Trong căn phòng chỉ rộng hơn 15m2 của UBND xã Song Tử Tây, tiếng học sinh ê a tập đọc vang vọng xen lẫn với tiếng sóng biển dữ dội. Góc bảng trong lớp có ghi rõ bảng điểm danh: “Sĩ số 1, vắng 0”.
“Cõng” chữ ra khơi
Toàn xã Song Tử Tây chỉ có 7 học sinh nhưng lại được chia thành 5 khối lớp (từ lớp 1 đến lớp 5) nên có lớp chỉ 1 học sinh, lớp nhiều nhất chỉ 2 học sinh.
Đội ngũ giáo viên tham gia giảng dạy cho con em trên đảo chủ yếu là cán bộ xã kiêm nhiệm. Thầy Đoàn Quốc Thái, quê huyện Ninh Hòa (Khánh Hòa) tình nguyện công tác ở đảo Song Tử Tây từ 3 năm qua.
“Những ngày đầu đặt chân đến đảo, thấy nhiều trẻ đến tuổi đi học nhưng vẫn chưa biết chữ, với vốn kiến thức sẵn có của mình, chúng tôi đã quyết định thành lập lớp học đặc biệt xóa mù chữ cho học sinh trên đảo. Tuy nhiên, các em ở nhiều độ tuổi nên việc dạy để các em tiếp thu được là vấn đề khó khăn nhất đối với những ngày đầu” - thầy Thái bồi hồi nhớ lại.
Dù thiếu thốn về trang thiết bị và điều kiện dạy học so với đất liền, nhưng sĩ số học sinh ít nên giáo viên có thời gian kèm cặp, giảng bài cụ thể, chi tiết hơn. Thầy Thái nói: “Tôi khi thì dạy tập viết, tập đọc cho học sinh lớp 1, lúc dạy văn, dạy toán cho các em lớp 5 và phải soạn giáo án cho gần 10 môn học”.
Nhưng bù lại, các thầy lại được khích lệ, động viên bằng chính sự ngoan ngoãn, chăm chỉ học hành của các em. Hết lớp 5, học sinh khi chuyển vào bờ học tập đều không thua kém các bạn ở đất liền. Đó là động lực để những người thầy giáo không chuyên phấn đấu và cố “gieo” mầm tương lai.
Thượng úy dạy tiếng Anh
Không những được học các môn cơ bản, lớp học đặc biệt này còn được học cả môn ngoại khoá là tiếng Anh. Cái đặc biệt bởi chữ quốc ngữ đến đảo đã khó khăn với các em lắm huống chi là tiếng nước ngoài.
Thượng úy Nguyễn Văn Tùng -bác sĩ Quân y Viện 108 công tác trên đảo Song Tử Tây từ tháng 5.2011. Khi ra đây, bác sĩ Tùng thấy các em chưa được trang bị ngoại ngữ và không có môn học này trong nội dung chương trình nên có ý tưởng dạy tiếng Anh cho các em và nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của gia đình cũng như cán bộ trên đảo.
“Những ngày đầu, khi tiếp xúc với tiếng Anh hầu hết các em đều thích thú nhưng cũng bỡ ngỡ vì cách phát âm có phần là lạ. Để chuyển tải kiến thức, tôi phải soạn bài giảng riêng gắn liền với hình ảnh biển đảo và cuộc sống thường nhật để các em dễ hình dung” - thầy Tùng nhớ lại.
Bên cạnh chiếc máy tính, các em học sinh xúm lại để tập đọc qua các hình vẽ ngộ nghĩnh hay trong chiếc đĩa phim hoạt hình dạy cách đọc tiếng Anh theo nhịp điệu nhạc.
Chia tay Trường Sa, hình ảnh các em học sinh chăm chú nghe giảng, tiếng sóng biển ầm ầm vỗ hòa cùng tiếng bi bô tập đọc khiến những ai đến đây không khỏi khâm phục vì sự chịu khó, hiếu học của các em. Và, chúng tôi tự hỏi, có bao nhiêu người như những thầy cô ở Trường Sa miệt mài ngày đêm bám trụ nơi đảo xa để đưa con chữ đến với con em nơi đây.