Tay chân miệng lây với tốc độ nhanh, nhiều trẻ ở Hà Nội mắc bệnh
Thứ năm, 09/07/2020 09:42

Nhiều trường hợp trẻ nhỏ ở Hà Nội xuất hiện dấu hiệu của tay chân miệng cấp độ 2 mới đây đã phải nhập viện điều trị.

Trong 3 tuần trở lại đây, Bệnh viện E (Hà Nội) tiếp nhận mỗi ngày 10-15 trường hợp tới khám tay chân miệng. Chỉ riêng ngày 7/7, 4 bệnh nhi phải nhập viện vì có biểu hiện của tay chân miệng cấp độ 2.

Nhiều ca không rõ nguồn lây

Thạc sĩ, bác sĩ Trương Văn Quý, Trưởng khoa Nội nhi tổng hợp, Bệnh viện E (Hà Nội), cho biết tay chân miệng có thể lây truyền từ người sang người khi tiếp xúc phải virus gây bệnh. Virus có thể phát tán từ cơ thể người bệnh ra môi trường qua đường phân, các nốt phỏng nước hoặc dịch tiết từ đường hô hấp.

Thực tế, tay chân miệng là bệnh có thể gặp quanh năm. Tuy nhiên, hai khoảng thời gian xuất hiện nhiều trường hợp nhiễm bệnh nhất là tháng 4-6 và tháng 9-10.

Theo bác sĩ Quý, biểu hiện của bệnh tay chân miệng được xác định thông qua 4 mức độ. Ở mức độ một, bệnh nhân có các dấu hiệu ở da, niêm mạc bao gồm phỏng nước lòng bàn tay, bàn chân hay ở các nếp gấp như khuỷu tay, đầu gối, mông, kèm theo nốt ở miệng và có thể điều trị tại nhà.

Tuy nhiên, khi phát bệnh ở mức độ 2 trở lên, bệnh nhân sẽ sốt li bì, giật mình, run tay chân, đi đứng loạng choạng. Nghiêm trọng hơn, nhiều trường hợp còn xuất hiện triệu chứng tại cơ quan hô hấp và tuần hoàn như suy tuần hoàn, phù phổi cấp,...

Bốn trường hợp vừa được chỉ định nhập viện tại Bệnh viện E đều là các bé trai 13-17 tháng có chung các biểu hiện như sốt cao 39-40 độ, nổi phỏng nước trên da và giật mình. Trong đó, một bệnh nhi có tình trạng giật mình 10 phút/lần trong đêm.

Đến nay, sức khoẻ các bé đã ổn định, tỉnh táo, hạ sốt và hết hiện tượng giật mình.

Trong 4 bệnh nhi, một trường hợp xác định được nguồn lây nhiễm là người anh trai bị tay chân miệng cách đây một tuần. Các trường hợp còn lại đều không rõ nguồn lây.

dich tay chan mieng anh 1

Tình trạng cả 4 bệnh nhi đến nay đều đã ổn định, hạ sốt, không giật mình. Ảnh: Quốc Toàn.

Cẩn trọng dịch lớn tái diễn

Theo bác sĩ Quý, tay chân miệng dễ lây lan với tốc độ rất nhanh. Đây có thể là vấn đề đáng lo ngại nếu mọi người chủ quan và không có góc nhìn toàn diện.

"Không loại trừ khả năng chúng ta sẽ phải trải qua một đợt dịch tương tự năm 2013, cao điểm của dịch tay chân miệng với nhiều trẻ bị di chứng nặng nề", bác sĩ Quý khuyến cáo.

Bác sĩ Quý giải thích nguyên nhân bệnh tay chân miệng đến từ virus đường ruột Enterovirus với hai loại thường gặp nhất là Coxsackie A16 và Enterovirus typ 71. Là virus đường ruột nên chúng tồn tại ở môi trường và ngay trong bản thân trẻ".

Khác với bệnh sởi, trẻ không thể tự tạo ra miễn dịch đối với tay chân miệng do cơ thể có thể mắc nhiều loại virus khác nhau qua mỗi năm. Hiện nay, tay chân miệng chưa có vaccine và thuốc đặc trị.

Tùy vào mức độ cũng như thể trạng của mỗi bé, bệnh có thể gây ra các biến chứng khác nhau. Điển hình như biến chứng về thần kinh, tổn thương ở thân não dẫn đến liệt, bại não,...

Do có liên quan đến thân não nên bệnh sẽ có những di chứng về vấn đề hô hấp như khó thở, tổn thương trung tâm hô hấp, yếu cơ và liệt cơ. Với những biến chứng nặng hơn, bệnh nhân còn bị tổn thương đa cơ quan, trong đó có tổn thương và phù phổi dẫn đến suy hô hấp, thậm chí tử vong.

dich tay chan mieng anh 2

Thạc sĩ, bác sĩ Trương Văn Quý nhận định tay chân miệng là căn bệnh dễ lây lan,
 không được phép chủ quan. Ảnh: Quốc Toàn.

Nên cách ly tối đa trẻ mắc bệnh

Khi phát hiện bệnh ở trẻ nhỏ, bác sĩ Quý khuyên phụ huynh nên giữ được sự bình tĩnh để xử lý tốt nhất. Thông thường, các trường hợp đều biểu hiện ở mức độ 1 có thể chăm sóc tại nhà. Tuy nhiên, cha mẹ nên đưa trẻ đi khám ngay khi có sốt hoặc phát ban để các bác sĩ đánh giá toàn diện và quyết định trẻ đang ở mức độ nào.

Bên cạnh đó, chúng ta cần đảm bảo vệ sinh cá nhân, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và nước sát khuẩn. Sau khi về nhà, người lớn nên rửa tay, thay đồ rồi mới tiếp xúc và tiến hành chăm sóc trẻ.

"Khi phát hiện trẻ mắc bệnh, phải cách ly tối đa, không để trẻ tiếp xúc với các bạn khác. Cha mẹ cần cho trẻ nghỉ học đồng thời báo trung tâm phòng tránh bệnh tật tại địa phương để có biện pháp khử khuẩn và phòng ngừa", bác sĩ Quý lưu ý.

Ngoài ra, về vấn đề dinh dưỡng, bác sĩ này cũng lưu ý tay chân miệng là bệnh do virus gây ra nên trẻ thường có dấu hiệu biếng ăn, đặc biệt là các trường hợp bị loét miệng. Bởi vậy, phụ huynh cần đảm bảo cho trẻ ăn đầy đủ dinh dưỡng, có thể thay thế bằng sữa, cháo khi trẻ khó ăn.

Đặc biệt, cha mẹ nên bổ sung các chất nhằm tăng đề kháng như nước hoa quả, sữa chua,... Cha mẹ nên cố gắng cho trẻ ăn như hàng ngày, thậm chí ăn nhiều hơn do lúc này, trẻ cần nhiều năng lượng hơn để hồi phục nhanh chóng.

Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, trong 6 tháng đầu năm, thành phố ghi nhận 201 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng, giảm nhiều so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, số bệnh nhân tay chân miệng bắt đầu gia tăng nhanh trong 2 tuần gần đây, đồng thời đã ghi nhận các ổ dịch tại các trường mầm non và khu chung cư. Vì vậy, cần có biện pháp phòng chống dịch chủ động của các cấp chính quyền, ngành y tế để ngăn ngừa bùng phát dịch trên địa bàn thành phố.
Zingnews.vn

Nguồn: https://zingnews.vn/tay-chan-mieng-lay-voi-toc-do-nhanh-nhieu-tre-o-ha-noi-mac-benh-post1104571.html.. Nguồn: https://zingnews.vn/tay-chan-mieng-lay-voi-toc-do-nhanh-nhieu-tre-o-ha-noi-mac-benh-post1104571.html

Clip đang được xem nhiều nhất: Khởi tố 3 đối tượng phát tán clip với nội dung 'thác loạn' trong quán bar Sunny

Tag: Tay chân miệng , trẻ em , Hà Nội