Bạn đọc gửi ý kiến về tòa soạn bày tỏ sự lo ngại về tính khả thi về hình thức xử phạt này. Với mật độ giao thông tại các đô thị lớn như hiện nay, liệu lực lượng CSGT có thực thi nổi nhiệm vụ đã được giao phó trong dự thảo. Đã quy định thành văn bản mà không triển khai được trong cuộc sống, khiến văn bản có hiệu lực thi hành rơi vào tình cảnh “ban hành cho có”?
Bạn đọc lienminhn@yahooo.com viết: Theo dõi bài viết của ông Nguyễn Văn Lập- Giám đốc Cty TNHH SX-TM nhựa Chí Thành đăng tải trên báo Lao Động ra ngày 16.3, tôi thấy vì là người trong cuộc (đơn vị sản xuất MBH) nên ông Lập hiểu rất rõ tác hại của loại mũ thời trang mà hình dáng rất giống MBH, vì loại mũ này giá thành rẻ, kiểu dáng đẹp nên người điều khiển xe máy, môtô rất chuộng. Chính yếu tố “kinh tế” nên loại mũ này đã chiếm lĩnh thị trường tiêu thụ, gây thiệt hại cho những nhà sản xuất MBH đúng chất lượng.
Mũ bảo hiểm kém chất lượng nhan nhản trên các đường phố. Ảnh: T.L
Theo phân tích của ông Lập là việc xử phạt người dân như dự thảo thông tư là đúng vì người dân biết rõ đó không phải là MBH nhưng vẫn sử dụng. Vì luật không cấm nên không thể xử phạt người bán hay sản xuất loại mũ này. Tôi không đồng tình với quan điểm của ông Lập.
Thứ nhất, loại mũ này giống MBH (đúng là không có tem hoặc có tem nhưng tem thật hay giả thì người dân không thể phân biệt được), người đi xe máy, môtô trong nhiều năm qua sử dụng khi tham gia giao thông mà không bị lực lượng CSGT xử phạt. Không phạt có nghĩa là cơ quan thực thi pháp luật (CSGT) vô tình công nhận sự tồn tại của loại mũ này, do đó không thể nói người đi xe máy, môtô đội loại mũ thời trang này sai được.
Thứ hai, ông Lập cho biết trên thị trường có loại MBH được chứng nhận hợp quy, dán tem CR nhưng không đảm bảo chất lượng. Nguyên nhân là do doanh nghiệp được chứng nhận hợp quy một kiểu MBH, dùng tem dán lên những MBH chưa được chứng nhận hợp quy không đảm bảo chất lượng. Theo ông Lập, với loại MBH này thì cả người tiêu dùng lẫn CSGT không thể nhận biết được bằng mắt thường vì cấu tạo của mũ đủ 3 phần được nêu trong thông tư.
Trong trường hợp này, người đi xe môtô, gắn máy mua phải và đội, nhưng nếu bị CSGT nghi ngờ là MBH không đảm bảo chất lượng, tịch thu đem đi kiểm tra đúng là MBH không đạt tiêu chuẩn, căn cứ vào kết quả đó mà phạt... thì oan cho người dân quá. Tem CR đâu phải không có tem giả, đến thẻ ATM, các văn bằng nhà nước, con dấu còn bị làm giả, huống gì tem CR. Hiện nay, theo tôi biết thì quy trình in, quản lý tem, dán tem CR quá lỏng lẻo, tránh sao khỏi MBH rởm mà vẫn đàng hoàng có tem CR.
Giá thành MBH chất lượng còn quá cao, nên số đông người dân vẫn phải lựa chọn loại mũ mà ông Lập gọi là mũ thời trang. Giá thành MBH của Protec khoảng trên 200.000 đồng, của Hãng Honda là 250.000 đồng, Hãng Yamaha ngót nghét 300.000 đồng, MBH hàng nội giá thành thấp nhất cũng gần 100.000 đồng đến dưới 200.000 đồng.
Từ thực tế cho thấy vai trò trách nhiệm của các cơ quan chức năng trong việc quản lý MBH đã buông lỏng trong khoảng thời gian quá dài, nay muốn siết chặt thì nên siết từ góc độ quản lý, không nên chọn đối tượng là người đội mũ để siết vì như thế là không khả thi.
Bạn đọc lethanh van1967@gmail.com viết: Nếu theo quy định của dự thảo, lực lượng CSGT được giao nhiệm vụ xử phạt người đội MBH không đảm bảo chất lượng thì chính lực lượng này gặp khó, bởi lẽ phải kiểm tra tem CR, độ dài, độ nghiêng của lưỡi trai có đúng như quy định dự thảo hay không. Liệu một ngày, lực lượng CSGT xử phạt được bao nhiêu người. Ở Đà Nẵng còn có sáng kiến đầu tư máy “ép” để kiểm tra MBH... Tôi thấy cơ quan chức năng dồn sức để làm một việc mà không thể triển khai được trong cuộc sống.