Long đong sách cổ Cầu Không

Xung quanh cuốn sách đồng cổ nhất Việt Nam nặng 7kg do 2 tấm đồng tạo thành 4 trang sách được phát hiện tại Hà Nam vốn tồn tại không ít những giai thoại. Bản hùng văn mang tên “Cầu Không từ ký” từ thời nhà Lê thế kỷ XV dần được hé lộ những bí mật.

“Khâm ban đồng bài”

Bản chụp sách “Cầu Không từ ký”

Vùng chiêm trũng Hà Nam là nơi ẩn giấu nhiều trầm tích văn hóa dân gian từ nghìn đời nay. Khảo cổ học đã phát hiện tại đây nhiều hiện vật có giá trị lịch sử to lớn như trống đồng Ngọc Lũ, mộ thuyền Yên Bắc, nhà sàn cổ Mộc Nam… và giờ đây là cuốn sách đồng cổ nặng nhất Việt Nam.

Tuy nhiên, không phải ai cũng biết số phận long đong của cuốn sách quý giá này từ khi ra đời cho đến nay. Theo sử sách ghi lại cũng như bản dịch từ cuốn này, thì đây là cuốn “Khâm ban đồng bài” hay còn gọi là “Cầu Không từ ký”, với tổng số 582 chữ Hán, hai trang ruột có 19 dòng đứng, dòng ít nhất có 1 chữ, dòng nhiều là 37 chữ, mỗi lá đồng khắc chữ Hán nổi áp lại với nhau tạo thành trang. Gáy sách được đóng bằng 4 khuyên tròn, ghi rõ ngày làm ra là 6-3 năm Hồng Đức thứ 3 (1472).

Theo một số sử sách còn ghi lại, cuốn sách được cất giữ tại đền Cầu Không, xã Bắc Lý (Lý Nhân - Hà Nam). Đó là một ngôi đền cổ nổi tiếng của tỉnh này tọa lạc ngay trên gian giữa của chiếc cầu gỗ dài 21 gian có mái lợp ngói mũi cổ kính.

Tuy nhiên đến năm 1952, do chiến tranh ác liệt ngôi đền bị đổ xuống sông, chấm dứt lịch sử 500 năm tồn tại. Đồng thời, cuốn sách đồng vốn là “linh hồn” của đền Cầu Không cũng mãi nằm dưới đáy sông, chấm dứt một giá trị lịch sử lâu đời của vùng đất thiêng dưới đáy bùn vùng châu thổ sông Hồng.

Sách cổ đang cất ở đâu?

Sau khi đền Cầu Không và cuốn sách đồng cổ rơi xuống dòng sông, ở Bắc Lý ai cũng tiếc cho một “nhân chứng” lịch sử. Tuy nhiên, thời buổi loạn lạc, quân Pháp chiếm đóng khắp nơi nên dù có thương tiếc sách cổ nhưng không cách nào tìm lại được.

Theo các cao niên ở thôn Văn An thì sau đó khá lâu, một số người trong thôn bí mật lặn ngụp dưới dòng sông mặc cho nước chảy xiết để dò tìm cuốn sách. Tuy nhiên, để tìm được cuốn sách ấy dưới đáy bùn không khác nào chuyện mò kim đáy biển và phải sau rất nhiều đêm kiên trì dò tìm mới đưa cuốn sách quý ấy lên được bờ.

Cuốn sách sau đó lại bị lưu lạc trong dân, mãi sau đó mới được đưa về Viện Hán Nôm. Đến khoảng năm 60 của thế kỷ trước, các cao niên của thôn Văn An cùng cán bộ Ty Thông tin Văn hóa tỉnh Hà Nam xin đưa về địa phương. Trong lần đưa cuốn sách cổ từ Viện Hán Nôm về, ông Nguyễn Văn Thùy là người có mặt trong đoàn và cũng là người “có duyên” gìn giữ cuốn sách từ đó đến nay.

Tuy nhiên, ông Thùy khẳng định do giá trị quá lớn của cuốn sách nên ông không dám cất giữ tại nhà mà để thờ tại một ngôi chùa ở xã Bắc Lý. Cuốn sách được cất giữ bí mật.

Ông Thùy cho hay, hàng năm vào ngày 6-3 (âm lịch) là ngày lễ tế thần Cầu Không thì cuốn sách mới được đưa ra để người dân chiêm ngưỡng. Ngay cả cán bộ địa phương và phóng viên có muốn xem thì cũng chỉ ngắm qua… ảnh, vì đó là lệ làng.

Lịch sử vẫn bị vùi lấp

Theo bản dịch của Viện Hán Nôm, “Cầu Không từ ký” chẳng những là sử liệu hành trang của Vua Lê Thánh Tông mà còn là bản hùng văn ghi chiến tích bình quân Chiêm Thành của ông cha. Cuốn sách có đoạn: “Vào ngày 6 tháng 11 năm Canh Dần (1470), Trẫm dẫn đại quân tiến đánh tiễu trừ Chiêm Thành. Đến ngày 8 thuyền rồng của Trẫm mới dừng lại ở cửa sông Long Xuyên thuộc địa phận huyện Nam Sang. Đêm ấy Trẫm mộng thấy một vị tướng tay cầm cờ vàng, hai chân trần, một chân bên tả, một chân bên hữu ngạn sông xin được theo để hỗ trợ uy vũ cho tới khi biển lặng sông yên mới vui.

Theo ông Thùy, dù “Cầu Không từ ký” có đôi chút huyễn hoặc, song thực sự là một tư liệu quý giá về cuộc chiến với Chiêm Thành và cả sự nghiệp an quốc nơi biên viễn phương Nam của Đại Việt.

Ông Thùy còn cho hay: “Không chỉ là một cuốn sử ngắn gọn chính xác từ thời vua Lê, cuốn sách cổ còn mang sắc thái huyền bí, tính tín ngưỡng nên không chỉ có giá trị lịch sử mà còn là di tích lưu giữ văn hóa của ông cha.

Đã ở cái tuổi gần đất xa trời nên ông Thùy không khỏi lo lắng cho số phận cuốn sách đồng cổ quý giá này. Ông bức xúc, chính quyền địa phương chưa coi trọng lịch sử nên việc xây dựng lại đền Cầu Không để lưu giữ lịch sử đang đi vào bế tắc, dân cứ chờ dài cổ nhưng chưa mấy ai quan tâm.

“Cầu Không từ ký” là cuốn sách đồng cổ rất quý giá của lịch sử Việt Nam nói chung và địa phương xã Bắc Lý nói riêng. Chúng tôi đang nhờ các cơ quan chức năng cung cấp tư liệu gốc liên quan đến cuốn sách cổ này. Có tư liệu gốc thì chúng tôi mới có phương án bảo tồn. Địa phương thì nghèo mà phòng Văn hóa chưa có tư liệu rõ ràng nên việc bảo tồn cũng khó” - Ông Ngô Xuân Quang - Phó Chủ tịch UBND huyện Lý Nhân cho biết.