Mô hình nuôi trồng độc nhất tại Kbang

Mô hình nuôi tôm càng xanh và trồng nhãn Hương Chi trái vụ được xem là “độc nhất” tại huyện Kbang. Mô hình này đã giúp cho gia đình ông Phạm Đình Thắng-tổ dân phố 8, thị trấn Kbang thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm…

Từ tôm càng xanh độc nhất

Gia đình ông Phạm Đình Thắng, quê ở Hưng Yên vào sinh sống tại huyện Kbang từ năm 1987. Những ngày đầu trên quê hương mới cuộc sống của gia đình ông gặp không ít khó khăn. Song cơ duyên đưa ông Thắng đến với con tôm càng xanh bắt đầu từ năm 2006, khi huyện Kbang có dự án đưa tôm càng xanh vào nuôi thử nghiệm. Khi gia đình ông và một hộ dân khác trên địa bàn huyện được đầu tư hỗ trợ con giống và được cán bộ kỹ thuật nuôi tôm càng xanh hướng dẫn quản lý ao, thức ăn chăm sóc con tôm…, ông Thắng thử vào cuộc. Ban đầu còn bỡ ngỡ trước con tôm, nên những năm đầu nuôi thử nghiệm chưa mang lại hiệu quả kinh tế, tỷ lệ tôm sống thấp và đầu ra gặp nhiều khó khăn, một số hộ bỏ cuộc. Và cuối cùng chỉ có gia đình ông Thắng còn nuôi được tôm càng xanh trên đất Kbang sau khi dự án kết thúc.

Những cây nhãn trái vụ của gia đình ông Thắng. Ảnh: L.N

Nhận thấy đây là loại thủy sản có giá trị kinh tế cao, có thể giúp gia đình thoát được khó khăn, ông Thắng cố gắng tìm tòi, đọc nhiều sách-báo hướng dẫn nuôi tôm và lặn lội vào tận các tỉnh Bến Tre, Cần Thơ để tham quan, học hỏi kinh nghiệm và kỹ thuật nuôi tôm. Sau những chuyến đi thực tế, ông Thắng tiếp tục đầu tư mở rộng diện tích nuôi trồng từ 1 ao lên 4 ao với hơn 3.000 m2. Ông Thắng cho biết: “Những năm đầu tỷ lệ tôm sống không cao, trong khi đó chi phí đầu tư lớn nên lãi không được là bao, có vụ chỉ hòa vốn. Năm 2007, tôi lại tiếp tục vào Cần Thơ, Bến Tre để tìm hiểu kỹ thuật và đặt mua con giống. Gia đình quyết định đầu tư hơn 60 triệu đồng để mua máy sục khí ôzôn làm sạch khuẩn trong nước và tăng ôxi cho ao. Từ đó việc nuôi tôm trở nên đơn giản và thuận lợi hơn”.

Theo tìm hiểu, tôm càng xanh là loại thủy sản dễ nuôi, chỉ cần nước sạch, thoáng khí. Vùng có nhiệt độ cao từ 26oC đến 32oC như Kbang, tôm phát triển rất nhanh. Hiện nay, khâu tiêu thụ sản phẩm của ông Thắng đã đi vào ổn định, thu hoạch đến đâu tiêu thụ hết đến đấy. Hiện tôm càng xanh của gia đình ông thường cung cấp cho các nhà hàng, khách sạn tại thị xã An Khê, TP. Pleiku… Với 4 ao tôm, chi phí mua gần 50.000 con tôm giống khoảng hơn 30 triệu đồng, cộng thêm chi phí thức ăn, công chăm sóc khoảng 50 triệu đồng, sau 6-8 tháng, tôm càng xanh có thể cho thu hoạch đại trà. Giá tôm trên thị trường hiện nay đang dao động trên 300.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, gia đình ông Thắng thu lãi từ 40 triệu đồng đến 50 triệu đồng cho mỗi vụ tôm.

Đến… “bắt” nhãn ra trái vụ

Ông Thắng vốn là người năng động, dám nghĩ, dám làm, là người thường tiên phong thực hiện những mô hình mới. Ngoài việc nuôi tôm càng xanh, gia đình ông Thắng còn trồng nhãn Hương Chi trên đất đồi. Tận dụng lợi thế gia đình có diện tích đất sản xuất lớn, trong đó chủ yếu là đất đồi, ông Thắng bàn với vợ thực hiện mô hình trồng thử nghiệm giống nhãn Hương Chi được lấy từ tỉnh Hưng Yên về. Sau 3 năm, nhãn bắt đầu cho bói và thu hoạch gần 1 tấn quả. Thấy giống nhãn Hương Chi quả to, cùi giòn, ăn thơm ngon và đặc biệt rất thích hợp với điều kiện thổ nhưỡng ở Kbang ông tiếp tục mở rộng diện tích. Hiện gia đình ông trồng được hơn 200 gốc nhãn Hương Chi.

Tuy nhiên, do ở tỉnh ta không phải là “quê hương” của nhãn nên khi vào vụ, sản phẩm nhãn Hương Chi của gia đình ông khó cạnh tranh được với một lượng lớn nhãn được nhập về từ nhiều nơi, nên giá bán thấp, tiêu thụ khó… Do đó, làm sao để có thể tiêu thụ sản phẩm, nâng cao giá trị của nhãn ông đã tìm tòi, học hỏi từ nhiều nơi và đã “bắt” cây nhãn Hương Chi của gia đình ra quả trái vụ. Ông Thắng tâm sự: “Xuất phát từ ý tưởng, nếu trồng nhãn mà cho thu hoạch chính vụ thì việc tiêu thụ sản phẩm sẽ gặp khó khăn bởi thị trường nhãn được vận chuyển từ các tỉnh phía Bắc vào rất nhiều, khó cạnh tranh, giá sản phẩm thấp... tôi đã tìm tòi, nghiên cứu và học hỏi kinh nghiệm ép cây ra hoa theo ý muốn của một số nhà vườn tại các tỉnh miền Tây về áp dụng cho nhãn của gia đình ra quả trái vụ”.

Cuối cùng trời cũng không phụ công người, hiện hơn 200 gốc nhãn Hương Chi của gia đình ông đã ra quả trái vụ, thường thu hoạch từ tháng 11 năm trước đến tháng 3 năm sau, năng suất đạt cao từ 50 kg đến 200 kg/gốc nhãn. Nhãn ra quả trái vụ đã giúp việc tiêu thụ sản phẩm của gia đình ông dễ dàng hơn. Đồng thời còn bán được với giá cao hơn từ 10.000 đồng đến 15.000 đồng so với nhãn chính vụ. Hàng năm sau khi trừ chi phí đầu tư phân bón, công chăm sóc, gia đình ông thu lãi được hơn 60 triệu đồng. Không chỉ tiêu thụ nhãn tươi thuận lợi, khi có người đặt hàng cung cấp cây giống, gia đình ông Thắng còn chiết cành nhãn bán cho các hộ dân địa phương với giá từ 10.000 đồng đến 15.000 đồng/cành.

Với việc dám nghĩ, dám làm, mạnh dạn đầu tư và đưa vào nuôi trồng thử nghiệm những mô hình mới, bước đầu đã giúp cho gia đình ông thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm, góp phần phát triển kinh tế gia đình ổn định, vươn lên làm giàu.