Nhiều lãnh đạo trường THPT cho rằng quy định giờ học mới ở thủ đô sẽ làm đảo lộn sinh hoạt của cả thầy và trò, giờ tan học chiều mỗi lớp một khác nên không thể bắt học sinh học xong ở lại trường chờ giờ quy định mới được về.
|
Theo quy định của UBND TP Hà Nội, từ ngày 1/2, học sinh mầm non, tiểu học, THCS bắt đầu học từ 8h và kết thúc lúc 17h; học sinh, sinh viên trường THPT, TCCN, CĐ, ĐH bắt đầu giờ học sáng trước 7h và kết thúc giờ học chiều sau 19h. Quy định này đang gây băn khoăn cho học sinh và giáo viên.
Hiệu trưởng THPT Đinh Tiên Hoàng Nguyễn Tùng Lâm cho hay, quy định giờ học mới rất khó thực hiện. "Giờ buổi sáng chúng tôi có thể làm theo nhưng giờ kết thúc buổi chiều phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Các em học xong không thể nhốt ở trường để chờ đến giờ ra về", thầy Lâm nói.
Vị hiệu trưởng phân tích, học sinh cấp 3 mỗi ngày thường có 5 tiết (riêng lớp 11 có hôm 4 tiết), có lớp học một buổi, có lớp học ca sáng rồi phải học thêm ca chiều 3 tiết. Thời lượng học khác nhau nên giờ tan cũng khác biệt.
Theo thầy Lâm, thời gian kết thúc buổi học chiều sau 19h là quá muộn bởi mùa đông 19h trời đã rất tối và lạnh. Những ngày mùa đông mưa lạnh, học sinh sẽ rất vất vả khi phải đến trường sớm và về nhà muộn. Các em nhà xa đi về vất vả, phụ huynh đón con cũng khó vì giờ tan làm sớm hơn giờ đón con tới hơn một tiếng.
"Các em phải tan muộn, rồi sáng mai lại phải dậy sớm để đi học thì chắc không đủ sức. Quan điểm của tôi là không khống chế giờ tan học buổi chiều vì mỗi ca, mỗi lớp có đặc thù riêng", thầy Lâm cho hay.
Theo quy định điều chỉnh giờ học của Hà Nội, bậc THPT sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất. Ảnh: Hoàng Hà.
Đồng quan điểm, Hiệu trưởng THPT Quang Trung Đỗ Đức Hòa cho rằng, rất khó sắp xếp các lớp học tan sau 19h bởi mỗi khối, mỗi khóa có chương trình học khác nhau nên ra về rải rác. Tan học sau 19h khiến học sinh đi về khi trời tối, những em nhà xa sẽ rất nguy hiểm và phụ huynh cũng khó quản lý con cái.
"Chắc sắp tới trường phải lắp thêm bóng đèn ngoài sân để học sinh học giờ thể dục vì tối trời các em vẫn phải học ở trường", vị hiệu trưởng hài hước.
Theo thầy Hòa, thời gian kết thúc buổi học chiều muộn không chỉ ảnh hưởng đến học sinh mà cả giáo viên. Từ khi có thông báo thay đổi giờ học, giáo viên rất lo lắng bởi nhiều thầy cô đến trường lúc 6h45 và ra về lúc 19h, ăn cơm xong cũng đã 21h thì không còn thời gian soạn giáo án và chăm sóc gia đình để sáng hôm sau tiếp tục dậy sớm.
Hơn nữa, việc bắt đầu giờ học chiều muộn cũng làm thời gian nghỉ giữa buổi trưa kéo dài tới 2,5-3 giờ, những học sinh và giáo viên nhà xa rất khó xử lý vì ở lại thì quá mệt còn về nhà thì vội vàng.
"Có lẽ trường phải thuê xe đưa đón các cháu con giáo viên vì mẹ về muộn thì không biết ai đón con. Chúng tôi cũng nghĩ đến phương án ưu tiên giáo viên có con nhỏ, nhưng trường lại rất đông người như vậy nên không biết ưu tiên cho ai", thầy Hòa cho biết thêm.
Còn Hiệu trưởng THPT Trần Nhân Tông Phan Thanh Tùng chia sẻ, để chuẩn bị cho việc điều chỉnh giờ, trường phải rục rịch chuẩn bị thời khóa biểu từ tháng 12 năm ngoái, ưu tiên giáo viên nhà xa ít phải dạy tiết đầu, cuối. Giờ học buổi sáng bắt đầu lúc 6h45 và giờ học chiều từ 13h hiện nay sẽ thay bằng 14h40.
"Việc thay đổi giờ học sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến nếp sinh hoạt của học sinh và giáo viên, nhưng chúng tôi cố gắng động viên các em, thầy cô và cả phụ huynh thực hiện để giải tỏa ách tắc giao thông. Sau một thời gian, có bất cập, vướng mắc sẽ báo cáo lên cấp trên", ông Tùng cho hay.
Trao đổi với VnExpress, Phó giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Nguyễn Hiệp Thống cho biết, sẽ có khoảng 900 trường với trên nửa triệu học sinh (trong số trên 2.500 trường và gần 1,5 triệu học sinh thành phố) nằm trong diện bị điều chỉnh giờ. Trong đó có hơn 90.000 học sinh THPT và 35.000 em trong số này (gần 40%) học ca chiều. Sở yêu cầu các trường đảm bảo đủ ánh sáng cho học sinh học tập khi trời tối, sân trường bố trí đèn điện cho các em lấy xe ra về.
Khẳng định việc điều chỉnh giờ học sẽ gặp nhiều khó khăn, ông Thống nêu ví dụ: "Học sinh THPT tan sau 19h sẽ phải về nhà ăn cơm rất muộn. Hoặc bậc THCS có thời gian kết thúc ca sáng và bắt đầu ca chiều chỉ 15-20 phút (để ca chiều có thể về lúc 17h) sẽ gây ùn tắc trước cổng trường".
Để giải quyết khó khăn này, Sở GD&ĐT Hà Nội yêu cầu trong những ngày đầu đổi giờ học, các trường phải tạo điều kiện cho học sinh đến muộn vẫn được vào lớp, hoặc cha mẹ đến đón muộn thì trường cần có biện pháp quản lý học sinh.
Trước thực trạng ùn tắc của thành phố và hàng loạt giải pháp được Hà Nội đưa ra nhằm cải thiện tình hình giao thông, ông Thống cho hay, ngành giáo dục không thể đứng ngoài cuộc. "Cần từng bước khắc phục khó khăn để thực hiện nghiêm túc, rồi trong quá trình đó sẽ xem xét thực tế để điều chỉnh sao cho phù hợp, mang lại hiệu quả", Phó giám đốc Nguyễn Hiệp Thống nhấn mạnh.
Cũng theo ông Thống, sau 2 tuần điều chỉnh giờ học, Sở GD&ĐT Hà Nội sẽ yêu cầu các trường báo cáo vướng mắc để đề xuất hướng xử lý.
- Muốn trở thành giáo viên giỏi? - Chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm là điều TIÊN QUYẾT!
- Điểm mới trong các kỳ thi riêng xét tuyển Đại học năm 2025
- 5 năm tới ngành nào hot: Lương lên tới 3,4 tỷ đồng/năm mà không cần bằng đại học?
- 5 ngành học hot nhất hiện nay! Cơ hội việc làm rộng mở, lương 100 triệu đồng/tháng trong tầm tay
- Con phố nào giàu nhất Hà Nội, người gốc Thủ đô chưa chắc đã biết chính xác?
- Từ 1/1/2025: Những đối tượng này sẽ được cấp thẻ BHYT miễn phí
- Từ 1/7/2025: Thay đổi cách tính lương hưu theo Luật BHXH mới, hàng triệu người hưởng lợi
- Quận đông dân nhất Việt Nam: Dân số bằng 2 tỉnh cộng lại, là một trong hai quận lớn nhất TP. HCM
- Lịch nghỉ Tết Nguyên đán 2025 mới nhất của học sinh cả nước
- Thưởng Tết 2025, mức thưởng cao nhất là trên 500 triệu đồng/người. Là ai?
- Tại sao Sơn Tùng lại nổi tiếng?
- Trước Tết dương lịch 2025, đây là 6 thủ tục hành chính cần hoàn thành