Những tử tù bị thần chết chối từ... chọc nát tay mà không tìm thấy ven
Thứ hai, 12/08/2013 10:27

Với thế giới, tử hình bằng thuốc độc đã có từ lâu và đã phát triển rất cao, tới mức phải khiến tử tù phải chịu sự trừng phạt nghiêm khắc nhất của luật pháp.

Thi hành án tử hình bằng tiêm thuốc độc. (Ảnh minh họa)

Thi hành án tử hình bằng tiêm thuốc độc. (Ảnh minh họa)

 Ngày 6/8, tử tù Nguyễn Anh Tuấn đã trở thành tử tù đầu tiên bị tử hình bằng thuốc độc ở Việt Nam. Với thế giới, tử hình bằng thuốc độc đã có từ lâu và đã phát triển rất cao, tới mức phải khiến tử tù phải chịu sự trừng phạt nghiêm khắc nhất của luật pháp, vừa đảm bảo tính nhân đạo ở mức cao nhất.

Hình thức thi hành án tiên tiến

Tiêm thuốc độc là hình thức tiêm các liều thuốc có khả năng gây chết tức thì cho người bị tiêm. Hình thức tử hình này được ưa chuộng từ cuối thế kỷ 20, thay cho các hình thức hình thức “truyền thống” như ghế điện, treo cổ, xử bắn, hơi ngạt và chặt đầu, bởi nó gây ít đau đớn hơn cho tử tù.

Ý tưởng tiêm thuốc độc để đoạt mạng người khác được đề xuất lần đầu trong ngày 17/1/1888 bởi Julius Mount Bleyer. Viên bác sĩ người New York (Mỹ) cho rằng tiêm thuốc độc cho tử tù sẽ có chi phí rẻ hơn so với hình phạt treo cổ. Tuy nhiên ý tưởng của Bleyer đã không được chấp nhận. Ủy ban Hình phạt Cao nhất Anh Quốc cũng từng cân nhắc việc tiêm thuốc độc cho tử tù trong những năm 1950. Nhưng rồi họ phải từ bỏ hình thức hành quyết này do vấp phản đối từ Hiệp hội Y học.

Ngày 11/5/1977, quan chức phụ trách y tế bang Oklahoma (Mỹ), là Jay Chapman đã đề xuất một phương thức hành quyết mới gây ít đau đớn hơn, được gọi là Quy trình Chapman. Nó được mô tả như sau: “Một ống truyền tĩnh mạch sẽ được đâm vào cánh tay tử tù, từ đó người ta sẽ đưa một liều thuốc chết người gồm thuốc ức chế thần kinh kết hợp với hóa chất gây liệt”. Sau khi phương thức này được chuyên gia y tế nổi tiếng của bang là Stanley Duetsh thông qua, nó đã được đệ trình lên hội đồng lập pháp Oklahoma. Tại đây người ta đã thông qua và hình thức tiêm thuốc nhanh chóng được đón nhận. Kể từ đó đến tận năm 2004, đã có 37/38 bang còn án tử hình của nước Mỹ sử dụng hình thức tiêm thuốc độc. Tính chất tiên tiến của xử tử bằng tiêm thuốc độc đã khiến Trung Quốc bắt đầu sử dụng hình phạt này trong năm 1997. Trước đó hình thức tử hình phổ biến ở đây là bắn một phát đạn vào đầu tử tù ở cự ly gần. Guatemala sử dụng tiêm thuốc độc trong năm 1998, Philippines trong năm 1999, Thái Lan trong năm 2003 và Đài Loan (Trung Quốc) trong năm 2005.

Cái chết không đau đớn

Sau thời gian dài phát triển, hình thức tiêm thuốc độc hiện đã tiến tới chỗ giúp cho tử tù gần như không cảm thấy đau đớn và sẽ chết rất nhanh sau khi bị tiêm thuốc. Mỹ là quốc gia đầu tiên sử dụng hình thức tiêm thuốc độc nên không có gì lạ khi quy trình tiêm thuốc độc ở đây đã xem như tiêu chuẩn để thế giới nhìn vào học hỏi.

Tại Mỹ, trong ngày thi hành án tử hình, phạm nhân sẽ được buộc vào một chiếc cáng. Hai ống truyền tĩnh mạch sẽ được gắn vào tay nạn nhân, với mỗi ống nằm ở một cánh tay. Chỉ cần một ống truyền là đủ cho việc thi hành án, tuy nhiên việc cấy hai ống là để phòng ống dùng cho việc thi hành án chính bị hỏng. Các ống truyền này sẽ được nối với một căn phòng kế cận và được đảm bảo để dây truyền không bị đứt, nghẽn trong quá trình thi hành án. Cánh tay của nạn nhân sẽ được lau sạch bằng cồn trước khi kim truyền được đâm vào da thịt anh ta. Kim truyền và trang thiết bị sử dụng đều được xử lý vô trùng.

Vì sao người ta phải đảm bảo vệ sinh cho thiết bị truyền, khi cuối cùng đằng nào phạm nhân cũng chết? Người Mỹ đã có vài lý giải cho việc này. Thứ nhất, các thiết bị truyền tĩnh mạch đều đã được xử lý tiệt trùng trong quá trình sản xuất và việc sử dụng thiết bị tiệt trùng là yêu cầu bắt buộc trong hoạt động y tế. Thứ hai, có khả năng tử tù sẽ được hoãn thi hành án ngay cả khi ống truyền đã được gắn vào tay họ. Chuyện này từng một lần xảy ra với tử tù James Autry vào tháng 10/1983 (tuy nhiên sau đó anh này vẫn bị hành quyết vào ngày 14/3/1984). Cuối cùng, việc sử dụng thiết bị chưa tiệt trùng có thể gây rủi ro cho những người tham gia thi hành án.

Sau khi kim truyền tĩnh mạch đã đâm vào tay phạm nhân và các ống truyền đã được kết nối, người ta sẽ cho truyền nước muối vào cả hai tay. Một thiết hị giám sát nhịp tim của tử tù cũng được gắn vào để người ta có thể xác định xem người này chết vào khi nào.

Thông thường, tử tù sẽ bị tiêm một hỗn hợp nhiều loại thuốc, theo 3 giai đoạn rõ ràng. Giai đoạn đầu tiên thuốc sodium thiopental, có tác dụng gây mê trong thời gian ngắn. Liều gây mê thông thường với sodium thiopental là 0,35 gram. Tình trạng bất tỉnh nhân sự sẽ diễn ra trong vòng từ 30 – 45 giây sau khi được tiêm liều thông thường. Trong khi đó một liều 5 gram (mạnh hơn 14 lần liều bình thường) sử dụng khi thi hành án tử hình, sẽ khiến tử tù bất tỉnh chỉ trong vòng 10 giây.

Loại thuốc thứ hai là pancuronium bromide, gây liệt cơ. Liều pancuronium bromide sử dụng thông thường trong thi hành án tử hình là 0,2mg/kg và thời gian liệt kéo dài từ 4 – 8 tiếng đồng hồ. Việc liệt cơ hô hấp sẽ dẫn tới cái chết trong thời gain rất ngắn vì tử tù không còn dưỡng khí.

Cuối cùng người ta tiêm thuốc potassium chloride để khiến tim ngừng đập, đảm bảo tử tù không còn cơ hội sống sót.

Trong suốt quá trình thi hành án, nhịp tim của tử tù sẽ được giám sát. Cái chết được xác nhận sau khi hoạt động tim mạch ngừng hoàn toàn. Thông thường, tử tù sẽ chết sau khi bị tiêm thuốc khoảng 7 phút, dù toàn bộ quy trình thi hành án có thể kéo dài đến 2h.

Các loại thuốc kể trên sẽ không được pha trộn với nhau bên ngoài cơ thể tử tù, do chúng có thể phản ứng kết tủa với nhau. Ngoài ra, việc tiêm thuốc lần lượt nhằm dảm bảo việc kiểm soát được các kết quả mong muốn. Đó là tử tù sẽ chết trong trạng thái không, hoặc khó cảm nhận được sự đau đớn.

Nhằm đảm bảo việc thi hành án không có sai sót và để tránh các “đao phủ” tham gia thi hành án tử hình bằng thuốc độc không bị cắn rứt lương tâm, chính quyền của 3 bang Mỹ là Delaware, Illnios Missouri đã tiến hành tử hình tiêm thuốc độc thông qua máy. Tuy nhiên ở phần lớn các nơi khác, việc thi hành án vẫn do con người thực hiện.

Không có gì hoàn hảo

Thuốc sử dụng cho thi hành án tử hình ở nước Mỹ trước đây đều do các công ty trong nước sản xuất. Nhưng sau khi sodium thiopental bắt đầu được sử dụng trong việc thi hành án tử, Hospira, công ty Mỹ duy nhất cho ra lò loại thuốc này, đã ngừng sản xuất và không cung cấp nó cho các nhà tù. Hậu quả từ việc thiếu sodium thiopental đã khiến nhiều bang phải tìm mua thuốc thay thế.

Do thiếu thuốc sodium thiopental nên Mỹ đã tìm mua loại thuốc này từ nước ngoài. Tuy nhiên Washington không ngờ họ vấp phải sự chống đối mạnh từ các đồng minh lân cận nhất là Liên minh châu Âu. Anh là nước đầu tiên đã ban hành lệnh cấm xuất khẩu loại thuốc này sang Mỹ từ tháng 12/2010. Từ ngày 21/12/2011, Liên minh châu Âu đã tiếp tục mở rộng lệnh cấm sang nhiều loại thuốc có thể để thi hành án tử hình ở Mỹ, với lý do phản đối án tử hình.

Cực chẳng đã, Mỹ buộc phải tìm thuốc thay thế từ năm 2010, pentobarbital đã được sử dụng làm thuốc thi hành án thay cho sodium thiopental. Tử tù Mỹ John David Duty là người đầu tiên nhận thuốc này vào cơ thể trong ngày thi hành án.

Mặc dù thi hành án tử hình bằng tiêm thuốc độc là hình thức tiên tiến, nhưng nó vẫn có khiếm khuyết nhất định. Ngày 13/12/2006, cuộc hành khuyết Angle Nieves Diaz đã diễn ra không thành công ở Florida khi người ta sử dụng một liều thuốc độc thông thường. Tử tù 55 tuổi này đã bị tuyên án tử hình vì tội giết người, song đã không chết, dù đã 35 phút sau khi bị tiêm thuốc, buộc người ta phải tiêm lần thứ hai. Ban đầu phát ngôn viên nhà tù bác bỏ thông tin nói rằng Diaz đã bị đau đớn, cho biết tử tù này đã bị bệnh gan nên cần hai liều thuốc độc. Nhưng kết quả kiểm tra pháp y cho thấy mũi tiêm kim truyền đã đâm xuyên qua tĩnh mạch của Diaz, vào thịt của anh này.

Các hóa chất chết người, vì thế đã truyền vào phần mềm, thay vì tĩnh mạch. Hai ngày sau vụ hành quyết, Thống đốc Jeb Bush đã phải đình chỉ mọi cuộc hành quyết trong bang và thành lập một ủy ban xem xét tính nhân đạo của việc thi hành án tử hình bằng tiêm thuốc độc. Lệnh cấm tạm thời việc thi hành án tử hình ở bang này chỉ bị dỡ bỏ vào 7/2007.

Tương tự, cuộc hành quyết Romell Broom ở Ohio, đã bị hủy vào ngày 15/9/2009, sau khi các quan chức nhà tù không thể tìm thấy được ven sau hai giờ đồng hồ chọc kim khắp chân tay, tử tù này.

Thảo Nguyên (PL & TĐ)

Clip đang được xem nhiều nhất: Nhóm thanh niên ngăn cô gái nhảy cầu

Error loading media: File could not be played
00:0000:0000:00
00:00
 
Tag: Tử tù , Thi hành án , Luật pháp , Nhân đạo , Thuốc độc , Mỹ , Việt Nam