Lỗi đáng trách của mẹ làm suy giảm hệ miễn dịch ở trẻ
Thứ năm, 26/02/2015 14:03

Chính sự bất cẩn và thiếu hiểu biết của mẹ khiến hệ miễn dịch của trẻ bị suy giảm, từ đó bé dễ bị các vi khuẩn gây bệnh tấn công.

Hệ miễn dịch đối với trẻ là rất quan trọng, nó  giúp bé chống lại bệnh tật để có một sức khỏe tốt hơn. Tuy nhiên nếu cha mẹ vô ý sẽ làm cho hệ miễn dịch suy giảm khiến trẻ dễ mắc bệnh hơn, vì vậy cha mẹ cần lưu ý. Đặc biệt trong dịp Tết sắp đến này, các mẹ cần phải đặc biệt cẩn thận để bé vui vẻ và khỏe mạnh chào đón năm mớ.

Dưới đây là một số nguyên nhân làm suy giảm hệ miễn dịch của trẻ các mẹ nên biết

1. Ép trẻ ăn quá nhiều

Một số bậc phụ huynh quan niệm rằng “mùa đông chóng đói”, lo sợ con đói hoặc ăn không đủ chất nên ép con ăn nhiều hơn. Đặc biệt là ban đêm, nhiều cha mẹ sợ con quấy khóc vì đói nên thường cho con ăn trước khi ngủ. Chính việc ép con ăn quá nhiều, thức ăn chưa được tiêu hóa hết có thể sinh nhiệt, dẫn đến rối loạn tiêu hóa, làm giảm khả năng miễn dịch của trẻ.

2. Vệ sinh cơ thể trẻ qua loa hoặc quá sạch

Thời tiết lạnh, cơ thể của trẻ vốn chưa kịp thích nghi với môi trường, thân nhiệt chưa ổn định, dễ bị vi khuẩn xâm nhập… Việc lơ là trong việc giữ vệ sinh sẽ tạo điều kiện để các loại vi khuẩn tấn công cơ thể, dẫn đến hệ miễn dịch của trẻ suy yếu, trẻ sẽ dễ mắc các bệnh liên quan đến hô hấp và tiêu hóa.


Việc lơ là trong việc giữ vệ sinh sẽ tạo điều kiện để các loại vi khuẩn tấn công cơ thể, dẫn đến hệ
miễn dịch của trẻ suy yếu (Ảnh minh họa)

Vệ sinh sạch sẽ là cần thiết, tuy nhiên không cần đến mức quá sạch sẽ. Vì khi con được bao bọc trong môi trường quá sạch sẽ thì khi tiếp xúc với môi trường dù chỉ có một chút xíu bẩn thì trẻ sẽ không tự thích nghi và sẽ dễ mắc bệnh hơn nhiều.

3. Hạn chế sự vận động của trẻ

Mùa đông, thời tiết lạnh giá, các bậc cha mẹ phần vì ngại, vì sợ con bị lạnh nên giam lỏng con trong nhà, khiến cho trẻ bị giới hạn hoạt động thể chất. Tuy nhiên việc làm này của cha mẹ không những không bảo vệ được trẻ khỏi các vi khuẩn gây bệnh mà còn gây hại đến hệ miễn dịch của trẻ. Cha mẹ nên biết rằng đối với các em bé đang trong giai đoạn tăng trưởng, vận động là biện pháp hữu hiệu, cần thiết giúp trẻ tăng sức đề kháng. Nếu cơ thể ít vận động, tập thể dục quá ít, ngoài việc làm giảm khả năng vận động của trẻ mà còn làm giảm khả năng miễn dịch, đồng thời khả năng chịu lạnh ở trẻ cũng kém.

4. Lạm dụng thuốc kháng sinh

Mỗi khi trẻ bị ốm, cảm cúm cảm lạnh, mẹ cho con uống thuốc kháng sinh không phải là một ý tưởng tốt. Tiến sĩ Howard Bauchner, một giáo sư nhi khoa và y tế công cộng tại Đại học Y khoa Boston, Mỹ, cho biết: "Thuốc kháng sinh chỉ điều trị các bệnh do vi khuẩn, nhưng bệnh thường gặp nhất ở trẻ em đều do tác nhân là virus".

Các mẹ nên biết rằng lạm dụng kháng sinh sẽ diệt các vi khuẩn trong cơ thể nhưng nó lại diệt cả những vi khuẩn có lợi. Sự hiện diện của những vi khuẩn có lợi này có thể ức chế sự sinh sản của vi khuẩn, đóng một vai trò trong việc phòng chống dịch bệnh. Nếu những vi khuẩn có lợi này chết, khả năng phòng thủ của cơ thể sẽ giảm xuống.

Thay vì cho con uống kháng sinh ngay khi mới chớm bệnh, mẹ nên để cơ thể bé tự kiểm soát căn bệnh trong tình trạng hợp lý. Lạm dụng kháng sinh là tương đương với việc tước đoạt cơ hội tự tăng cường miễn dịch của cơ thể bé.  

5. Để trẻ ngủ không đủ giấc

Thiếu ngủ cũng là một trong các nguyên nhân làm suy giảm hệ miễn dịch của trẻ. . Những kết quả nghiên cứu ở người trưởng thành cho thấy, sự thiếu ngủ có thể khiến cơ thể dễ mắc bệnh hơn do sự suy giảm khả năng tự vệ của hệ miễn dịch trước sự tấn công của vi khuẩn và những tế bào ung thư, làm cho lượng các tế bào ung thư bị tiêu diệt một cách tự nhiên giảm đi. Theo ý kiến của bác sĩ Kathi Kemper, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và giáo dục sức khỏe trẻ em thuộc Bệnh viện nhi Boston, Mỹ, vấn đề này cũng xảy ra tương tự trong cơ thể của trẻ em.


Thiếu ngủ cũng là một trong các nguyên nhân làm suy giảm hệ miễn dịch của trẻ (Ảnh minh họa)

6. Để trẻ hít phải quá nhiều khói thuốc lá

Chuyên gia Beverly Kingsley, làm việc tại Văn phòng nghiên cứu về thuốc lá và sức khỏe thuộc Trung tâm kiểm soát và ngăn ngừa bệnh tật ở Atlanta, Mỹ cho biết , “Khói thuốc lá chứa hơn 4.000 chất độc và phần lớn các loại chất độc này đều có thể gây kích ứng hoặc giết chết các tế bào trong cơ thể”, 

Trẻ em là những đối tượng dễ bị tác động bởi những ảnh hưởng nguy hiểm từ việc hít khói thuốc hơn so với người lớn vì nhịp thở của  bé nhanh hơn. Trong khi đó, hệ thống lọc thải chất độc tự nhiên trong cơ thể trẻ vẫn chưa hoàn thiện. Hít khói thuốc còn làm tăng nguy cơ mắc hội chứng đột tử ở trẻ, bệnh viêm phế quản, viêm tai và hen suyễn. 

7.  Cho trẻ ăn nhiều thực phẩm có hàm lượng đường và chất béo cao

Hấp thụ nhiều loại thức ăn có hàm lượng đường và chất béo cao sẽ làm suy giảm khả năng bảo vệ cơ thể khỏi các vi khuẩn có hại của hệ miễn dịch. Chỉ 75-100 gr đường được tiêu thụ sẽ làm giảm khả năng tấn công vi khuẩn của các tế bào bạch cầu.

8. Trẻ bị thừa cân, béo phì

Việc thừa cân sẽ khiến cho trẻ có nguy cơ mắc các bệnh như tiểu đường, ung thư hay các bệnh về tim mạch. Ngoài ra, những tế bào chất béo dư thừa sẽ ảnh hưởng không tốt lên hệ miễn dịch. Lượng tế bào chất béo dư thừa sẽ làm chậm quá trình đào thải các chất gây viêm có trong cơ thể, dẫn đến chứng viêm kinh niên.

9. Không cho trẻ uống đủ nước

Uống nước đầy đủ có tác dụng duy trì màng nhầy đường hô hấp, giữ ẩm, khiến cho các virus cảm lạnh gặp khó khăn trong việc sinh sản khi xâm nhập vào cơ thể và có thể tăng cường miễn dịch. Mỗi người được khuyến cáo nên cung cấp cho cơ thể 40ml/kg trọng lượng. Trẻ em cũng được khuyến khích uống nhiều nước hơn để tăng cường hệ miễn dịch. Cách để nhận biết cơ thể bé đang thiếu nước là mẹ hãy quan sát màu nước tiểu, nếu thấy nước tiểu của bé có màu vàng nhạt thì mẹ cần cấp thêm nước cho trẻ.

10. Mẹ để mũi trẻ bị khô

Các virus, vi khuẩn gây bệnh bị giữ lại và loại bỏ ra ngoài cơ thể nhờ các chất nhầy trong mũi. Do đó, vi khuẩn sẽ dễ dàng xâm nhập hơn khi mũi quá khô, nhất là trong những ngày lạnh. Do đó, để đảm bảo tốt sức khỏe cho bé, mẹ có thể rửa mũi cho trẻ bằng nước muối sinh lý hay dùng máy tạo hơi ẩm khi mũi khô. Trong trường hợp mũi trẻ khô mãn tính thì mẹ nên đưa bé đi gặp bác sĩ để xác định nguyên nhân và có phương pháp điều trị thích hợp.

Khampha.vn

Clip đang được xem nhiều nhất: Thêm clip bạo hành trẻ em gây phẫn nộ: Cha đẻ đánh đập dã man, tung chân đạp con gái nhỏ bay xa 2 mét!

Tag: cham con , day con , nuoi con , loi cham con , he mien dich cua tre , he mien dich o tre , cham con dung cach , cham con sai cach