viên thép Hòa Phát cho biết: Được lãnh đạo Cty chỉ đạo thực hiện. Khi ký hợp đồng chuyển nhượng tôi không nhớ.
HĐXX: Việc thực hiện hợp đồng giữa hai bên được tiến hành như thế nào?
Ông Công: Sau khi tôi ký hợp đồng cho ACBI, cơ quan cảnh sát điều tra gặp chúng tôi và thông báo cổ phiếu đã bị thế chấp. Đến 5/9, có một đơn kiến nghị gửi Cơ quan cảnh sát điều tra yêu cầu điều tra làm rõ. Đến nay, mọi hợp đồng đã mua bán lại bình thường, đã nhận lại 261 tỷ. Chúng tôi không có thiệt hại gì.
15h30: HĐXX cách ly bị cáo Nguyễn Đức Kiên để thẩm vấn những người liên quan làm rõ hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
15h20 Luật sư Nguyễn Huy Thiệp hỏi đại diện Thuế Đống Đa: Cty B&B đã có báo cáo mới, trong đó đã xác định lỗ 77 tỷ. Về mặt thuế, khi lỗ 77 tỷ Cty có phải nộp khoản thuế đáng lẽ phải nộp giai đoạn trước. Tôi muốn làm sáng rõ nguyên tắc tính thuế thế nào, chứ không phải cắt đoạn để nộp. Tôi muốn tham vấn để thêm kinh nghiệm, hiểu biết.
Thẩm phán đề nghị luật sư hỏi đúng nội dung liên quan vụ án là 25 tỷ thuế do bản án sơ thẩm qui kết. Ngoài 25 tỷ này thì không đề cập. Việc nộp 25 tỷ này như thế nào? Đối tượng và phạm vi trả lời thế nào thì ông Luật sư đặt câu hỏi cho có trọng tâm.
14h55 Luật sư Vũ Xuân Nam hỏi giám định viên thuế TNDN tính trên những căn cứ gì? Trong trường hợp B&B được áp dụng ưu đãi thì số tính toán 25 tỷ ấy có còn chính xác?
Giám định viên cho biết: Số 25 tỷ tính từ Hợp đồng ủy thác tài chính giữa B&B và ACB. Tuy nhiên, theo Thông tư 03 của Bộ Tài chính năm 2009, việc giảm thuế TNDN đối với B&B đã được áp dụng với thuế TNDN. Số thuế 25 tỷ từ hợp đồng, không có căn cứ để được miễn giảm thuế.
14h45 Trả lời câu hỏi của HĐXX về việc Cty B&B có phải là doanh nghiệp vừa và nhỏ không, đại diện Chi cục Thuế Đống Đa cho biết: “Nội dung này đã trả lời cơ quan cảnh sát điều tra. Xác định đây là DN vừa và nhỏ và đã được miễn giảm thuế theo chính sách của nhà nước”.
Trong phần HĐXX hỏi bà Lê Thị Thu Hà – Kế toán trưởng của B&B về doanh thu của Cty B&B là bao nhiêu?
Bà Hà cho biết: “Thuế VAT nộp Nhà nước 68 triệu. Thuế thu nhập DN: lãi hơn 1 tỷ và đã nộp 181 triệu đồng”.
HĐXX cũng đề nghị bà Lê Thu Hà làm rõ căn cứ để xây dựng báo cáo tài chính năm 2009.
Sở dĩ, HĐXX yêu cầu nội dung này là vì căn cứ vào báo cáo thuế của DN theo kỳ, mức thuế phải nộp của B&B là theo báo cáo thuế nộp cho cơ quan thuế. Trên cơ sở đó, cơ quan thuế đã chuẩn y số liệu trong báo cáo thì mới ra con số phải nộp là 181 triệu? Ở đây, HĐXX muốn hỏi để xác định khoản tiền B&B chuyển cho bà Hương 61 tỷ đồng có hợp pháp không, có phải đóng thuế không?
14h25 Trả lời câu hỏi của luật sư về khoản lãi của hợp đồng giữa Cty B&B và bà Hương, bị cáo Kiên cho biết: Trong mọi trường hợp không có thuế phải nộp. Hợp đồng có giá trị 2 năm, chưa bao giờ phát sinh lợi nhuận thật từ hợp đồng này, dù tính từ năm 2009 đến giờ.
Luật sư hỏi: Có bao giờ anh nghĩ, mình sẽ phải làm gì đó để trốn thuế hay không?
Bị cáo Kiên: Câu hỏi này khiến tôi hơi bất ngờ, vì tôi chưa bao giờ nghĩ mình sẽ phải làm một cái gì đó để trốn thuế.
14h15 HĐXX yêu cầu mô tả một hành vi cụ thể trong việc thực hiện một hợp đồng của Hương và B&B và B&B và ACB.
Bị cáo Kiên trả lời: Việc thực hiện trong ngày, gồm 3 hành vi: Đầu tiên là giá có thể lên và xuống. Tôi thông báo cho kế toán của B&B chuẩn bị các phiếu lệnh theo lệnh của tôi để thông báo vào ACB. Tôi gọi điện vào ACB đặt lệnh theo dự báo của tôi.
Một hành vi đặt lệnh với 2 tư cách: Một là được Hương ủy quyền và một là đại diện cho B&B.
HĐXX: Bị cáo khai trước tòa, bà Hương ủy quyền cho bị cáo với tư cách cá nhân. Bị cáo ủy quyền cho vợ. Bị cáo đứng ở tư cách là người đại diện pháp luật của B&B. Cùng một việc làm nhưng lúc thì đứng ở tư cách này, lúc ở tư cách khác?
Bị cáo Kiên: Đây là hai hành vi nối tiếp nhau. Chính vì thế tôi mới yêu cầu vợ ký hợp đồng, nếu không tôi đã tự làm hết rồi.
HĐXX: Có tài liệu nào ủy thác cho bị cáo làm việc này thay B&B?
Bị cáo Kiên: Có biên bản của B&B giao cho tôi thực hiện việc này.
HĐXX đề nghị kiểm tra biên bản này.
14h00:HĐXX tiếp tục thẩm vấn bị cáo Nguyễn Đức Kiên
HĐXX: Bị cáo khai Hợp đồng ủy thác số 010109 do bị cáo soạn thảo. Trước khi soạn thảo, bị cáo có bàn gì với bà Lan và bà Thúy Hương?
Bị cáo Kiên: Tôi viết bằng tay và nhờ anh Trung đánh máy. Sáng 25, tôi đưa vợ tôi ký hợp đồng đầu tiên. Sau đó tôi đi uống cà phê và làm tiếp phụ lục hợp đồng. Đến trưa tôi đưa vợ tôi ký. Đến chiều tôi đưa vợ tối ký hợp đồng giữa B&B với ACB. Việc này được chia làm 3 đoạn. Vợ tôi không nắm chi tiết nhưng tôi nhớ là đưa vợ tôi ký vài lần trong ngày.
HĐXX: Bị cáo có nói với vợ?
Bị cáo Kiên: Tôi có nói với em tôi còn với vợ tôi thì không nói gì vì lúc ấy cô sắp sinh.
HĐXX: Việc ký hợp đồng giữa Cty B&B và bà Thúy Hương, bị cáo có bàn với vợ?
Bị cáo Kiên: Vợ tôi không liên quan gì, vì vợ tôi chỉ ký theo ủy quyền. Còn với Hương, tôi nói là cho phép đầu tư qua Cty B&B.
HĐXX: Vai trò của bà Hương trong hợp đồng này là gì?
Bị cáo Kiên: Vai trò quan trọng nhất là chủ thể hoạt động đầu tư này, lời – lỗ Hương phải chịu. Phụ lục hợp đồng tôi viết, Hương ủy quyền cho cá nhân tôi và tôi thực hiện với Cty B&B.
HĐXX: Năm 2009, Cty B&B có lãi không?
Bị cáo Kiên: Cty không chịu trách nhiệm về lời lỗ của hợp đồng này mà chỉ hưởng một mức phí là 1%.
Chiều nay (2/12), phiên tòa phúc thẩm vụ án Nguyễn Đức Kiên và đồng phạm tiếp tục diễn ra.
11h30.Tòa tạm nghỉ, chiều tiếp tục làm việc.
11h17: Bị cáo Kiên liên tục khẳng định Công ty B&B không trốn thuế. Bị cáo cho biết: Tôi yêu cầu vợ tôi, làm văn bản gửi các cơ quan thuế có thẩm quyền xác định số thuế phải nộp. Các đơn vị liên quan đều có công văn trả lời đã nhận được đề nghị của B&B nhưng chưa có bất kỳ hướng dẫn nào. Số thuế B&B phải nộp là bao nhiêu thì mới ra con số trốn thuế như thế nào?
10h59: HĐXX tiếp tục cho bị cáo Kiên trình bày về phần trốn thuế.
Bị cáo Kiên trình bày trước tòa: Ngày 25/12/2008, đồng ý cho em gái tôi ký hợp đồng với công ty B&B kinh doanh vàng để em gái tôi học kinh doanh. Lý do, trước khi em gái tôi ký hợp đồng, Việt Nam đã có hoạt động này từ năm 2005, từ khi tôi còn là Phó Chủ tịch ACB. Có nhiều khách hàng ký hợp đồng với ACB và đều được báo cáo với các cơ quan chức năng. Qua nhiều cuộc thanh tra nhưng không có bất kỳ cơ quan nào nói rằng việc này là sai.
Tôi là người soạn thảo hợp đồng và ủy quyền cho vợ tôi, thay mặt B&B ký với Hương. Sau đó, ủy thác cho bên thứ 3 là ACB, sau khi đã ký hợp đồng và phụ lục. Căn cứ vào các qui định của pháp luật, bên nhận ủy thác phải là thương nhân và có chức năng kinh doanh. Bên ủy thác có thể là thương nhân hoặc không là thương nhân. Vì thế, Hương không cần phải đăng ký là hộ kinh doanh cá thể.
Hợp đồng nêu rõ, đối tượng là vàng SJC 9999, giao dịch tại Việt Nam và quốc tế. ACB xuất khẩu nhiều loại vàng này ra quốc tế. HĐXX có thể hỏi anh Hân, Hải để biết ACB đã xuất bao nhiêu vàng ra thế giới.
Mặt hàng mà Hương và B&B ký nằm trong diện hàng hóa được điều chỉnh bởi Luật Thương mại.
B&B không ủy quyền cho ACB mở tài khoản nước ngoài, không kinh doanh vàng tài khoản ở nước ngoài, không có số dư và không có bất kỳ lệnh mua bán nào.
Bị cáo Kiên cũng đề nghị HĐXX xem xét một số nội dung liên quan đến Tổng cục thuế.
10h46: HĐXX tiếp tục cho bị cáo Kiên trình bày về phần trốn thuế.
10h45: Luật sư Vũ Xuân Nam hỏi đại diện NHNN.
Luật sư: Kinh doanh vàng trạng thái trong nước, NHNN có cấp phép không?
Đại diện NHNN: Theo qui định của pháp luật, kinh doanh vàng tài khoản theo Quyết định số 03.
Luật sư: Đề nghị đại diện NHNN xác định NHNN có cấp phép cho hoạt động kinh doanh vàng trạng thái?
Đại diện NHNN: Không có kinh doanh vàng trạng thái mà chỉ có kinh doanh vàng vật chất.
Luật sư: Vì không có nên không cấp, có đúng không ạ?
Đại diện NHNN: Cái này không phải thế. Chúng tôi không có qui định đấy nên không cấp
10h30: Trả lời câu hỏi của Viện Kiểm sát, đại diện NHNN cho biết, theo 03 thì kinh doanh vàng tài khoản nước ngoài phải có phép.
Kinh doanh vàng là loại hàng hóa phải có điều kiện kinh doanh. DN kinh doanh phải có giấy phép. Vàng trang sức Bộ Công thương chịu trách nhiệm. Còn vàng tiêu chuẩn do NHNN cấp phép.
10h25: Luật sư Nguyễn Huy Thiệp hỏi bà Đặng Ngọc Lan:
Luật sư: Khi ký các hợp đồng bà có đọc văn bản đó không?
Bà Ngọc Lan: Tôi chỉ đọc vắn tắt nội dung còn các điều khoản liên quan tôi không đọc.
Luật sư: Với 3 văn bản này, chị có xác định ký trong bao nhiêu lần?
Bà Ngọc Lan: Tôi không nhớ ký vào lúc nào, ký mấy lần. Ký rải rác trong ngày. Tôi không nhớ nổi ai mang về cho tôi ký.
10h04: HĐXX mời bà Nguyễn Thúy Hương vào phòng xét xử.
Chủ tọa: Những lời khai của bà ở tòa sơ thẩm có đúng không?
Bà Hương: Những lời khai ở tòa sơ thẩm ngắn gọn nên tôi nhớ.
Chủ tọa: Việc bà ký hợp đồng ủy thác kinh doanh vàng qua cty BB?
Bà Hương: Đây là hợp đồng ủy thác đầu tư tài chính, kinh doanh trạng thái vàng.
Chủ tọa: Nội dung hợp đồng?
Bà Hương: Tên hợp đồng là Hợp đồng ủy thác đầu tư tài chính.
Chủ tọa: Việc ký hợp đồng với BB đàm phán với ai?
Bà Hương: Tôi đàm phán với anh Kiên, không đàm phán với bà Lan.
Chủ tọa: Ai là người ký?
Bà Hương: Bà Ngọc Lan ký, việc ai ký phải do bên kia ủy quyền.
Chủ tọa: Nội dung hợp đồng là gì?
Bà Hương: Hợp đồng rất dài, về cơ bản, tôi là người ủy thác cho Cty BB đại diện kinh doanh trạng thái vàng trong nước và một phần ở nước ngoài. Số lượng 600.000 lượng SJC 9999. Trạng thái giao dịch nước ngoài 45.000 oz, tương đương 37.500 lượng vàng SJC, số còn lại là giao dịch trạng thái vàng trong nước.
Chủ tọa: Bà phải đặt cọc bao nhiêu?
Bà Hương: Tôi không phải đặt cọc, BB là công ty gia đình nên tôi không phải đặt cọc.
Chủ tọa: Ai là người bỏ vốn?
Bà Hương: Anh Kiên giải thích, tôi không phải đặt cọc, mua vàng về mà kinh doanh theo trạng thái giá vàng. Tôi chỉ biết tôi không phải đặt cọc và BB là đơn vị được tôi ủy thác thực hiện việc đó.
Tôi chỉ nắm được phần giữa tôi và BB. Tôi ký phụ lục cho phép BB ủy quyền cho bên thứ 3. Tôi không nắm được chỗ này. Kết quả đầu tiên có lãi, tôi được chia 68 tỷ đồng, BB được 1% lợi nhuận. Nhưng nếu lỗ hoặc toàn bộ chi phí quá trình đầu tư ấy tôi phải chịu. Lần thứ 2, do cùng lúc có nhiều khoản đầu tư khác nhau, khi chia BB nói có khoản lãi 31 tỷ nhưng có những khoản lỗ tiềm năng đến hàng trăm tỷ nên tạm thời chưa chia lãi.
Chủ tọa: Bà sử dụng số tiền chia lãi thế nào?
Bà Hương: Tôi chuyển vào tài khoản cho anh Kiên vay để tiếp tục đầu tư vào khoản khác.
9h35 HĐXX cho mời bà Đặng Ngọc Lan - vợ bị cáo Nguyễn Đức Kiên.
Chủ tọa hỏi bà Đặng Ngọc Lan: Bà hiện là TGĐ Cty B&B?
Bà Ngọc Lan: Đúng ạ. Công ty hiện đang hoạt động và không có hoạt động nào phát sinh mới.
Chủ tọa: Bà cho biết hợp đồng bà ký ?
Bà Ngọc Lan: Về hợp đồng giao dịch với ACB, tôi đã trình bày ở cấp sơ thẩm, tôi không để ý, tìm hiểu hợp đồng đó chi tiết như thế nào. Khi đó, tôi ở nhà, anh Kiên mang hợp đồng về nói tôi ký. Tôi không thường xuyên ký hợp đồng, văn bản mà chỉ ủy quyền khi anh Kiên đi công tác. Trong trường hợp này, tôi ký hợp đồng đó ở nhà, nội dung hợp đồng như thế nào thì tôi không để ý.
Chủ tọa: Bà không trực tiếp đàm phán ACB ký hợp đồng?
Bà Ngọc Lan: Dạ vâng.
Chủ tọa: Ai mang hợp đồng cho bà ký?
Bà Ngọc Lan: Mang về nhà, tôi nghĩ chỉ có anh Kiên.
Chủ tọa: Bà có biết nội dung hợp đồng?
Bà Ngọc Lan: Tôi có đọc và biết đó là một hợp đồng với ACB.
Chủ tọa: Căn cứ ký hợp đồng đó bà có biết?
Bà Ngọc Lan: Sự thật, lúc ký đó, tôi hoàn toàn không để tâm, để ý, không đọc.
Chủ tọa: Đến ngày 25/12 bà có ký hợp đồng nào không?
Bà Ngọc Lan: Tôi không nhớ nhưng tôi ký rất ít, vì chỉ khi nào anh Kiên đi vắng tôi mới ký.
Chủ tọa: Việc thực hiện hợp đồng bà có nắm được gì không?
Bà Ngọc Lan: Trong suốt quá trình thực hiện, năm 2009 tôi mang thai, sinh cháu và hoàn toàn ở nhà nên không theo những giao dịch đó.
Chủ tọa: Bà cho biết, hợp đồng ủy thác giữa bà Hương và Cty BB ký ngày 25/12/2008?
Bà Ngọc Lan: Hợp đồng BB ký với Thúy Hương tôi nghĩ chắc là được tôi ký ở nhà, tôi không rõ. Sau này, cơ quan điều tra đưa ra tôi mới biết tôi ký. Chồng đưa cho thì tôi ký thôi. Tôi và cô Hương không có trao đổi gì trước về hợp đồng này.
Chủ tọa: Sao không biết nội dung mà bà lại ký?
Bà Ngọc Lan: Tôi đủ nhận thức là khi ký phải đọc và phải hiểu. Trong trường hợp này, tôi tin tưởng anh Kiên, chồng mang về ký thì chẳng hỏi để làm gì, chắc là anh ấy sẽ không đưa tôi ký những cái sai.
Chủ tọa: Nghĩa là hai bên không trao đổi gì, chỉ ký thôi. Sau này cơ quan điều tra đưa cho xem lại mới biết?
Bà Ngọc Lan: Đúng là như vậy, sau đó tôi mới ngồi lại, xâu chuỗi sự việc. Chắc chỉ có sự trao đổi cô Hương với anh Kiên.
Chủ tọa: Công ty có 3 người, ông Kiên đại diện theo pháp luật ủy quyền cho TGĐ ký với ACB?
Bà Ngọc Lan: Tôi được ký các giấy tờ liên quan đến ngân hàng và các loại giấy tờ khác.
Chủ tọa: Bà có biết nội dung hợp đồng?
Bà Ngọc Lan: Khi vụ án xảy ra thì tôi phải tìm hiểu, nhưng trước đó tôi không tìm hiểu việc làm ăn của anh Kiên, cũng như của các em gái anh Kiên. Đến thời điểm xảy ra vụ án tôi không biết mọi người chia lợi nhuận như thế nào. Sau này, cơ quan điều tra đưa văn bản tôi ký về việc trích lợi nhuận một phần. Chắc lúc nào đấy anh Kiên đưa tôi ký thì tôi ký.
Chủ tọa: Bà có biết trách nhiệm khi ký?
Bà Ngọc Lan: Tôi ký với tư cách là một người vợ hoàn toàn tin tưởng vào khả năng của chồng mình. Bây giờ tôi không thể nói là anh Kiên phải chịu trách nhiệm vì đó là chồng tôi.
Tiếp tục phần thẩm vấn này, bà Thẩm phán hỏi: Trong Luật có qui định rõ trách nhiệm của TGĐ, bà là giám đốc thì buộc phải hiểu biết pháp luật về những qui định của pháp luật. Trong trường hợp này, HĐXX chia sẻ với điều bà nêu, anh Kiên là chồng thì anh chịu trách nhiệm chính. Có thể bà phải đồng chịu trách nhiệm?
Nói đến đây bà Lan bật khóc khiến chủ toạ phải động viên, an ủi. Sau khi vợ bầu Kiên bình tĩnh, HĐXX truy vấn tiếp: “Bà có nhận thức những việc bà làm là đồng phạm với chồng?”
Bà Ngọc Lan: Tôi không nghĩ một ngày mình là đồng phạm của chồng. Tôi luôn nghĩ tôi không sai, chồng tôi không sai vì tôi hành động trên một niềm tin như thế. Tôi không thể nói tôi không có nhận thức về pháp luật, nếu nói như thế sẽ có lợi hơn cho tôi. Nhưng tôi mong HĐXX xem xét tới việc một người phụ nữ chỉ ở nhà chăm con…
Thẩm phán: Bà đã đọc Luật DN chưa?
Bà Ngọc Lan: Tôi có đọc một phần. Thời gian vừa rồi rất kinh khủng với gia đình tôi. Tất cả những việc mà trước đây tôi chưa từng làm thì bây giờ tôi phải làm. Vì vậy, tôi phải đọc và tham vấn ý kiến luật sư. Trước đó, tôi hoàn toàn không quan tâm, tìm hiểu gì cả mà chỉ thực hiện công việc của người phụ nữ ở nhà.
Chủ tọa: Bà không biết gì về hợp đồng giữa BB và ACB và giữa BB và bà Hương?
Bà Ngọc Lan: Dạ đúng ạ.
Bầu Kiên tại tòa sáng 2/12
9h20: Bị cáo Kiên cho biết, huyết áp không ổn định, nên xin phép HĐXX cho tạm nghỉ.
Luật sư Nguyễn Huy Thiệp đề nghị, đại diện của các cơ quan đến tham vấn, Sở KHĐT HN và TP HCM cho biết đã có công văn 6388 ngày 19/9/2014 trả lời về việc hướng dẫn xếp ngành nghề đầu tư kinh doanh (mua trái phiếu, góp vốn thành lập DN…), đề nghị HĐXX công bố cho tòa biết.
9h10: Trong phần trình bày, bị cáo Kiên nói: Tôi thấy có sự mâu thuẫn từ điều tra, truy tố, xét xử là cùng các DN đầu tư vào một chỗ, cùng làm như thế nhưng chỉ 5 công ty này bị qui kết vi phạm pháp luật, như vậy đã tước bỏ quyền bình đẳng giữa các DN với nhau. Không phải sau 2005 DN Việt Nam mới có. Tuy nhiên, không DN nào đăng ký kinh doanh dịch vụ tài chính theo mã 64990.
Bị cáo Kiên khẳng định, cả 5 công ty này đều thực hiện đúng quyền, nghĩa vụ, không vi phạm Luật DN.
Về kinh doanh vàng, bị cáo Kiên cho biết, truy tố tôi vì trong giấy phép không có “mua bán vàng”. Trong giấy phép của Thiên Nam có đăng ký “kinh doanh hàng hóa”. Vậy vàng có phải là hàng hóa không? Vàng là hàng hóa được định nghĩa trong các văn bản pháp luật. Công ty Thiên Nam đương nhiên được kinh doanh vàng, vì đây chỉ là một trong hàng vạn loại hàng hóa. Theo Luật DN, không yêu cầu Thiên Nam phải đổi đăng ký kinh doanh mà chỉ khi nào công ty có yêu cầu đổi ngành nghề kinh doanh.
Thiên Nam có một giấy phép quá hoàn chỉnh. Một nội dung “mua bán hàng hóa” Thiên Nam có đủ điều kiện kinh doanh các loại hàng hóa pháp luật cho phép.
Thiên Nam được thành lập gần 20 năm. Tôi xác định, Thiên Nam dừng hoạt động một số lĩnh vực mà chuyển xuống các công ty con.
Liên quan đến nội dung bản án sơ thẩm, có 2 nội dung không truy tố mà đưa vào là kinh doanh vàng trạng thái. Thiên Nam không kinh doanh vàng nằm trong phạm vi điều chỉnh của 2 văn bản là Nghị định 03 và Thông tư 174.
9h00: Bị cáo Kiên rất bình tĩnh, nói rành rọt từng câu: “Tôi làm doanh nghiệp 30 năm, tôi học đầu tiên là ngành luật để bảo vệ cho mình. Công ty đầu tiên đều có tên đầu tư tài chính. Công ty có vốn pháp định lớn, bằng tiền thật. Công ty nhiều ngành nghề nhưng chọn thời điểm nào kinh doanh cái gì. Bị cáo Kiên cũng cho rằng không luật bắt phải kinh doanh những nghề nghiệp đã đăng ký. Bị cáo cũng đã vẽ sơ đồ mô hình công ty gửi HĐXX. Không chỉ công ty B&B mà các công ty khác các cổ đông góp vốn cũng phù hợp…
Chủ tọa phiên tòa ngắt lời bị cáo Kiên: Bị cáo đã chuyển sang phần bào chữa rồi. Chưa bao giờ trong phần xét hỏi lại đưa ra đánh giá. Chỉ khi bản án được tuyên thì đó mới là quan điểm của HĐXX. Bị cáo có quyền nói về bản án sơ thẩm đúng – sai.
8h55: Trong đơn trình bày trước HĐXX, bị cáo Nguyễn Đức Kiên cho rằng: Tòa sơ thẩm không xác định đầy đủ về các số liệu của 5 công ty do bị cáo chịu trách nhiệm cao nhất. 5 Công ty đều được thành lập đúng qui định của pháp luật. Các công ty khi góp vốn và mua cổ phần không chỉ có 5 công ty này mà còn nhiều DN khác mà không bị buộc tôi. 5 công ty được thành lập theo mô hình mẹ con, nên khi thành lập không cạnh tranh với bất kỳ công ty nào. Quyết định việc mua cổ phần của DN khác không phải quyết định của cá nhân tôi.
Tòa sơ thẩm cũng không nhận thấy, tất cả các khoản góp vốn đều được các sở KHĐT các tỉnh cấp giấy phép…. Đến nay, các công ty này đều đang hoạt động bình thường.
8h48: Luật sư Nguyễn Huy Thiệp đề nghị: Trong phiên khai mạc phiên tòa, anh Kiên có nói đã gửi đơn khác đến HĐXX, nội dung đơn khiếu nại không trùng đơn đã gửi HĐXX trước đó. Đề nghị anh cho biết, nội dung đơn gửi Viện Kiểm sát gồm những nội dung gì?
Bị cáo Kiên trả lời: Nội dung đơn này dài 26 trang, tôi đề nghị copy cho các luật sư.
Về tội kinh doanh trái phép, tôi xin HĐXX trình bày nội dung đơn kháng án, vì tôi chưa được trình bày ý kiến của tôi đầy đủ về tội kinh doanh trái phép.
Về đề nghị này của bị cáo Kiên, HĐXX cho biết, muốn dành thời gian cho bị cáo tranh luận sau này để luận tội. Trong phần này, bị cáo trả lời các câu hỏi của HĐXX ngắn gọn, tập trung trọng tâm.
8h38: Mở đầu phiên tòa, HĐXX nhắc, hôm qua, đại diện UBCK NN, Bộ KH-ĐT hẹn hôm nay có văn bản trả lời HĐXX, hôm nay có văn bản chưa. Tuy nhiên, đến giờ tòa làm viêc vẫn chưa có đại diện của các cơ quan này ở Tòa.
Bắt đầu phần thẩm vấn, HĐXX hỏi bị cáo Kiên: Trong 6 công ty, bị cáo đại diện pháp luật cho những công ty nào?
Bị cáo Tôi đại diện cho 5 công ty, trừ Thiên Nam. Tôi là người chịu trách nhiệm cao nhất với 5 công ty này. Nếu để xảy ra vi phạm tôi là người chịu trách nhiệm, và tôi cũng không muốn ai phải chịu trách nhiệm thay tôi.
Đại diện của Thiên Nam là anh Trung, đến năm 2011 anh Trung mất thì người khác thay ông Trung, ông Trần Vũ Tiến Anh.
- ---------------------------------------------------------------
Trước đó, trong phiên làm việc ngày 1/12, HĐXX đã tập trung thẩm vấn các bị cáo, những người có quyền và nghĩa vụ liên quan và đại diện các cơ quan Nhà nước để làm rõ vai trò của bị cáo Kiên và các bị cáo khác trong các công ty, trong các hoạt động kinh doanh, hoạt động kinh doanh trạng thái vàng, phát hành trái phiếu doanh nghiệp, trái phiếu ngân hàng…
Sau gần hết buổi bị cách ly, bị cáo Kiên được HĐXX mời vào phòng xét xử. Tuy nhiên, để đảm bảo sự liền mạch, hệ thống trong quá trình thẩm vấn, đồng thời đảm bảo sức khỏe cho các bị cáo, HĐXX đã cho phiên tòa nghỉ để bắt đầu phần thẩm vấn bị cáo Kiên vào sáng hôm sau (2/12).
Sáng 1/12, toà tập trung nội dung kinh doanh vàng trái phép. Cấp tòa sơ thẩm nhận định giấy phép kinh doanh của Công ty Thiên Nam chỉ là sản xuất hàng may mặc, thêu ren, xuất nhập các sản phẩm ngành công nghiệp nhẹ, thủ công mỹ nghệ… song hoàn toàn không có chức năng kinh doanh vàng vật chất và vàng trạng thái.
Công ty này đã ký thoả thuận với Ngân hàng Vietbank để nhận chuyển giao, kế thừa và tiếp tục thực hiện hợp đồng uỷ thác tài chính giữa Vietbank với Ngân hàng ACB. Theo đó, tiếp nhận toàn bộ trạng thái kinh doanh giá vàng ngoài lãnh thổ Việt Nam (còn gọi là kinh doanh vàng trạng thái hoặc kinh doanh giá vàng hoặc kinh doanh vàng ghi sổ, vàng tài khoản).
Quá trình doanh nghiệp này kinh doanh trái phép, tuy bị cáo Kiên không trực tiếp ký lệnh mua bán vàng trạng thái, song lại giữ vai trò quyết định việc kinh doanh bất hợp pháp của doanh nghiệp.
Mặc dù bị cáo Kiên, bị cáo Lý Xuân Hải cho rằng giá vàng cũng là hàng hóa và doanh nghiệp được phép kinh doanh hàng hóa, song theo quy định của pháp luật hoạt động kinh doanh vàng thuộc loại hình kinh doanh có điều kiện và phải có giấy phép.
Để giải thích rõ cho mô hình kinh doanh “vàng trạng thái”, Lý Xuân Hải, nguyên tổng giám đốc Ngân hàng ACB, so sánh: “Như cá độ bóng đá, nếu không có bóng đá thì không có cá độ bóng đá; không có kết quả xổ số thì không có lô đề… Nó dựa vào kết quả xổ số nhưng lại không phải là xổ số”.
Bản án sơ thẩm xác định bị cáo Kiên đã thông qua 6 công ty gồm: Công ty CP Đầu tư Thương mại B&B, Công ty CP Tập đoàn tài chính Á Châu, Công ty CP Đầu tư ACB Hà Nội, Công ty CP Đầu tư Tài chính Á Châu, Công ty TNHH Đầu tư tài chính Á Châu Hà Nội và Công ty CP Phát triển sản xuất và Xuất nhập khẩu Thiên Nam để tổ chức kinh doanh cổ phần, cổ phiếu và kinh doanh vàng với tổng số tiền gần 21,5 nghìn tỉ đồng.
Clip đang được xem nhiều nhất: Khởi tố 3 đối tượng phát tán clip với nội dung 'thác loạn' trong quán bar Sunny
- Thời điểm không khí lạnh mạnh nhất của mùa đông năm nay diễn ra khi nào?
- Soi profile của Hoa hậu Thanh Thủy - Miss International 2024: Học thức đỉnh cao, tài sắc vẹn toàn
- Lương hưu cao nhất Việt Nam hiện nay là bao nhiêu?
- Trùm giang hồ 'Bình Kiểm' lên kế hoạch bắt cóc ca sĩ, người mẫu
- 5 cái tên bị luật cấm đặt khai sinh ở Việt Nam, đó là tên nào?
- Tại sao vàng giảm giá khi ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ?
- Tỉnh nào có tuổi thọ thấp nhất Việt Nam?
- Vụ rơi máy bay quân sự tại Bình Định: 2 phi công thoát nạn thế nào?