Thông tin trẻ em bị bắt cóc lan tràn trên facebook, công an Hà Nội nói gì?
Thứ hai, 28/03/2016 21:24

Công an TP. Hà Nội bác bỏ thông tin về việc xảy ra những vụ án liên quan đến bắt cóc trẻ em trên địa bàn thành phố.

Mấy ngày gần đây, thông tin về "vụ bắt cóc trẻ em xảy ra trên địa bàn nội thành Hà Nội” đã nhanh chóng được lan truyền trên mạng xã hội. Nhiều người bày tỏ hoang mang trước tình hình mua bán, đánh tráo hoặc chiếm đoạt trẻ em xảy ra ở trung tâm thành phố.

Về vấn đề này, Đại tá Dương Văn Giáp, Trưởng phòng Cảnh sát Hình sự (PC45 Công an TP.Hà Nội) cho biết, ngay sau khi xuất hiện những thông tin nghi có dấu hiệu hoạt động của tội phạm bắt cóc trẻ em trên mạng xã hội, PC45 đã phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ tập trung xác minh, rà soát. Kết quả thu được, những thông tin ly kỳ về chuyện trẻ em bị bắt cóc ở Hà Nội là không đúng sự thật.

Trao đổi với PV, Đại tá Lê Hồng Sơn, Trưởng phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (PC50 Công an TP.Hà Nội) khẳng định, việc một số trang facebook đăng thông tin trẻ em bị bắt cóc trên đường phố Huế (quận Hai Bà Trưng) và đường Quốc Tử Giám (quận Đống Đa) là thông tin thất thiệt.

Thông tin trẻ em bị bắt cóc lan tràn trên facebook, công an Hà Nội nói gì? - Ảnh 1

Người nào đưa thông tin không đúng sự thật có thể đối mặt với án phạt tù.

Cảnh báo về việc này, Thượng tá Hà Thị Hằng, Phó trưởng phòng PC50 Công an TP.Hà Nội cho biết: "Trên các trang facebook có một số trường hợp tham gia trang mạng xã hội đã không có ý thức, không hình dung được hậu quả từ những tin đồn thất thiệt mình đưa ra. Có thể thông tin đó là nghe phong thanh ở đâu đó, chưa hề kiểm chứng, chưa có cơ quan chức năng nào xác nhận nhưng đã đưa lên.

Người ta không có ý thức được rằng, những thông tin nhậy cảm như vậy, ảnh hưởng đến dư luận như vậy thì cần phải có một cơ quan có thẩm quyền phát ngôn. Đằng này, họ cứ nghe từ người này truyền đạt qua người khác, không kiểm chứng mà đưa luôn lên trang mạng cá nhân, gây hoang mang cho dư luận. Trong khi đó, trên thực tế thì không hề xảy ra việc đó.

Còn một số trường hợp khác thì lại muốn câu “view”, câu “like” vì mục đích cá nhân của người ta, chẳng hạn facebook đó họ quảng cáo bán mặt hàng gì đó nên muốn đưa thông tin giật gân, đưa tít gây tò mò, với mục đích nhiều người vào xem facebook của mình, phục vụ cho việc quảng cáo bán sản phẩm".

Quá trình trao đổi với PV, Thượng tá Hằng cũng khuyến cáo, những người dân khi đọc được những thông tin trên mạng xã hội thì cũng cần tỉnh táo, cảnh giác kiểm chứng thông tin, khi chưa có cơ quan có thẩm quyền xác nhận hoặc khi cơ quan công an đang vào cuộc xác minh làm rõ thì cũng không nên truyền nhau trên mạng, gây những hoang mang không cần thiết cho dư luận.

Nếu rơi vào những trường hợp trang mạng xã hội nào đó giật tít câu “view” với những thông tin thất thiệt để mục đích quảng cáo sản phẩm mà chúng ta lại tin ngay, chia sẻ trên facebook cá nhân thì vô hình chung chúng ta lại quảng bá sản phẩm cho những đối tượng đó.

Từ đó, các đối tượng bất chính lại có thể kiếm tiền trên nỗi lo sợ của các vị phụ huynh. Hơn nữa, thông tin dạng như thế sẽ gây bất ổn cho dư luận, nhiều người cảm thấy hoang mang. Điều đó cần phải lên án.

Lãnh đạo phòng PC50 cũng cho biết, năm 2015 cũng từng có một trường hợp đăng thông tin lên mạng xã hội nói rằng “có sự việc ở Văn Quán, Hà Đông, Hà Nội, khi cô giáo đang cho học sinh chơi ở vườn hoa thì bị đối tượng bắt cóc học sinh mà không làm gì được”.

Tuy nhiên, khi cơ quan công an vào cuộc điều tra, xác minh thì kết quả không hề có việc đó và người đưa thông tin thất thiệt lên trang mạng xã hội đã bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Cơ quan CSĐT Công an TP. Hà Nội cảnh báo: Ai đăng thông tin lên mạng xã hội với những nội dung không đúng sự thật, gây hoang mang dư luận, ảnh hưởng đến tình hình ANTT trên địa bàn thành phố sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Luật sư Nguyễn Anh Thơm (Đoàn luật sư Hà Nội) cho biết hành vi hoang tin, bịa đặt việc trẻ em bị bắt cóc bị nghiêm cấm theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 6 Nghị định 97/2008/NĐ-CP.

Theo khoản 2 Điều 9 Nghị định 28/2009/NĐ-CP và điểm b khoản 5 Điều 6 Nghị định 63/2007/NĐ-CP, hành vi “cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác” có thể bị phạt tiền 10-20 triệu đồng.

Ngoài ra, căn cứ vào tài liệu thu thập, cơ quan công an có thể xử lý người tung tin thất thiệt theo Điều 226 BLHS về tội Đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet.

Theo đó người đưa lên mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet những thông tin trái với quy định của pháp luật, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 88 và Điều 253 của Bộ luật này thì bị thì bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc bị phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.

Nguoiduatin.vn

Clip đang được xem nhiều nhất: Khởi tố 3 đối tượng phát tán clip với nội dung 'thác loạn' trong quán bar Sunny

Tag: trẻ em bị bắt cóc , Bắc cóc trẻ em , Giật trẻ em trên tay mẹ ở Hà Nội