"Người rừng" vẫn là một bí ẩn
Thứ hai, 19/08/2013 07:36

Có lẽ sẽ không bao giờ chúng ta biết được lý do thực sự khiến cha con ông Hồ Văn Thanh trở thành “người rừng”.

Người rừng được chăm sóc sức khỏe

Người rừng được chăm sóc sức khỏe

Ông đã già yếu, khó mà khỏe mạnh trở lại, lại không buồn nói; anh Hồ Văn Lang thì chắc cũng không biết cha mình đã nghĩ gì khi mang anh vô rừng nên vặn hỏi họ để hiểu là chuyện hầu như bất khả. Cũng đã có quá nhiều phỏng đoán, nào là kinh sợ chiến tranh, muốn tránh xa loài người bạc bẽo, mặc cảm tội lỗi nào đó với tổ chức, cộng đồng... Tất cả đều có thể.

Hầu như tất cả các dân tộc sống dọc dải Trường Sơn đều du canh du cư suốt nhiều ngàn năm qua. Đó là một lựa chọn khôn ngoan vì khi nền bản đã lầy ra bởi chất thải của người và gia súc thì cần phải bỏ đi để tìm một chỗ ở mới, nếu không sẽ rất dễ nhiễm bệnh. Việc canh tác và săn bắn tìm nguồn đạm cũng vậy. Khi các rẫy đã bạc màu thì người ta đi tìm rẫy khác; khi các con suối đã cạn cá, thú rừng cũng bỏ chạy xa thì người ta lại đi tìm chỗ ở mới. Tất cả như được làm lại từ đầu, cứ 3-4 năm thì mọi thứ sạch sẽ, tinh tươm như mới.

Nhưng kể từ ngày nhà nước ta ra chủ trương định canh định cư cho đồng bào miền núi thì mọi chuyện đã khác. Đồng bào được vận động xuống thấp, tập trung ở những thung lũng, xếp vô ở những căn nhà xây lợp tôn hoặc ngói và trồng lúa nước. Vì chưa thấu hiểu sự ưu việt và những hạt nhân hợp lý khá khoa học từ ngàn năm qua của lối sống du canh du cư nên phần lớn các cơ quan phụ trách việc này nghĩ như vậy là xong: Tổ chức cho bà con trồng lúa nước và ở nhà xây. Họ quên rằng nguồn đạm mới là thứ quyết định nhất trong khẩu phần người miền núi. Có thịt thì một nồi xúp với củ mì cũng vẫn cứ bổ dưỡng và ngon miệng hơn là nồi cơm trắng ăn với muối ớt! Không có thịt, sức khỏe những đứa trẻ như suy sụp hẳn. Heo thì chỉ dành cho dịp lễ Tết, cúng cơm mới... Gà thì cả đàn nhưng có hôm sáng ra chẳng còn con nào vì dịch bệnh. Đó là chưa nói do tập quán cũ, heo gà sống chung với người nên chẳng mấy hôm những khu nhà định cư trở nên lầy bẩn không thể chịu được.

Hãy thử hình dung, cả đời sống dưới tán rừng già, rừng đủ nuôi sống con người khỏe mạnh, nay bỗng chốc họ bị lôi ra ở nơi trống hoang trống huếch, trong căn nhà xây dưới mái tôn, tìm trái ớt, đốt mía cũng không ra thì họ có nhớ về nơi ở cũ? Nhiều người đã dần thích nghi và chỉ cần 1-2 năm thì đã có được cuộc sống mới nhưng một số người thì không. Bao giờ và ở đâu cũng vậy, họ luôn là số ít, nhạy cảm và không thay đổi lối sống được.

Người viết bài này đã từng theo đoàn cán bộ huyện Phước Sơn, một huyện miền núi của tỉnh Quảng Nam nằm dưới chân núi Ngọc Linh cao hơn 2.000 m, lặn lội vào rừng sâu để vận động bà con trở về lại nơi ở mới trong những năm trước và sau 1980. Nhìn căn nhà sàn họ mới dựng lên giữa rừng sâu, phên nứa mới toanh, dàn bếp chưa ám khói, trên đó thịt thú rừng hong khói treo lủng lẳng, góc bếp thì quả cà quả mướp cũng tươi xanh..., dễ hiểu tại sao họ đã từ bỏ căn nhà xi-măng lợp tôn nóng hầm và lầy lội, phân heo phân gà quanh chỗ nằm ngủ ở khu định cư để về lại chốn rừng sâu này.

Dọc dải Trường Sơn còn bao nhiêu người chọn cách sống du canh du cư cũ? Chắc rằng còn nhiều lắm. Không hiểu tại sao cha con ông Hồ Văn Thanh đã chọn lối sống cực đoan hơn những người không chịu định canh định cư khác. Về bản cũ, cách bản mới không xa lắm, chỉ 4 giờ đi bộ, tức tầm 15 km đường rừng, vậy mà vẻ mặt anh Lang khi bước ra khỏi rừng khiến chúng ta đau xót. Anh ngơ ngác và như hoàn toàn không biết đến thế giới loài người. Có thể chỉ đơn giản là vì quá nhiều người muốn bắt anh về và cha con anh đã phải liên tục bỏ trốn. Hơn nữa, một tuổi thơ không bóng người sẽ quyết định tất cả phần đời còn lại.

Thế nên, trước khi nghĩ đến một điều gì đó đầy kịch tính, hãy nhìn bối cảnh lịch sử cũng như không gian xã hội thời đại lúc xảy ra câu chuyện thay vì đem góc nhìn, quan điểm bây giờ để phân tích vấn đề...

Nld.com.vn

Clip đang được xem nhiều nhất: CLIP: Khoảng khắc xe 'hổ vồ' đè bẹp xe con làm 3 người chết, 1 người bị thương

Tag: Quảng Ngãi , Kiểm lâm , Dân tộc thiểu số , Clip người rừng