Ông lão 22 năm viết thư thuê giữa bưu điện Sài thành

Hình ảnh ông lão tóc bạc trắng, dáng người gầy gò đang ngồi viết từng câu chữ trên trang giấy học trò ngay giữa Bưu điện trung tâm TP.HCM đã đi sâu vào ký ức của mỗi người dân trong suốt hơn hai thập niên qua khi đến với nơi này.

22 năm theo nghề viết thư thuê

Họ tên đầy đủ của ông là Dương Văn Ngộ, sinh ngày 3/3/1930. Ông từng là học sinh trường Petrus Ký và bắt đầu làm nhân viên bưu tá của Bưu điện Sài Gòn (nay là Bưu điện Trung tâm TP.HCM) lúc lên 17 tuổi. Đến năm 22 tuổi, ông nhận bằng Trung học Pháp văn, và chính thức bước vào nghề.

Năm 1990, đến tuổi nghỉ hưu, nhưng vì ông quyến luyến với nghề nên đã xin lãnh đạo cho làm công việc của một người viết thư thuê ngay giữa Bưu điện Trung tâm TP.HCM.


Ông Dương Văn Ngộ chính thức viết thư thuê từ năm 1990 - Ảnh: Ngọc Khôi

Nơi ông làm việc có đặt tấm biển "Nơi chỉ dẫn và viết giúp" với dụng cụ hành nghề là những cuốn từ điển đã cũ, vài cây bút, tập tài liệu dịch thuật, sổ tay và đặc biệt là chiếc kính lúp để soi những từ ngữ mà do mắt kém không thể nhìn rõ được.

Công việc của ông bắt đầu từ 8 giờ sáng và kết thúc vào khoảng 4 giờ chiều, tuy nhiên đôi lúc do khách nhiều, ông phải nán lại thêm cả giờ đồng hồ. Một trang thư do ông viết tay được khách trả cho 5.000 – 10.000 đồng, nhưng khi gặp những người khắc khổ thì có đưa bao nhiêu tiền, ông cũng từ chối nhận.

“Niềm vui lớn nhất của tôi là giúp khách truyền tải thông điệp đến với người nhận, và khi họ hài lòng với bức thư, giải quyết được việc cần, rồi chia sẻ ngược lại với tôi thì thật là hạnh phúc” – ông Dương Văn Ngộ hồ hởi chia sẻ.

Vì thế, trước khi bắt tay viết thư, ông thường trao đổi với khách rất kỹ. Sau khi khách nói ra ý của bức thư, ông sẽ trình bày nội dung cần viết, rồi thảo bản mẫu trước khi tự tay viết một bức thư hoàn chỉnh.

Tuy nhiên, ông Ngộ cũng khẳng định, việc viết thư là dựa trên ý của khách, chứ không thêm bớt ý nào cả, có chăng chỉ gọt giũa câu từ, diễn đạt cho dễ nghe, dễ đọc hơn thôi. Còn đối với những bức thư đã được viết sẵn, ông chỉ nhận dịch ra nguyên bản tiếng Anh hoặc tiếng Pháp để gửi cho người ngoại quốc.

Do tự tay viết ra từng câu chữ, lại được diễn đạt bằng ngôn ngữ giàu sắc thái tình cảm nên những bức thư ông viết rất có hồn. Vì thế, dù hiện nay dịch vụ gõ văn bản, in ấn đang rất thịnh, khách vẫn tìm đến viết thư rất đông. Ông Ngộ cho biết, mỗi ngày có hàng chục lượt khách nhờ viết thư thuê, tuy nhiên do công việc cần sự tỉ mỉ, kỹ lưỡng nên ông nhận viết không đến 10 lá thư mỗi ngày.


Một học trò Pháp văn đang tập viết thư theo ông Ngộ - Ảnh: Ngọc Khôi

“Khi nào còn sức thì còn viết”

Bước qua cái tuổi 82, khi nhiều người đang quây quần cả ngày bên con cháu, vườn nhà thì ông Dương Văn Ngộ lại gắn bó cả ngày với công việc viết thư thuê. Vì thế, khi PV có tò mò đặt câu hỏi, lúc nào ông sẽ dừng công việc này, ông Ngộ cười hồi lâu rồi trả lời ngắn gọn: “Khi nào còn sức thì còn viết”.

Như muốn giải thích thêm cho câu trả lời này, ông Ngộ nói: “Từ khi theo công việc này, niềm vui của tôi không chỉ là chuyển tải thông điệp yêu thương của khách nhờ viết thư đến người nhận, mà tôi còn có thêm nhiều bạn ở khắp nơi trên đất nước và cả bạn bè quốc tế. Vui vậy sao tôi phải dừng viết!”.

Khi kể về gia đình mình, ông Ngộ cho biết, ông có sáu người con, nhưng có đến bốn người theo nghề giáo viên, trong đó có nhiều con cháu đang dạy tiếng Anh. Sau những giờ làm việc tại Bưu điện, ông lại về quây quần bên tổ ấm ở gần khu vực cầu Thị Nghè (Q.Bình Thạnh).

Để ghi nhận niềm đam mê với công việc viết thư thuê và bảo tồn một nét đẹp truyền thống, Trung tâm sách Kỷ lục Việt Nam đã công nhận ông Dương Văn Ngộ là "Người viết thư thuê lâu năm nhất Việt Nam". Cụ thể, đến nay, ông Ngộ đã bước sang tuổi 82 với gần 22 năm theo nghề viết thư thuê.


Cụ ông ngồi thảo những lá thư tay giữa thời internet "làm mưa làm gió"- Ảnh: Ngọc Khôi

Khi dòng thời gian cứ mãi trôi, mọi thứ rồi cũng sẽ lui vào quá vãng. Tuy nhiên, tôi tin chắc hình ảnh người viết thư thuê giữa Bưu điện trung tâm TP.HCM sẽ là nét đẹp mà người dân Sài Gòn mãi in dấu trong ký ức của mình.

Một mùa xuân, một cái Tết an vui nữa lại đến, hình ảnh ông Dương Văn Ngộ ngồi viết thư giữa Sài Gòn tập nập lại khiến nhiều người gợi nhớ đến những tình cảm thân thương của người thân từ thời thư tay.