Đang học trường trung cấp nghệ thuật ở Thái Nguyên nhưng Mai và nhóm bạn thường xuyên về Hà Nội “lắc”. Cô gái này đã đánh mất tương lai vì đá. Chúng tôi đã trò chuyện với cô ngay trước ngày Phòng, chống ma túy 26/6.
|
Sau 2 tháng được đưa vào Trung tâm giáo dục lao động số 2 Hà Nội, Nguyễn Hồng Mai (SN 1983, ở Hương Sơn, Thái Nguyên) đã bớt tím tái hơn. Nhìn cô không còn “dại dại” như dân vừa “cắn thuốc”. Mai cười buồn tâm sự, cô may mắn vì bị bắt vào đây, nếu không, rất có thể đã bị điên giống như các bạn do dùng quá nhiều thuốc lắc.
Mai nhận ra sự mất mát khi vào trại. Với cô, được ở lại đây làm việc, tránh xa cám dỗ là mong mỏi duy nhất.
Ở ngoài xã hội, người như Mai được gọi là “chân dài”. Gương mặt còn nhợt nhạt nhưng nhìn Mai xinh xắn, trắng trẻo, trẻ hơn so với tuổi gần 30 của cô. Mai nhẹ giọng: “Em đã từng bị câm vài tháng. Nói lại được, được đi học lại mà em không biết giữ gìn. Những điều bình thường như đi học, nói năng ấy đối với em là cơ hội trời cho vậy mà em đã sa ngã. Lần này vào đây em lại được cho thêm một cơ hội để sống cho ra sống chị ạ”.
Khi Mai bắt đầu nói chuyện, tôi vẫn không hiểu ý cô là gì. Chợt nhớ cán bộ trung tâm nói cô từng bị hoang tưởng nên tôi nghĩ Mai nói nhảm. Nhưng nghe kỹ lại lời cô gái vừa thoát ra khỏi cơn mê ảo giác, mới thấy những điều Mai vừa nói chính là cuộc sống thật của cô.
Mai sinh ra ở Thái Nguyên, cuối năm 2000, khi còn chưa học xong cấp 3 thì gia đình “gả bán”, cho cô lấy chồng. 17 tuổi, Mai lấy một người là con của bạn bố tận Cổ Nhuế, Hà Nội. Cô thiếu nữ tuổi 17, mang bầu, sinh con ngay sau đó 1 năm.
“Một đêm, em chết lặng với tin chồng em bị tai nạn, chết ngoài đường. Cơn sốc ấy khiến em câm lặng suốt mấy tháng. Em nuôi con thơ, nó khóc em không dỗ được. Khi tới gần 100 ngày chồng, một hôm cháu em bị đứt tay, chảy máu, nó khóc váng gọi tên chồng em. Chẳng biết sao lúc đó em ôm nó và bảo “chú chết rồi còn đâu mà gọi” rồi từ đó em nói lại được” – Mai kể.
Được gia đình giúp đỡ, chăm con, năm 2003, Mai thi đỗ vào một trường Trung học Nghệ thuật ở Thái Nguyên. Mới 20 tuổi, bước vào làm sinh viên năm thứ nhất nhưng Mai đã trải qua nhiều cú sốc lớn. Bỏ con lại Hà Nội cho gia đình nhà nội nuôi dưỡng, Mai bước chân vào con đường nghệ thuật nhưng không ngờ, từ đây, cuộc đời cô lại rẽ sang lối “tối hơn”.
Học chưa được bao lâu, sang năm thứ 2 là Mai kết thân với nhóm bạn “có nhan sắc, thích ăn diện” và rủ nhau về Hà Nội làm cho một quán cà phê trá hình.
“Làm gái, dần dà em bị kéo vào con đường “bay”, “lắc”. Những cuộc chơi thâu đêm ở các quán bar sang trọng, những bộ váy đẹp mà những kẻ mê em sẵn sàng chi tiền triệu để mua tặng khiến em như sống trong cơn mê. Em nghiện “đá” lúc nào không hay. Một lần sang quận Long Biên mua thuốc, em bị công an bắt giữ và bị đưa vào Trung tâm 2” – Mai kể lại.
Đó là năm 2006, lần đầu Mai bị đưa vào Trung tâm giáo dục, lao động số 2. Lần đó, cô giấu gia đình. Họ cứ nghĩ cô vẫn đi học liên thông dưới Hà Nội. Tháng 10/ 2008, Mai trở về thì đứa con trai đã lớn vổng. Nó không nhận ra mẹ. Gia đình nhà chồng không muốn cô tiếp xúc với con khiến Mai vật vã, đau đớn.
Đúng lúc đó, bác của mai ở Đức về và muốn nhận nuôi đứa trẻ. Đau lòng vì phải xa con nhưng Mai đã đồng ý cho cậu bé sang Đức với người bác ruột với hy vọng nó sẽ có một tương lai không tăm tối như mẹ.
“Cảm giác cô đơn khiến em lại nhớ thuốc. Khi dùng đá, em không còn biết nhớ nhung, hờn giận. Cảm giác bay bổng, như có sức mạnh mà đá mang lại khiến em lại tìm về bạn bè cũ, sống bầy đàn và đi đá. Để có tiền dùng đá, em buôn thứ đó luôn. Bọn em thuê chung một căn phòng chưa được chục mét vuông, cùng nhau dùng đá. Có khi 2 – 3 ngày phê thuốc chẳng phải ăn uống gì”. Mai cố giấu cảm giác rùng mình khi kể lại quãng thời gian nghiện ngập.
"Dùng “đá” một thời gian, cả nhóm bạn của em bắt đầu rơi vào trạng thái hoang tưởng. Em bắt đầu có tính đa nghi. Ngồi ở quán nước, nhìn thấy người lạ em luôn nghĩ họ là công an mật. Ngay cả bà bán quán em cũng nghĩ bà ta được công an trả tiền để theo dõi em”.
Trong số những người bạn nghiện của Mai đã có tới 5 người phải vào bệnh viện Trâu Quỳ sau thời gian dài chơi “đá”. Mai kể, mấy người bạn của cô đều có biểu hiện hoang tưởng giống cô. Lúc nào họ cũng nghĩ có người sắp tấn công mình và sẵn sàng cầm dao đuổi, chém. Có người còn ném cả con ra đường vì nghĩ nó chuẩn bị tra tấn mình. Phê thuốc thì thôi, mỗi khi tỉnh là Mai lại sợ mình sẽ bị tấn công hay bị công an mật bắt.
“Lần thứ 2 vào trung tâm này là em bị Công an phường Bạch Đằng bắt. Em còn muốn ở đây lâu nhưng nhiều nhất là 2 năm em sẽ phải về. Em sợ về sẽ không cưỡng lại được cám dỗ. Em rất sợ khi con trai mình nhìn mình với con mắt ghẻ lạnh, khinh rẻ. Em mong sẽ được nhận lại làm việc ở trung tâm này”. Mai tâm sự mà ánh mắt như cầu khẩn điều gì đó.
Vẫn biết việc nghiện các chất ma túy là khó rời bỏ nhưng những người có hoàn cảnh như Mai, nghe mong mỏi hướng thiện của cô sẽ thấy đó là bài học cho cuộc đời mình. “Đá” mang lại cảm giác bay bổng ảo, tước đi tương lai thật của bất kỳ người nào dùng nó.
- Thời điểm không khí lạnh mạnh nhất của mùa đông năm nay diễn ra khi nào?
- Soi profile của Hoa hậu Thanh Thủy - Miss International 2024: Học thức đỉnh cao, tài sắc vẹn toàn
- Lương hưu cao nhất Việt Nam hiện nay là bao nhiêu?
- Trùm giang hồ 'Bình Kiểm' lên kế hoạch bắt cóc ca sĩ, người mẫu
- 5 cái tên bị luật cấm đặt khai sinh ở Việt Nam, đó là tên nào?
- Tại sao vàng giảm giá khi ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ?
- Tỉnh nào có tuổi thọ thấp nhất Việt Nam?
- Vụ rơi máy bay quân sự tại Bình Định: 2 phi công thoát nạn thế nào?