Thiên thần và quỷ dữ
Thứ tư, 27/11/2013 15:02

Đánh đập rồi ném một đứa trẻ mới chỉ 18 tháng tuổi xuống đất, dùng chân đạp liên hồi lên ngực nó cho đến chết…

Xã hội có hoàn toàn vô can với tội ác man rợ này?

Xã hội có hoàn toàn vô can với tội ác man rợ này?

Ngay cả những mô tả về hành động của ác quỷ cũng chưa kinh sợ bằng. Thế mà người làm điều đó lại là bảo mẫu. Nhưng xã hội có hoàn toàn vô can với tội ác man rợ này?

Khi tin hung tin cháu bé 18 tháng tuổi bị bảo mẫu đánh chết một cách dã man lan truyền trên các trang mạng, tôi hỏi con trai tôi trong bữa ăn rằng có biết chuyện đó không, thì nó cúi mặt trả lời: “Con có biết nhưng mới chỉ dám đọc cái tựa đề, còn nội dung cụ thể thế nào thì con không đủ sức để đọc”. Tôi hỏi: “Tại sao?” Đáp: “Vì con cứ mong đó chỉ là tin đồn hoặc người viết rút tít để câu khách, chứ thực sự thì đứa bé không bị chết”. Rồi nó đưa ngón tay lên chấm vào hai bên khóe mắt. Mãi một lúc sau cậu con trai của tôi mới hỏi: “Sao lại có thể xảy ra những chuyện như vậy hả bố?”

Lẽ dĩ nhiên là tôi tạm chỉ biết im lặng. Bởi vì chính tôi cũng đang muốn đặt câu hỏi đó, mong có được câu trả lời, chỉ khác là tôi chưa tìm thấy đối tượng để trao câu hỏi. Chắc chắn cũng là câu hỏi của nhiều người khác và mong được trả lời. Vậy rút cục thì vì sao sự tàn ác lại đã đến mức kinh khủng như vậy? Theo dòng thời gian, chúng ta hãy cùng nhớ lại những vụ bạo hành trong đó đối tượng bị hại là những đứa trẻ còn ở tuổi mẫu giáo, mà theo cách quan niệm chung thì chúng còn đang ở giai đoạn vô tội tuyệt đối.

Vào cuối năm 2007, bảo mẫu Lê Thị Lê Vy tại một trường mầm non tư thục ở quận Phú Nhuận, TP HCM đã lấy cuộn băng keo, cắt một đoạn, dán ngang miệng cháu Đỗ Ngọc Bảo Trân 18 tháng tuổi để cho bé không khóc. Kết quả bé gái tội nghiệp tử vong sau đó vài ngày.

Năm 2008, một đoạn clip ghi lại hình ảnh bảo mẫu Quảng Thị Kim Hoa ở thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai, đã “thương yêu, chăm sóc thế hệ tương lai” theo lối của ác quỷ như thế nào. Trong lúc cho các cháu ăn, bà  bảo mẫu ác ôn này đã liên tục quát mắng, dọa nạt, dùng tay túm tóc, giật ngửa mặt từng bé để trút cơm vào miệng chúng. Chưa thỏa cơn rồ đòn, bà Hoa còn dùng thước, tay đánh tới tấp vào mặt bọn trẻ mặc dù hầu hết chúng chỉ mới từ 1-3 tuổi, biến bữa ăn của các cháu thành những cuộc tra tấn man rợ. Khi đó mọi người đều uất nghẹn với câu hỏi: “Không biết khi đánh thẳng vào mặt bọn trẻ, bà Hoa nghĩ gì trong đầu?”

Câu hỏi còn chưa có lời đáp thì năm sau, vào tháng 5 năm 2009, màn “tắm đòn” rùng rợn của bảo mẫu hung thần Trần Thị Phụng bị phơi bày. Lại có người úp tay vào mặt không dám nhìn khi cảnh thiên thần trần như nhộng bị đè xuống nền gạch bởi bàn chân ác quỷ, giãy giụa, gào thét kinh hãi trước từng gáo nước to tướng dội thẳng xuống đầu, vào mặt. Cả xã hội lại lên cơn sốc nặng.

Nhưng ai sốc thì cứ sốc, tháng 10 năm sau, 2010, bảo mẫu Trần Thị Xuân Nữ lại trở thành chủ nhân của một kiểu bạo hành mới: Nhốt cháu bé 3 tuổi vào thang máy vận chuyển thức ăn và thản nhiên bấm nút, mặc cho cháu bé gào khóc. Kết quả toàn thân bé chảy máu, gây đa chấn thương với mức thương tật vĩnh viễn lên đến 38 %.

Nhưng bàng hoàng hơn cả chính là vụ bảo mẫu Hồ Ngọc Nhờ đánh đập và giẫm chết bé gái 18 tuổi, đang gây hoảng loạn cho mọi bà mẹ có con ở tuổi mẫu giáo.

Một câu hỏi đặt ra là: Những vụ việc tàn ác vừa nêu liệu đã đủ để xã hội chú tâm nghiêm túc vào lĩnh vực chăm sóc trẻ em đang tiềm ẩn vô vàn tai họa cho con em của chúng ta hiện nay? Nếu chỉ dừng lại ở những tranh cãi, phỏng đoán và quy kết dựa trên hành vi của cá nhân, sẽ chẳng thể nào cắt được gốc của căn bệnh. Chúng tôi được biết, tất cả những bảo mẫu có tên nêu ở đầu bài viết này, cuối cùng (hoặc sắp tới) đều phải vào tù, chịu hình phạt nghiêm khắc. Rồi đây, khi mãn hạn, họ sẽ còn tiếp tục chịu một hình phạt dài hơn nhiều lần là sự ghê tởm, xa lánh, nguyền rủa của mọi người. Công lý không thể nào khác được. Nhưng những bài học đắt giá như vậy xem ra không nhiều người thuộc hoặc chẳng thuộc được lâu. Mức độ bạo hành con trẻ vẫn diễn ra ở khắp nơi, ngày càng tàn độc hơn.

Chúng ta thử quay lại với vụ đạp chết trẻ, do Hồ Ngọc Nhờ là thủ phạm, để làm rõ thêm khía cạnh hành vi cá nhân. Nhờ đang nuôi con nhỏ và lại đang có mang 2 tháng (thông tin từ báo chí). Theo logic thông thường thì bản tính mẹ trong cô ta phải rất mạnh. Bản tính mẹ là tình yêu thương, bao dung, nhẫn nhịn, chịu đựng, cẩn trọng, sự dịu dàng. Vậy tại sao cô ta lại có thể dùng chân đạp lên một đứa bé có lẽ vừa lẫm chẫm biết đi, giống như con mình, sau khi chính cô ta để nó rơi xuống đất? Hành động thuận theo tình người (ở đây còn có thêm tình mẹ) phải là sợ hãi, hối hận, tìm mọi cách sửa chữa sự sơ suất cho dù trước đó có bức xúc đến đâu đi nữa. Nhưng thay vì làm như vậy, cô ta củng cố chắc chắn thêm cho hành động tàn bạo của mình bằng cách đẩy đến cùng sự man rợ. Phải là người nuôi mối thù hận ghê gớm thế nào thì mới có thể hành động như vậy? Trong trường hợp này đứa trẻ đóng vai trò kẻ bị vạ oan. Câu hỏi đặt ra là, Hồ Ngọc Nhờ thù hận ai, vì sao mà cô ta thù hận?

Chúng ta sẽ phải trả lời được câu hỏi này, trước khi tìm ra giải pháp loại bỏ tệ nạn chứ không chỉ dừng lại ở mức giải quyết hậu quả. Chúng tôi không đủ tự tin để đưa ra bất cứ nhận định vội vã nào, mà chỉ dám nêu ra các giả thuyết sau đây như một gợi ý:

Điều chắc chắn là một người có giáo dục tốt, có kiến thức sẽ không dễ hành động như vậy. Bản năng nhân tính và ý thức về văn hóa, pháp luật (kết quả của giáo dục) sẽ ngăn họ lại.

Một người được đào tạo bài bản về chuyên môn và đạo đức nghề nghiệp, ở những trường dạy nghề nghiêm túc, bài bản, có những bậc thầy giầu lòng yêu con người, sẽ không dễ hành động như vậy.

Một người không bị đối mặt với sự cùng quẫn về cơm áo hàng ngày, không bị miệt thị chỉ vì nghèo đói, không bị xua đuổi do không có chỗ ở ổn định, không bị kỳ thị vì vị thế xã hội…sẽ không dễ hành động như vậy. Bởi hơn ai hết, họ cần phải bảo vệ hạnh phúc của họ. Mà cái hạnh phúc ấy chỉ bền vững khi nó được bắt đầu hoặc là khởi nguồn từ/và cho hạnh phúc của người khác.

Một người được chọn lựa kỹ lưỡng bằng những thủ thuật sư phạm trước khi đào tạo họ thành bảo mẫu, sẽ hạn chế những hành động xúc phạm thân thể và nhân cách trẻ. Bởi phần lớn những kẻ có dấu hiệu như vậy đã bị loại bỏ trước.

Chúng tôi không định quy kết trách nhiệm cho ai khi để những cơ sở nuôi dạy trẻ mọc lên tràn lan, tạm bợ, bất chấp quy chuẩn về không gian, vệ sinh, sự an toàn, với vô số những giáo viên thiếu phẩm hạnh làm thầy, được đào tạo qua loa về nghề…(bởi với cách tổ chức của xã hội ta, việc đó là rất khó và dễ gây bất công) nhưng hậu quả của nó (như chúng ta biết) thì chắc chắn có nguyên nhân từ đó.

Điều cuối cùng chúng tôi muốn nêu lên, như một ngạc nhiên đầy tiếc nuối, là chúng ta có những bài học sống về chăm sóc và thương yêu con người đáng lẽ phải được nghiên cứu nghiêm túc, nhân rộng, quảng bá, làm gương để học theo nhưng không hiểu sao lại ít được chú ý (vì những lý do vớ vẩn nào đấy!): Đó là tấm lòng nhân hậu của các bà sơ trong những trại phong. Vì sao sự tận tụy lại có thể tràn ngập ở bất cứ ngóc ngách nào tại cái nơi chỉ bao gồm những kẻ bệnh hoạn bị cách ly và sự tuyệt vọng? Phải chăng vì ở đó chỉ còn lại tình thương yêu vô bờ bến của con người, với một sứ mệnh đạo đức mà việc thực hiện nó không cần phải có bất cứ điều kiện nào?

Chả lẽ đó không phải là điều hướng tới của giáo dục để dày công tìm hiểu?

Tạ Duy Anh

Clip đang được xem nhiều nhất: Mẹ bị tố dàn dựng chụp ảnh con ngoài cổng trường: “Tôi sai nhưng mọi người cần hiểu vấn đề”

Tag: Bảo mẫu , Giết trẻ , Đánh đập , Trẻ con , Thiên thần , Giết con