Lại chuyện sửa Quốc ca
Thứ sáu, 28/06/2013 08:13

Sau hơn 30 năm im lặng, chuyện sửa Quốc ca lại một lần nữa làm bận tâm những người dân Việt đúng vào lúc họ phải chèo chống để vượt qua vô số điều tồi tệ.

Lại chuyện sửa đổi Quốc ca (Ảnh minh họa)

Lại chuyện sửa đổi Quốc ca (Ảnh minh họa)

Mà điều tồi tệ này liên quan đến cơm áo. Có người nói việc đó nêu ra không đúng lúc. Tôi nghĩ khác: Việc nào nên là việc ấy và xin có mấy lời bàn nông cạn.

Mỗi chính thể đều có quốc ca mà nó lựa chọn. Điều đó cho thấy, trong vòng hai chục năm qua, thế giới luôn luôn có quốc gia phải sửa, thay hoặc làm mới quốc ca. Nghĩa là sửa, thay, làm lại quốc ca cũng là biệc bình thường. Mỗi quốc gia có mỗi cách làm riêng. Chẳng hạn như Liên Bang Nga, người ta giữ nguyên phần nhạc (quốc thiều) và thay một số lời mới cho phù hợp với những lựa chọn của nước Nga về mặt chính trị, đường lối phát triển đất nước. Một số nước trở lại với quốc ca cũ, một số nước thay hoàn toàn cả lời lẫn nhạc.

Vì thế xem ra sửa Quốc ca không phải là chuyện gì quá ghê gớm và bị chính trị hóa nặng nề như nhiều người đang nghĩ. Tất nhiên lại cũng phải nói ngay, Quốc ca là một biểu tượng bằng âm thanh mang tính thiêng liêng, của bất cứ quốc gia nào. Khi tiếng Quốc ca vang lên, người dân của đất nước đó thấy rạo rực, tự hào bằng một tình cảm lớn lao vượt ra khỏi bản thân họ. Còn gì lớn lao và thiêng liêng hơn tổ quốc! Quốc ca chính là “lời non sông” rõ ràng, có sức vang vọng nhất với mỗi công dân ngay từ khi họ còn là trẻ con, thúc giục họ lớn mau để xả thân, tận hiến cho xã tắc.

Không có bài hát nào làm được vai trò đó của Quốc ca, cho nên sửa nó phải hết sức thận trọng.

Khi viết Tiến quân ca, nghe nói Văn Cao không nhằm tới việc nó sẽ thành Quốc ca của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa và cho tới tận ngày nay. Nhưng nó đã được lựa chọn. Đó là số phận của bài hát, đồng thời cũng là số phận của dân tộc cứ phải trường chinh trong lửa đạn suốt nửa thế kỷ sau.

Tôi dám chắc rằng, nếu chọn bài hát khác làm Quốc ca, thì giờ đây bài hát đó cũng khiến mỗi công dân Việt Nam tự thấy trang nghiêm mỗi khi lời hát vang lên. Thói quen rất quan trọng trong việc làm thiêng hóa điều gì đó.

Chẳng hạn có lần tôi nghĩ, nếu những lời sau đây thành Quốc ca thì cũng rất đẹp cả về nhạc và lời:

“Vừng đông đã hửng sáng, núi non xanh ngàn trùng xa, Tổ quốc bao la hiền hòa, tươi thắm bóng cờ, vờn bay trên cao, muôn trái tim này hòa nhịp cùng ngàn lời ca trong sóng lúa, lấp lánh sao bay trên quân kỳ…”

Tôi nói ra suy nghĩ ấy với vài người, trong đó có những vị ở tít ngôi cao về văn hóa, họ đều gật gù tán đồng. Có người thậm chí còn thấy “bất ngờ” trước một mô tả bằng lời vừa hoành tráng, vừa đầy chất thơ về đất nước, mà lại rất “hòa bình”.

Nhưng “Đoàn quân Việt Minh đi, chung lòng cứu quốc, bước chân dồn vang trên đường gập ghềnh xa” đã thành một phần đời sống tinh thần của không chỉ tôi, mà hàng triệu người khác. Mỗi khi nghe giai điệu hào hùng, có thể nói là khá máu lửa ấy vang lên, lòng cứ tự nhiên muốn…ra sa tràng cho dù chả ai thích chiến tranh, chả ai muốn chết trên chiến địa! Nhưng tình cảm một thời ấy là có thật.

Giờ đây, ở tuổi tri  thiên mệnh, đôi khi tôi cũng giống nhiều người cứ mong đất nước mình không “đằng đằng sát khí” ngay từ trong lời Quốc ca. Chỉ có điều mong là một chuyện, còn nó có được đáp ứng hay không lại là chuyện khác.

Chuyện đất nước định sửa Quốc ca không phải là mới, nó đã được khởi xướng quy mô lớn từ nhiều chục năm trước.

Thậm chí hồi ấy từng có hẳn một dự án vào loại quan trọng để thay Quốc ca, thay hẳn, chứ không phải chỉ sửa. Dự án đó kéo dài nhiều năm, mang tính chất của một dự án chính trị, do những nhà văn hóa, nhạc sĩ hàng đầu đất nước được trao trọng trách tiến hành. Hàng chục, hàng trăm bài hát theo nhau ra đời. Nhiều bài trong số đó đã được giới thiệu với tần suất dày đặc trên làn sóng Đài tiếng nói Việt Nam, có lẽ để cho thính giả quen dần. Nhưng cuối cùng dự án thất bại vì không bài hát nào thay được Tiến quân ca về giai điệu. Mới biết, cố ý làm cái gì đó đều rất khó thành. Cuối cùng Tiến quân ca với những đoạn ca từ gai người: “Đường vinh quang xây xác quân thù” vẫn gắn bó với đất nước này, như một thứ tuyên ngôn về lẽ sống.

Xét cho cùng thì điều đó cũng chẳng sao, ngay cả khi mọi thứ đã đổi khác. Nước Pháp vẫn dùng bài La Marseillais làm Quốc ca, trong đó cũng có những câu “kinh hồn” như: “Hãy để cho dòng máu nhơ bẩn của kẻ thù tưới đẫm những luống cày của chúng ta!” Có sao đâu, mặc dù nước Pháp ngày nay tôn trọng những tiêu chuẩn châu Âu, không tử hình cả kẻ thù của dân tộc, nếu có kẻ nào thành ra như vậy.

Quốc ca của Hợp chúng quốc Hoa Kỳ cũng giữ nguyên từ năm 1831 đến nay. Nó có tên là Lá cờ ánh sao chói lọi. (Có khác gì Tiến quân ca? khi cùng thúc giục các chiến binh cảm tử cho tổ quốc). Phần nhạc do John Stafford Smith, nhạc sỹ người Anh sáng tác năm 1760, khi ông này mới có 10 tuổi. Oái oăm là ở chỗ, khi đó đế quốc Anh còn “cai trị” Tân thế giới. Sau khi nước Mỹ giành độc lập, người Anh tiếp tục tiến hành chiến tranh giành giật lãnh thổ với nước Mỹ vài bận, đáng nói nhất là cuộc chiến 1812, được coi là “Chiến tranh giành độc lập lần thứ hai" của Hoa Kỳ. Sau trận oanh kích dữ dội của quân Anh vào pháo đài McHenry trên chiến tuyến phòng thủ Baltimore bị thất bại, Francis Scott Key, một luật sư và nhà thơ nghiệp dư người Mỹ, đã lấy cảm hứng từ đó để viết ra phần lời bài hát, trong đó có đoạn sau:

“Giữa sa trường đầy gian lao

Vẫn tung bay cờ sọc sao

Lồng lộng gió trên chiến hào

Hồn non sông hiên ngang vẫy chào.

Đầy trời rền vang tiếng pháo

Tiếng bom gào như xé gió”

Điểm thú vị là Francis Scott Key đã sử dụng luôn phần nhạc do “kẻ thù” sáng tác cách đó hơn 50 năm. Nhưng không vì điều đó mà bài hát bị bài xích tại Hoa Kỳ. Ngược lại, nó được ưa thích và phổ biến đến nỗi, năm 1831, Quốc hội Hoa Kỳ đề nghị Tổng thống Herbert Hoover thông qua dự luật công nhận bài hát trên là Quốc ca chính thức của Hợp Chúng quốc.

Cũng có sao đâu nhỉ! Hoa Kỳ hầm nhừ hết để mọi thứ đến Mỹ là thành của họ và chẳng vì thế mà họ chạnh lòng khi mấy thế kỷ qua, không hề có một cảnh “Tiếng bom gào như xé gió” diễn ra trên đất Mỹ (trừ sự kiện khủng bố 11/9).

Trong trường hợp của Pháp và Hoa Kỳ vừa kể, Quốc ca còn là một phần của lịch sử. Lịch sử thì tự thân nó không có giá trị gì ngoài việc truyền lại thông tin. Nó chỉ có giá trị như bài học với các thế hệ sau.

Lịch sử “Tiến mau ra sa tràng” đã là một phần, thậm chí là phần quan trọng của các con Lạc-cháu Hồng trên mảnh đất hình chữ S. Thay đổi lịch sử là điều không thể, cho dù có đổi lại những lời mô tả. Nhưng thuộc lịch sử rồi suy ngẫm để thay đổi hiện tại, từ đó định hướng một tương lai vinh quang mà không phải đi trên con đường “xây xác quân thù”, thì luôn là điều trong tầm tay. Không hiếm những quốc gia suốt quá trình hình thành, phát triển cứ phải chấp nhận chiến tranh như nước ta. Nhưng khi họ lựa chọn hòa bình, lựa chọn những giá trị sống phổ quát, thì lại cũng là những quốc gia sớm tôn thờ các nền tảng nhân văn nhất thế giới. Nhân dân ở các quốc gia đó không chỉ yêu hòa bình, mà còn nổi tiếng là những người biết giữ gìn những gì thuộc về lịch của dân tộc họ. Bởi vì với họ, trên cái nền hiện tại, lịch sử trận mạc, với nào máu lửa, sắt thép, bom gào đạn thét, ước muốn được ăn gan kẻ thù…chỉ còn là phần ký ức, mọi người cần nhớ lấy để không phải lặp lại, hoặc không đưa đất nước trở lại con đường đau thương đó. Lịch sử vốn chỉ là cái đinh để hiện tại treo lên đó những bức tranh!

Cuối cùng thì vấn đề mấu chốt là thái độ lựa chọn của thế hệ hiện tại, những chủ nhân đương thời của đất nước, có đúng đắn, khôn ngoan hay không mà thôi.

Nếu nhìn nhận theo chiều hướng đó thì việc sửa hay không sửa Quốc ca đâu có gì quá quan trọng và không đáng phải làm cho nghiêm trọng.

Tạ Duy Anh

Clip đang được xem nhiều nhất: Những hình ảnh đầu tiên bên trong nơi diễn ra tang lễ của cố nghệ sĩ Chí Tài

Tag: Quốc ca , Sửa đổi Quốc ca , Quốc kỳ , Cơm áo , Tiến quân ca , Nhàn đàm