Lay lắt phận đời mưu sinh
Những con người đến với “chợ người” phần lớn là đàn ông, họ đến đây từ lúc tờ mờ sáng đến khi trời tối mịt để mong “Thượng đế” đến mua sức lao động của mình. Mỗi khi có “Thượng đế” rảo bước qua, từng tốp người nháo nhác, chạy xúm lại tìm kiếm chút may mắn.
Sau một hồi ngã giá không thành công, “thượng đế” vọt đi thẳng, không thèm đoái hoài gì đến những con người cù bơ cù bất này. Tất cả chỉ còn lại những bước chân rời rạc, những ánh mắt mong mỏi, khắc khoải chờ đợi và hi vọng. Một không khí ảm đạm, đìu hiu, ế ẩm là những gì đang diễn ra tại chợ người ở dốc Bưởi, Hà Nội trong những ngày cuối năm này.
Bác Tâm mong muốn nhà nước quan tâm và có cái nhìn đúng mực với người lao động tự do
Một ngày ở chợ Bưởi bắt đầu từ 6h sáng đến 22h đêm. Những người đến đây đa số là người gốc Nghệ An hoặc các tỉnh miền Trung. Họ xuất thân bần nông, cuộc sống chỉ ngóng trông vào cây lúa. Từ khi Nhà nước có chủ chương xây dựng Nông thôn mới ở các địa phương thì ruộng đất ngày càng ít dần, không nghề nhiệp, họ lang thang ra thủ đô kiếm việc mưu sinh để có được miếng cơm nuôi bản thân và gia đình.
Bác Nguyễn Hữu Tâm, 55 tuổi ở xã Lăng Thành, Yên Thành, Nghệ An mưu sinh ở chợ người đã được 6 năm nay ngao ngán: “Làm thân lao động như chúng tôi vất vả khổ lắm, nhục lắm chú ạ, nhưng có ai hiểu cho đâu!”.
Chợ người ngày giáp tết u ám và ế khách
Cùng chung cảnh ngộ như bác Tâm, ở nơi “chợ người” này đều có chung hoàn cảnh là không có nghề nghiệp và thường làm bất cứ công việc gì mà “thượng đế” yêu cầu. Không quản ngại nặng nhọc, vất vả từ việc bốc vác, phá nhà, gánh đất, gánh cát đến những việc như quét dọn, lau nhà, bể phốt, dọn nhà vệ sinh, nạo vét cống…, nói chung là bất cứ công việc gì khi gia chủ sai bảo họ đều không từ chối, chỉ mong sao kiếm được ít tiền gửi về cho vợ con nơi quê nhà.
Một nghề hoàn toàn chính đáng, lương thiện bằng mồ hôi, nước mắt cơ cực, khốn khổ là thế nhưng họ vẫn luôn trong tình trạng nơm nớp lo sợ bởi nghề mà họ đang làm bị coi là “nghề làm xấu thành phố, làm xấu nét đẹp văn minh đô thị” nên thỉnh thoảng lại bị lực lượng chức năng “càn quét” những ngày lễ, tết, những sự kiện trọng đại của đất nước.
Nhiều sinh viên thất nghiệp cũng tranh thủ ra chợ người mưu sinh để có tiền trang trải cuộc sống
Không chỉ riêng những người nghèo khổ, không có ruộng đất mới bán sức lao động mà những ngày giáp Tết Nhâm Thìn sắp đến gần, khu vực này còn tập trung cả những bạn trẻ sinh viên chưa có việc làm, hay vì một lý do nào đó muốn thử sức với công việc này cũng thường xuyên lui tới để gom nhặt những đồng tiền lao lực bằng thân thể mình.
Mỗi người mỗi hoàn cảnh khác nhau nhưng phần lớn họ đều là những người nông dân thuần chất hiền lành, chịu thương, chịu khó. Có người không có nghề nghiệp, người vì không cam chịu cảnh sống nông nghiệp, người lỡ hẹn với những chuyến làm ăn ở nước ngoài, phải bỏ về dở dang với số tiền nợ hàng trăm triệu đồng. Họ tìm đến “chợ người” này mong muốn được bán sức lao động của mình để có đồng tiền trang trải cuộc sống hằng ngày và cái họ mong muốn nhất lúc này là có thật nhiều việc để làm, gom góm chút tiền về sắm tết cùng vợ con.
Nghề nhiều bất trắc, lắm rủi ro
Mỗi ngày khu vực “chợ người” tập trung rất đông người, tất cả đều trong tâm thế háo hức ngóng tìm có ai đến mua sức lao động của mình. Ẩn đằng sau những người lao động nghèo khổ, lam lũ ấy là sự tranh giành đầy khốc liệt với biết bao bất chắc rủi ro đến với chính những con người nghèo khổ này.
Quan sát kỹ có thể thấy khu vực “chợ người” trên địa bàn Hà Nội lại tập trung một nhóm người tách biệt. Như tại khu vực dốc Bưởi đại đa số lại là người Nghệ An, khu vực Ngã tư Giảng Võ hiếm thấy người nào khác ngoài người Thanh Hóa.
Có nhiều việc làm là ao ước lớn nhất với những phận người cơ nhỡ này
Do nhu cầu việc làm ít mà người lao động lại đông theo kiểu “mật ít, ruồi nhiều”, nên những chuyện cãi vã, đánh chửi nhau ở khu vực chợ người này diễn ra thường xuyên như cơm bữa, có những vụ đánh nhau còn gây chấn động cả thành phố, gây hậu quả đau lòng.
Anh Đoàn Bá Nam chia sẻ: “Những người tập trung ở dốc Bưởi, mặc dù đều là người Nghệ An, nhưng vì miếng cơm manh áo, để kiếm được việc, họ sẵn sàng bất chấp, không ai chịu nhường nhịn ai từ già đến trẻ. Mỗi khi có khách đến là tất cả lại nhao lên, có những trường hợp vì tranh giành nhau việc mà trở nên thù hằn đánh nhau phải nhập viện, đau lòng nhất là năm 2008, ở đây đã xảy ra vụ đâm nhau gây án mạng trong khi tranh cướp công việc”.
Anh Nam cho biết thêm, khu vực dốc Bưởi này mỗi ngày tập trung từ 300- 400 lao động, đều là những người có hoàn cảnh nghèo khó, hoặc thất nghiệp, hoặc chưa tìm được việc làm. Nghề này ai thuê gì làm đấy, bất kể công việc gì, đôi khi phải chấp nhận hạ thấp mình để có việc làm nên thu nhập thường không ổn định.
Ngóng đợi thượng đế đến thuê
Có những người may mắn trung bình mỗi tháng cũng kiếm được từ 4-5 triệu, có người cả tháng không kiếm được đồng nào, nhờ cậy vào bạn bè, người thân cũng chiếm số nhiều.
Bác Đỗ Văn Giang, quê ở Nghệ An thều thào: “Làm nông nghiệp thu nhập thấp, chi phí nhiều, ruộng thì ngày càng hạn hẹp, bắt buộc những chúng tôi phải ra ngoài kiếm việc để lấy tiền nuôi con cái học hành. Tôi ra đây làm đã được gần 4 năm rồi, cuộc sống nơi chợ người này cực nhọc lắm mới có miếng ăn, tiền ăn uống chi tiêu hằng ngày đều phải chắt chiu để có tiền về quê sắm tết”.
Giữa cái rét căm căm ngày giáp tết, những người lao động lam lũ này mỗi người một cảnh tượng, người đứng, người ngồi, người nằm tạm bợ trên những chiếc xe cà tàng, người gục mặt tranh thủ ngủ… Nhìn những con người mang gương mặt mặt bơ phờ, hốc hác, xạm đen vị bụi đường cố gắng mưu sinh thật xót xa.
Đâu đó, không khí Tết đang ùa về khắp các phố phường Hà Thành, thì vẫn còn đó những phận người mưu sinh ở “chợ người” này vẫn nhếch nhác, co ro trong rét mướt cố nán lại thêm một ngày để mong có người đến mua sức lao động của mình.