Ngẫu hứng 'pín'

Hẳn chỉ nghe đến từ pín, bất cứ quý ông nào cũng có thể mường tượng được đó là món ăn gì, tác dụng ra sao.
Cũng bởi một phần do sự "hiểu biết" cùng bàn tay chăm chút của các quý bà, nên quý ông lại càng có nhiều cơ hội tiếp xúc với món ăn độc đáo có một không hai này.
 
Ngẩu pín hay pín là thuật ngữ dùng để chỉ các món ăn được chế biến từ dương vật một số loài động vật. Các loại pín tiêu biểu là ngẩu pín bò, trâu, dê, chó, gà…”thượng phẩm” có thể kể tới pín hổ, pín hươu nai (lộc pín). Theo cách nhận thức thông thường của ông cha là “ăn gì bổ nấy”, ngẩu pín thường được gắn với việc với việc bổ thận, tráng dương, tăng cường sinh lực nam giới, cải thiện chức năng, trị yếu sinh lý. Trong các loại pín, ngọc dương hay pín dê được ưa chuộng hơn cả. Đặc tính sinh lý của các "cụ dê" khiến phần pín của dê được tôn lên hàng quý hiếm, như "ngọc" nâng "dương".
 

Ngẩu pín nướng
 
Ngẩu pín nếu biết chế biến khéo léo sẽ tạo món ăn giòn sần sật, không chỉ được phái mạnh ưa chuộng mà còn lôi cuốn cả phụ nữ. Các quý bà, quý ông đều đua nhau ăn ngẩu pín động vật để bồi bổ. Các bà vợ hiểu biết cũng không tiếc thời gian tìm hiểu các công thức chế biến món ăn quý phục vụ "người nhà" .Ngầu pín được chế biến chủ yếu là hầm với thuốc Bắc, pín hiếm dành ngâm rượu dùng lâu dài, sấy khô tán thành bột, nấu thành cao nhưng theo thời gian, người ta còn nghĩ ra nhiều cách chế biến mới lạ như ngâm chua thành món gỏi, hoặc ướp gia vị nướng thơm hay ăn kèm rau nhúng lẩu mà người ta thường gọi vui là nhậu "lẩu súng". Dù vậy, người cần chế biến cần phải có tài hoa thực sự để loại bỏ vị hôi rất khó tả của các loại pín.
 

Pín nếu được chê biến khéo léo sẽ có vị giòn sần sật hấp dẫn
 
Quan niệm đồ ăn tẩm bổ cho sức khỏe của người Việt Nam ảnh hưởng khá nhiều từ văn hóa Trung Hoa. Người Trung Quốc cũng rất đề cao tầm quan trọng của các món pín nhưng ít ai biết đây cũng là đất nước đầu tiên trên thế giới có hẳn một nhà hàng chuyên các món về dương vật. Thực đơn của nhà hàng có hơn 30 món gồm “pín” các loài nai, bò Tây Tạng, ngựa, hải cẩu, rắn… với giá tương đương từ 60 nghìn đến 30 triệu đồng.Những món ăn không chỉ được chế biến cầu kì mà còn được đặt tên rất kêu như “Phụng hoàng thăng thiên” hay “Hoa nhài ngàn cánh” với cánh hoa nhài là những lát “pín” lừa thái mỏng.
 

Món pín bò Tây Tạng tại nhà hàng dương vật đầu tiên tại Trung Quốc
 
Cũng có những ý kiến cho rằng, thực chất món ngẩu pín chỉ có ý nghĩa về mặt nhận thức. Trong các loại pín động vật, chỉ có pín hải cẩu được y học công nhận là có tác dụng đối với việc tăng cường cảm hứng chốn phòng riêng. Ngoài pín hải cẩu thì chưa có loại pín nào được cả Đông y và Tây y công nhận, thậm chí cả pín hổ. Thực tế chưa có công trình khoa học nào chứng tỏ các chất chứa trong ngẫu pín các loài có tác dụng tăng cường sinh lực. Bộ phận này thực chất là một hệ cơ, gân, mạch máu, hệt như các bộ phận khác trong cơ thể, chỉ khác ở cơ chế hoạt động.
 
Chẳng phải có thời, thiên hạ còn truyền tay nhau tâm sự của một đức ông ngoài tứ tuần được vợ bồi bổ đủ loại pín dê, pín bò để "giữ lửa yêu". Kết quả lửa cháy thêm đâu chẳng thấy, chỉ thấy bác sỹ nhắc nhở "nhẹ nhàng": "“ăn vừa thôi không khéo lại tiểu đường rồi liệt dương luôn đấy”. Quả thực, các món ngẩu pín có thể gây cảm dáng tráng dương, nhưng đó là ở khía cạnh tinh thần. Ăn những thứ đó, mình có cảm giác đang bồi bổ và cảm giác khỏe lên chứ thực ra không phải như vậy. Nó thực sự có tác dụng khi biết kết hợp một vài bài thuốc khác.
 
Thế nhưng bởi quan niệm đã có từ lâu đời nên ngày ngày, dù công khai hay lén lút, các món ngẩu pín vẫn được quý bà, quý ông lùng tìm thưởng thức. Cũng có thể, vị giòn sần sật cùng mùi hương độc đáo của món ăn thực chất có thể gây "nghiện".