Lây nhiễm chéo Covid-19 là gì, nguy hiểm thế nào?
Thứ bảy, 21/03/2020 10:29

Các nhà khoa học có uy tín đã đưa ra những thông tin để chúng ta hiểu rõ hơn về mức nguy hiểm của dịch bệnh Covid-19, nếu để xảy ra tình trạng lây nhiễm chéo sẽ gây ra những hậu quả đáng tiếc.

Lây nhiễm chéo và mức độ nguy hiểm của lây nhiễm chéo

PGS Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết, bệnh dịch do Covid-19 là bệnh truyền nhiễm nhóm A và lây truyền từ người sang người, do đó, kiểm soát nhiễm khuẩn luôn là nhiệm vụ hàng đầu để không xảy ra tình trạng lây nhiễm chéo.

“Lây nhiễm chéo là sự lây truyền virus gây bệnh từ người bệnh sang người bệnh, người bệnh sang thầy thuốc, giữa người bệnh, thầy thuốc lây ra cộng đồng”, PGS.TS. Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Phó trưởng Tiểu ban Điều trị Covid-19 nhấn mạnh.

lay nhiem cheo Covid-19-phunutoday

Trước sự nguy hiểm của tình trạng lây nhiễm chéo, đặc biệt là ở trong bệnh viện, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã phải đưa ra khuyến cáo: “Việc nhân viên y tế có thể tự bảo vệ mình để không bị lây bệnh là điều cực kỳ quan trọng trong các cơ sở chăm sóc sức khỏe. Lây nhiễm trong bệnh viện là mối lo ngại cho tất cả các quốc gia đang đối phó với Covid-19”.

Trong trường hợp nếu xảy ra lây nhiễm chéo trong bệnh viện thì sẽ rất nguy hiểm. Bởi nếu lây từ người bệnh sang người bệnh thì rất dễ diễn biến nặng, thậm chí tử vong, bởi một người phải nằm viện sức đề kháng vốn đã yếu, lại mắc sẵn bệnh lý thì đó là điều rất nguy hiểm.

Đối với nhân viên y tế và các lực lượng khác, khi bị lây nhiễm chéo điều mất mát đầu tiên đó chính là thiếu hụt nguồn nhân lực phòng và chữa bệnh. Hơn nữa, sau nhiều ngày căng mình chống dịch, sức khỏe các nhân viên y tế cũng giảm sút nên virus vào cơ thể rất dễ tấn công, gây ảnh hưởng đến tính mạng.

Phòng lây nhiễm chéo thế nào?

Để phòng lây nhiễm chéo Covid-19, ngành y tế đã tiến hành đồng bộ nhiều giải pháp từ cách ly, phân tuyến khám chữa bệnh, thu dung điều trị… Theo các chuyên gia y tế, nếu điều trị một lúc 100 người bệnh nhẹ, sẽ không bao giờ chăm sóc được tốt 10 người bệnh nặng. Chính vì vậy, cách ly và phân tuyến điều trị là vô cùng cần thiết. Thực tế, Việt Nam đang làm tốt việc này bằng cách các trường hợp nặng sẽ điều trị ở tuyến cơ sở, chỉ bệnh nhân nặng mới chuyển lên tuyến trung ương.

“Hiện phân tuyến điều trị bệnh nhân dương tính với Covid-19 ở Việt Nam hoàn toàn hợp lý, đúng với đặc tính của bệnh. Việc thu dung, điều trị, quản lý bệnh nhân nhiễm hay nghi nhiễm được thực hiện từ tuyến huyện, chỉ chuyển tuyến trên khi quá khả năng điều trị. Việc phân tuyến này nhằm phát hiện sớm, điều trị kịp thời, không để bệnh nhân tử vong hay lây nhiễm chéo trong bệnh viện”, PGS Khuê cho hay.

lay nhiem cheo Covid-19-phunutoday9

Không chỉ các cán bộ y tế, mà các lực lượng khác như tại các khu cách ly, bộ độ, công an, nhân viên cửa khẩu, hàng không…cũng cần phải được trang bị đầy đủ để tránh lây nhiễm chéo. Cách phòng bị hiệu quả nhất là mặc đồ bảo hộ, bảo đảm vệ sinh trước khi ra khỏi bệnh viện, nơi cách ly, nơi làm nhiệm vụ có nguy cơ lây nhiễm.

Còn về phía UBND thành phố Hà Nội, để phòng bệnh nói chung và lây nhiễm chéo Covid-19 nói riêng, ông Nguyễn Đức Chung cho rằng, tuyệt đối không để bệnh nhân cách ly tự di chuyển, phải vận chuyển bằng phương tiện y tế. Các cán bộ tiếp xúc với người bệnh phải đảm bảo an toàn, nếu không sẽ trở thành F1, các đội cơ động trực 24/7, có mặt bất cứ lúc nào người dân cần. Trong quá trình làm nhiệm vụ, việc đảm bảo sức khỏe bản thân và trang bị phòng hộ cũng đặc biệt phải quan tâm.

Giới y học có cách phát hiện virus nhanh chóng hơn

Chưa đầy nửa tháng kể từ khi xuất hiện các ca nhiễm đầu tiên, ngày 13-1-2020, ngành y tế đã chế tạo được bộ dụng cụ xét nghiệm nhanh xem một người có bị nhiễm virus hay không. Hiện đã có những thiết bị xét nghiệm mới chế tạo với thời gian cho ra kết quả nhanh hơn (30 phút) thay vì phải mất đến 6 tiếng như trước.

Virus SARS-CoV-2 có thể bị tiêu diệt trong vòng 1 phút bằng xà phòng thông thường, cồn y tế từ 70 độ trở lên, các chất diệt khuẩn và chất khử trùng như nước oxy già (hydrogen peroxide 0,5%) hoặc chất tẩy rửa thông dụng như nước javen (sodium hypochlorite 0,1%).

Khoevadep.com.vn

Nguồn: http://www.khoevadep.com.vn/lay-nhiem-cheo-covid-19-la-gi-nguy-hiem-the-nao-search/.. Nguồn: http://www.khoevadep.com.vn/lay-nhiem-cheo-covid-19-la-gi-nguy-hiem-the-nao-search/

Clip đang được xem nhiều nhất: Mẹ bị tố dàn dựng chụp ảnh con ngoài cổng trường: “Tôi sai nhưng mọi người cần hiểu vấn đề”

Tag: Lây nhiễm chéo , covid-19 , virus corona