Người dân Hùng Lô bao đời nay, từ đời này truyền sang đời khác đã biết chế biến hạt gạo thành những sợi mỳ, để làm một món ăn dân dã rất được ưa chuộng. Cái thủa mỳ còn được làm thủ công, tráng bằng tay trên bếp lửa, rồi dùng dao kéo cắt thành sợi hiện đã không còn, giờ đây mỳ được làm bằng máy để giảm thiểu sức lao động con người. Nhưng không vì thế mà chất lượng mỳ vốn nổi tiếng là sợi nhỏ, dẻo, dai, không bị trương nở đã trở thành truyền thống của Hùng Lô mất đi.
Dù máy móc có hiện đại bao nhiêu đi nữa, nhưng không thể thay thế hoàn toàn được con người. Để làm ra được những sợi mỳ hoàn hảo phải dựa vào những bí quyết của quy trình sản xuất. Tức là phải biết được thời gian ngâm gạo, làm bột, phơi mỳ hợp lý, đặc biệt là ở khâu ngâm gạo để sợi mỳ được dẻo dai. Rồi cả khâu phơi mỳ làm sao để sợi mỳ không bị ẩm và không quá giòn vì nắng. Bí quyết chính là mồ hôi, nước mắt của biết bao thế hệ để có thể đúc rút ra được kinh nghiệm và truyền đạt lại cho con cháu. Có thể với mỗi người, mỳ chỉ là một món ăn đơn thuần, nhưng với người Hùng Lô mỳ là món không thể thiếu vào mỗi dịp cúng giỗ ông bà, tổ tiên.
Đến với Hùng Lô ngày nay, chúng ta có thể bắt gặp một hình ảnh quen thuộc dễ nhận thấy nhất chính là những con đường làng, những sân đình... Đâu đó cũng thấy xuất hiện những cây sào treo đầy những sợi mỳ nhỏ, đang được tôi luyện dưới cái nắng, cái gió của đất trời để có thể trở thành những sợi mỳ tốt nhất trước khi được bán ra thị trường.
Nghề làm mỳ sợi giờ đây không chỉ là một nghề thoát nghèo, mà đã trở thành một nghề vươn lên làm giàu của người Hùng Lô. Làm giàu từ chính những hạt gạo, từ chính truyền thống lúa nước mà từ hàng ngàn năm trước Vua Hùng đã truyền dạy cho nhân dân. Đến với Hùng Lô, ta không chỉ được cảm nhận không khí thanh bình của một làng quê ven đô, mà còn thấy rõ sự đổi thay trên từng ngôi nhà, từng ngõ xóm. Nghề truyền thống đã làm đổi thay bộ mặt của làng xóm và đang dần đem lại cuộc sống ổn định cho người Hùng Lô. Như lời bộc bạch của anh Hùng, khu 7: “Ngày xưa làm mỳ nghèo lắm, vợ chồng anh đã chuyển sang đi làm thợ xây, nhưng thu nhập cũng không cao mà vô cùng vất vả, nghề đó lại không mang tính ổn định, anh chị đã quyết định chuyển về làm nghề mỳ. Giờ đây một tạ gạo trừ hao phí điện nước anh cũng được lãi 150.000đ, trung bình một ngày gia đình anh làm 3 tạ gạo, có thời điểm làm 5 tạ - 7 tạ. Làm mỳ vừa đem lại thu nhập ổn định, vừa sử dụng được lao động nhàn rỗi. Hai con của anh trước đây không có việc gì làm thường đi chơi điện tử, từ khi nhà làm mỳ đã ở nhà phụ giúp Bố mẹ rất nhiều”...
Giá cả phải chăng, phù hợp với tất cả người tiêu dùng, thị trường tiêu thụ mỳ của Hùng Lô ngày càng được mở rộng sang các tỉnh lân cận. Cùng với đó người dân Hùng Lô cũng đang cố gắng làm hết sức mình để xây dựng Hùng Lô thành một làng nghề truyền thống có thương hiệu và bản sắc văn hóa cũng như cảnh sắc thanh bình của một làng quê ven sông Lô, xứng đáng trở thành làng nghề tiêu biểu của vùng đất Tổ, của thành phố “Ngã ba sông”.