Nhiều chuyên gia đã đưa ra ý kiến xung quanh cuộc tranh luận về việc "Sách giáo khoa bỏ quên Đại tướng Võ Nguyên Giáp".
Tư liệu về Đại tướng Võ Nguyên Giáp cần được đưa nhiều hơn vào sách giáo khoa phổ thông |
Thiếu sót
Trong những ngày này, nhiều ý kiến nhận xét trong hệ thống sách giáo khoa từ lớp 1 đến lớp 5 và lớp 9-12 hiện nay, trong giai đoạn kháng chiến chống Pháp đều không đề cập vai trò của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Đa số các ý kiến đều cho rằng nên đưa những tư liệu về cuộc đời, công lao của Đại tướng vào chương trình sách giáo khoa hiện hành.
Bình luận về sự việc này bên hành lang quốc hội, luật sư Trương Trọng Nghĩa (Đại biểu quốc hội TP.HCM) cho biết: "Rất đáng tiếc, việc phản ánh trong sách lịch sử về Đại tướng Võ Nguyên Giáp chưa được như chúng ta mong muốn và chưa tương xứng với vai trò, công lao của Đại tướng".
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa cũng nhấn mạnh cần phải sửa chữa lại điều này và phải bắt đầu cải tiến từ cấp 1, cấp 2. "Theo tôi, ngoài Đại tướng Võ Nguyên Giáp, trong SGK lịch sử còn nhiều vấn đề khác nữa mà sắp tới chúng ta phải lưu ý và có sự điều chỉnh", ông Nghĩa chia sẻ.
Vị đại biểu này nêu ra sự thật khách quan là Đại tướng có công lao rất lớn trong cuộc kháng chiến đó, ông còn được coi là thần tượng của cả lớp trẻ, chứ không chỉ có những lớp người lớn đã từng biết nhiều về ông. Vì vậy ông xứng đáng được phản ánh một cách đầy đủ và trung thực hơn trong bộ sách giáo khoa lịch sử cho thế hệ trẻ học tập.
Cùng quan điểm này, PGS. Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT cũng khẳng định trong sách lịch sử không viết về Đại tướng Võ Nguyên Giáp là điều thiếu sót, không đúng, cho nên sắp tới phải bổ sung.
"Vì sách giáo khoa lịch sử không thể không nói về hai cuộc chiến thắng của dân tộc, đó là chiến thắng Điện Biên Phủ và chiến thắng mùa Xuân năm 1975.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp là nhân vật hoàn toàn xứng đáng để nói về những nhân vật suất sắc nhất thế giới, ở Việt Nam ai cũng biết Đại tướng là một người như thế nào và dứt khoát phải đưa vào sách", PGS Trần Xuân Nhĩ lập luận.
Hiệu trưởng trường THPT dân lập Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) - TS. Nguyễn Tùng Lâm cho rằng, trong thời gian tới khi chúng ta làm lại sách cũng nên có thể đưa thông tin về Đại tướng cho học sinh học.
Đặc biệt chương trình lịch sử và trận Điện Biên Phủ phải nói rõ vai trò của Đại tướng Võ Nguyên Giáp như thế nào, thậm chí phải có hẳn một mục về Đại tướng.
Bên cạnh đó, TS Tùng Lâm cũng cho rằng, ngoài sách lịch sử thì văn học và giáo dục công dân cũng phải đưa hình ảnh của Đại tướng, đó là những đoạn hay, những đoạn xúc động về Đại tướng, phải giảng cho học sinh nghe.
Sẽ bổ sung
Trước ý kiến của dư luận, PGS. TS Đỗ Ngọc Thống, Thường trực Ban soạn thảo Đề án Đổi mới chương trình, SGK phổ thông sau 2015 (Bộ GD-ĐT) cho biết, bản thân ông chưa khảo sát hết nhưng có xem qua sách thì thấy tuy không nhắc tới Đại tướng nhưng hình ảnh Đại tướng ở Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, Đại tướng bên cạnh Bác Hồ trong chiến dịch Biên giới năm 1950 vẫn có.
Một bài trong SGK Lịch sử lớp 9 có nhắc đến vài trò của Đại tướng Võ Nguyên Giáp
Hiện nay riêng sách Ngữ văn lớp 12 đã đưa vào một bài nói về con người Đại tướng trích trong Hồi kí “Những năm tháng không thể nào quên” và có chụp hình Đại tướng rất trang trọng.
“Sắp tới chúng tôi sẽ cân nhắc làm sao đưa được những cái chọn lọc, tinh túy nhất, kể cả các sự kiện lẫn nhân vật lịch sử và sẽ khắc phục tình trạng này. Nếu đưa Đại tướng vào thì cũng phải cân nhắc các nhân vật khác như Phạm Văn Đồng, Lê Duẩn..., do đó mở rộng các nhân vật lịch sử thì gắn với từng sự kiện, cũng phải cân nhắc vì xuyên suốt hệ thống lịch sử chỉ có Bác Hồ và Bộ chính trị cũng như Trung ương Đảng” - PGS. Đỗ Ngọc Thống cho biết.
Dù không xuất hiện trong SGK Lịch sử nhưng riêng chương trình Ngữ văn THPT của Bộ GD-ĐT đã dành 6 trang (từ trang 204-210, SGK Ngữ Văn 12 tập 1) trích Hồi kí "Những năm tháng không thể nào quên" của Đại tướng.
Cũng cùng quan điểm này, PGS.TS Nghiêm Đình Vỳ, Chủ tịch hội đồng bộ môn Lịch sử của Bộ GD-ĐT cho biết hình ảnh Đại tướng trong sách giáo khoa phổ thông hiện nay không phải không có, chỉ chưa đậm nét.
Cụ thể, trong Sách giáo khoa Lịch sử lớp 9 do GS Đinh Xuân Lâm chủ biên, hình ảnh Đại tướng đã xuất hiện ở một số hình ảnh, thông tin ngắn gọn.
Ngày 22/12/1944, thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân có nhắc đến vai trò lãnh đạo của Đại tướng. Đại tướng được Chủ tịch Hồ Chí Minh giao nhiệm vụ thành lập đội này (có hình ảnh).
Vai trò của Đại tướng giai đoạn 1939-1945 cũng được nhắc đến trong Tổng khởi nghĩa tháng 8/1945. Hình ảnh của Đại tướng cũng có trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp từ 1950-1953.
SGK Lịch sử lớp 12 cũng có ảnh Đại tướng ở Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân và ảnh thường vụ họp. Thêm nữa, sách còn dẫn đoạn trích 6 dòng của Đại tướng phát biểu trong chiến dịch Đông-Xuân 1953-1954.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp được nhắc đến trong một bài học khác trong SGK Lịch sử lớp 9. Tuy nhiên nhiều ý kiến vẫn cho rằng chưa đủ.
Về nguyên nhân khiến hình ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp chưa đậm nét, ông Nghiêm Đình Vỳ giải thích rằng việc viết sách giáo khoa có những quy định về phương pháp nên khó tải mọi thứ vào được.
Tuy nhiên, trong sách giáo khoa hay sách cho giáo viên có đưa hình ảnh liên quan đến các cuộc kháng chiến, dù còn ít. Giáo viên khi giảng bài có thể giơ lên để giảng giải cho học sinh hoặc để các em đặt câu hỏi rồi trả lời.
Các cuộc kháng chiến đều gắn liền với những nhân vật lịch sử. Dù chưa đưa đậm nét nhưng giáo viên có trách nhiệm giảng giải cho học trò để hiểu thực chất vấn đề.
PGS.TS Nghiêm Đình Vỳ, Chủ tịch hội đồng bộ môn Lịch sử của Bộ GD-ĐT chia sẻ rằng sau năm 2015, sẽ có nhiều thay đổi từ phương pháp, chương trình để những anh hùng dân tộc gần gũi với học trò.
Clip đang được xem nhiều nhất: Những hình ảnh đầu tiên bên trong nơi diễn ra tang lễ của cố nghệ sĩ Chí Tài
- Thời điểm không khí lạnh mạnh nhất của mùa đông năm nay diễn ra khi nào?
- Soi profile của Hoa hậu Thanh Thủy - Miss International 2024: Học thức đỉnh cao, tài sắc vẹn toàn
- Lương hưu cao nhất Việt Nam hiện nay là bao nhiêu?
- Trùm giang hồ 'Bình Kiểm' lên kế hoạch bắt cóc ca sĩ, người mẫu
- 5 cái tên bị luật cấm đặt khai sinh ở Việt Nam, đó là tên nào?
- Tại sao vàng giảm giá khi ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ?
- Tỉnh nào có tuổi thọ thấp nhất Việt Nam?
- Vụ rơi máy bay quân sự tại Bình Định: 2 phi công thoát nạn thế nào?