Vài ngày qua, dân mạng xôn xao vụ người dân vây bắt, đánh hội đồng tên trộm điện thoại xảy ra ở thôn Hà Vỹ, xã Lê Lợi, huyện Thường Tín (Hà Nội).
Lời khai của tên trộm bị lột quần áo
Kể lại vụ việc, Nguyễn Văn Việt (39 tuổi) nhớ, khoảng 2h ngày 31/7, anh đang ngủ nghe tiếng hô hào bắt trộm của người dân trong thôn. Chạy ra giếng làng ở đội 5, anh Việt thấy một thanh niên trần truồng trong tư thế bị trói, cạnh đó là 2 chiếc điện thoại. Nạn nhân với dáng người to cao trước đó đã ăn trộm điện thoại của người dân trong thôn.
Bị truy đuổi, anh ta bỏ chạy ra cánh đồng lẩn trốn nhưng không thoát. "Nơi này thường xảy ra trộm cắp nên khi bắt được trộm, người dân quá bức xúc đã đánh đập, thậm chí còn lột hết quần áo của tên trộm rồi trói ngược ra đằng sau", anh Việt nói. Nói về hành động trên, một số người dân nơi đây cho rằng việc làm trên không có gì quá đáng.
Tuy nhiên, là người chứng kiến, anh Việt khẳng định: "Đánh đập người ta đến ngất, lột quần áo rồi chụp ảnh tung lên mạng như thế thì đúng là hơi quá". Nói về vụ việc, Trưởng công an xã Lê Lợi - Nguyễn Văn Khương cho hay, khi công an xuống hiện trường khá nhiều người dân vẫn còn bức xúc.
Công an xã đã phải bảo vệ và đưa tên trộm vào trạm xá xã sơ cứu. Người bị đánh được xác định là Phùng Văn Dương (30 tuổi, ở huyện Phú Xuyên, Hà Nội). Dương từng có tiền án về tội Trộm cắp tài sản. Công an huyện Thường Tín đã vào cuộc điều tra vụ việc.
Tại cơ quan an, tên trộm khai do hắn nợ nần nhiều, đến hạn trả nhưng không có tiền nên đi trộm cắp.
Hành vi lột quần áo, trói tay là làm nhục người khác?
Đại tá Đặng Hữu Tín - Trưởng Công an huyện Thường Tín (Hà Nội) cho rằng việc người dân lột quần áo kẻ trộm có dấu hiệu của hành vi Làm nhục người khác. Trái ngược góc nhìn trên, luật sư Nguyễn Anh Thơm (Đoàn luật sư Hà Nội) cho rằng vụ việc trên chưa thỏa mãn dấu hiệu hành vi tội phạm. Căn cứ Điều 82 Bộ luật tố tụng hình sự, luật sư phân tích: "Đối với người đang thực hiện tội phạm hoặc ngay sau khi thực hiện tội phạm thì bị phát hiện hoặc bị đuổi bắt, cũng như người đang bị truy nã thì bất kỳ người nào cũng có quyền bắt và giải ngay đến cơ quan Công an, Viện kiểm sát hoặc Uỷ ban nhân dân nơi gần nhất. Các cơ quan này phải lập biên bản và giải ngay người bị bắt đến Cơ quan điều tra có thẩm quyền. Khi bắt người phạm tội quả tang hoặc người đang bị truy nã thì người nào cũng có quyền tước vũ khí, hung khí của người bị bắt".
Ông Thơm nhìn nhận, do thanh niên trên có hành vi vi phạm pháp luật nên người dân có quyền bắt giữ và áp giải đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Trong quá trình bắt giữ tên trộm đã chống lại thì người dân cũng có thể trói chân, tay.
Nhưng nếu người nào mà quá khích khi đã bắt giữ người không còn khả năng chống cự mà xâm phạm đến sức khỏe, tính mạng người phạm tội thì tùy theo mức độ hậu quả có thể bị xử lý tương ứng về tội Giết người hoặc tội Cố ý gây thương tích. Luật sư cho rằng hành vi của một số người dân do quá khích, thiếu kiềm chế dẫn tới việc lột quần áo, hành hung kẻ trộm cắp là hành vi vi phạm pháp luật nhưng chưa đến mức phải xử lý về mặt hình sự.
Có chăng thì có thể bị xử lý về mặt hành chính theo Nghị định quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội. Vị luật sư nói, để xử lý tội này cần phải làm rõ động cơ mục đích của tội phạm là động cơ cá nhân, đã hình thành từ trước khi thực hiện tội phạm (ví dụ tư thù do ghen tuông, mâu thuẫn trong công việc…).
Xét về mặt chủ quan tội Làm nhục người khác không thỏa mãn trong trường hợp này. Hành vi của một số người dân do bức xúc và bột phát là nhất thời. Bị hại trong tội Làm nhục người khác thường người đó không có lỗi, không có hành vi vi phạm pháp luật hình sự.