Bàn tay bẩn của Mafia cũng nhúng vào cả thế giới banh nỉ.
|
Lời người trong cuộc
Sau khi những nghi án bủa vây Nikolay Davydenko, huyền thoại người Mỹ John McEnroe đã không ngần ngại bảo vệ tay vợt người Nga trên AFP. McEnroe nói thẳng mafia nước Nga có thể đã đứng đằng sau gây áp lực để tay vợt số 4 thế giới khi đó phải tự thua, nhằm giúp cho những tay trùm cá độ đút túi hàng triệu USD sau những vụ cá cược khổng lồ. “Với một tay vợt hàng đầu thế giới như Davydenko, anh ta có thể kiếm cả triệu USD từ tiền thưởng và quảng cáo, việc gì phải bán độ để hoen ố hình ảnh của mình. Nhưng khi những thế lực ngầm đe dọa tính mạng họ và cả gia đình thì thật khó có thể làm trái lời chúng.”
Vậy có hay không có chuyện bán độ trong quần vợt? McEnroe, vốn nổi tiếng với những phát biểu gây sốc, không nói là không và cũng chẳng nói có, ông chỉ ra một điều: “Hãy hỏi những tay vợt ngoài top 1000, thậm chí top 200 thế giới kiếm tiền kiểu gì khi mà hàng năm anh ta phải đi khắp thế giới thi đấu, trang trải hàng đống tiền ăn ở ngủ nghỉ. Liệu một tay vợt vô danh sau mười mấy năm sự nghiệp mà sống vương giả nhờ tiền thưởng từ mấy giải đấu bé bằng con kiến hay không? Hãy tự tìm câu trả lời.”
Mafia điều khiển tay vợt làm thay đổi kết quả những trận đấu
Wimbledon là giải Grand Slam luôn sống trong tình trạng cảnh báo cao độ khi những nghi ngờ quanh chuyện mafia làm độ các trận đấu năm nào cũng xuất hiện. Năm 2007, 8 trận đấu bị xác định là có “mùi” trong đó có 4 trận đơn nam từ vòng loại cho tới vòng đấu chính. Một tay vợt từng tham dự Wimbledon 2005, Gilles Elseneer đã công khai tiết lộ có kẻ đã gọi điện cho anh trước trận đấu với Potito Starace, đưa ra cái giá 70.000 bảng yêu cầu tay vợt người Bỉ phải gác vợt trước đối thủ. Elseneer sau đó đã giải nghệ ở tuổi 29 sau khi lo sợ sự an toàn của bản thân và gia đình, hiện tại người đàn ông 34 tuổi đang là HLV quần vợt tại học viện của gia đình ở Brussels, vẫn sống trong vòng bảo vệ đặc biệt chỉ vì dám tiết lộ câu chuyện dính dáng đến những tổ chức tội phạm.
Không nói thẳng như Elseneer, những tay vợt tên tuổi khác chỉ “bóng gió” nói về những vụ mua bán độ trong quần vợt mà không chỉ đích xác đâu mới là vấn đề. Sau khi tiền bối Tim Henman kể về chuyện những tay vợt cùng thời làm ăn với mafia để thay đổi kết quả trận đấu, tay vợt số 4 thế giới Andy Murray không chỉ một lần nói thẳng: “Chắc chắn có những điều khuất tất trong nhiều trận đấu tennis nhưng chẳng ai nói ra.” Sau đó tay vợt nữ Serena Williams cũng đầy ẩn ý: “Không thể kết tội ai nếu không có bằng chứng, ai cũng trong sạch cho tới khi họ lòi đuôi ra. Vậy nên nếu nói có chuyện gì mờ ám trong các trận đấu, hãy cứ tìm chứng cứ đi.”
Mafia trong bóng tối
Bằng chứng như Serena nói chính là thứ mà TIU cũng như cảnh sát vẫn đang lần theo dấu vết, nhưng tất cả chỉ là dấu hỏi mù mờ. Những khoản tiền khổng lồ vẫn đều đặn luân chuyển trên các sàn cá cược hợp pháp được che đậy trong rất nhiều vỏ bộc khác nhau. Trang cá cược Betfair đã công bố con số 283 triệu bảng đã được giới cá cược đổ vào Wimbledon 2008, trong đó không ít những trận đấu của những tay vợt chẳng ai biết đến thậm chí còn thu hút được lượng tiền hơn hẳn những cuộc đấu của những tay vợt tên tuổi khác.
Cảnh sát Scotland đã phát hiện ra những cuộc gọi bất thường liên quan đến các tay vợt trước các trận đấu nhưng kết quả là không thu được bất cứ bằng chứng nào dính tới bán độ. Không một ai dám đứng ra làm chứng về sự can thiệp của thế giới ngầm và ai cũng hiểu: Họ cần phải lo cho bản thân, trước khi trở thành người hùng bất đắc dĩ để rồi một mình hứng chịu hậu quả.
Michael Franzese: "Mafia bao trùm cả giới thể thao không riêng tennis"
Vậy những kẻ đứng đằng sau thao túng các trận đấu bao giờ mới lộ mặt? Câu trả lời là không bao giờ. Tay trùm mafia nổi tiếng Michael Franzese sau khi “giải nghệ” với án tù hơn 30 năm từ thập niên 70 ở thế ký trước đã tuyên bố đừng bao giờ nghĩ quần vợt, thậm chí là toàn bộ giới thể thao trên thế giới này là trong sạch. Những trò bẩn thỉu, các trận đấu bán độ vẫn diễn ra như cơm bữa ở mọi nơi, mọi lúc. “Con mồi chính là những VĐV, dụ họ vào tròng bằng những khoản tiền mà cả năm thi đấu cật lực họ cũng chẳng làm nổi. VĐV cũng là những con bạc, cách dễ nhất là để họ thắng độ và sau đó dần dần biến họ thành những kẻ bán độ để mang tiền về cho chúng tôi.”
Sự thật như Franzese nói, thế giới thể thao đầy rẫy những vụ mua bán độ, được điều khiển bằng vô số những ông trùm ẩn danh. Không ai biết và nếu biết, họ cũng chẳng dại gì hé miệng ra và cứ như thế năm này qua năm khác, chiếc vòi bạch tuộc của mafia vẫn tiếp tục vươn ra từ trong bóng tối che lấp những gì đẹp đẽ mà thể thao chân chính mang lại.
Trân trọng mời độc giả đón đọc: Tennis & chuyện bán độ - Phong trào ở Việt Nam cũng có "mùi" vào thứ Hai ngày 25/4!
- Thời điểm không khí lạnh mạnh nhất của mùa đông năm nay diễn ra khi nào?
- Soi profile của Hoa hậu Thanh Thủy - Miss International 2024: Học thức đỉnh cao, tài sắc vẹn toàn
- Lương hưu cao nhất Việt Nam hiện nay là bao nhiêu?
- Trùm giang hồ 'Bình Kiểm' lên kế hoạch bắt cóc ca sĩ, người mẫu
- 5 cái tên bị luật cấm đặt khai sinh ở Việt Nam, đó là tên nào?
- Tại sao vàng giảm giá khi ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ?
- Tỉnh nào có tuổi thọ thấp nhất Việt Nam?
- Vụ rơi máy bay quân sự tại Bình Định: 2 phi công thoát nạn thế nào?