Mưu sinh Tết của lao động nghèo

Những ngày cuối năm không phải là khoảng thời gian để nghỉ ngơi, vui chơi, với họ, Tết là dịp để kiếm thêm việc làm, tăng thu nhập.

Ngày cuối cùng của một năm cũ, trong khi nhiều gia đình đã chuẩn bị xong cho một cái Tết đầm ấm, đầy đủ thì ngoài phố kia vẫn còn nhiều lao động nghèo xa quê miệt mài nhặt nhạnh từng đồng tiền để lo cho gia đình một cái Tết không quá thiếu thốn. Những ngày cuối năm không phải là khoảng thời gian để nghỉ ngơi, vui chơi, với họ, Tết là dịp để kiếm thêm việc làm, tăng thu nhập.

Những ngày này, một bộ phận nhỏ người lao động tự do vẫn cố bám trụ lại Hà Nội để kiếm tiền. Đây là thời điểm dễ kiếm được những công việc đem lại thu nhập cao nên họ sẵn sàng ở lại thành phố nếu được trả công hậu hĩnh.

Đối với chị Nguyễn Thị Thúy (quê ở Hưng Yên), một người mua bán ve chai ở Hà Nội thì năm nào chị cũng ở lại Hà Nội đêm Giao thừa thu gom hết đồ đến khi các gia đình không còn dọp dẹp nữa.

Theo chị Thúy kể lại, năm ngoái vào thời khắc Giao thừa, chị Thúy vẫn đang miệt mài chở hàng về chỗ trọ. Mặc dù các kho không mua hàng ve chai vào ngày 30 Tết nhưng những ngày cuối cùng của năm khi các gia đình dọn nhà chuẩn bị Tết hàng thải ra rất nhiều nên chị cố đi gom hàng để ra Tết bán.

Tết là thời điểm tôi kiếm được gấp mấy lần ngày bình thường nên tôi thường không về quê mà ở lại làm, chờ đến Mùng Một, Mùng Hai không ai bán gì nữa thì tôi về cũng không sao, quan trọng là kiếm thêm được tiền lo cho các con đi học,” chị Thúy nói xong lại tất tả đạp xe hàng cồng kềnh hoà vào dòng người đông đúc đang rộn rã sắm Tết.

Nói về công việc của những người lao động chân tay trong những ngày Tết, anh Nguyễn Văn Hiếu (quê Mê Linh, Hà Nội) ngày thường làm xe ôm nhưng dịp này anh nhận thêm việc chở đào, quất và cho rằng đây là khoảng “thời gian vàng” để những người như anh kiếm thêm chút tiền trước khi về quê nghỉ Tết.

Năm nay kiếm tiền khó lắm nên thà vất vả một chút nhưng kiếm thêm một chút để mua được bánh kẹo và quần áo mới cho các con, còn hơn về sớm mà cả nhà chẳng có gì sắm Tết,” anh Hiếu tâm sự.

Ngày 30 Tết, dọc những phố phường Hà Nội vẫn tấp nập những người lao động tự do cần mẫn, mong ngóng bán được hết hàng Tết trước Giao thừa.

Chị Trần Thị Thắm (quê Bắc Giang) lo lắng: “Vợ chồng tôi bán thảm trải nhà, nhưng vì hàng này không trả lại được công ty nên tôi bán đến đêm 30 mới về, bán được cái nào hay cái ấy chứ mang về ra Tết lại không bán được thì lỗ vốn.”

Với những người lao động nghèo, làm việc trong thời gian này, họ sẽ nhận được số tiền cao gấp 2,3 lần ngày thường. Do đó, dù công việc vất vả, thậm chí không về quê ăn Tết họ vẫn chấp nhận.

Chị Nguyễn Thị Hằng (quê Hà Nam) và mấy người bạn cùng nhận giúp việc theo giờ tại một số gia đình dịp sát Tết và trong Tết. Công việc chủ yếu là nấu nướng, lau chùi và sắp xếp đồ đạc cho gọn gàng, sạch sẽ, thu nhập trung bình là 200.000-250.000 đồng/ngày, có gia đình còn lì xì thêm nếu làm tốt.

Trong 10 ngày làm việc Tết số tiền tôi nhận được còn hơn cả tháng lương giúp việc ngày thường nên tôi cố ở lại làm, nhìn gia đình người ta quây quần cũng chạnh lòng lắm nhưng may mà vì làm theo giờ nên tôi và một số bạn nữa sẽ tranh thủ lúc nghỉ đi dạo phố nên chắc vẫn vui,” chị Hằng cười nói.

Ngày 30 Tết, Hà Nội rộn ràng hơn bao giờ hết, phố phường đã tràn ngập hoa và không khí một năm mới đang cận kề nhưng xen giữa vào đó là những người lao động nghèo vẫn miệt mài làm việc, với họ Tết không phải để nghỉ ngơi, mà họ tìm thấy niềm vui của Tết trên hành trình mưu sinh.