Đến ngày thứ 3 liên tiếp thì tôi không thể chịu đựng được nữa. Gian phòng trọ sát vách không ngớt những tiếng trò chuyện rầm rì, thi thoảng rộ lên những tiếng cười khanh khách của hai cô gái với những người không biết mặt qua điện thoại.
Dãy nhà trọ cấp 4 không cách âm khiến cho mọi âm thanh nhỏ nhất của mỗi phòng cũng khiến gian lân cận nghe thấy. Và dù tôi không cố tình trở thành một kẻ hóng chuyện xấu tính thì những cuộc điện thoại dài cả tiếng đồng hồ của hai cô gái sát vách nhà cũng khiến tôi nhiều lúc phát điên.
Họ thường nghe điện thoại lúc 12h đêm, cuộc điện đàm thường kết thúc sau đó 1, hoặn 1,5 giờ đồng hồ. Tôi làm việc, thi thoảng những câu hỏi kiểu: anh hay lái xe à, xe của anh là loại xe gì? Thái Bình gọi tép là tôm á? Sao lại voi chín ngà gà chín cựa, đố anh đấy… lại được các cô lòng vòng rau muống đặt ra nối dài những câu chuyện “thiếu muối”.
Đừng biến điện thoại thành "công cụ" tra tấn người khác, bạn nhé (Ảnh minh họa)
2, 3 giờ sáng, hai cô gái vẫn chưa ngủ, chỉ rúc rích cười thích chí khi có thêm một anh chàng ngốc xít thành nạn nhân đi “đốt” thời gian chết giúp các cô.
Tôi không nghĩ nhiều người thừa thời gian đến mức đốt tiền vào những cuộc điện thoại vô bổ, nhạt nhẽo, gây ồn ào cho không gian chung của mọi người đến thế.
“Tôi khó tính”. Có thể đúng như lời nhận xét của bạn bè dành cho mình. Tuy nhiên, thời gian là vàng bạc. Giết thời gian trong những cuộc điện đàm với những câu chuyện vô thưởng, vô phạt, chỉ nhằm mục đích giải trí, nói cho đỡ buồn phải nên xem lại.
Xã hội phổ cập điện thoại, mạng di động mọc như nấm, giá cước cạnh tranh nhau, khiến cho các cuộc điện dài không hề khó khăn cho những người có sở thích nấu cháo điện thoại. Người ta bô bô kể chuyện cá nhân, nói xấu nhau, tán tỉnh nhau, than vãn công việc… qua điện thoại nơi công cộng.
Xe buýt đang đông như nêm, bất thần một tiếng chuông vang lên, một phụ nữ oang oang chì chiết chồng con qua ống nói trước mặt hàng chục con người. Kết thúc cuộc chuyện trò, thị hả hê, không biết sau lưng mình là những cái nhăn trán, lắc đầu ngán ngẩm.
Có một câu chuyện hài về “tật” dùng di động: Một anh chàng bước vào khu vệ sinh cùng lúc với một cô nàng. Họ ngồi sát buồng nhau. “alo, anh bên đó thế nào?”- “À, cảm ơn cô, tôi vẫn khỏe. Còn cô?”- “Tôi vẫn tốt. công tác có gì trục trặc không anh?”- “Không hề, trơn tru lắm, cô thì sao?”- “Tôi ổn. Mà thôi, gọi điện cho anh sau nhé. Buồng vệ sinh bên này có thằng khùng, hắn toàn nhại chuyện tôi (!?)
Tiện ích của điện thoại di động là có thể dùng mọi lúc, mọi nơi, tuy nhiên, tiêu chí văn minh, lịch sự cũng nên được người sử dụng nó coi trọng để không gây khó chịu, phiền nhiễu cho người khác.