Dáng Xuân đang len qua từng ngõ nhỏ ở các làng chài ven biển miền Trung. Theo tục lệ làng biển, trong ngày 30 Tết, tàu thuyền nhất loạt neo bến. Sang năm mới, vào mùng ba, ngư dân cúng khai cửa và lại tiếp tục hành trình “theo đàn cá lội”. Thế nhưng, vì sinh kế và một thói quen tâm linh, nhiều ngư dân vẫn chuẩn bị ra khơi khi giao thừa năm mới đã cận kề.
Cảng Cà Ná, vùng sơn thủy hữu tình của tỉnh Ninh Thuận gió cát, tàu thuyền vẫn yên đậu. Đây đó, vài nhà cuốn lưới, xếp đồ nghề nghỉ ngơi đón Xuân mới sau những tháng ngày lênh đênh cùng con nước bạc. Trong thời khắc giao mùa rộn rã, vẫn có nhiều ngư dân cần mẫn dong thuyền lướt sóng ra khơi với niềm tin một mùa cá mới bội thu.
Anh Trần Văn Ân, chủ một chiếc tàu công suất 80 CV ở Cà Ná, nói với tôi như đinh đóng cột rằng Tết Nhâm Thìn này, anh sẽ tiếp tục đón Xuân trên biển. “Năm ngoái đi rồi, Tết này tôi cũng muốn ở nhà vui vầy với vợ con lắm chứ! Thế nhưng, mười mấy bạn biển của mình còn khó khăn nên tụi tôi quyết định làm mẻ cá đầu năm lấy hên” - anh Ân bộc bạch. Anh Nguyễn Văn Tí, bạn chài của Ân, hào hứng: “Hơn 10 năm đi biển, quen sóng, quen gió quá rồi, vậy mà ra khơi ngày Tết vẫn cứ thấy lòng mình nao nao”.
Nhiều tàu đánh bắt xa bờ sẽ tiếp tục ra khơi trong những ngày Tết. Ảnh: Lê Trường
Nhiều ngư dân bảo ra khơi ngày Tết thường chỉ đánh bắt bằng vài ba phần ngày thường nhưng rất vui. Cũng bánh chưng, bánh tét, cũng rượu thịt, dưa hành... nhưng họ đón giao thừa nơi boong tàu giữa trùng khơi và không quên chúc nhau vẹn một năm mới no đủ. “Sáng mùng một mà gặp nhau trên biển thì còn gì bằng. Cập tàu vào, mời nhau ly rượu rồi tủa đi đánh bắt” - ông Phan Chí Thành, lão ngư kỳ cựu ở phường Bình Hưng, TP Phan Thiết - tỉnh Bình Thuận, háo hức.
Ang Đỗ Văn Phường, một thuyền trưởng ở TP Tuy Hòa - tỉnh Phú Yên, đã liên tiếp hai năm 2010-2011 đón Tết trên biển. Anh nửa đùa nửa thật rằng chi phí một chuyến “du Xuân giữa đại dương” bao giờ cũng cao hơn ngày thường. “Bình thường, chi phí mỗi chuyến biển khoảng 110 - 120 triệu đồng. Tháng chạp, thứ gì cũng tăng giá nên chuyến biển cũng phải tốn không dưới 150 triệu đồng. Bù lại, đi biển Tết về, cá mực gì cũng được giá nên lãi chắc” - anh Phường lý giải.
Theo ông Trần Ngọc Chánh, người sở hữu hai tàu cá ở TP Tuy Hòa, chủ tàu đi biển Tết thường sắm sửa đủ thứ để ngư dân có điều kiện vui Xuân. “Làm gì thì làm, đến giao thừa, tàu phải neo lại ở một đảo nào đó của Trường Sa để cúng Ông Nam Hải, sáng mùng một mới khởi sự đánh bắt” - ông Chánh cho biết. Nhiều ngư dân rất lãng mạn khi kể về chuyện ra khơi đầu năm mới.
“Đêm 30 Tết, màn đêm đen đặc, trời biển một màu sâu thẳm nhưng tràn ngập tiết Xuân. Trước thềm năm mới, ngư dân trên “chiếc tàu Xuân” rộn rã mở tiệc với đầy đủ phong vị quê nhà. Trong tiếng nhạc du dương Happy New Year từ Đài Tiếng nói Việt Nam, nỗi buồn Tết lênh đênh như thể không còn hiện hữu” - anh Phường mơ màng.
Những ngày giáp Tết này, tôi gặp lại người bạn vong niên Lê Văn Thao, một trong những chủ tàu đánh bắt xa bờ ở phường Đông Hải, TP Phan Rang - Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận. Thao bảo Tết này anh lại tiếp tục làm mẻ cá đầu Xuân. “Nếu trời Xuân gió lặng, trúng luồng cá thì thả chừng 3-4 tay lưới là đủ “sở hụi”, được vậy coi như bù vào cái khoảng đón năm mới xa nhà rồi”, anh nói. Tâm sự của anh Thao cũng là mong ước của tất thảy ngư dân dong tàu ra khơi ngày Tết.
Nghề ngư phủ, có người đến vì gánh nặng mưu sinh, người thì bằng duyên nghiệp cha truyền con nối, cũng có người vận vào do sự tình cờ... nhưng tất thảy đều đậm chất lãng mạn, nồng ấm tình người. Dẫu phải luôn đối mặt với hiểm nguy bởi bão tố trùng khơi hay chật vật trước từng cơn “bão giá” thị trường, không mấy ngư phủ nghĩ đến chuyện bỏ biển bao giờ, dẫu là ngày Tết.
Mỗi nghề mỗi nghiệp, đã là ngư phủ thì nề hà chi Tết hay ngày thường. Họ vẫn bám thuyền - giữ biển, mong “trời thương” cho khoang cá đầy, mở hàng một năm mới thuận lợi. Biển cả lắm khi dữ dằn vẫn không làm chùn bước ngư phủ, bởi lẽ ở mỗi chuyến “du Xuân biển”, trong họ lại rạng ngời một niềm tin.