“Hôm nay tụi nhỏ vào Sài Gòn gần hết rồi, cả năm chỉ nói cười vui vẻ năm ba ngày tết. Giờ làng xóm vắng tanh, lặng lẽ”, bà Lê Thị Ngọt bán quầy tạp hóa nhỏ ven quốc lộ 49B tại xã Vinh Xuân (huyện Phú Vang, Thừa Thiên - Huế) nói. Bà Ngọt cho biết thanh niên trong làng lớn lên phần đông vào Nam làm ăn với đủ nghề như may, thợ sắt, công nhân, phụ hồ, bán hàng...
Tại ngã ba cầu Trường Hà, xã Vinh Thanh (huyện Phú Vang, Thừa Thiên - Huế), chị Phan Thị Hoa (45 tuổi) trú tại thôn Xuân Hạ, xã Vinh Xuân, huyện Phú Vang ra tận đường lộ tiễn hai con gái Nguyễn Thị Anh (26 tuổi), Nguyễn Thị Lượm (17 tuổi) đi làm công nhân tại xưởng may tư nhân ở Q.Tân Phú, TP.HCM. Cả Anh và Lượm chỉ về quê ăn tết có 10 ngày, do công ty làm sớm nên mồng 8 tết hai chị em phải chia tay gia đình vào lại Sài Gòn làm việc.
Ôm con gái út Nguyễn Thị Lượm, chị Hoa nói: “Con cái đi làm ăn xa dù có khổ cực chút nhưng tự lo cho bản thân và vẫn sướng hơn ở lại vùng quê khô cằn cát trắng này”. Cô chị Nguyễn Thị Anh có thâm niên tám năm vào làm thuê ở Sài Gòn, còn cô em Nguyễn Thị Lượm cũng thôi học từ năm lớp 9 theo chị vào Sài Gòn may thuê được hai năm nay.
Tại ngã ba đường tránh Huế, Phạm Thị Thảo (15 tuổi) ngồi nép mình bên chiếc vali cũ. Thảo đang học lớp 9 và đã nghỉ, ở nhà phụ giúp bố mẹ làm nông nhưng kinh tế gia đình vẫn khó khăn. Lần này Thảo xin bố mẹ vào Sài Gòn làm thợ may để phụ bố mẹ nuôi đứa em út đang học lớp 8. “Cả nhà đều buồn nhưng vì hoàn cảnh phải đi làm ăn xa thôi” - Thảo bộc bạch.
Ở góc nhỏ của cuộc sống này, các bạn trẻ ấy là đại diện cho hàng trăm, hàng ngàn bạn trẻ khác, bắt đầu cuộc mưu sinh sau những ngày tết đầm ấm với gia đình bằng hình ảnh lưu luyến chia tay. Bịn rịn và mong nhớ, họ mong ngày gặp lại ở năm sau và bắt đầu năm mới bằng những giọt mồ hôi của mình ở nơi xa...