Phát hiện nhiều mẫu nước đá chứa vi khuẩn gây nhiễm trùng huyết, có thể dẫn đến tử vong ở người.
Nước đá bẩn khắp nhà hàng, quán nhậu |
“TP.HCM hiện có hơn 190 cơ sở sản xuất nước đá cây và viên. Trong năm 2014, các đoàn liên ngành đã kiểm tra và phát hiện trên 80 cơ sở (43%) vi phạm các điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP)”. Ông Huỳnh Lê Thái Hòa, Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP TP.HCM, cho biết thông tin trên sáng 30/12.
Cả trăm cơ sở hút nước giếng làm nước đá
Kết quả kiểm tra của Chi cục ATVSTP TP.HCM và các đoàn kiểm tra ATVSTP quận, huyện cho thấy chỉ 79 cơ sở sản xuất nước đá sử dụng nước máy, trong khi dùng nước giếng lên tới 114 cơ sở. “Theo quy định, nước giếng phải được lọc kỹ trước khi đưa vào sản xuất nước đá vì nước giếng thường nhiễm thạch tín, phèn, sắt, các chất hữu cơ… Tuy nhiên, đa số các cơ sở chỉ xử lý qua loa nguồn nước giếng, không kiểm định đầy đủ các chỉ tiêu an toàn thực phẩm theo quy định” - ông Hòa nói.
Kết quả kiểm tra còn cho thấy 83 cơ sở sản xuất nước đá (48%) không có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATVSTP hoặc giấy chứng nhận đã hết hạn. Bên cạnh đó, điều kiện vệ sinh cơ sở, trang thiết bị, dụng cụ cũng không đạt. Nhiều cơ sở chưa thực hiện công bố tiêu chuẩn sản phẩm hoặc công bố sản phẩm hợp quy. “Bao bì, dụng cụ chứa đựng không đảm bảo an toàn. Người làm chưa khám sức khỏe định kỳ cũng như chưa có giấy xác nhận tập huấn kiến thức an toàn thực phẩm đầy đủ” - ông Hòa cho biết.
Các đoàn kiểm tra cũng đã lấy 107 mẫu nước đá để xét nghiệm và ghi nhận 12 mẫu (chín mẫu đá viên, ba mẫu đá cây) nhiễm các loại vi khuẩn như Coliforms, E. Coli, Feacal Streptoccoc và Pseudomonas aeruginosa. Toàn bộ cơ sở không đạt về điều kiện vệ sinh đã được hướng dẫn và kiểm tra việc khắc phục.
“Cơ sở chưa khắc phục hoặc có mẫu nước đá xét nghiệm không đạt thì Chi cục ATVSTP TP.HCM chuyển sang Thanh tra Sở Y tế TP.HCM hoặc phòng y tế quận, huyện để kiểm tra và xử lý theo quy định pháp luật. Hiện cơ quan chức năng đã phạt tám cơ sở sản xuất nước đá sai phạm với số tiền hơn 65 triệu đồng” - ông Hòa nói.
Làm giả giấy chứng nhận vệ sinh để đưa nước đá vào nhà hàng
“Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng nước đá nhiễm bẩn là do ý thức của nhiều chủ cơ sở sản xuất về đảm bảo điều kiện vệ sinh còn kém” - một cán bộ Chi cục ATVSTP nhận xét.
Chẳng hạn, tại cơ sở sản xuất nước đá viên KK (quận 12, TP.HCM), máy móc rỉ sét, người làm ở trần, miệng luôn phì phèo điếu thuốc. Nước đá sản xuất ra đựng vô bao không kịp nên đổ thành đống xuống sàn nhà cáu bẩn. Thỉnh thoảng người làm vô tư qua lại đạp lên đống nước đá, rồi sau đó mới xúc vô bao đưa vào phòng lạnh chờ giao cho các nhà hàng, quán nhậu.
Tại cơ sở sản xuất nước đá cây HT (huyện Hóc Môn, TP.HCM) thì nhà xưởng lụp xụp, tạm bợ. Cơ sở này sử dụng nước giếng để sản xuất nước đá nhưng hệ thống lọc cực kỳ đơn sơ. Các khuôn đá làm bằng thiếc đều rỉ sét, nhiều chỗ bị mục. Người làm thản nhiên đi chân đất trên miệng khuôn. Nước đá thành phẩm được chất đống dưới đất, nhiều cây đá có màu ố vàng hoặc lấm tấm cát bụi bên trong. Người làm cho biết nước đá được bỏ mối cho các đại lý, cưa thành từng cục nhỏ rồi giao lại cho quán ăn, nhà hàng.
Đáng chú ý, Chi cục ATVSTP TP.HCM đã chuyển hồ sơ cho cơ quan điều tra Công an quận 12 (TP.HCM) để làm rõ hành vi làm giả giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATVSTP của ông TDL, chủ Doanh nghiệp sản xuất - thương mại LV (quận 12). Với giấy chứng nhận và phiếu kiểm nghiệm nước đá giả này, cơ sở LV đã cung cấp nước đá cho nhiều nhà hàng, quán ăn với số lượng khoảng 10 tấn nước đá/ngày, kéo dài nhiều năm liền.
Không nên uống trực tiếp nước đá cây
Theo ông Huỳnh Lê Thái Hòa, các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống nên mua nước đá tại các cơ sở sản xuất nước đá được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện ATVSTP và nước đá đã được công bố hợp quy, cơ sở có xét nghiệm định kỳ về nguồn nước giếng sử dụng và sản phẩm nước đá theo quy định. Nước đá phải được đựng trong bao bì kín, hợp vệ sinh. Đá cây (loại 50 kg) không đáp ứng về bao bì kín theo quy định nên chỉ được dùng ướp thực phẩm, không dùng uống trực tiếp.
TS Phan Thế Đồng, nguyên trưởng khoa Công nghệ thực phẩm trường ĐH Nông lâm TPHCM cho biết, các loại vi khuẩn như Coliforms, E. Coli, Feacal Streptoccoc có thể gây bệnh hoặc viêm đường tiêu hóa. Còn Pseudomonas aeruginosa (còn gọi trực khuẩn mủ xanh) là vi khuẩn có thể gây viêm và nhiễm trùng huyết. Nếu vi khuẩn xâm nhập vào phổi, thận, đường tiết niệu… sẽ gây chết người.
Clip đang được xem nhiều nhất: Xe container cháy ngùn ngụt trên cầu Lai Vu
- Thứ gì được cất giữ ở một nơi trong Tử Cấm Thành mà cần có cảnh sát vũ trang canh gác 24/24 giờ?
- Nếu chồng bạn có những đặc điểm này thì có nghĩa là bạn đã chọn và cưới đúng người, rất chính xác!
- Massage cổ có gây nhồi máu não không? Lời khuyên của chuyên gia: 7 kiểu người này không phù hợp để massage
- Từ 1/7/2025: Thay đổi cách tính lương hưu theo Luật BHXH mới, hàng triệu người hưởng lợi
- Quận đông dân nhất Việt Nam: Dân số bằng 2 tỉnh cộng lại, là một trong hai quận lớn nhất TP. HCM
- Lịch nghỉ Tết Nguyên đán 2025 mới nhất của học sinh cả nước
- Thưởng Tết 2025, mức thưởng cao nhất là trên 500 triệu đồng/người. Là ai?
- Tại sao Sơn Tùng lại nổi tiếng?
- Trước Tết dương lịch 2025, đây là 6 thủ tục hành chính cần hoàn thành
- Đây là tên gọi đầu tiên của Hà Nội, người Hà Nội lâu năm chưa chắc đã biết, nó có ý nghĩa gì?
- Tin vui thưởng Tết Nguyên Đán 2025: Sẽ cao hơn năm 2024 từ 6 - 8%