Phát triển như nấm mọc sau mưa kể từ khi Liên bang Xô viết sụp đổ, mafia Nga nhanh chóng thể hiện bản lĩnh và vị thế của mình trên trường quốc tế. Vươn ra khỏi nước Nga và các quốc gia thuộc Liên Xô cũ, mafia Nga nhanh chóng thích nghi, bén rễ và phát triển mạnh mẽ ở châu Âu, châu Á, và lan sang cả châu Mỹ rộng lớn.
Tuy không tàn ác như mafia Mexico, không manh động bằng mafia Italy và cũng không đông đảo như mafia Nhật nhưng các băng đảng xã hội đen Nga hội tụ đầy đủ các yếu tố để vượt trội hơn hẳn so với những tổ chức tội phạm khổng lồ khác. Tính tới thời điểm hiện tại, mafia Nga có khoảng 300.000 tên, thuộc mọi tầng lớp trong xã hội từ đầu đường xó chợ tới các thương gia giàu có.
Tuy nhúng bàn tay tội phạm vào mọi lĩnh vực của đời sống nhưng mafia Nga nổi tiếng với những hoạt động kinh tế, buôn ma túy, buôn người và kinh doanh mại dâm, buôn vũ khí số lượng lớn hay thậm chí là buôn nguyên liệu dùng để sản xuất vũ khí hạt nhân tới bất kể quốc gia nào trên thế giới.
Sở dĩ, mafia Nga có cơ hội bùng phát bởi những suy thoái trong đời sống nước Nga. Sau khi Liên Xô tan rã, số lượng lớn vũ khí của quân đội bị thất thoát và lọt vào tay các tổ chức xã hội đen. Ngay lập tức, mafia Nga nắm lấy cơ hội này để kiếm về những khoản tiền không nhỏ. Khi thu được những khoản lợi nhuận khổng lồ, tổ chức này dùng một phần trong số đó để mua chuộc các quan chức thoái hóa biến chất trong chính phủ Nga và các nước thuộc Liên Xô cũ để duy trì việc làm ăn phi pháp, đồng thời thâm nhập sâu hơn vào kinh tế các nước này.
Theo số liệu được một tờ báo của Anh tổng hợp năm 2010, mafia Nga đang kiểm soát hàng chục phần trăm trong nền kinh tế Nga, đứng đằng sau ngành công nghiệp mại dâm phi pháp ở Macau, Trung Quốc và Đức. Thậm chí, mafia Nga còn chỉ huy toàn bộ mạng lưới buôn bán ma túy ở Tajikistan và Uzbekistan, thu những khoản lời lớn từ việc rửa tiền ở các quốc gia châu Âu.
Với hơn 300.000 thành viên tại hơn 50 quốc gia, mafia Nga đang ngày càng "vững ngôi vương".
Trên thực tế, thị trường tiềm năng nhất của mafia Nga chính là các nước châu Phi luôn chìm trong nội chiến và loạn lạc. Một trong những kẻ nổi tiếng nhất của mafia Nga chính là “lái buôn thần chết” Viktor Bout. Tháng tư vừa qua, y bị tòa án Mỹ kết án 25 năm tù về tội tiếp tay cho các phần tử khủng bố giết hại người Mỹ. Tuy nhiên, Viktor Bout chưa bao giờ có ý định giết hại người Mỹ, y chỉ thực hiện các phi vụ buôn lậu vũ khí khổng lồ mà không cần biết người mua là ai và mua vũ khí để làm gì. Biệt danh “lái buôn thần chết” được gắn cho Bout bởi y gián tiếp gây ra cái chết của hàng triệu người trên khắp châu Phi vì bán vũ khí cho lực lượng nổi dậy.
Không dừng lại ở đó, mafia Nga còn buôn bán tất cả các loại khí tài quân sự mà khách hàng của mình có nhu cầu. Từ súng bộ binh, vũ khí cá nhân tới xe tăng, tên lửa, máy bay chiến đấu, máy bay vận tải… hay thậm chí là nguyên liệu để sản xuất vũ khí hạt nhân. Với lượng chân rết khổng lồ đang làm mưa làm gió ở hơn 50 quốc gia trong đó có Mỹ, Anh, Australia…, mafia Nga ngày càng vững chắc trên cương vị bá chủ toàn cầu.
Một yếu tố nữa giúp mafia Nga trở nên vô cùng khủng khiếp chính là sự máu lạnh của tổ chức này. Tuy không giết người dã man như mafia Mexico nhưng mafia Nga sẽ tiêu diệt bất cứ ai cản đường chúng. Cảnh sát, quan tòa, công tố viên hay nhà báo đều có thể bỏ mạng dưới họng súng của mafia Nga nếu trở thành vật cản của tổ chức này.
Nhìn theo một phương diện khác, trước đây, các bộ phim của Hollywood, kinh đô điện ảnh Mỹ đều nhắc đến mafia Italy hay mafia Nhật khi làm những bộ phim kinh điển về giới xã hội đen. Tuy nhiên, trong nhiều năm trở lại đây, nhân vật hắc ám trong kịch bản của các đạo diễn lừng danh nhất thế giới đều là mafia Nga hay có liên quan đến tổ chức này. Không chỉ là sự tình cờ, sự xuất hiện ngày một dày đặc của mafia Nga cho thấy sự bành trướng của tổ chức này trên mọi mặt của đời sống thế giới.
Nhận thức rõ những mối đe dọa từ mafia Nga, Cục điều tra Liên bang Mỹ (FBI) đã mở những phòng ban đặc biệt nhằm ngăn chặn sự lây lan của tổ chức xã hội đen này vào những năm đầu thập niên 90 của thế kỉ trước. Ban đầu, những phòng ban này chỉ xuất hiện ở thủ đô Washington D.C nhưng sau đó, các thành phố lớn của Mỹ đều phải thành lập các cơ quan chuyên trách nhằm chống lại sự bành chướng của mafia Nga. Tuy nhiên, những tổ chức này vẫn phát triển nhanh và mạnh mẽ, bất chấp nỗ lực của FBI và các nhà chức trách Mỹ.
Một khía cạnh khác cũng đáng lưu tâm khi nhắc đến mafia Nga là những ông trùm khét tiếng nhất thế giới. Không cần phải giấu mặt như bố già các tổ chức mafia khác, các ông trùm của mafia Nga ngang nhiên tiếp cận báo giới, thoải mái kể về đời tư mà không sợ bị các nhà chức trách sờ gáy hay bị kẻ thù ám sát. Nó cho thấy sự vững chắc của mafia Nga cũng như thế lực ngầm đằng sau những kẻ cầm đầu tổ chức tội phạm xuyên quốc gia đáng sợ nhất thế giới.