Là huyện miền núi có vị trí địa lý thuận lợi, sông núi hài hòa, kết cấu địa chất đa dạng, Thanh Thủy được thiên nhiên ưu đãi cho nguồn tài nguyên thiên nhiên khoáng sản dồi dào như mỏ sét, quặng Pecmatit, Cao lanh, Penspat cùng với mỏ nước khoáng nóng vừa là nguồn tiềm năng khoáng sản quý hiếm, vừa là lợi thế cho việc phát triển du lịch, dịch vụ và kéo theo đó là việc mở mang các ngành nghề công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp.
Trên cơ sở nguồn nội lực, huyện luôn chú trọng chỉ đạo các địa phương, các ban, ngành, đoàn thể quan tâm đầu tư phát triển kinh tế xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, củng cố quốc phòng, đặc biệt là quan tâm đến đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào các dân tộc trên địa bàn. Theo đánh giá của huyện, năm 2011 vừa qua, tuy còn gặp nhiều khó khăn về kinh tế - xã hội nhưng huyện vẫn duy trì được tốc độ phát triển khá, nông nghiệp ổn định, công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, xây dựng được đầu tư và phát huy hiệu quả; các ngành dịch vụ phát triển ở nhiều lĩnh vực như vận tải, hàng hóa, sửa chữa, nhà hàng, bưu chính viễn thông; tổng giá trị sản xuất ước tính đạt được 599,088 triệu đồng, tăng 12,3% so với năm 2010; bình quân lương thực đầu người đạt 405,2 kg/người/năm.
Theo chân các cán bộ huyện, chúng tôi về Sơn Thủy, Trung Thịnh, Hoàng Xá để được thấy những đổi thay ở mỗi vùng quê. Đường từ huyện về xã được trải nhựa thênh thang, đường quê đổ bê tông rợp bóng cây chạy giữa bạt ngàn ngô, khoai, bầu bí. Mỗi xã, mỗi vùng quê lại có thế mạnh khác nhau trong sản xuất, phát triển kinh tế. Xã Sơn Thủy có tới 90% hộ nông dân canh tác nghề ao, nuôi trồng thủy, hải sản. Gặp Nguyễn Mậu Thành một ông chủ trẻ của mô hình kinh tế tổng hợp cho thu nhập cao, được anh cho biết: Cách đây hơn 4 năm gia đình anh là hộ nghèo của xã Sơn Thủy. Nhờ sự quan tâm ủng hộ của chính quyền và các đoàn thể ở địa phương, được vay vốn từ nhiều nguồn, được hỗ trợ đầu tư kinh phí, đất đai và kiến thức sản xuất, anh đã mạnh dạn làm 3 mẫu ao thả cá, nuôi vịt, mỗi năm thu hoạch 310 tấn cá, vài chục tấn gà, vịt cùng hoa màu khác. Từ đó gia đình anh thoát khỏi diện hộ nghèo và trở thành hộ giàu của xã. Cũng như Thành, Đỗ Anh Tuấn ở khu 5, Sơn Thủy đã mạnh dạn dồn đổi ruộng đất với các hộ liền kề để đào một mẫu ao thả cá kết hợp nuôi ba ba, vịt cùng với hơn 2 ha đất rừng trồng keo, bạch đàn lấy gỗ, dưới tán cây thả gà đồi và lợn rừng. Hiện Tuấn đang nắm giữ trong tay 9 con lợn rừng sinh sản, gần 50 chú lợn rừng con từ mới sinh đến những con có trọng lượng khoảng gần 30 kg; hàng trăm con ba ba gai sinh sản… mỗi năm trừ chi phí còn lãi từ 400 - 450 triệu đồng tiếp tục tái đầu tư cho sản xuất.
Chia tay Tuấn, chúng tôi về xã Trung Thịnh và dừng lại giữa cánh đồng khu 4. Trước mắt chúng tôi, một cơ ngơi dài rộng với từng dãy chuồng trại chăn nuôi nối với mấy khoảnh ao rộng thênh thang, xung quanh bạt ngàn màu vàng ươm của bưởi đưa hương thơm phảng phất trong gió đồng. Chỉ với tấm bằng sơ cấp chăn nuôi thú y, anh Lê Đình Hưởng đã nhận 2 ha diện tích đất dồn đổi, chuyển nhượng và nhận khoán để đưa vào sản xuất tập trung trang trại với quy mô sản xuất hàng hóa, chăn nuôi lợn công nghiệp và thủy sản. Khu chuồng trại nhà anh được xây dựng theo tiêu chuẩn chăn nuôi công nghiệp, luôn có 50 nái lợn, 1 lợn đực giống siêu nạc, mỗi năm mỗi con nái sinh sản 2 lứa, mỗi lứa bình quân từ 12 - 14 con. Anh chị giữ lại toàn bộ số lợn con, nuôi thành lợn hàng hóa rồi mới xuất chuồng cho thương lái từ Hà Nội lên, Việt Trì tới. Chỉ tính riêng phần chăn nuôi lợn, mỗi năm trừ chi phí, gia đình anh Hưởng còn lãi trên 750 triệu đồng chưa kể thu nhập từ cá, ba ba, gà và cây ăn quả.
Huyện Thanh Thủy có 15 xã, thị trấn thì có 14 xã, thị trấn có làng nghề với tổng số 73 làng. Mặc dù quy mô của các làng nghề còn nhỏ, tính truyền thống chưa nổi trội, nhưng mẫu mã, chất lượng của các làng nghề đang từng bước được khẳng định và được người tiêu dùng chấp nhận, bước đầu tạo được uy tín trên thị trường. Đáng kể nhất đó là khu, cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ - thương mại xã Hoàng Xá - xã duy nhất của huyện hiện đã tự cân đối được nguồn thu. Là xã công giáo toàn tòng, bà con công giáo Hoàng Xá luôn một lòng kính Chúa yêu nước, đoàn kết gắn bó cùng nhau phát triển kinh tế gia đình, làm cho địa phương trở thành nơi thu hút đối với nhiều thương nhân từ Hà Nội, Hòa Bình, Yên Bái, Sơn La đến làm ăn, mở ra cơ hội cho người Hoàng Xá đi lên làm giàu từ chính đôi bàn tay, khối óc của mình. Chúng tôi như lạc vào khung cảnh nhộn nhịp bán mua ngay giữa trung tâm xã. Chợ Hoàng Xá là đầu mối thu gom, vận chuyển, buôn bán hàng hóa với nhiều vùng miền lân cận. Không chỉ những ngày cuối năm mới có không khí nhộn nhịp này, người bán kẻ mua tấp nập, thôi thì đủ loại mặt hàng từ bình dân đến cao cấp, thứ gì cũng có, cũng sẵn với giá cả phải chăng, sức mua không hạn chế. Chợ Hoàng Xá vừa mang dáng dấp của một chợ quê với gánh khoai, cân chè, bao lạc, lại vừa mang dáng vẻ của một trung tâm thương mại nơi thành thị với từng dãy nhà hàng ăn uống, giải khát dập dìu nét nhạc, ánh đèn; từng salon tạo mẫu tóc, áo cưới, trang điểm cô dâu.
Xuân Nhâm Thìn, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc Thanh Thủy bước vào năm thứ 2 thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXIV với quyết tâm đẩy mạnh tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt trên 10% so với năm 2011, đảm bảo tăng trưởng và phát triển bền vững, đa dạng các sản phẩm hàng hóa có sức cạnh tranh trên thị trường; đồng thời đẩy mạnh chương trình phát triển lương thực, thực phẩm, bảo đảm an ninh lương thực, hiện thực hóa Đề án phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp giai đoạn 2011 - 2015 và định hướng đến năm 2020.