Nỗi ám ảnh mang tên “COCC”
Chưa tốt nghiệp ĐH, kinh nghiệm quản lý không có, tiếng Anh yếu... L.Q. (25 tuổi, Q.3, TP.HCM) vẫn được cất nhắc làm chuyên viên phòng đào tạo trường ngoại ngữ V chỉ sau vài tháng làm việc, do thiếu kiến thức chuyên môn nên L.Q. liên tục phạm phải sai sót nghiệp vụ. Nhiều phản ảnh được gửi lên ban lãnh đạo nhưng chiếc ghế của L.Q. vẫn đứng vững. “Mọi người âm thầm tìm hiểu và phát hiện L.Q. thuộc diện “COCC” (con ông cháu cha) của một sếp lớn” - một giáo viên nói.
N.V. (27 tuổi, Q.1) là cháu đích tôn trong một gia đình danh giá. Học giỏi thời phổ thông nhưng khi vào ĐH, N.V. học làng nhàng và chỉ thích chơi bời. Bạn bè thắc mắc, N.V. cười: “Nhà lo sẵn chỗ tốt rồi...”. Ba năm kể từ khi được sắp xếp vào làm ở một ngân hàng, N.V. luôn vắng mặt ở các lớp học nghiệp vụ, rảnh rỗi N.V. thường xách vợt đi đánh tennis hoặc bia bọt.
Ra ngoài học được nhiều hơn! Tốt nghiệp từ Mỹ về, lúc đầu tôi đầu quân về công ty gia đình và dĩ nhiên nhận được rất nhiều ưu ái. Tuy vậy, sau khi suy nghĩ kỹ, tôi đã nộp đơn xin vào làm các công ty bên ngoài, bởi việc làm cùng người nhà phát sinh nhiều vấn đề tế nhị và khó làm mình phát triển tối đa năng lực. Hiện tôi rất hài lòng với công việc ở chỗ mới bởi có nhiều cơ hội cọ xát, học hỏi và trách nhiệm hơn với công việc.
HOÀNG ĐỨC CÔNG |
Tuy nhiên, không phải ai thuộc diện “COCC” cũng ỷ lại. Được gia đình dọn chỗ sẵn vào một công ty nhà nước nhưng M.T. (ĐH Kinh tế TP.HCM) lại phấn đấu hết mình để chứng minh không phải cứ “COCC” là tiêu cực. Ngoài giờ làm, M.T. theo học văn bằng hai ngành tiếng Anh, thời gian rỗi cũng được M.T. tận dụng để hoạt động Đoàn - Hội. Công việc thăng tiến đều, được đánh giá cao ở cơ quan nhưng M.T. vẫn không hạnh phúc.
Nhiều hệ lụy
Đó là khẳng định của ông Hà Trung Thành - giảng viên Trường Cán bộ TP.HCM. Ông Thành chia sẻ: “Thật lòng tôi rất trăn trở với bốn chữ “COCC” khi thấy chuyện này phổ biến ở các cơ quan nhà nước. Cụ thể, ở nhiều cơ quan hiện nay, câu cửa miệng mà mọi người chào đón “lính mới” thường là “Anh ấy là con cháu của ai?” thay vì “Anh ấy học giỏi như thế nào? Năng lực xuất sắc ra sao...?”.
Ông cho rằng việc cha mẹ, người lớn muốn dành điều tốt nhất cho con cháu mình là một nhu cầu chính đáng. Tuy nhiên, theo ông, việc người lớn can thiệp, giành chỗ “ngon” cho con cháu bất chấp năng lực, trình độ sẽ dẫn đến nhiều hệ quả đáng lo ngại.
Quay trở lại câu chuyện của M.T. “Khi tôi làm sai thì đồng nghiệp xì xầm. Còn khi hoàn thành tốt công việc thì chẳng ai ghi nhận bởi họ nghĩ tôi là “COCC” thì phải vậy” - M.T. trải lòng.
Ảnh minh họa
Với L.Q., chất lượng nhà trường đi xuống, anh bị chính người thân tẩy chay vì sự kiêu ngạo và quá lạm dụng quyền lực của mình. Còn N.V. cảm nhận được sự xa cách vô hình giữa bản thân và các đồng nghiệp. “Có những buổi họp mà tất cả ý kiến dù hay, dở của tôi đều được thông qua dễ dàng...” - N.V. bộc bạch.
Ông Hà Trung Thành cho rằng điều L.Q. và N.V. đang phải đối mặt là một hệ quả tất yếu. “Họ bị mất phương hướng, lười lao động bởi trong đầu đã hình thành sẵn tư duy không cần làm cũng đã có ghế cao, tiền bạc rủng rỉnh. Mặt khác, do ngồi vào vị trí quá tầm, không đến từ nỗ lực bản thân nên họ không cảm nhận được giá trị công việc. Có quyền lực, họ dễ khiến người khác sợ nhưng không nể, chỉ hút được những kẻ xun xoe quanh mình và từ đó thêm ảo tưởng vào bản thân” - ông phân tích. Điều quan trọng nhất, theo ông, là việc những người trẻ này sẽ không có cơ hội trui rèn bản lĩnh để đối phó với các thử thách.
Ông T.Q.L., lãnh đạo một tập đoàn lớn ở VN, cho biết nỗi ám ảnh của ông cũng là bốn chữ “COCC”. Từng làm công tác nhân sự ở cả công ty VN lẫn nước ngoài, ông nhìn nhận chủ nghĩa thân quen sẽ là tác nhân lớn gây trì trệ các công ty, doanh nghiệp Việt so với các quốc gia khác. Ông cho biết mỗi đợt tuyển dụng thường nhận hàng trăm cuộc điện thoại, email diện “gửi gắm”. “Điều nguy hiểm là phần lớn hồ sơ này đều dưới chuẩn. Mà ở đâu không có cạnh tranh công bằng thì ở đó sao kiếm được người tài” - ông nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, đứng dưới góc độ một chuyên viên nhân sự, bà Lê Thị Tuyết Mai (trưởng nhóm tuyển dụng Công ty tư vấn nhân sự StaffToday) nhận xét: “Điểm yếu của các doanh nghiệp, công ty VN là quá tận dụng mối quan hệ thân quen trong công việc”.
Bà cũng cho rằng hiện tượng “COCC” sẽ dẫn đến tình trạng phân biệt đối xử trong công ty (thưởng, phạt không phân minh), từ đó các quy tắc và chính sách trong công ty có thể bị phá vỡ và xuất hiện bè phái hoặc văn hóa “gia đình trị”, tinh thần làm việc tập thể theo đó sẽ đi xuống.