Sau khi cho ăn uống, sưởi ấm, người gặp nạn đã nói năng rõ ràng hơn. Anh quê ở đảo Hải Nam, Trung Quốc, tên là Trịnh Tố Ba, có vợ và 2 con, đi đánh cá gặp nạn.
Các ngư dân Quảng Bình trên tàu QB-91223TS |
Qua khỏi cầu Nhật Lệ giữa TP.Đồng Hới, Quảng Bình là đến thôn Mỹ Cảnh, xã Bảo Ninh, quê hương của mẹ Suốt anh hùng thời chống Mỹ. Hỏi nhà của chủ thuyền đánh cá, người đã từng cứu sống một ngư dân Trung Quốc trên biển năm ngoái, ai cũng nhiệt tình chỉ đường và còn xởi lởi gửi gắm: “Viết đi chú, viết gấp vào để cả thế giới biết Việt Nam mình nhân đạo, còn phía Trung Quốc những ngày này giàn khoan họ tự cắm vào biển mình, lại còn làm nhiều việc thật quá thất đức”.
Anh Nguyễn Quang Hiếu (33 tuổi) chủ con thuyền đánh cá ấy đang còn giữa biển khơi. Tiếp chuyện với chúng tôi là bố anh, ông Nguyễn Bằng (62 tuổi) và vợ anh là chị Hồ Thị Hồng (32 tuổi).
Bỏ công bỏ của cứu người Trung Quốc gặp nạn
Sau một đợt nghỉ trăng, ngày 24/7/2013, tàu đánh cá do thuyền trưởng kiêm chủ tàu mang số QB91223TS là Nguyễn Quang Hiếu vượt cửa biển Nhật Lệ ra khơi đánh cá với 23 thuyền viên. Ngư trường đánh bắt truyền thống vẫn là vùng biển Hoàng Sa. Mỗi chuyến ra khơi, con tàu nào cũng trang bị cho mình lương thực, thực phẩm, thuốc men, dầu diezen và đá lạnh sử dụng trong vòng trên 15 ngày. “Tàu nhà tui tổng cộng mỗi chuyến ra khơi, sắm sửa, đầu tư mọi thứ khi mô cũng hết gần 8,9 chục triệu đồng”, ông Bằng nói. Và dĩ nhiên vì một sự cố nào đó xảy ra trên biển, thuyền phải trở về giữa chừng thì chuyến đi coi như thua lỗ.
Đợt ra khới ấy, đến ngày thứ 3, tàu đã đến vĩ độ 17029N 108005E, cách cửa biển Nhật Lệ 90 hải lý. Khoảng 8h ngày 27/7/2013, anh Hiếu phát hiện ở mạn phải phía xa một “vật” nổi. Đến gần hơn chút nữa, anh thấy “vật” đó là một người đang đưa tay chới với. Giữa biển cả mênh mông mà có người trôi nổi trên sóng nước ắt hẳn là chuyện hiếm, chẳng lành. Anh tăng ga cho tàu lao nhanh về phía đó. Đến nơi, anh cho thủy thủ vật xuồng thúng xuống nước và cử hai người khỏe mạnh chèo đến, kéo người đang nổi trên biển kia lên xuồng rồi đưa lên tàu. Nạn nhân ỉu xìu nằm xuống lòng tàu vì quá đói, quá mệt.
Chỉ cần chậm độ vài chục phút nữa, chắc anh ta đã không còn sống sót. Anh Hiếu lấy áo quần của mình thay cho người lạ rồi tự tay lấy dầu xoa bóp, tẩm quất cho nạn nhân. Một lúc sau, nạn nhân nói được. Những âm thanh lơ lớ của người gặp nạn phát ra, khiến người trên tàu đoán đó là người nước ngoài. May mắn, trên tàu lúc đó có 1 thủy thủ từng đi xuất khẩu đánh cá biển ở Đài Loan trước đây, ít nhiều nói được tiếng Trung Quốc, anh ta khẳng định chắc chắn: Đó là người Trung Quốc.
Sau khi cho ăn uống, sưởi ấm, người gặp nạn đã nói năng rõ ràng hơn. Anh quê ở đảo Hải Nam, Trung Quốc, tên là Trịnh Tố Ba, có vợ và 2 con, đi đánh cá trên tàu của anh trai mình tên là Trịnh Tổ Đạo, có biển số tàu là 13017. Khoảng 23h hôm trước (tức 26/7/2013) anh lên boong phía đuôi tàu đi vệ sinh thì không may bị sóng tung kéo ngã xuống biển, nếu không có tàu Việt Nam đến cứu vớt kịp thì đã chết. Được cứu vớt, niềm vui thực sự đã đến với người gặp nạn. Nhưng đối với thuyền trưởng Hiếu thì đang day dứt với bao mối lo. Bây giờ, cho Trịnh Tố Ba theo tàu đi đánh cá, hết chuyến rồi trở về với tàu, hay chở anh ta về đất liền để chính quyền ta bàn giao cho phía Trung Quốc?
Nếu thực hiện phương án 1 thì êm đẹp cả đôi đường. Nhưng lỡ anh ta đau ốm đột xuất chết đi thì ảnh hưởng đến vấn đề chính trị. Nếu thực hiện phương án 2 thì xem như cả tàu phải thua lỗ vài ba chục triệu đồng. Anh Hiếu cân nhắc, vật lộn với những suy nghĩ, tính toán của mình, cuối cùng quyết định quay thuyền chở Trịnh Tố Ba vào đất liền để bàn giao cho bộ đội biên phòng tỉnh. “Anh em thủ thủy trên tàu đều đồng lòng chịu thiệt thòi với chủ trong chuyến ra khơi lần đó. Họ bị “âm” trong thu nhập, nhưng được “dương” là chia sẻ, cứu vớt được một sinh linh của Trung Quốc”, ông Bằng kể.
Nước mắt cảm tạ
Sau khi tạm thời hồi phục, để giúp người nhà nạn nhân không còn xót xa đau đớn, anh Hiếu liền mở máy bộ đàm để Trịnh Tố Ba liên hệ với vợ con theo số máy anh ta viết ra nơi giấy. Trịnh Tố Ba vừa nói vừa khóc với người nhà của anh ở đảo Hải Nam. Xong cuộc nói chuyện hơn 10 phút, Trịnh Tố Ba chắp hai tay cúi lạy thuyền trưởng. Anh Hiếu đỡ anh ta dậy và xua tay như ngụ ý nói: “Không việc gì ! Đừng có làm thế!”.
Tàu QB91223TS vượt 90 hải lý chở Trịnh Tố Ba quay về và vào cửa biển Nhật Lệ lúc 19h ngày 31/7/2013. Bộ đội biên phòng Trạm cửa biển Nhật Lệ đón và đưa ngay vào phòng khám của đơn vị để khám sức khỏe. Mọi việc xong xuôi, dưới sự chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở ngoại vụ Quảng Bình đã đưa Trịnh Tố Ba về nghỉ ở một khách sạn sang trọng giữa lòng TP.Đồng Hới.
Mọi thủ tục giao và nhận Trịnh Tố Ba giữa Việt Nam và Trung Quốc đã tiến hành tại văn phòng UBND tỉnh Quảng Bình vào sáng 7/8/2013. Gia đình anh Hiếu, UBND xã Bảo Ninh, UBND TP.Đồng Hới, lãnh đạo bộ đội biên phòng tỉnh, lãnh đạo Sở ngoại vụ, lãnh đạo UBND tỉnh và Bộ ngoại giao đã có mặt. Phía Trung Quốc là đại diện Bộ ngoại giao của họ. Khi lên xe, Trịnh Tố Ba òa khóc. Trước đó, anh ta đã ôm chặt anh Hiếu, ân nhân đời mình mà nước mắt lưng tròng.
Để kịp thời động viên, cổ vũ biểu dương việc làm có nhiều giá trị nhân đạo quốc tế, 5 ngày sau, tức Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình đã ký 2 Bằng khen, 1 cấp cho anh Hiếu chủ tàu, một cấp cho thủ thủ đoàn vì “Đã có thành tích cứu sống người nước ngoài bị nạn trên vùng biển Việt Nam” kèm theo tiền thưởng 30 triệu đồng.
Hơn tháng sau, cơn bão số 10 nghiêng trời nghiêng đất ập vào vùng Đồng Hới, gây bao thiệt hại sức người, sức của. Sau cơn bão mấy hôm, anh Hiếu bỗng nhận được điện thoại. Nghe giọng, anh biết đó là tiếng nói của Trịnh Tố Ba. Có lẽ qua thông tin đại chúng, biết bão tràn qua vùng Đồng Hới nên anh ta điện sang hỏi thăm. Dẫu không hiểu ngôn ngữ nhưng anh Hiếu hiểu rằng đó là biểu hiện của tình người. “Người lao động Trung Quốc và người lao động Việt Nam đều giàu tình cảm nhân ái, nhất là những khi gặp hoạn nạn”, cha của thuyền trưởng Hiếu nhận xét.
Quyết tâm bám biển
Vợ chồng anh Hiếu đã có với nhau 2 đứa con. Chị Hồng quê ở Đức Trạch, làng biển của huyện Bố Trạch, Quảng Bình. Về làm dâu nhà ông Bằng 12 năm nay, đảm đang, tháo vát, khỏe mạnh, khiến gia đình, họ hàng ai cũng yêu mến chị. Anh Hiếu thừa hưởng của bố chiếc tàu cá mà cả gia đình chắt chiu gây dựng bao năm nay. Chị gái anh Hiếu đang buôn bán, lập nghiệp ở Nga hơn chục năm nay, không những gửi tiền về giúp gia đình gây dựng nên sự nghiệp ấy mà còn luôn điện về động viên khuyến khích em trai mình phấn đấu trở thành một chủ tàu giỏi trên biển quê hương. Ông Bằng tuổi già sức yếu, ốm đau nhiều nên đã thôi xuống tàu từ 4,5 năm nay, giao lại cho con trai mình quản lý tài sản. Bởi vậy anh Hiếu trở thành trụ cột của gia đình, “đầu tàu” của 23 thuyền viên trên con tàu đánh cá của mình.
“Thuyền là nhà, biển cả là quê hương”, trừ khi có trăng (từ 13 đến 17 âm lịch hàng tháng) và gió biển cấp 5 trở lên, thời gian còn lại tàu lênh đên trên biển hành nghề đánh cá. Cá đánh được ở biển Hoàng Sa về Nhật Lệ xa quá nên thường thường tàu phải ghé vào bến Đà Nẵng để đổ hàng. Mỗi lần như thế, chị Hồng phải vội vàng đón xe từ Đồng Hới vào Đà Nẵng để bán cá rồi mua hàng cho tàu kịp chuyến ra khơi. Thi thoảng, thuyền mới vào cửa biển Nhật Lệ, ấy là khi có gió mạnh trên biển hoặc thời gian giáp với kỳ có trăng.
Trong những ngày này, các phương tiện thông tin đại chúng đưa tin về sự táo tợn, hung hãn, tàn bạo của Trung Quốc bất chấp luật pháp quốc tế, đã ngang nhiên cắm dàn khoan Hải Dương 981 ở vùng biển Hoàng Sa sâu trong thềm lục địa Việt Nam khiến cả thế giới căm phẫn. Thậm chí họ còn chủ động cho tàu sắt đâm vào tàu đánh cá gỗ của Việt Nam đang hành nghề trên biển, rồi cản trở việc cứu nạn. Biết những điều đó, như bao phụ nữ làng biển Việt Nam có chồng làm ăn trên biển, chị Hồng cũng bất giác lo lắng. “Ngày nào không nhận được điện của anh ấy là em lo ơi là lo”, chị Hồng bộc lộ tâm tình, “mình gặp người Trung Quốc bị nạn trên biển đã bỏ công, bỏ của để ra tay cứu họ, còn những người Trung Quốc có dã tâm cướp biển của ta thì quá tàn ác, không những đâm thuyền chìm mà còn cản trở những người đồng hương đến cứu nạn. Nhưng dù thế nào cũng không thể bỏ biển được.
Trung Quốc lại vu cáo tàu Việt Nam
Thông cáo của Bộ Ngoại giao Trung Quốc bịa đặt rằng “Việt Nam đã cử một lượng lớn tàu, người nhái và thả nhiều chướng ngại vật, trong đó có lưới đánh cá”, xuống vùng biển mà Bắc Kinh hạ đặt trái phép giàn khoan 981.
Reuters trích thông cáo viết “ngày 7/6, vào lúc cao điểm có 63 tàu của Việt Nam vượt hàng rào của Trung Quốc để đâm vào các tàu Trung Quốc tổng cộng 1.416 lần”.
Thông tin này được đưa ra mà không có bất cứ bằng chứng nào kèm theo. Trên thực tế, chính các tàu của Trung Quốc đã tổ chức tấn công các tàu Việt Nam. Đại diện Cục Kiểm ngư Việt Nam cho hay ngày 7/6 tại khu vực giàn khoan, số lượng tàu Trung Quốc lên đến khoảng 120 tàu. Các tàu của Trung Quốc tổ chức thành từng nhóm, sẵn sàng đâm va, hú còi, phun vòi rồng vào các tàu Việt Nam. Một tàu kiểm ngư của Việt Nam đã bị hư hỏng do bị tàu của Trung Quốc đâm trực diện với tốc độ lớn. Cũng trong thông cáo trên, Trung Quốc nói rằng nước này đã liên lạc với Việt Nam “30 lần ở nhiều cấp khác nhau” và muốn quan hệ tốt với láng giềng nhưng họ “có những nguyên tắc không thể bỏ qua”.
Đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình trước đó cho biết Việt Nam đã nỗ lực ở nhiều cấp, nhiều lần để đối thoại với Trung Quốc nhưng Bắc Kinh không đáp trả thiện chí này. Bộ Ngoại giao Việt Nam cũng đã gửi công hàm đến Bộ Ngoại giao Trung Quốc nhưng phía Trung Quốc lảng tránh không trả lời. Nước này không những không chấm dứt hoạt động phi pháp của giàn khoan 981 mà còn có những hành vi ngày càng hung hãn và thô bạo hơn.
Đây không phải là lần đầu tiên Bắc Kinh vu cáo Việt Nam tấn công, kể từ sau khi Trung Quốc đưa giàn khoan vào hạ đặt trái phép trên thềm lục địa của Việt Nam. Ngày 26/5, tàu Trung Quốc rượt đuổi và đâm chìm tàu cá của Việt Nam khiến 10 ngư dân bị hất xuống nước. Hình ảnh vụ đâm tàu này được các ngư dân ghi lại và công bố cho cả thế giới. Tuy nhiên đại diện ngoại giao Trung Quốc nói rằng tàu Việt Nam quấy rối tàu Trung Quốc rồi sau đó tự chìm.
Ngày 5/6, Bắc Kinh tiếp tục vu cáo các tàu Việt Nam đâm vào tàu Trung Quốc hơn 1.200 lần và còn ngang nhiên yêu cầu Hà Nội chấm dứt các hoạt động thực thi pháp luật tại khu vực gần giàn khoan 981.
Trong khi đó các tàu chấp pháp của Việt Nam hoạt động tại khu vực Trung Quốc đặt giàn khoan trái phép vẫn tiếp tục các biện pháp đấu tranh hòa bình nhằm buộc Trung Quốc ngừng xâm phạm quyền chủ quyền và tài phán của Việt Nam. Các tàu và máy bay Trung Quốc không chỉ nhiều lần đe dọa sử dụng vũ lực bằng cách mở bạt che pháo, mà còn đâm húc làm hỏng tổng cộng 24 tàu thi hành luật pháp của Việt Nam.
Phái đoàn Việt Nam tại Liên Hợp Quốc tuần trước tiếp tục gửi thư kèm công hàm lên Tổng Thư ký Ban Ki-moon để phản đối Trung Quốc duy trìgiàn khoan và các tàu hộtống trong vùng đặc quyền kinh tếvà thềm lục địa của Việt Nam.
>> BẤM ĐÂY ĐỂ XEM TOÀN BỘ DIỄN BIẾN TÌNH HÌNH CĂNG THẲNG TRÊN BIỂN ĐÔNG
Clip đang được xem nhiều nhất: Nhóm thanh niên ngăn cô gái nhảy cầu
- Thời điểm không khí lạnh mạnh nhất của mùa đông năm nay diễn ra khi nào?
- Soi profile của Hoa hậu Thanh Thủy - Miss International 2024: Học thức đỉnh cao, tài sắc vẹn toàn
- Lương hưu cao nhất Việt Nam hiện nay là bao nhiêu?
- Trùm giang hồ 'Bình Kiểm' lên kế hoạch bắt cóc ca sĩ, người mẫu
- 5 cái tên bị luật cấm đặt khai sinh ở Việt Nam, đó là tên nào?
- Tại sao vàng giảm giá khi ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ?
- Tỉnh nào có tuổi thọ thấp nhất Việt Nam?
- Vụ rơi máy bay quân sự tại Bình Định: 2 phi công thoát nạn thế nào?