Kỳ 2: Bà tiên của trẻ suy tim
Bà là Robin King Austin, giám đốc điều hành Quỹ VinaCapital.
Bà Robin và Nguyễn Hào Em, em bé thứ 2.000 của chương trình Nhịp tim Việt Nam - Ảnh: Quỹ VinaCapital cung cấp
Bước ngoặt cuộc đời
Một hôm, có hai cha con bất ngờ xuất hiện ở văn phòng bà Robin. Cậu bé 10 tuổi mặt xám ngoét cố cất những bước đi khó khăn tới bàn làm việc của bà. Đôi môi cậu bé tím tái trong khi những ngón tay thâm đen. Người cha bật khóc vì các bác sĩ nói bệnh của con ông không thể chữa trị ở VN.
Cậu bé là một trong rất nhiều trẻ em VN nghèo khó mà bà từng gặp. Bà tâm sự rằng câu chuyện về em thật sự đã làm tan vỡ trái tim bà. “Sau khi gặp em, tôi quyết định thành lập một tổ chức chuyên về chăm sóc bệnh tim và tìm cách giúp đỡ mọi trẻ em, thậm chí đó là những ca bệnh khó”, bà kể lại câu chuyện cũ, giọng đầy xúc động.
Bà quyết định từ bỏ công việc đang làm - giám đốc phát triển của một tổ chức phi chính phủ - và tập trung hết trí lực giúp đỡ càng nhiều trẻ em mắc bệnh tim càng tốt trước khi quá muộn. Và điều đó trở thành niềm đam mê của bà từ đó.
“Tôi muốn quy tụ một nhóm người có khả năng nhanh chóng tiếp nhận trẻ em mắc bệnh tim hiểm nghèo để các em được chăm sóc kịp thời. Tôi muốn tìm cách giúp các bác sĩ tăng số ca mổ mỗi năm để có thể cứu sống nhiều trẻ hơn”, bà say sưa nói về những ý tưởng của mình.
Nhịp tim Việt Nam
Bà Robin sau đó đã dành nhiều thời gian và tâm huyết hoạch định chương trình giúp các bệnh nhi VN mổ tim miễn phí, và mục tiêu đầu tiên của bà là thuyết phục các doanh nghiệp tài trợ cho chương trình này.
Bà gặp ông Don Lâm, tổng giám đốc Tập đoàn VinaCapital, để bàn về ý tưởng này. Hai trái tim ấy nhanh chóng tìm được sự hòa hợp trong sứ mệnh cứu sống hàng ngàn trái tim khác. Và chương trình “Cuộc vận động vì trái tim trẻ thơ” ra đời năm 2005.
“Có rất nhiều trẻ em bị mắc bệnh hiểm nghèo về tim, đó là lý do duy nhất thôi thúc tôi thành lập quỹ. Ông Don Lâm giúp tôi làm việc đó vì chúng tôi có chung nhiều mục tiêu trong cuộc sống”, bà Robin cho biết.
Tháng 10-2005, ông Don Lâm quyết định tài trợ khoản tiền đầu tiên 500 triệu đồng (khoảng 31.500 USD vào thời điểm đó) cho chương trình. Bệnh nhi đầu tiên do chương trình tài trợ phẫu thuật miễn phí là bé Nguyễn Thị Cẩm Dung, 8 tuổi, đến từ Quảng Nam.
Chứng kiến quá trình hồi phục nhanh của bé Dung, bà Robin, ông Don Lâm và những mạnh thường quân khác cảm thấy vô cùng hạnh phúc. Tập đoàn VinaCapital không những đóng góp số tiền ban đầu cho quỹ mà còn chi trả toàn bộ chi phí nhân viên để bảo đảm rằng 100% số tiền thu được từ những trái tim nhân ái sẽ được chuyển trực tiếp đến quỹ hỗ trợ mổ tim cho các em.
Chỉ trong năm 2006, có đến 160 trẻ em được cứu sống, nhưng đó cũng là lúc bà Robin nhận ra danh sách các bé cần được phẫu thuật và cần được giúp đỡ càng dày thêm theo năm tháng. Và điều đó lại thôi thúc bà nghĩ về một chương trình lớn hơn.
Nghĩ là làm, cuối năm 2006 bà Robin và ông Don Lâm cùng sáng lập Quỹ từ thiện VinaCapital Foundation nhằm vận động gây quỹ từ các đối tác của VinaCapital cũng như từ nhiều tổ chức, cá nhân khác. Quỹ bao gồm các chương trình như Nâng cao năng lực y tế và đào tạo y bác sĩ, chương trình trao học bổng Mở đường tương lai, chương trình Sáng kiến quản lý quốc tế dành cho VN, nhưng chương trình chủ chốt vẫn là giúp trẻ em nghèo mổ tim miễn phí, quy mô hơn, mang tên Nhịp tim Việt Nam (Heartbeat Vietnam).
Sau năm năm hoạt động, Nhịp tim Việt Nam đã cứu sống 2.657 em, trong đó chỉ riêng năm 2011 là 736 em, con số lớn nhất từ trước đến giờ.
Người ghét bỏ cuộc
“Trong hơn bảy năm cùng làm việc với bà, tôi chưa bao giờ nghe bà than nản chí. Bà làm việc với một niềm đam mê mãnh liệt như một chiếc xe lu lăn qua bất kỳ con đường nào dù là gai góc nhất” - chị Nguyễn Thị Bích Châu, giám đốc hoạt động Quỹ VinaCapital và là người gắn bó với bà Robin từ những ngày đầu thành lập quỹ, cho biết.
Khi đến thăm bà vào một ngày cận Tết Nguyên đán, bà Robin kể cho tôi câu chuyện về cậu bé Nhân 5 tuổi, sinh ra ở một làng quê nghèo tại tỉnh Quảng Nam, với ánh mắt đầy yêu thương.
Bé Nhân mắc bệnh tim ngay từ khi em vừa chào đời và đã phải chịu đựng sự đau đớn của bệnh tật trong nhiều năm liền. Nhân được chẩn đoán cần phẫu thuật gấp để giữ được tính mạng nhưng ca phẫu thuật của Nhân không thể thực hiện tại VN.
Mẹ bé Nhân dẫn bé đến thăm nhà bà Suzanna Lubran - một người Anh đang sống trong làng. Cuộc viếng thăm nhà người hàng xóm nước ngoài này đã thay đổi cuộc đời Nhân. Thông qua những câu chuyện chắp vá, do rào cản về ngôn ngữ, nhưng bà Suzanna đã đoán biết được tình cảnh tội nghiệp của cậu bé và thông báo cho chương trình Nhịp tim Việt Nam.
“Ngay khi Suzanna kể cho tôi về trường hợp của bé Nhân, tôi đã quyết định không từ bỏ hi vọng cứu sống cậu bé”, bà Robin cho biết.
Thông qua nhiều nguồn thông tin, bà tìm cách liên hệ với bác sĩ Erle Austin, người được công nhận là một trong những bác sĩ tim mạch giỏi nhất ở Mỹ. Bác sĩ Austin - trưởng khoa ngoại tim mạch Bệnh viện Nhi Đồng tại Louisville, bang Kentucky, đã thực hiện thành công ca phẫu thuật cho bé Nhân dưới sự hỗ trợ của đội ngũ bác sĩ chuyên khoa tim mạch hàng đầu VN vào ngày 15-10-2009 tại Bệnh viện Triều An.
“Cũng từ đó, đội ngũ bác sĩ được huấn luyện đã có thể tiến hành các ca phẫu thuật phức tạp như thế này cho các trẻ em khác - những em mà trước đây đã được liệt vào danh sách vô vọng”, bà Robin hào hứng cho biết.
Ngoài sự tận tụy với công việc của người đứng đầu một tổ chức, bà Robin cũng thường lặng lẽ làm từ thiện với tư cách cá nhân. Chẳng hạn bà âm thầm bỏ tiền túi để đưa hai bệnh nhân Kiều Thị Mỹ Dung ở Đà Lạt và Thạch Thị Sa Ly ở Sóc Trăng lên Bệnh viện Chợ Rẫy cho bác sĩ McKinnon phẫu thuật. Sau đó bà còn mua áo tặng trước khi họ xuất viện với hi vọng giúp những con người “từng chết về tinh thần” này bớt tự ti về ngoại hình.
Bà Robin cũng là người vào Bệnh viện FV từ rất sớm để theo dõi ca phẫu thuật lịch sử mổ khối u khổng lồ của anh Nguyễn Duy Hải. “Tôi cảm thấy khó thở trong thời gian chờ đợi kết quả phẫu thuật của Hải. Và vỡ òa trong hạnh phúc khi biết ca mổ thành công. Anh ấy là một người rất dũng cảm và truyền cảm hứng”, bà tâm sự.
Nhưng trong thời gian làm từ thiện, cũng có lúc bà bất lực. Cho đến giờ bà vẫn ray rứt khi không thể cứu sống Hồng Thảo, một cô bé 14 tuổi sống ở một vùng quê hẻo lánh tại tỉnh Khánh Hòa. Năm 2007, Quỹ VinaCapital tài trợ phẫu thuật cho bé Thảo khi cô bé đang cận kề cái chết. Sau ca phẫu thuật kéo dài sáu tiếng, cô bé đã qua cơn nguy kịch. Sau khi xuất viện, Thảo tái phát bệnh nhưng gia đình không có điều kiện đưa bé đi tái khám mà chỉ đưa em đến thầy thuốc nam gần nhà. Sau đó trái tim của em thật sự ngừng đập mãi mãi.
“Người cha sau đó nói với tôi rằng sở dĩ ông không thông báo cho chúng tôi biết là vì ông đã nhận được quá nhiều sự giúp đỡ rồi”, bà kể với ánh mắt rưng rưng như chực khóc.