TỘI ÁC SÁM HỐI (P8): Niềm “vui” lạ lùng của kẻ tử tù xảo quyệt
Thứ ba, 13/11/2012 23:40

Giết người không ghê tay, cướp tài sản, đến khi bị bắt, Hồ Xuân Phú còn giở thủ đoạn bỉ ổi hòng che đậy tội ác kinh hoàng mà mình đã gây ra.

Tử tù Hồ Xuân Phú

Tử tù Hồ Xuân Phú

Hồ Xuân Quý là một tử tù đặc biệt của trại tạm giam Công an Hải Phòng. Gặp nhà báo, Phú nói hắn cảm thấy phấn khởi và vui lạ lùng bởi “Em có cơ hội tâm sự với người khác nên cũng nhẹ nhõm hơn, chứ ở trong buồng giam, lủi thủi suốt ngày đêm, chẳng nói chuyện với ai được…”. Những giờ phút ngồi chia sẻ, tử tù này nhắc nhiều đến nỗi nhớ mẹ khiến người đối diện cảm thấy chùng lòng. Nhưng đằng sau lời có cánh thẫm tình hiếu thuận ấy lại là tội ác giết người dã man được che đậy bằng thủ đoạn bỉ ổi…

Tội ác:

Giết cô bạn hàng xóm dã man

Sự việc được người dân thôn Ao La, xã Minh Tân, huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng phát hiện vào khoảng 3h ngày 25/5/2010 tại một khu bếp bỏ hoàng. Nạn nhân là chị Hoàng Thị Phượng, 21 tuổi, chết trong tư thế ngồi dựa vào bờ tường, đầu dập nát, áo ngoài bị lột trùm qua mặt…

Tại hiện trường, chiếc xe Sirius BKS 16P1-9647, 1 điện thoại di động và một số tư trang khác đã bị lấy mất.

Sau 10 tiếng đồng hồ khám nghiệm hiện trường, thu thập chứng cứ, thủ phạm của vụ án là Hồ Xuân Phú, 23 tuổi, hàng xóm của nạn nhân đã bị bắt giữ.

Tại cơ quan điều tra, Phú khai nhận 8h ngày 25/5 khi từ quán sửa chữa xe máy về nhà ở thôn Ao La thì nhìn thấy chị Phượng đang đứng quyét sân một mình. Nung nấu ý định phải có tiền để trả nợ, Phú vờ hỏi thăm rồi cố tình để quên chùm chìa khóa lại. Sau đó, Phú cầm tuýp sang nhà Phượng giấu ở cạnh tường bao và vờ tìm chìa khóa.

Lợi dụng lúc Phượng sơ hở, Phú cầm ống tuýp sắt đập liên tiếp vào phần đầu, gáy của chị Phương rồi đưa nạn nhân lên rìa núi. Tại đây, thấy Phượng hình như còn sống, Phú cầm tuýp sắt đập cho chị chết hẳn rồi lục túi quần lấy ĐTDĐ Nokia 3110c. Tiếp đó, y xuống nhà lấy 1 xe máy Sirius và đi thẳng sang chợ thị trấn Minh Đức gửi, rồi bắt xe ôm quay lại hiện trường coi như không có chuyện gì xảy ra. Hắn cũng đã kịp đốt hết những tang chứng gồm đồ đạc cá nhân của bị hại.

Khi làm thủ tục khâm liệm cho chị Phương, y còn chạy lăng xăng đi mua rượu giúp mọi người lau vết máu cho nạn nhân, miệng luôn liến thoắng: Bọn giết người dã man, bắt được phải “xử tử”...

Tuy nhiên, lưới trời khó thoát, một nhân chứng quan trọng cho biết đã nhìn thấy Phú đốt thứ gì đó ở quán sửa xe khi hắn chột dạ nên không dám đốt vật chứng cuối cùng là chiếc sim điện thoại. Khi y vội ném về phía cửa thì bị vướng trên khe cửa sổ và vô tình lọt vào tay điều tra viên.

Ban đầu khi bị bắt, y khai rằng y không giết người mà chỉ giúp người anh họ con ông bác thực hiện kế hoạch. Người mà Phú đã “chấm” để thế thân hắn là Đỗ Đăng Chiến (SN 1986, cùng quê Phú). Chiến vốn bị bệnh động kinh từ nhỏ, đầu óc không được tỉnh táo như người thường. Phú từng mặc cả với điều tra viên: “Các chú phải hứa, cháu nói ra các chú đừng làm gì anh cháu nhé. Anh ấy thiệt thòi và đáng thương lắm! Anh Chiến là người bị động kinh, các chú đừng hỏi gì nhiều, các chú cứ để cháu gánh chịu!?””.

Thế nhưng, sau cùng, bằng nhiều biện pháp nghiệp vụ, Phú đã buộc phải cúi đầu thừa nhận tội lỗi và Chiến được minh oan. Lời khai của Phú sau này còn cho thấy, Phú giết người không phải do bột phát khi nhìn thấy nạn nhân Phượng, hắn đã có kế hoạch từ đầu.


Ảnh minh họa

Phú thèm cảm giác được làm nũng mẹ!

SÁM HỐI:

Lời báo hiếu muộn và niềm vui hiếm hoi

Gặp Phú trong trại giam, y nói năng nhỏ nhẹ như con gái, không hề tỏ ra buồn rầu mà trái lại, y luôn giữ nụ cười hồn nhiên trên môi. Và Phú đã nói, nói nhiều lắm, dường như muốn tận dụng triệt để thời gian gặp mặt để thỏa mãn nhu cầu nói của y.

Phú ít nhắc đến nạn nhân đã bị y tước đi mạng sống dù y có thừa nhận rằng ân hận về tội lỗi lắm lắm. Người mà Phú say sưa nói lại là về mẹ, về tình cảm hiếu thuận của y dành cho mẹ.

Y tâm sự ““Lúc nào em cũng nghĩ và thương mẹ ở nhà. Mẹ em đã 52 tuổi rồi. Tháng nào mẹ cũng vào thăm nuôi em một lần. Ở trong này, khi được cho phép em luôn viết thư cho mẹ, thi thoảng gửi cho em trai…”. Quả thật, trong thời gian 2 năm nằm trong phòng biệt giam, Phú đã viết gần 50 lá thư gửi mẹ trong đó là những nỗi nhớ niềm thương chan chứa vào những đêm thức trắng không ngủ, là những lời ân hận muộn màng, lời căn dặn đứa em trai trước khi “ra đi”. Nhắc đến mẹ, giọng Phú trùng xuống, Phú bảo, từ khi bị bắt, mỗi lần được gặp mẹ là một lần hai mẹ con nước mắt lã chã, chẳng nói được lời nào. Sau mỗi lần như thế, thầy quản giáo thường động viên Phú rằng, phải cứng rắn làm chỗ dựa tinh thần cho mẹ. Dần dần Phú cũng hiểu ra và sau đó không còn khóc mỗi lần được gặp mẹ nữa mà dành quỹ thời gian gặp gỡ ít  ỏi đó để hỏi han mọi người trong gia đình và động viên mẹ vững tâm.

Phú cũng không giấm giếm rằng, nơi chốn ngục tù, y vẫn thèm cảm giác được làm nũng mẹ. Y cũng nói rằng giờ ân hận lắm. “Lúc gây án em đã chẳng nghĩ được gì. Em thậm chí không dám cắt tiết gà trong ngày giỗ bố mà không hiểu sao lúc ấy lại có thể giết chết Phượng . Giờ em sợ lắm, sợ cảm giác lúc trả án, sợ đến run người chị ạ! Đến mức em phải để củ tỏi chỗ mình nằm…”.

Lời sám hối dù muộn cũng đều thật đáng quý. Tội ác nào cũng phải trả giá nhưng không phải tử tù nào cũng có được những tình cảm ăn năn hối hận, nỗi lo cho người thân gia đình như vậy.

Đại Lâm (TH)
Tag: Tử tù , Sám hối , Tội ác , Tòa tuyên án , Xã hội , An ninh hình sự , Giết người , Tử hình