Nạn nhân trong vụ việc này là ông VH. Ông trình bày: Giữa tháng 1/2012, ông có đến Văn phòng Công chứng Đ. (huyện Hóc Môn, TP.HCM) để ký hợp đồng mua một căn nhà ở phường 15, quận Tân Bình của bà H. với giá 600 triệu đồng. Theo hồ sơ thì bà H. có giấy chủ quyền nhà do UBND quận Tân Bình cấp vào đầu tháng 3/2010 và văn phòng công chứng trên đã công chứng hợp đồng.
Giấy chủ quyền sai mẫu
Sau khi được công chứng xong thì ông VH tự phát hiện giấy chủ quyền nhà của bà H. không đúng mẫu theo quy định hiện hành. Cụ thể, tại tháng 3/2010 thì giấy chủ quyền phải được cấp theo Nghị định 88/2009 của Chính phủ với tên gọi là “Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất”. Thế mà giấy chủ quyền nhà của bà H. lại là mẫu giấy theo quy định cũ với tên gọi là “Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở”. Ông liền đến địa chỉ trên để kiểm tra thì thấy có hai căn nhà cùng mang số nằm kế nhau. Sinh nghi, ông H. mang toàn bộ hồ sơ nhà đến Phòng TN&MT quận để xác minh thì được biết đó là giấy chủ quyền giả! Ông VH đã nộp đơn tố giác bà H.
Cầm bản phôtô giấy chủ quyền do ông VH cung cấp, PV đã đến quận Tân Bình làm rõ vụ việc. Ông Phạm Phú Dũng, Chủ tịch UBND phường 15 (quận Tân Bình), cho biết: “Theo giấy này thì căn nhà của bà H. thuộc thửa đất 509 nhưng địa phương không có hồ sơ”.
Ông Nguyễn Văn Thuyết, Giám đốc Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất quận Tân Bình, cung cấp thông tin: “Căn nhà nêu trên của H. không có hồ sơ gốc tại văn phòng. Hơn nữa, vào thời điểm tháng 3/2010, mẫu giấy chủ quyền của bà H. không còn được cấp và trên giấy thiếu chữ ký nhái của người đề xuất cấp. Văn phòng chỉ lưu giữ hồ sơ căn nhà cùng số thuộc thửa 507”.
Ảnh minh họa
Vì sao có sự trùng số?
PV đã tìm gặp chủ căn nhà thuộc thửa 507 và được người này cho biết: “Nhà chúng tôi của cha mẹ để lại đã có từ lâu, có xin phép xây dựng và được quận cấp chủ quyền hợp pháp. Còn căn nhà trùng số kế bên mới được xây dựng khoảng hai năm nay”. Người này cũng rất ngạc nhiên không rõ vì sao căn nhà kế bên được cấp giấy chủ quyền sau lại trùng số với căn nhà của mình. Tuy nhiên, vì nhận thấy không bị ảnh hưởng gì nhiều nên họ không yêu cầu điều chỉnh. Với lại, có lần họ nêu thắc mắc với cán bộ phòng quản lý đô thị thì được giải thích “nhà nào bị cấp sai thì nhà đó tự đi điều chỉnh” (?).
Về phía mình, bà H. nói: “Tôi mua nhà vào năm 2010 và lúc mua thì nhà không có giấy tờ hợp lệ. Gần tết vừa qua, do công ty tôi kẹt vốn nên tôi có nhờ một người quen làm giúp giấy chủ quyền nhà với giá tiền 40 triệu đồng. Sau đó, tôi đã dùng giấy tờ này để vay tiền, mua bán. Khi nghe có chuyện giấy giả, tôi đã liên lạc với người làm giấy tờ nhưng họ tắt điện thoại, không thể liên lạc được…”.
Ông VH suýt bị lừa lần hai. Chỉ ít ngày sau kể từ khi ký hợp đồng mua nhà có giấy tờ giả của bà H., ông VH được biết bà L. đang rao bán một căn nhà tại ấp Đông 1, xã Thới Tam Thôn, huyện Hóc Môn. Đáng nói là giấy chủ quyền nhà này cũng giả mẫu giống như trường hợp của bà H. Bà L. cũng hẹn ông đến Văn phòng Công chứng Đ. để làm hợp đồng mua bán nhà với giá 700 triệu đồng. Do được ông cảnh báo nên văn phòng công chứng này đã báo công an xã đến đưa bà L. về trụ sở làm việc.
Hiện trên địa bàn huyện có hàng trăm trường hợp làm giả giấy tờ nhà đất để mua bán. Công an xã đã nhận được đơn tố giác của ông VH và có mời bà H. lên làm việc, đồng thời thu giữ giấy chủ quyền của bà. Có khả năng có một nhóm người chuyên làm giấy tờ giả để lừa gạt người dân. Sau khi hoàn chỉnh hồ sơ ban đầu, công an xã sẽ chuyển đến cơ quan điều tra công an huyện xử lý. Ông NGUYỄN VĂN BƠ, Trưởng Công an xã Thới Tam Thôn (huyện Hóc Môn) |