Maori - nghệ thuật xăm bằng búa và đục
Thứ hai, 28/10/2013 10:19

Đến thời điểm này, nghệ thuật xăm Maori vẫn tồn tại và phát triển để con người có thể trải nghiệm bản thân và chứng tỏ nội lực bằng nỗi đau có một không hai.

Nghệ thuật xăm Maori được cho là sáng tạo bởi người Maori ở New Zealand

Nghệ thuật xăm Maori được cho là sáng tạo bởi người Maori ở New Zealand

Trong năm 1769, thuyền trưởng James Cook và nhà tự nhiên học Joseph Banks nhìn thấy những hình xăm phức tạp của các bộ lạc Maori này trong chuyến thám hiểm của họ đến Nam Thái Bình Dương. Vì nghệ thuật xăm Maori không được lưu giữ dưới hình thức văn bản nên thời gian chính xác ra đời chưa thể xác định. Tuy nhiên, đến thời điểm này, nghệ thuật xăm Maori vẫn tồn tại và phát triển để con người có thể trải nghiệm bản thân và chứng tỏ nội lực bằng nỗi đau có một không hai.

Nghệ thuật trải nghiệm nỗi đau

Xăm Maori không liên quan gì đến việc sử dụng kim tiêm. Thay vào đó, người Maori sử dụng dao và đục làm từ răng cá mập, xương mài nhọn, hoặc đá nhọn. Cái đục, được gọi là UHI, được làm từ xương chim hải âu, một số cái đục khác còn được làm bằng sắt. Dao và đục phẳng, mịn, hoặc có khi là răng cưa, chúng được sử dụng thay thế cho nhau tùy thuộc vào mô hình để xăm.

Để có được một hình xăm Maori thì phải chấp nhận sự đau đớn, vì nó được thực hiện bằng những vết cắt sâu vào da. Cái đục được nhúng vào các thuốc nhuộm và khoan vào các vết cắt. Có khi người ta còn ngâm cái đục vào bình thuốc nhuộm và chèn nó vào trong da bằng cách đập vào chuôi búa. Cách xăm hình này để lại trên làn da những cái rãnh sau khi vết thương lành lặn thay vì bề mặt nhẵn thường được tìm thấy trong các hình xăm bằng kim.

Dù rất đau nhưng ca sĩ Rihanna vẫn cười

Xăm hình Maori là một quá trình thực hiện tập trung và lâu dài. Bởi vì nó rất đau đớn, chỉ có một vài bộ phận của cơ thể được xăm cùng một thời gian cho phép. Có hai thiết kế cho những hình xăm Maori: Thiết kế bình thường chỉ liên quan đến việc làm đen của đường nét. Thứ hai là cách làm đen bề mặt da và tạo ra những rãnh trên da - điều này được gọi là puhoro. Xăm Maori thường được thực hiện trong suốt mùa đông.

Các loại mực sử dụng để làm một hình xăm Maori được làm từ các sản phẩm tự nhiên. Gỗ cháy để tạo ra màu đen, trong khi các màu nhạt hơn được tạo ra từ sâu bướm bị nhiễm một loại nấm, hoặc kẹo cao su Kauri cháy trộn với mỡ động vật. Các màu mực được lưu trữ trong các thùng chứa trang trí công phu được gọi là Oko, trở thành vật gia truyền của gia đình. Oko thường được chôn khi không sử dụng.

Màu đen được làm từ gỗ cháy dành riêng cho các hình xăm trên khuôn mặt, trong khi những loại làm từ sâu bướm hoặc kẹo cao su Kauri bị cháy được sử dụng để phác thảo và dùng xăm những phần kém quan trọng khác. Trước khi bắt đầu, các nghệ nhân xăm sẽ nghiên cứu cấu trúc khuôn mặt của người đó để quyết định mẫu thiết kế hấp dẫn nhất.

Do tính chất thiêng liêng của nghệ thuật xăm Maori nên những người trải qua quá trình này, và những người tham gia trong quá trình xăm, không thể dùng tay để bốc đồ ăn hoặc nói chuyện với bất cứ ai ngoài những người được xăm. Những người thực hiện hình xăm dù đau cũng không được khóc, vì khóc là dấu hiệu của sự hèn nhát.Vì vậy, khả năng chịu được nỗi đau cũng là niềm tự hào của người Maori.

Hình xăm Maori trên mặt

Đặc biệt, khi thực hiện nghi thức xăm hình trên mặt, những người tham gia thường bị yêu cầu tiết chế quan hệ tình dục và kiêng thức ăn đặc. Để đáp ứng các yêu cầu này, người xăm trên khuôn mặt được cho ăn bằng một cái phễu bằng gỗ để ngăn chặn thức ăn dính vào vết xăm gây nhiễm trùng. Người xăm hình trên mặt được cho ăn theo cách này đến khi tất cả các vết thương trên khuôn mặt được chữa lành.

Khi xăm, khuôn mặt sẽ chảy máu và sưng tấy lên, người ta dùng lá cây Karaka như nhũ hương để đẩy nhanh quá trình chữa bệnh. Trong suốt quá trình xăm thường đi kèm với âm nhạc, ca hát, và tụng kinh để giúp làm dịu cơn đau. Đàn ông thường được xăm khắp mặt, còn phụ nữ chỉ xăm cằm, môi, và lỗ mũi. Một số người Maori cũng xăm bộ phận khác của cơ thể của họ như lưng, mông và chân… Xăm Maori trên mặt không chỉ được xem như một dấu hiệu về đẳng cấp, mà còn được sử dụng như một loại thẻ căn cước. Đối với nam giới, hình xăm khuôn mặt của họ cho thấy thành tích của họ, vị trí, tổ tiên và tình trạng hôn nhân. Và sẽ không bao giờ có hai mẫu hình xăm giống nhau. Các chi tiết của hình xăm rất phức tạp. Nó thường hiển thị các nghề thủ công và nghệ thuật của nền văn hóa Maori. Đối với người Maori, xăm hình là một nghi thức truyền thống, nghi thức được đánh giá cao. Maori xăm mình thường sẽ bắt đầu ở tuổi vị thành niên, và sẽ được tiếp tục thực hiện để kỷ niệm sự kiện quan trọng trong suốt cuộc đời của một người.

Truyền thuyết và hiện đại

Theo truyền thuyết địa phương, nguồn gốc hình xăm Maori xuất phát từ âm phủ, được gọi là Uetonga. Có một chiến binh trẻ tên là Mataora đã đem lòng yêu công chúa của âm phủ - được gọi là Niwareka và kết hôn với nàng. Tuy nhiên, sau một thời gian chung sống, Mataora ngược đãi Niwareka, khiến cô bỏ về thế giới của mìmh. Sau đó, Mataora phát bệnh vì cảm giác tội lỗi, nên đi xuống âm phủ để tìm Niwareka, nhưng chỉ được người thân của Niwareka chào đón bằng những nụ cười khinh miệt vì bề ngoài rách rưới và nhoè nhoẹt sơn trên mặt của anh ta.

Mataora xin lỗi trước gia đình Niwareka, hành động này đã giành Niwareka trở lại. Trước khi trở lại mặt đất, cha Niwareka, nhà vua ở âm phủ, dạy Mataora nghệ thuật xăm Maori. Mataora mang kỹ năng xăm này về trần gian để dạy cho cư dân ở đây.

Tay của Rihanna sau khi thực hiện xăm Maori

Ý kiến khác cho rằng nghệ thuật xăm Maori xuất phát từ người Maori xưa, lấy cảm hứng từ các loại hình nghệ thuật cơ thể của người Polynesia, trước khi nhà thám hiểm Cook đặt chân đến New Zealand và trở thành một phần của nền văn hóa Maori. Kể từ khi người Maori xem đầu là một phần thiêng liêng nhất của cơ thể thì phổ biến nhất của nghệ thuật xăm Maori là hình xăm trên khuôn mặt, trong đó gồm có hình dạng cong và mô hình xoắn ốc. Nó thường bao phủ toàn bộ khuôn mặt, và là một biểu tượng của đẳng cấp, quyền lực địa vị xã hội, và uy tín. Nghệ thuật này được coi là linh thiêng, và tiếp tục được tôn kính cao.

Ngoài ra, người Maori thường lấy hình xăm đầu của kẻ thù như là chiến lợi phẩm trong chiến tranh, và giữ chúng trong hộp nghi lễ trang trí công phu như là biểu tượng của quyền lực, chinh phục và bảo vệ. Sau này, các thương nhân đã bán những cái đầu khắc này cho viện bảo tàng hoặc các nhà sưu tầm tư nhân ở khu vực châu Âu. Một trong những nhà sưu tầm đầu lâu có hình xăm là thiếu tướng Horaio Robley người đã sở hữu khoảng 35 đầu có hình xăm. Và 30 trong số 35 đầu trong bộ sưu tập được tìm thấy ở Bảo tàng lịch sử tự nhiên New York. Ông cũng xuất bản một cuốn sách về nghệ thuật hình xăm Maori.

Ngày nay, những công cụ xăm Maori không còn được áp dụng nhiều, nhưng khá giống với những hình thức xăm khác. Người ta sử dụng máy xăm thay vì cái đục xuyên qua da, mực xăm hữu cơ thay vì loại mực tự chế truyền thống. Có một số người đam mê xăm Maori hiện đại nhưng có nhiều người cũng muốn trải qua cảm giác đau đớn tượng trưng cho sự tôn trọng sâu sắc về nghệ thuật và tinh thần của bản thân. Netana, một nghệ nhân đã thực hiện xăm Maori cho hàng trăm người trên thế giới, nói: "Nó giống như quá trình sinh nở, mà sự đau đớn là một phần của nó, mọi người muốn xăm Maori cần phải cẩn thận về việc thu thập những mẫu thiết kế mà không cần hiểu họ sẽ chịu đựng nó đau đớn thế nào. Điều quan trọng khi làm việc với  nghệ nhân xăm Maori, người có thể truyền đạt kiến ​​thức của họ, và hai bên sẽ cùng thảo luận về các giá trị vốn có trong những biểu tượng trước khi thực hiện xăm” – Ông chia sẻ thêm.

Đầu tháng 9/2013 vừa qua trong chuyến lưu diễn của mình tại New Zealand, nữ ca sĩ 25 tuổi Rihanna quyết định lưu dấu ấn của mình với đất nước này bằng cách thực hiện hình xăm Maori theo kiểu truyền thống trên tay phải của mình. Hình xăm của cô được thực hiện bằng một cái đục và một cái búa. Cô tự lau máu trên cánh tay sưng phồng để hai nghệ nhân tiếp tục thiết kế thực hiện hình xăm trên cánh tay của mình.

 

Thanh Mai

Clip đang được xem nhiều nhất: Mẹ bị tố dàn dựng chụp ảnh con ngoài cổng trường: “Tôi sai nhưng mọi người cần hiểu vấn đề”

Tag: Nghệ thuật xăm Maori , Hình xăm , Xăm nghệ thuật , New Zealand , Maori