Với chúng ta, Đại tướng Võ Nguyên Giáp còn là “vị tướng của toàn dân”. Hình như đấy mới chính là bí kíp, là sức mạnh giúp ông đánh thắng bất cứ kẻ thù nào.
Đại Tướng Võ Nguyên Giáp. |
Thế là đã tròn một tuần vị tướng huyền thoại của chúng ta – Đại tướng Võ Nguyên Giáp ra đi. Tràn ngập trên các phương tiện truyền thông, các trang báo giấy, báo mạng, các trang blog, facebook cá nhân, cả trong nước và quốc tế niềm cảm phục và nỗi tiếc thương vô hạn của nhân dân cả nước và bạn bè quốc tế.
Nhân dân thương ông, khóc ông đã đành, bạn bè quốc tế, trong đó có cả những người trước đây từng là kẻ thù “không đợi trời chung” của ông, đã từng bị ông đánh bại trong cả hai cuộc chiến tranh thần thánh, giờ cũng thương tiếc ông, cũng thấy hụt hẫng khi không còn ông trên cõi đời này. Đấy là điều không phải vị tướng nào, không phải bậc thiên tài nào cũng có được. Đấy cũng chính là một huyền thoại nữa của Tướng Giáp giữa cõi đời bụi bặm này chăng?
Hãng truyền thông Mỹ NPR dẫn lời Giáo sư, nhà sử học quân sự Mỹ, ông Cecil Currey, tác giả cuốn sách “Chiến thắng bằng mọi giá” nói về Đại tướng: “Ông Giáp có thể sáng ngang với những nhà chỉ huy quân sự tài nhất thế kỷ XX. Ông ngang tầm Alexander Đại đế, vượt trội hơn tất cả các tướng lĩnh của ta. Ông ấy là con người vĩ đại của mọi thời đại”.
Điều ấy cũng phải thôi. Napoleon là nhà chỉ huy quân sự lỗi lạc, nhưng Napoleon còn bị M.I. Cutudốp đánh bại trên chiến trường Borodino. Còn Võ Nguyên Giáp thì không. Dường như ông chưa bao giờ thất bại. Bởi thế, Cựu Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ, Tướng William Westmoreland cũng phải gọi ông là một “vị tướng huyền thoại”.
Đối với chúng ta, Đại tướng Võ Nguyên Giáp còn là “vị tướng của toàn dân”. Hình như đấy mới chính là bí kíp, là sức mạnh giúp ông đánh thắng bất cứ kẻ thù nào”.
Ta hiểu vì sao nhân dân ta yêu mến ông, đùm bọc che trở ông, không chỉ trong những năm kháng chiến gian khổ, mà ngay cả khi đất nước yên hàn, đặc biệt là những lúc ông cô đơn nhất.
Dòng người lặng lẽ xếp hàng vào viếng đại tướng.
Ta cũng hiểu vì sao, khi ông ra đi, đất nước chìm trong nước mắt dân. Các tướng lĩnh quân đội, các cựu chiến binh, những người đã từng cùng ông vào sinh ra tử khóc ông đã đành, những người dân bình dị, trong đó có không ít những học sinh, sinh viên, những người còn rất trẻ, chưa từng được thấy ông ở ngoài đời, cũng vật vã khóc ông, như khóc một người thân ruột thịt của gia đình mình. Ta lại nhớ ngày Bác Hồ ra đi, cả nước cũng ngập trong nước mắt như thế. Những năm ấy chiến tranh rất khốc liệt. Kẻ thù đã leo đến những nấc thang cuối cùng của sự tàn nhẫn. Bom đạn mù mịt. Đất nước có lúc như ngàn cân treo sợi tóc. Cái chết có thể ập đến bất cứ lúc nào. Người dân thương Bác và lo cho vận mệnh đất nước, trong đó có cả số phận của chính mình. Khi ấy nước loạn. Nhưng lòng dân lại yên. Bây giờ nước yên, nhưng lòng dân lại li tán. Trước đời sống phồn tạp, không ít trái tim người hóa trơ lỳ, vô cảm. Nhiều người tưởng không còn nước mắt nữa!
Nhưng không! Không phải thế. Cuộc đời không buồn như chúng ta lầm tưởng. Nhân dân đâu có xa. Họ càng không bao giờ quay lưng lại với những cán bộ hết lòng tận tụy với nước với dân. Thương dân thì sẽ được dân thương yêu đùm bọc trở lại.
Chủ tịch Hồ Chí Minh là người như thế. Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng là người như thế. Người dân khóc thương ông như đau xót mất một người thân. Trước đây, họ đã khóc Bác Hồ thế nào thì bây giờ họ cũng khóc Bác Giáp như thế!
Trước khi lễ phát tang ông được Nhà nước cử hành trang trọng thể theo nghi thức cao nhất, nghi thức Quốc tang dành cho những người có công lớn với đất nước, những người dân cũng đã tự “cử hành tang lễ” cho ông, theo cách của riêng mình. Không phải hai ngày, mà suốt một tuần liền. Mỗi ngày hàng chục hàng vạn người từ khắp mọi miền đất nước lặng lẽ xếp hàng đến căn nhà ông ở, viếng di ảnh ông. Có cụ già đi không còn vững nữa, phải nhờ con cháu dìu. Cả những người khiếm thị khuyết tật. Một biển người với số phận khác nhau, thành phần và nghề nghiệp khác nhau, nhưng cùng chung niềm yên kính ông.
Những hình ảnh xúc động tại lễ tang Đại tướng.
Không ít người còn lặn lội lên tận Mường Phăng, Điện Biên hay trở về căn nhà xưa của ông ở Quảng Bình để thắp hương tưởng nhớ ông. Người dân còn lập bàn thờ, rồi tổ chức viếng ông khắp mọi tỉnh thành trên cả nước.
Ở ngôi nhà số 30 Hoàng Diệu của ông, suốt một tuần lễ liền, ngày nào cũng đông nghịt người. Họ xếp hàng lặng lẽ, trật tự. Dòng người như bất tận. Người dân thủ đô tự mua nước, mua cơm cho bà con ở các tỉnh xa ăn miễn phí khi chờ viếng. Giáo sư Vũ Văn Hiền bảo: “Mình đã khóc. Khóc thật sự. Khóc không chỉ thương tiếc Đại tướng mà khóc vì lòng dân. Dân mình đẹp quá. Vĩ đại quá! Bác Giáp đúng là Đại tướng của lòng dân! Có mấy ai được như bác ấy!”
Trong đêm viếng cuối cùng ở nhà Đại tướng, khi cánh cửa sắt khép lại, lập tức, 103 ngọn nến bùng lên ở bên ngoài cánh cổng. Người dân hô vang tên Đại tướng. Rồi họ nắm tay nhau hát vang bài Quốc ca. Tiếng hát trầm hùng, nức nở và nhói buốt trong ánh sáng của 103 ngọn nến. 103 năm trong một đời người đã thành một giải ngân hà đang cháy sáng trên mặt đất!
Vĩ đại thay vị tướng của lòng dân! Trong đời mình, tôi cũng đã được vinh dự rất nhiều đám tang. Nhưng chưa có đám tang nào xúc động, trang nghiêm và kỳ vĩ đến như thế!
Thật có lý khi nhà sử học Dương Trung Quốc nói rằng: Có cảm giác như đám tang Đại tướng, cả dân tộc ta cùng nắm tay nhau! Siết chặt tay nhau!
Triệu trái tim khóc chung 1 người.
Quả đúng như vậy! Và như thế, có thể nói rằng, trong đời của một CON NGƯỜI, một CON NGƯỜI viết hoa theo đúng nghĩa, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã góp một phần quan trọng vô cùng với Bác, với toàn Đảng, toàn dân đánh thắng kẻ thù, thống nhất toàn vẹn đất nước, và hôm nay, trong “trận đánh” cuối cùng, bằng việc ra đi của mình, Đại tướng đã thống nhất được Lòng Dân.
Tôi rất đồng cảm với Thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện chiến lược, Bộ Công an, khi ông cho rằng: Tướng Giáp trong những ngày tháng cuối cùng trên giường bệnh, vẫn luôn là nơi gửi gắm niềm tin tưởng tôn kính của người dân cả nước. Khi ông ra đi, chúng ta cảm thấy cả dân tộc như đang xích lại gần nhau, yêu thương, gắn bó, tốt lành hơn trong nỗi đau mất mát và dù muốn hay không, với bất kỳ ai có lương tri, tấm lòng của người dân đối với Tướng Giáp cũng là sự “thức tỉnh”. Chính sự ra đi của Tướng Giáp sẽ “thức tỉnh” những người ở lại, tạo cho một sức đẩy, để Đảng và Nhà nước phải quyết liệt hơn nữa nhằm khắc phục những hiện tượng tha hóa trong bộ máy công quyền, đặc biệt ở một bộ phận người có chức có quyền, đang từng ngày từng giờ làm xói mòn niềm tin của dân. Tình cảm, niềm tôn kính của dân đối với Tướng Giáp, cũng là lời nhắc nhở những người ở lại phải có trách nhiệm lớn hơn nữa đối với Tổ Quốc, đối với nhân dân, sống trong sáng giản dị, sống hết lòng vì dân. Đó là một thông điệp mà Đại tướng muốn gửi lại cho chúng ta chăng?
Clip đang được xem nhiều nhất: Khởi tố 3 đối tượng phát tán clip với nội dung 'thác loạn' trong quán bar Sunny
- Thời điểm không khí lạnh mạnh nhất của mùa đông năm nay diễn ra khi nào?
- Soi profile của Hoa hậu Thanh Thủy - Miss International 2024: Học thức đỉnh cao, tài sắc vẹn toàn
- Lương hưu cao nhất Việt Nam hiện nay là bao nhiêu?
- Trùm giang hồ 'Bình Kiểm' lên kế hoạch bắt cóc ca sĩ, người mẫu
- 5 cái tên bị luật cấm đặt khai sinh ở Việt Nam, đó là tên nào?
- Tại sao vàng giảm giá khi ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ?
- Tỉnh nào có tuổi thọ thấp nhất Việt Nam?
- Vụ rơi máy bay quân sự tại Bình Định: 2 phi công thoát nạn thế nào?